Làm sao để giảm số vụ đình công

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, theo đó, Thủ tướng yêu cầu giảm 50% vụ đình công trên khắp cả nước.

0:00 / 0:00

Thậm chí vị Thủ tướng còn nhận xét “nếu trực tiếp làm việc ở doanh nghiệp, tôi cũng ủng hộ đình công vì có nhiều doanh nghiệp đối xử với công nhân không đúng.”

Bóc lột - gốc của đình công

Một thực tế dễ nhận thấy là trong thời gian qua, tình trạng đình công của người lao động trên khắp cả nước không ngừng tăng lên theo cấp số nhân. Nếu năm 2009, tổng số vụ đình công cả nước chỉ là 219, thì năm 2010, tổng số vụ đình công tăng gấp đôi 424, và đến năm 2011, con số tiếp tục tăng hơn gấp đôi lên xấp xỉ 1,000 vụ. Những hệ luỵ nhãn tiền là thiệt hại về kinh tế cho cả doanh nghiệp lẫn xã hội, tình trạng trật tự an ninh và thậm chí là cả sinh mạng con người, như trường hợp chị Nguyễn Thị Liễu, người bị bảo vệ Công ty TNHH Gia Đức cán chết trong một lần đình công đòi cải thiện bữa ăn người công nhân hồi tháng 6 năm ngoái.

Theo thống kê, hơn 80% số vụ đình công hiện nay tại Việt Nam bắt nguồn từ lợi ích kinh tế, nhất là trong năm qua, lạm phát cao xấp xỉ 20%, giá cả leo thang, đời sống người lao động gặp rất nhiều vất vả, thì việc họ đấu tranh đòi hỏi quyền lợi là một phản ứng rất tự nhiên.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Minh Long, công ty luật Dragon, công ty đã từng bảo vệ cho nhiều thân chủ có tranh chấp lao động cho biết, bắt nguồn của những vụ đình công là do quyền lợi của người lao động bị xâm phạm và những cuộc đình công tại Việt Nam mang tính bột phát:

"Đình công, đầu tiên là quyền lợi bị xâm phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của họ, cho nên ban đầu họ phát sinh một cách bột phát."

Theo luật sư Long, thường trong những vụ đình công hoặc tranh chấp xảy ra thì phía bên người lao động hay bị thiệt thòi vì nhiều khi để có việc làm, người lao động chấp nhận một công việc mà không hiểu hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình, còn phía người chủ lại siết chặt vào những điều khoản ràng buộc khi ký kết:

Theo tôi chừng nào còn bóc lột thì còn đình công, nếu còn bóc lột thì đình công không thể tự nó hết bằng giải pháp pháp luật được. Cái gốc của nó là phải hạn chế bóc lột đến mức giảm thiểu nhất.

Ô. Nguyễn Văn Dũng

"Về đình công tại Việt Nam, ta phải xác nhận do pháp chế trong vấn đề vận hành giữa việc người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động bị hạn chế rất nhiều. Họ chỉ mong muốn sao cho mình xin được việc, họ không nghĩ đến ràng buộc của hai bên trong hợp đồng ra làm sao, thoả thuận như thế nào, khi xảy ra tranh chấp, thường là nó liên quan đến hợp đồng lao động. Chủ lao động bám theo những hợp đồng lao động để người ta siết chặt người lao động, hoặc người ta đưa ra những qui chế của công ty để người ta áp đặt."

Tuy nhiên, xét cho đến cùng của bản chất đình công, đó chính là sự bóc lột. Trong một lần trả lời trước đây với đài RFA, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dũng nhận xét:

"Theo tôi chừng nào còn bóc lột thì còn đình công, nếu còn bóc lột thì đình công không thể tự nó hết bằng giải pháp pháp luật được. Cái gốc của nó là phải hạn chế bóc lột đến mức giảm thiểu nhất."

Theo lời ông Dũng thì công đoàn không quan niệm đình công là bất hợp pháp mà công đoàn quan niệm đình công của công nhân diễn ra là không theo trình tự pháp luật. Vì theo ông Dũng thì nhiều cuộc đình công diễn ra, sau đó, doanh nghiệp đáp ứng ngay những yêu sách và đình công kết thúc. Cho nên, không thể gọi là bất hợp pháp mà ông sử dụng thuật ngữ đình công không theo trình tự pháp luật.
Có thể nói, trong quan hệ kinh tế, khi một bên lao động và một bên sử dụng lao động không tìm được tiếng nói chung, không đi đến một thoả thuận về tiền lương, thì những bất đồng dễ tích tụ và đình công xảy ra.

Cần một công đoàn mạnh

Diễn giải về cuộc sống tại Sài Gòn với mức lương khoảng 2 triệu đồng, một vị làm trong ngành nội thất cho chúng tôi biết về cuộc sống gói gọn trong hầu bao chưa đầy 100 đô la:

Tong-Lien-Doan-LD-VN-250.jpg
Tổng Liên Đòan Lao động Việt Nam trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. RFA photo (Tổng Liên Đòan Lao động Việt Nam trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. RFA photo)

"Nếu ở những thành phố lớn thì mức hai triệu đồng thì rõ ràng là chẳng thấm thía vào đâu cả. Bây giờ nếu một công chức đi làm lãnh lương hai triệu đồng thì giỏi lắm là cũng chỉ mới trang trải được tiền nhà, tiền điện, tiền nước mà thôi, còn chi phí cho việc ăn uống và những sinh hoạt khác thì rõ ràng là họ phải tìm những nguồn thu nhập khác để đắp vô khoản thu nhập đó để có thể tồn tại được. Chứ còn không có cách nào mà đủ – lương chỉ là phần cơ bản cho có gọi là có được chế độ lương hướng, ai cũng hiểu được chuyện đó."

Đó là với một người có mức lương 2 triệu, thế còn với giới công nhân thu nhập tháng chỉ khoảng 1,3 – 1,5 triệu thì khó khăn với họ còn gấp nhiều lần. Chưa kể người công nhân còn đối mặt với những chuyện như trả chậm tiền làm thêm, trả lương chậm, phụ cấp hay suất ăn và nhà ở chưa thoả đáng, khiến cuộc sống vốn kham khổ của họ càng cơ cực hơn nhiều lần.

Theo thống kê năm 2011 cho thấy, người lao động làm tại các doanh nghiệp vốn đầu tư của Đài Loan và Trung Quốc có tỷ lệ đình công cao nhất. Mặc dù không có số liệu cụ thể, nhưng nhiều báo chí thuật lại khẩu phần ăn của công nhân tại các khu chế xuất chỉ có vài miếng thịt mỡ lèo tèo, rau lác đác, canh thậm chí còn bị thiu thối. Người công nhân kêu than hoài không được nên phải đình công.

Các cuộc đình công nóng nhất là ở các khu dệt may hoặc da giày là nơi sử dụng nhiều lao động tay chân và đơn đặt hàng thường dồn dập theo mùa vụ. Những đòi hỏi về ăn ở không được đáp ứng mà chuyện làm thêm giờ hay tiền tăng ca đôi khi cũng bị “phớt lờ.” Vì thế, đình công của người công nhân chỉ là sự bất đắc dĩ, muốn tiếng nói và nguyện vọng của mình được lắng nghe và mong đảm bảo được những nhu cầu tối thiểu.

Công đoàn thực sự nắm được tình hình, nắm được pháp luật và yêu cầu của đoàn viên và có năng lực thương lượng, đưa ra các yêu sách về tiền lương thì nó sẽ không xảy ra đình công.

Ô. Nguyễn Văn Dũng

Để nhìn nhận đầy đủ về hiện tượng đình công, phải xét trên đủ 3 yếu tố: người lao động, người sử dụng lao động và công đoàn – bên đại diện hợp pháp cho người lao động. Do đó, để giải quyết tận gốc của vấn đề đình công, hay ít nhất là cố gắng giảm thiểu 50% những vụ đình công như lời Thủ tướng Dũng nói, thì ngoài chuyện hòa giải ích lợi kinh tế giữa bên người lao động và người sử dụng lao động như các quy định về tiền lương, chế độ làm việc, thì bộ máy công đoàn phải được cải tổ, không phải là hoạt động mang tính hình thức, một lần nữa, nguyên giám đốc Viện Công nhân công đoàn lên tiếng:

"Phải có một công đoàn mạnh. Công đoàn thực sự nắm được tình hình, nắm được pháp luật và yêu cầu của đoàn viên và có năng lực thương lượng, đưa ra các yêu sách về tiền lương thì nó sẽ không xảy ra đình công."

Hi vọng các tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, đứng về quyền lợi hợp pháp và chân chính của người lao động hơn, để con số không chỉ dừng lại ở 50% những vụ đình công được giảm thiểu mà quan trọng là làm sao chất lượng đời sống người công nhân được cải thiện, để người công nhân tin hơn vào một tổ chức đại diện cho giai cấp mình.

Opens in new window

Video: Người Việt khắp thế giới vận động cho Nhân quyền VNOpens in new window ]