Các dự án xây đập thủy điện đe dọa sông MeKong

Cuộc hội thảo về vấn đề sông Mekong và những ảnh hưởng của việc xây dựng đập thủy lợi của các nước lên sự phát triển của Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

0:00 / 0:00

Trở về từ Hà Nội, ông Timothy Hamlin, nhà nghiên cứu phụ trách chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, đã dành cho Khánh An của Đài chúng tôi cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này.

Ảnh hưởng hạ lưu sông Mekong

Trước tiên, ông Timothy Hamlin cho biết về cuộc hội thảo:

Tôi thuyết trình về những dự án xây đập thủy lợi của các nước Lào và Campuchia trên sông Mê Kông, rất nhiều trong số các công ty đầu tư vào dự án này là của Trung Quốc. Tất cả các dự án này vẫn còn đang trong kế hoạch, chưa được thực hiện. Bây giờ Trung Quốc đang xây một loạt các đập ở Vân Nam và những đập này có ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ lưu sông Mê Kông và cộng đồng cư dân ở đây.

Nếu nói riêng về các đập ở Vân Nam thì mối đe dọa lớn nhất cho Việt Nam là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 2 ảnh hưởng chính: thứ nhất là sự thất thường về thời điểm xảy ra bão lũ. Tôi muốn nói là họ không thể ngăn chặn bão lũ nhưng nó có thể xảy ra sớm hơn hoặc trễ hơn bình thường.

Khánh An: Và điều này sẽ mang lại những ảnh hưởng xấu cho Việt Nam?

Bây giờ Trung Quốc đang xây một loạt các đập ở Vân Nam và những đập này có ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ lưu sông Mê Kông và cộng đồng cư dân ở đây.

Ô. Timothy Hamlin

Ông Timothy Hamlin: Nó có thể làm thiệt hại mùa màng, đặc biệt là lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long vốn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Không những ảnh hưởng đến mùa màng, việc xây đập còn ảnh hưởng đến lưu lượng nước. Lượng nước có thể thay đổi nhiều hơn hoặc ít đi. Phía Trung Quốc nói rằng họ sẽ đưa nước về nhiều hơn trong mùa khô. Tuy nhiên, chúng ta chưa rõ đó sẽ là tác động tốt hay xấu đối với Việt Nam.

Khánh An: Ông vừa nói là lượng nước có thể nhiều hơn hoặc ít đi, ông có thể giải thích rõ hơn không? Tại sao chúng ta chưa thể biết những ảnh hưởng là tốt hay xấu?

Ông Timothy Hamlin: Là bởi vì họ (Trung Quốc) sẽ trữ nước ở phía thượng nguồn. Mục đích chính của Trung Quốc là sản xuất điện nên họ cũng phải xả nước ra sông vào mùa khô để phục vụ cho mục đích này. Cho nên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều nước hơn. Tuy nhiên, nông dân ở đây vốn quen thuộc với chu kỳ tự nhiên nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài lưu lượng nước, các đập thủy lợi còn làm ảnh hưởng đến phù sa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Như bạn đã biết, phù sa của khu vực này đến từ vùng Vân Nam. Tuy nhiên, khi các con đập được xây lên, chúng sẽ giữ lại rất nhiều lượng phù sa. Có thể điều này không xảy ra ngay lập tức nhưng trong vòng từ 15 – 30 năm nữa, đất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về chất lượng đất. Và như vậy, nông dân sẽ phải sử dụng nhiều hơn các loại phân bón hóa học và họ sẽ phải trả tiền nhiều hơn.

Đó là một trong những nguy cơ lớn nhất mà các đập thủy điện của Trung Quốc tác động đến Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay các dự án thủy điện của Lào và Campuchia đang được rất nhiều công ty xin đầu tư, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan và ngay cả 1 công ty từ Việt Nam. Điều này khá phức tạp. Nếu các đập này được xây lên, nó sẽ ảnh hưởng đến nghề cá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cá đánh bắt được sẽ ngày càng ít đi. Bởi vậy, khi nói đến các đập ở Vân Nam, có nghĩa là bạn nói đến những ảnh hưởng về trồng trọt, còn các con đập ở Lào và Campuchia sẽ tác động đến ngành đánh bắt cá.

dzachu250.jpg
Dòng Dzachu, phần thượng nguồn sông MêKông ở Tây Tạng. RFA PHOTO (Dòng Dzachu, phần thượng nguồn sông MêKông ở Tây Tạng. RFA PHOTO)

Khánh An: Vâng thưa ông, hiện nay có nhiều người cho rằng Trung Quốc đang thu thập tài nguyên trên thế giới để có thể sử dụng trong tương lai. Ông có nghĩ rằng Trung Quốc cũng sẽ làm điều này đối với tài nguyên nước?

Ông Timothy Hamlin: Tôi không tin là Trung Quốc đang cố gắng dự trữ nước hoặc có mục tiêu hàng đầu về chính trị khi xây đập thủy điện ở Vân Nam. Tôi nghĩ mục tiêu hàng đầu của họ là sản xuất điện. Thực sự ra, Trung Quốc đã đóng góp vào các chương trình sông Mê Kông. Đây là một bước khôn khéo và có ý nghĩa. Bởi vì Trung Quốc thừa hiểu một khi họ bắt đầu lấy nước từ sông Mê Kông, có nghĩa là họ bắt đầu gặp rắc rối lớn với những người láng giềng ở khu vực Đông Nam Á.

Tôi không thể nói cho bạn biết về suy nghĩ của chính phủ Trung Quốc nhưng theo các nghiên cứu mà tôi có được, cũng như việc tiếp xúc với nhiều người, kể cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc, thì Trung Quốc chưa có ý định tích trữ tài nguyên nước bởi vì sẽ rất nguy hiểm trong quan hệ với các nước cùng chia sẻ dòng sông Mê Kông.

Khánh An: Như vậy, theo kinh nghiệm cá nhân, ông đánh giá thế nào về khả năng các dự án đập thủy lợi trên sông Mê Kông sẽ được thực hiện?

Ông Timothy Hamlin: Rất khó nói. Tôi vừa đi dự hội nghị ở Viêng Chăn, Lào về. Đang còn rất nhiều tranh cãi xung quanh các dự án xây dựng đập thủy điện ở những nước này. Tuy nhiên, có vẻ như một số đập sẽ được xây dựng. Chỉ là đoán thôi, chứ tôi không chắc chắn. Theo các chuyên gia về nghề cá, Lào và Campuchia nên xây đập càng về phía Bắc càng tốt, ý tôi nói là phía Bắc của Viêng Chăn, thì sẽ giảm nhẹ các thiệt hại cho nghề cá.

Nhưng làm sao thuyết phục được Campuchia từ bỏ kế hoạch của họ, đó mới là vấn đề chính trị chính của các nước trong khu vực. Có thể là cùng chia sẻ điện hay có các giải pháp chính trị sáng tạo nào đó khác. Nhưng đây rõ ràng là một câu hỏi đang đặt ra cho các nhà làm luật và các nhà ngoại giao trong khu vực.

Khánh An: Vậy thì riêng Việt Nam có thể làm gì để cải thiện tình hình không, thưa ông?

Khi nói đến các đập ở Vân Nam, có nghĩa là bạn nói đến những ảnh hưởng về trồng trọt, còn các con đập ở Lào và Campuchia sẽ tác động đến ngành đánh bắt cá.

Ô. Timothy Hamlin

Ông Timothy Hamlin: Tôi nghĩ tốt nhất là Việt Nam nên tiếp tục làm việc với các nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Campuchia. Các nước nên hợp tác với nhau để đưa ra quyết định chung trong việc sử dụng dòng sông Mê Kông như thế nào để mang lại lợi ích cao nhất cho các bên. Chẳng hạn như Lào nên sử dụng dòng sông để có lợi cho tất cả các nước, chứ không phải chỉ riêng Lào. Việt Nam nên làm thế nào để thuyết phục Lào đừng đưa ra quyết định theo kiểu thắng – thua, mà làm sao để tất cả cùng thắng.

Còn về phía Trung Quốc, tôi nghĩ các nước tiểu vùng sông Mê Kông như Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia càng hợp tác với nhau để tìm các điểm lợi ích chung thì sẽ càng là một biện pháp hiệu quả để đối phó với Trung Quốc. Sức mạnh làm nên từ số đông.

Khánh An: Cám ơn ông Timothy Hamlin đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn trên.

Theo dòng thời sự: