Ý kiến về việc tuyển công chức ở Việt Nam?

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vừa ký quyết định cụ thể hóa chủ trương về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thông qua thi tuyển. Biện pháp đó được nói sẽ triển khai vào tháng 8 này.

Cách đây 2 tháng, trong một cuộc gặp gỡ giữa cấp lãnh đạo với các giám đốc Sở, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Bá Thanh đề cập đến việc cụ thể hóa chủ trương của Thành ủy về việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thông qua thi tuyển.

Bước đột phá

Vào ngày 15/8, Chủ tịch UBND TP. Đã Nẵng vừa ký Quyết định thông qua và tiến hành cho thi tuyển giám đốc Sở trong tháng 8 này. Trả lời câu hỏi của đài RFA tối 17/8 rằng có phải là dấu hiệu đổi mới lạc quan khi TP. Đà Nẵng bắt đầu tiến hành cho thi tuyển giám đốc Sở sau 6 năm triển khai thí điểm, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho biết:

GSTS Nguyễn Đăng Hưng

“Đúng vậy. Và tôi cũng rất vui là Đà Nẵng gần chỗ quê tôi có những bước đi rất là đột phá và đã có những sự chọn lựa phù hợp với tự nhiên của yêu cầu.”

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu lên ý kiến cho rằng với những chức vụ quan trọng như giám đốc thì cần phải qua tuyển lựa. Qua hình thức tuyển lựa như vậy sẽ tránh được những khó khăn đang tồn tại trong nền hành chính ở Việt Nam. Hiện nay, những người có thẩm quyền được chọn lựa bằng những hình thức theo cơ cấu đã và đang dẫn đến tình trạng người có chức vụ quan trọng lại không có đủ tài đức để hoàn thành tốt công tác. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh, nếu chính quyền tiến hành những phương thức tuyển dụng công chức một cách công khai và dân chủ thì rất đáng khích lệ. Người dân sẽ ủng hộ và nhiệt tình tham gia.

Còn nhiều việc phải lo

Dai-hoc-bach-khoa-250.jpg
Đại học Bách Khoa Hà Nội, ảnh chụp ngày 04-10-2011. RFA PHOTO.

Trong khi đó, dù báo chí loan tải tin tức về việc thi tuyển giám đốc Sở ở TP. Đà Nẵng nhưng dường như người dân không mấy quan tâm đến. Những người dân ở vùng biển Non Nước với nghề chính là ngư nghiệp nói gì trước tin tức có thể xem là điều đáng mừng ở địa phương nơi họ cư ngụ? Một người dân tên Sơn ở Đã Nẵng chia sẻ:

“Trước mắt, người dân của mình và bản thân mình rất không quan tâm đến điều đó và dường như có vẻ bàng quan. Bởi vì họ lo nhiều công việc khác hơn. Ví dụ như tình hình đất nước mình như thế nào và chủ yếu tập trung vào vấn đề họ rất lo sợ việc Trung Quốc đổ vô rất là nhiều ở Biển Đông. Họ lo sợ Trung Quốc đánh Việt Nam này kia, rồi người dân chết chóc, chiến tranh Biển Đông…Chứ họ không quan tâm đến vấn đề cải cách.”

Giám đốc Sở Nội Vụ TP. Đà Nẵng Đặng Công Ngữ cho báo giới biết điểm đáng chú ý trong lần thi tuyển công chức chính thức đầu tiên này là mở rộng cả đối tượng lẫn số lượng chức danh dự thi. Về đối tượng dự thi là công dân Việt Nam mở rất rộng kể cả những người công tác trong các tổ chức không thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Về chức danh dự thi thì chức danh cao nhất là giám đốc sở và tương đương so với chỉ thi tuyển cấp phó trong thời gian thí điểm.

Nội dung thi tuyển có tổng 100 điểm, 60 điểm thi trình bày đề án quản lý, phát triển cơ quan, đơn vị. 20 điểm thi viết và 20 điểm còn lại được cộng thêm dựa vào trình độ học vấn, nỗ lực phấn đấu của cá nhân, khen thưởng…

Hình thức cho có lệ

Trường Đại học Kiến Trúc ở Hà Nội. RFA photo.
Trường Đại học Kiến Trúc ở Hà Nội. RFA photo.

Cũng theo ông Đặng Công Ngữ thì chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo tuân theo nguyên tắc công khai, công bằng, cạnh tranh và bình đẳng. Tuy vậy, những trí thức trẻ tại Đà Nẵng mà đài chúng tôi tiếp xúc lại có cái nhìn không mấy lạc quan. Họ nêu lên rất nhiều nguyên nhân chứng minh cho việc họ không có niềm tin vào những kỳ thi tuyển như thế này. Nguyên nhân chính yếu là họ không có niềm tin mình sẽ trúng tuyển vì đối với họ kỳ thi tuyển công chức tại địa phương chỉ là một hình thức bày vẽ cho có lệ. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng không có gì ngạc nhiên trước những chia sẻ bi quan của tầng lớp thanh niên trí thức trẻ tuổi. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói:

Ô. Đặng Công Ngữ

“Tôi nghĩ là việc trí thức trẻ mất một ít, mất niềm tin về chính quyền thì đây là chuyện mà ai cũng biết. Nhưng mà tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền và những người có ý chí đổi mới và kiện toàn tiêu chuẩn của mình thì đó là một bước tiến cần thiết.

Tôi nghĩ rằng cái này cần thời gian để gây lại lòng tin. Không thể một sớm một chiều lòng tin mất đi rồi sẽ có trở lại. Tôi nghĩ như vậy lần lần sẽ đem lại sự hứng khởi cho lớp trẻ. Vì họ thấy qua việc cố gắng học hành của họ, họ cũng có tương lai, có những vị trí để có thể cống hiến và đóng góp.”

Không chỉ riêng TP. Đà Nẵng mà còn có nhiều địa phương khác trong cả nước cho tiến hành thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính. Tuy là một bước đột phá trong việc cải tổ cơ chế hành chính ở Việt Nam nhưng điều mà người dân trông đợi không phải là những cuộc thi tuyển sẽ được rầm rộ tổ chức khắp mọi nơi. Việc thi tuyển để chọn lựa đúng người đúng việc, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội thì chắc chắn sẽ được đón nhận.

Theo dòng thời sự: