Trong chương trình âm nhạc cuối tuần phát thanh tối ngày 14/7 về chủ đề những ca khúc phổ thơ nổi tiếng. Chúng tôi đã trích đăng ý kiến của nhạc sĩ Đăng Khánh vì sao các nhạc sĩ lại lựa chọn những bài thơ khác nhau để phổ nhạc, điều gì lôi cuốn và hấp dẫn các nhạc sĩ khi “dệt” nhạc vào thơ.
Và hôm nay, chương trình âm nhạc được hân hạnh tiếp chuyện với nhạc sĩ Đăng Khánh để nghe ông chia sẻ về những kinh nghiệm và kiến thức khi phổ nhạc cho một bài thơ. Trước hết, nhạc sĩ Đăng Khánh cho biết những điểm khác biệt giữa việc phổ nhạc cho một bài thơ và tự tay người nhạc sĩ viết cả lời lẫn nhạc cho một bài hát.
Nhạc phổ thơ không đơn giản
Nhạc sĩ Đăng Khánh:Để có một bản nhạc hay phổ từ một bài thơ hay là một việc làm tỉ mỉ và khó khăn. Khó khăn hơn là việc mình tự sáng tác ra một bản nhạc cả lời lẫn nhạc. Có nhiều không để ý điều này, khi thấy một bài thơ mình thích, cầm lên đọc, ngân nga vài câu lên bổng xuống trầm khi nhanh, khi chậm là đã có cảm giác mình làm xong một bản nhạc, thực ra thì đó mới chỉ là xướng lên giai điệu có sẵn trong một bài thơ, nhất là thơ lục bát của Việt Nam chúng mình.
Nếu có nhiều người cùng phổ nhạc cho một bài thơ lục bát thì sẽ có rất nhiều phần trăm là các bài có giai điệu gần giống như nhau. Vì khi đọc hay xướng lên bài thơ đó thì vần điệu đã có sẵn trong bài thơ rồi, nhiều khi người nhạc sĩ chỉ ghi xuống giai điệu đã có sẵn ở trong đó và giá trị của bản nhạc lúc đó sẽ xuống thấp lắm, chỉ còn khoảng 20 – 30% thôi là bởi vì cả ca từ và giai điệu đều đã có sẵn của người thi sĩ cài sẵn trong bản nhạc rồi. Đó là một trong những điểm khó, bởi vì nếu không để ý và tránh thì mình sẽ vấp phải lỗi đó.
Ngoài ra, còn có những quy luật khác khi “dệt” nhạc của mình vào một bài thơ. Một trong những kỹ thuật cần thiết phải biết là các sử dụng các thang âm khác nhau để diễn tả tâm tình hay cốt truyện ở trong bài thơ đó. Tôi lấy thí dụ thế này, nếu tôi phải phổ một bài thơ tình thật lãng mạn cho một cô gái thiếu nữ thành thị sống ở Sài Gòn, Hà Nội, Paris hay DC chẳng hạn, thì tôi sẽ dùng một thang âm Tây Phương, thất cung 7 nốt. Nếu anh gặp cô gái ấy ở miền thượng du Bắc Việt, thì bản thân tôi chắc chắn sẽ dùng thang âm 5 nốt ngũ cung, ngũ cung Bắc Á, ngoài phía Bắc Việt Nam. Thang âm ngũ cung Bắc Á này cùng gốc với thang âm Mông Cổ.
Để có một bản nhạc hay phổ từ một bài thơ hay là một việc làm tỉ mỉ và khó khăn. Khó khăn hơn là việc mình tự sáng tác ra một bản nhạc cả lời lẫn nhạc.
Nhạc sĩ Đăng Khánh
Trường hợp thứ ba, nếu cô gái sống ở Cao Nguyên trung phần, ở Pleiku, Dalak, Radhe chẳng hạn, thì tôi sẽ phải sử dụng thang âm ngũ cung Tây Nguyên là Chàm Radhe cùng gốc với thang âm Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cùng hết, nếu một cô gái viết bài thơ là người Mỹ đen ở miền Nam New York, thì tôi lại phải sử dụng thang âm blue 6 nốt để phổ một bài theo điệu blue jazz.
Đấy là một trong những yếu tố cần thiết để phổ nhạc cho một bài thơ. Thang âm là điều đầu tiên để xác định ngôn ngữ của nhân vật, rồi sau đó là những kỹ thuật khác để diễn tả tâm tình vui buồn, khổ đau, cay đắng hay là những tâm tư đen tối, sa đọa tù đày ở bên trong suy nghĩ của người viết bài thơ đó. Nếu tất cả những điều trên đây, ở trong âm nhạc, ở trong văn hóa của mình tuôn ra thì nó dễ, còn so với việc mình phải dệt nhạc của mình vào một bài thơ có sẵn, mà phải theo những quy luật hay kỹ thuật cần có để có một tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì nó khó hơn.
Xin quay lại với nhạc sĩ Đăng Khánh, khi chúng tôi hỏi ông liệu những bài thơ trúc trắc, không theo vần điệu thì người nhạc sĩ sẽ gặp khó khăn gì khi đưa nhạc của mình vào bài thơ và việc chọn lựa của người nhạc sĩ khi giữ nguyên tác một bài thơ hay phải đổi lời một số đoạn trong bài thơ khi phổ nhạc. Nhạc sĩ Đăng Khánh chia sẻ tiếp:
Nhạc sĩ Đăng Khánh:Như anh Vũ Hoàng mới nói là khó khăn nhưng thật ra nó lại có ưu điểm trong một bài thơ không có những thể điệu đã cài sẵn trong đó, thí dụ như những bài thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú chẳng hạn thì nó có vần điệu sẵn trong đó rồi, cho nên nếu mình phổ nhạc bài thơ đó, mình phải tìm cách thoát ra khỏi vần điệu đó vì mình muốn âm nhạc của mình cài vào hay dệt vào trong bài thơ đó, chứ mình không muốn mượn giai điệu có sẵn trong bài thơ đó để làm ra một nhạc phẩm vì hóa ra đó là nhạc phẩm của ông thi sĩ đó với cả lời lẫn nhạc hay sao.
Những bài thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú chẳng hạn thì nó có vần điệu sẵn trong đó rồi, cho nên nếu mình phổ nhạc bài thơ đó, mình phải tìm cách thoát ra khỏi vần điệu đó vì mình muốn âm nhạc của mình cài vào hay dệt vào trong bài thơ đó, chứ mình không muốn mượn giai điệu có sẵn trong bài thơ đó
Nhạc sĩ Đăng Khánh
Thực ra, những bài thơ ít vần điệu, có sự trúc trắc ở trong đó, nếu mình khắc phục được nó, để mình chuyển vần điệu của mình vào, chuyển giai điệu của mình vào và áp dụng được những quy luật của âm nhạc để cho nó có một bản nhạc có giá trị. Một bản nhạc có giá trị là một bản nhạc có đầy đủ giai điệu hay nhưng quy luật phải đúng, phân câu phải đúng… Trong trường hợp đó, mình phải có sự phấn đấu với bản nhạc đó thì đó là ưu điểm để mình phát huy được âm nhạc riêng của mình dệt vào trong bài thơ.
Thành ra, riêng cá nhân tôi thích chọn lựa, nếu mình yêu thích một bài thơ mà mình định phổ nhạc, thì tôi muốn chọn lựa những bài không có vần điệu cài sẵn, tức là những bài thơ tự do, những bài thơ trúc trắc, nhưng không thể là trúc trắc quá, vì nếu vậy, thì mình sẽ phải đổi quá nhiều lời của mình.
Cho nên, việc phổ nhạc cho một bài thơ, trên nguyên tắc là mình không giữ nguyên bài thơ được, vì nếu muốn cho đúng vần điệu, hay nói cho đúng là đúng là đúng cấu trúc một bản nhạc, thì có những chỗ không thể bẻ theo âm điệu cài sẵn trong bài thơ, hay độ dài ngắn có sẵn trong bài thơ, mà mình phải tự tạo ra phần giai điệu của mình. Do đó, phải đổi cả lời và chữ trong một vài chỗ và không làm sai ý của bài thơ, để bài nhạc của mình, nó là một bài thơ phổ nhạc của mình chứ không phải là đọc lên bài thơ của thi sĩ.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn nhạc sĩ Đăng Khánh