"Đào Café" sản phẩm nổi tiếng Đông Nam Á

Không thể nói chính xác từ lúc nào, có thể hơn một thập niên rồi, Đào Hương, sau này là Đào Café, đặc biệt sản phẩm cà phê hoà tan màu sắc trang nhã và hương vị đậm đà, trở thành quen thuộc với người sành điệu ở Thái cũng như ở Lào.

0:00 / 0:00

Người thích dùng cà phê có thể tìm thấy những quán Đào Café ở Bangkok của Thái Lan hoặc ở Vientiane, Paksé và Savanakhet bên Lào.

Khởi sự từ hai bàn tay trắng

Nhưng ít có ai biết người mang nặng đẻ đau ra Đào Hương rồi Đào Café là bà Lê Thị Lượng, tên Lào Leuang Litđàng, người đàn bà Huế khiêm tốn và giản dị mà Thanh Trúc được phép gọi là cô Lượng:

"Tôi có con gái tên Hương, lúc kiếm tên đặt cho công ty thì có người bạn góp ý là lấy tên Đào Hương, Đào Hương vào với nhau thì bên Việt mình dịch ra là công ty Sao Sáng, tên Lào thì Đào Hương cũng là Sao Sáng."

Dù thành công vượt bực trong nghề kinh doanh cà phê, cô Lượng không hề quên những ngày tháng nghèo khổ vất vả nhưng tràn đầy kỷ niệm:

Bà Lê Thị Lượng cũng có tên Lào Leuang Litđàng. RFA
Bà Lê Thị Lượng cũng có tên Lào Leuang Litđàng. RFA (RFA)

"Tôi mơ ước một cuộc sống giản dị, nhưng mà tới ngày nay tôi thấy tôi từ từ làm ra như vậy tôi không biết phải là tôi không nữa. Tâm tư tôi lúc nào cũng muốn cuộc sống bình thường. Tôi muốn có một người chồng công chức, muốn có một đàn con rồi mình là người mẹ người vợ lo cho chồng cho con. Tôi chỉ ao ước vậy thôi chứ không nghĩ mình làm ăn buôn bán lớn đâu. Tiền bạc tôi cũng chả dư bao nhiêu, vốn không có, làm gì tôi cũng phải đi vay đi mượn hết."

Đó là tâm sự đầu tiên của người phụ nữ có nguồn gốc ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế, được coi là giỏi giang và quán xuyến không ngờ trong kinh doanh ở Paksé và Vientiane:

"Ba mẹ tôi hồi qua Lào thì chưa lấy nhau, trốn đói trốn nghèo qua Lào, định cư tại Paksé. Hồi đó nghèo lắm, ông là người đi xe trâu, chở thuê cho người ta. Khi tôi được sáu tuổi thì ông thích về quê, hồi nớ làm ăn cũng khá rồi, ông không thích ở Lào ông nói chừ bán hết để về quê. Mẹ tôi không chịu về thành mới ở lại Paksé."

Lớn lên cũng đi tự lập nhưng mà cũng thất bại nhiều lắm. Bán bún bán cháo,làm đủ mọi thứ, thịt trâu thịt bò.Thậm chí ở Paksé đi gánh nước thuê, đi giặt ủi áo quần thuê.

Cô Lượng

Từ nhỏ tới lớn, cô Lượng làm đủ mọi nghề, làm thuê làm mướn, bán đủ loại hàng, chuối nướng bắp nướng, chuối chiên khoai chiên. Cô bán cho học trò tại những trường học ở Paksé.

"Lớn lên cũng đi tự lập nhưng mà cũng thất bại nhiều lắm. Bán bún bán cháo, làm đủ mọi thứ, thịt trâu thịt bò .Thậm chí ở Paksé đi gánh nước thuê, đi giặt ủi áo quần thuê. Cuối cùng làm ăn không khấm khá tôi mới lên Vientiane ở. Lên Vientiane tôicũng bán bún cà ri, bán bánh khọt, làm bánh champagne, bánh gai. Tôi thích học làm bánh và thích nghề may. Bán hàng xong có tiền thì tôi đi học nghề may. Học may thì qua Bangkok học, xong về thì tôi mở cửa hàng tạp hóa cho em út bán.

Cuối cùng sau một thời gian Việt Nam sang đông thì lại buôn bán với người Việt Nam ở Vientiane thì tôi bắt đầu có tiền. Có tiền thì giúp gia đình, lo cho người này người kia .Tới lúc lập gia đình thì bao nhiêu quán hàng ở Vientiane là tôi giao cho em tôi hết, vốn liếng bao nhiêu tôi giao cho hắn rồi tôi với ông xã tôi về lại Paks é ở. Ông xã tôi là một bác sĩ ở bệnh viện tỉnh Paksé. Thời gian đó tôi có nghề làm bánh làm mứt, nuôi con nói chung là thoải mái."

Ý nghĩ đã giúp được cho gia đình và em út có công ăn chuyện làm khiến , cô Lượng cảm thấy yên lòng và không nghĩ ngơi xa hơn.

Trở thành đại gia cà phê

Học may thì qua Bangkok học, xong về thì tôi mở cửa hàng tạp hóa cho em út bán. Cuối cùng sau một thời gian VN sang đông thì lại buôn bán với người VN ở Vientiane thì tôi bắt đầu có tiền.

Cô Lượng

Đến thời điểm giữa thập niên 80 trở về sau thì:

"Bắt đầu 82 , 83, 84, tự dưng từ đâu không biết kéo tới làm cho mình buôn bán, từ đó trở đi là cứ gởi hàng về cho em út bán. Đưa đẩy tới lúc ai cũng nói chị làm xuất nhấp khẩu được đó, chị nên mở công ty đi. Tôi nói tôi không có vốn, không có trình độ, không có học thức làm sao làm xuất nhập khẩu được. Nhưng họ cứ xúi tôi mở công ty thì tôi bắt đầu mạnh dạn mở công ty nhập hàng Thái về bán."

Đây cũng là lúc cơ duyên đưa đẩy cô Lượng bước vào ngành kinh doanh cà phê:

Các công xưởng cà phê của cô Lượng đã và đang xây cất ở Paksé, Vientiane, Savanakhet...RFA
Các công xưởng cà phê của cô Lượng đã và đang xây cất ở Paksé, Vientiane, Savanakhet...RFA (RFA)

"Nhập hàng về bán thì chính phủ Lào nói phải có xuất khẩu, có xuất nhập thì mới có ngoại tệ đi mua hàng được. Khi đó tôi đi mua cà phê để xuất, để có tiền và có con số ngoại tệ vào, để chính phủ biết mình có xuất và nhập hàng cho dễ."

Sau một thời gian, được góp ý là mua nhiều cà phê chi bằng tự mình trồng tự mình sản xuất thì hay hơn, cô Lượng khởi sự trở thành người trồng cây cà phê trên đất Lào:

"Tôi bắt đầu đi kiếm đất, đầu tư một số vốn lớn. Hồi đó làm ăn khá thì tôi có tiền, tôi đầu tư hai triệu đô để trồng cà phê.

Mới trồng năm đầu thì bị sương muối chết hết, nhưng mà tôi kiên trì lắm, thua keo này tôi bày keo khác, có kinh nghiệm rồi bây giờ trồng lại mới."

Không phải mọi chuyện đều thuận lợi lúc đầu, cô Lượng đã phải chịu nhiều lỗ lã trong nhiều năm trước khi vườn cà phê sinh lợi và trở nên nổi tiếng nhờ sản phẩm sạch, phẩm chất tốt. Với cô, đó là công lao và tinh thần đồng cam cộng khổ của đồng hương từ Việt Nam sang:

Tôi bắt đầu đi kiếm đất, đầu tư một số vốn lớn. Hồi đó làm ăn khá thì tôi có tiền, tôi đầu tư hai triệu đô để trồng cà phê.

Cô Lượng

"Vì tôi thuê người bên Việt Nam sang chăm sóc, người Việt giỏi về trồng trọt , thành công ty tôi và vườn của tôi nổi tiếng là cà phê tốt, được chăm sóc kỹ, đạt năng suất và được coi như vườn cà phê mẫu.

Nhờ những người Việt Nam lên gắn bó với vườn của tôi. Họ làm rất tốt, cơm no áo ấm, nuôi con họ đi học ở Việt Nam được, họ sống họ gắn bó với tôi coi như mười mấy năm. Họ chỉ bỏ công và tôi làm thì tôi ăn chia cho họ."

Đồn điền cà phê của cô Lượng , người Lào gọi là Ban Houimakchanh, cách thành phố Paksé của tỉnh Paksé hơn 60 kilômét:

"Vườn Houimakchanh của tôi ở đó là 300 hectares, một ngàn mấy mẫu đó. Làm cực lắm, năm đầu năm hai và ba quả thì thu bói, đến năm thừ tư thì thu quả nhưng chưa biết làm mấy nên không có lãi mà còn lổ vốn nữa. Qua năm thứ năm thứ sáu thì bắt đầu có lãi chút chút. Tới bây giờ coi như mười ba năm tôi trồng cà phê thì tôi lại trồng đợt mới, đợt cũ coi như cắt hết để trồng đợt hai lên. Bây giờ mình có kinh nghiệm rồi thành cái vườn cà phê của tôi rất tốt, xuất sắc hơn những vườn cà phê khác.

Các loại càphê xuất khẩu của Dao Coffee. RFA
Các loại càphê xuất khẩu của Dao Coffee. RFA (RFA)

Trồng cà phê xong là tôi bắt đầu xuất khẩu cà phê xanh, hạt xanh, bán đi nước ngoài, Châu Âu vào mua nhiều lắm, Việt Nam cũng sang mua, Thái cũng sang mua. Tôi cũng bán cho Pháp và Đức, cuối cùng là bán cho Nhật."

Từ công ty Đào Hương nổi danh tới những sản phẩm và những cửa hiệu Đào Café nổi tiếng, cô Lượng trở thành khuôn mặt phụ nữ thành đạt của nước Lào. Sắp tới, thêm một nhà máy chế biến cà phê hòa tan, cà phê rang xay của Đào Café sẽ được khánh thành tại Paksé:

"Coi nh ư kinh doanh cà phê này là kinh doanh khép kín, toàn bộ làm từ A tới Z luôn, không bỏ khâu nào hết.

Bây giờ tôi đang làm một nhiệm vụ rất lớn ở Lào là là tôi thu mua của dân. Tôi đưa giống cho dân trồng, giúp cho họ trồng rồi tôi thu mua rồi xuất khẩu cho Nhật.

Còn tiệm cà phê Đào của mình là phải tự trang trí lấy, phải dạy cho người ta chế biến ra nữa, Vientiane, Paksé Savanakhet đều có hết. Cà phê của tôi có chất lượng vì hoàn toàn không pha hóa chấ t dùng giống cà phê tốt, đưa vào rang xay rất sạch sẽ. Tôi tin rằng trong tương lai cà phê của tôi sẽ còn đi xa nữa."

Và như hai đầu một con đường dài sẽ nối lại với nhau thành vòng tròn toàn hảo, con người thành đạt Lê Thị Lượng tức Leuang Litdang, đến lúc phải dừng lại, phải nghĩ hưu mà thôi. Cô Lượng nghĩ gì và chuẩn bị những gì cho ngày thảnh thơi còn lại đó:

"Bây giờ tôi đi tìm mấy người bạn cũ để nương nhau, đi đâu cũng có nhau. Tôi không có bạn mới, bạn là đại gia tôi không có đâu, bạn tôi toàn là bạn nghèo hết.

Tôi thích sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu với thời nghèo khổ, tôi muốn trở lại cuộc đời tôi như vậy thôi."

Ước mơ của cô Lượng, doanh nhân Lào gốc Việt rất thành công ở Paksé cũng như Vientiane và cả Bangkok, đã khép lại câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay.

Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị thứ Năm tuần tới.

Theo dòng thời sự: