Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear, vừa có cuộc gặp gỡ với cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon, miền Nam California vào sáng Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013.
Lắng nghe VN
Đại sứ David Shear mở đầu cuộc tiếp xúc bằng cách khẳng định "Tiếng nói của cộng đồng người Mỹ gốc Việt cực kỳ mạnh mẽ. Chúng tôi lắng nghe tiếng nói của quý vị từ Hà Nội, và người dân ở Việt Nam cũng lắng nghe tâm tư đó. Đây là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi lắng nghe quý vị một cách rất nghiêm túc."
Trước đông đảo cử tọa, đại sứ Shear trình bày bốn mục tiêu chính của Hoa Kỳ trong mối quan hệ với Việt Nam, đó là quan hệ về mặt kinh tế-thương mại, quan hệ về ngoại giao và an ninh khu vực, quan hệ về giáo dục-y tế-môi trường, và cuối cùng là đối thoại nghiêm khắc và mạnh mẽ về nhân quyền." Ông cho rằng "nhân quyền là điều không tách rời được với ba mục tiêu còn lại."
Về kinh tế, vị đại sứ cho biết, "Trong năm qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên đến con số là 25 tỉ đô la" và "Hoa Kỳ có nhiều sự đầu tư trực tiếp vào Việt Nam."
Nếu Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, còn gọi là TPP (Trans-Pacific Panership) giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các quốc gia khác ở Thái Bình Dương được ký kết thì Hoa Kỳ sẽ gia tăng xuất cảng vào Việt Nam.
Trong mối quan hệ về ngoại giao và an ninh khu vực, theo Đại sứ Shear, “Vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là mối liên hệ giữa các quốc gia trong vùng Đông Nam Á cũng như sự hiện diện của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ hiện quan tâm đến vấn đề Việt Nam đang phải đối diện với các diễn tiến xảy ra ở khu vực Biển Đông.” Ông nói:
Chúng tôi lắng nghe tiếng nói của quý vị từ Hà Nội, và người dân ở Việt Nam cũng lắng nghe tâm tư đó. Đây là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi lắng nghe quý vị một cách rất nghiêm túc.<br/>-Đại sứ David Shear <br/>
“Chúng tôi rất quan tâm và lo ngại về mức độ căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông. Chúng tôi cũng cực kỳ quan ngại nếu bất cứ nước nào đang khẳng định chủ quyền trên Biển Đông lại sử dụng đến vũ lực. Chúng tôi muốn các nước ASEAN cùng thương thuyết để giúp giải quyết những sự khác biệt, và nếu như không giải quyết được thì chúng tôi muốn những sự khác biệt phải được khống chế. Hoa Kỳ không ủng hộ sự khẳng định chủ quyền của riêng nước nào trên vùng biển này cả. Tôi nghĩ tuần tới đây, Tổng Thống Obama cũng sẽ nói như vậy với chủ tịch Tập Cận Bình khi hai người gặp nhau tại California.”
Theo ông đại sứ, Biển Đông là một đường hàng hải chiến lược và không chỉ có Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề này mà nhiều nước cũng có cùng mối ưu tư đó như Úc, Nhật, và Nam Hàn.
Trong khi đó, mối quan hệ hợp tác về mặt quân sự giữa Mỹ và Việt Nam diễn ra rất hạn chế, chỉ mới dừng lại ở việc cứu hộ trên biển hoặc tìm kiếm người bị mất tích trong các trường hợp xảy ra thiên tai mà thôi.
Về mặt giáo dục, y tế và môi trường, đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho hay hiện có 15,000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ.
Ông nhìn nhận, "Những việc mà chúng tôi đang cố gắng hết sức để làm trong lãnh vực nhân quyền không là gì so với những đóng góp của hơn 15,000 sinh viên du học này khi họ trở về Việt Nam trong vòng 15 đến 30 năm sắp tới."
Trong lãnh vực y tế và sức khỏe, Hoa Kỳ cũng đóng góp rất nhiều trong việc cung cấp thuốc men và các phương tiện nhằm giúp phòng ngừa HIV, cúm gia cầm, cũng như một số bệnh tật khác.
Đại sứ David Shear cho biết nhà nước Việt Nam đang rất quan tâm đến việc địa cầu đang bị hâm nóng và những ảnh hưởng của nó đến vấn đề môi sinh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Theo ông, "Sông Cửu Long đang bị tấn công vừa từ phía các đập thủy điện ở thượng nguồn, vừa bị ảnh hưởng của việc địa cầu đang nóng dần lên khiến dòng sông bị ô nhiễm, nước biển dâng cao khiến đất canh tác bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nhiều đến môi sinh."
Vấn đề nhân quyền
Về vấn đề nhân quyền, đại sứ nói ông khẳng định với tất cả mọi nhà lãnh đạo Việt Nam rằng đó là vấn đề quan trọng nhất đối với Hoa Kỳ. Ông cho rằng, "Tôi đã nói điều đó với chủ tịch Sang, tôi nói với thủ tướng Dũng, tôi nói với tổng bí thư Trọng, tôi nói với Bộ trưởng ngoại giao Minh, tôi nói với tất cả những người Việt Nam mà tôi có cơ hội trò chuyện."
"Chúng tôi không chỉ nói về vấn đề nhân quyền mà chúng tôi còn có những hành động cụ thể, như yêu cầu họ phải thả những nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù, kêu gọi nhà nước Việt Nam phải tôn trọng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp của người dân Việt Nam. Và chúng tôi đã có những thành công nhỏ bước đầu thể hiện qua việc yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, hay tháng Giêng vừa qua họ cũng đã phải thả luật sư Lê Công Định."
Đại sứ Hoa Kỳ nhắc lại rằng "Đó chỉ là một số thành công mang tính khiêm nhường, rất giới hạn, chính vì thế mà chúng ta vẫn còn phải làm việc rất nhiều cho mục tiêu này. Muốn vậy, cần phải có sự lên tiếng từ phía cộng đồng người Mỹ gốc Việt."
<br/>Chúng tôi không chỉ nói về vấn đề nhân quyền mà chúng tôi còn có những hành động cụ thể, như yêu cầu họ phải thả những nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù, tôn trọng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng của người dân Việt Nam. <br/>-Đại sứ David Shear
Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục nêu lên vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam "vì đất nước Hoa Kỳ có ưu thế để đưa ra những vấn đề này."
Có nhiều câu hỏi được các cử tọa đưa ra cho Đại Sứ David Shear chủ yếu đề cập đến quan điểm của Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Ðông, giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa khối ASEAN và Trung Quốc, vấn đề tự do nhân quyền cho các nhà bất đồng chính kiến, ý muốn đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (Countries of Particular Concern). Đặc biệt nhiều người tỏ ra khá quan tâm đến việc cấp visa vào Mỹ sau khi một viên chức từng làm việcở Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn bị bắt vì ăn hối lộ hàng triệu đô để bán visa nhập cảnh Hoa Kỳ. Trả lời cho câu hỏi này, Đại Sứ Shear nói rằng "Vấn đề giả mạo visa là vấn đề nghiêm trọng, vì thế khi sự việc được phát hiện thì nó được giải quyết một cách nhanh chóng. Tôi không nghĩ là vấn đề này có ảnh hưởng đến chuyện cấp hay từ chối visa vào Mỹ trong tương lai."
Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Đại Sứ David Shear với cộng đồng Việt Nam tại khu vực Little Saigon kể từ khi ông nhậm chức vào Tháng Tám, năm 2011.