Lộng hành trong các vụ cưỡng chế đất
Người chết tên Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, ngụ tại xóm 2 thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ông Hùng vừa tắt thở lúc 4 giờ sáng ngày 26 tháng 1, tức mùng 4 Tết âm lịch sau khoảng hơn 3 tuần cầm cự. Vợ ông Hùng, bà Thân Thị Bình cho biết tình trạng của ông trước khi chết:
“Ông bị đánh từ hôm chính quyền đến cưỡng chế đất. Từ đó ông không ăn được. Ngủ thì ít mà không ăn được, thỉnh thoảng lại ho ra máu, đi tiểu ra máu. Ông đi lại được nhưng ông đi xa được”.
Theo lời người dân ở đây thuật lại, cách đây khoảng 3 tuần, rất nhiều cảnh sát, dân phòng và cán bộ xã, huyện được trang bị dùi cui và chó săn đến thực hiện cưỡng chế đất. Một người dân nơi đây cho biết diễn biến của đợt cưỡng chế:
Ông bị đánh từ hôm chính quyền đến cưỡng chế đất. Từ đó ông không ăn được. Ngủ thì ít mà không ăn được, thỉnh thoảng lại ho ra máu, đi tiểu ra máu. Ông đi lại được nhưng ông đi xa được
Vợ ông Hùng
“Tôi cũng là một trong những người bị cưỡng chế. Lúc khoảng 6 giờ 30 sáng hôm 23 tháng 12 năm ngoái thì lực lượng cưỡng chế đến và lấy đất. Chúng tôi đem cờ và ảnh Bác Hồ ra để có tính biểu tượng và hy vọng là họ sẽ sợ. Nhưng họ không sợ. Họ dồn hết dân vào, ai chống cự thì bị đánh. Họ xé ảnh, xé cờ. Họ thả chó săn đuổi dân. Vừa công an, vừa dân quân tự vệ…”
Đợt cưỡng chế đầu tiên vào ngày 23 tháng 12 năm 2011. Ngày 10 tháng 1 vừa qua là đợt cưỡng chế đất lần hai ở đây.
Theo bà con nơi đây, chính quyền không thực hiện họp dân, cũng không đọc lệnh cưỡng chế trong hai lần cưỡng chế trên. Hầu hết bà con nơi đây sống bằng nghề nông hoặc làm thuê nên không đồng ý với việc cưỡng chế. Theo bà Bình, từ 10 ngày nay, tất cả mấy trăm hộ bị mất đất trong thôn ngày nào cũng thay nhau kéo lên tỉnh biểu tình nhằm phản đối lại việc cưỡng chế.
Ông Nguyễn Văn Hùng và bà Thân Thị Bình có ba người con, trong đó có một người đang nhập ngũ, nhưng chỉ có khoảng 4 sào đất để canh tác. Cho đến đợt cưỡng chế lần hai vừa qua, gia đình đã bị lấy 1 sào đất.
Trong lần cưỡng chế đầu tiên, xót của, ông Hùng xông ra ngăn cản chính quyền và bị đánh. Người dân nơi đây cho biết:
“Anh Hùng đã nhào ra giữ ruộng thì bị nhiều người vào đánh đập đến hộc máu mồm. Tất cả chúng tôi đều trông thấy”.
Theo nguồn tin RFA nhận được, ngoài ông Hùng, còn có 3 người khác nữa bị đánh, trong số họ có hai người trên 60 tuổi, cũng là dân bị mất đất trong đợt cưỡng chế.
Sau khi bị đánh, vì gia đình nghèo túng nên ông Hùng không được đưa đi bệnh viện và chết tại nhà vào sáng sớm nay. Bà Thân Thị Bình cho biết:
“Gia đình nghèo túng, lại không có bảo hiểm. Nhà có vài tạ thóc, nếu bán thì không có gì ăn cho nên không đưa ông đi bệnh viện mà mua thuốc dán cho ông”.
Anh Hùng đã nhào ra giữ ruộng thì bị nhiều người vào đánh đập đến hộc máu mồm. Tất cả chúng tôi đều trông thấy
Một người dân
Được biết, phía chính quyền đã có trưởng thôn và bí thư xã Tiền Phong đến chia buồn cùng gia đình:
“Họ có đến và chỉ động viên tinh thần thôi chứ cũng không thấy nói giúp đỡ”.
Khi được hỏi chia sẻ của gia đình về việc cưỡng chế cũng như cái chết của ông Hùng, bà Bình cho biết:
“Gia đình rất bức xúc nhưng không kêu được vì thấp cổ bé họng. Chỉ biết nhờ các nhà báo và pháp luật mà thôi”.
Dự kiến, ông Hùng sẽ được chôn cất vào ngày mai.
Cũng cần nói thêm, theo báo Dân Việt, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã có hàng trăm ha đất giải phóng mặt bằng 10 năm nay nhưng đều để hoang và không xây dựng công trình mới. Tuy nhiên, “vừa qua UBND tỉnh vẫn quyết định thu hồi thêm hàng chục ha đất hai vụ lúa để xây dựng nhà máy sản xuất gạch”, theo tờ báo này.
Dự án này của công ty Thạch Bàn, đã được cấp giấy phép chứng nhận đần tư. Và UBND huyện Yên Dũng đã 2 lần tổ chức cưỡng chế thu hồi đất cho dự án này.
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Nguyễn Thế Cường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn cho biết vì đất đã giải phóng tuy bị bỏ hoang nhưng giá cao nên phải lấy đất trồng lúa của bà con nơi đây để “giá thành rẻ hơn”. Ông này cũng cho biết, Tỉnh cũng đã đồng ý đề xuất này của công ty Thạch Bàn.