Nợ nước ngoài cao ảnh hưởng xóa đói giảm nghèo

Sau nhiều năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định ở mức trung bình 7%, và lạm phát duy trì ở mức 1 con số, Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây đang phải đối mặt với những bất ổn về kinh tế do lạm phát leo thang và nhất là gánh nặng nợ quốc tế đang tăng.

0:00 / 0:00

Điều này có ảnh hưởng thế nào đối với cam kết xóa đói giảm nghèo và đảm bảo quyền con người của Việt Nam?

Nguy cơ tái nghèo

Lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá liên tục trong suốt hơn một năm qua đang làm cho chị Lâm Thị Suôl phải đau đầu tính toán từng đồng chi tiêu mỗi ngày. Là chủ một hiệu làm đầu nhỏ dành cho người có thu nhập thấp ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, khi kinh tế cả nước lao đao, chị Suôl nằm trong số rất nhiều người dân Việt Nam đầu tiên cảm nhận được những khó khăn.

“2 năm nay rồi, nó không ổn định. Ngày xưa mình mướn nhà thì tiền nhà rẻ một chút, giờ giá lên thì tiền nhà lên, cái gì cũng lên hết. Mà làm không được như ngày xưa nữa, như mấy năm trước. Đồ mình thiếu, làm qua làm lại, rồi mình mắc nợ, vì tiền nhà không đủ. Cái gì cũng lên, điện nước, vì giờ đồng tiền rẻ quá.”

Vật giá tăng, đồng tiền mất giá là phần nổi của tảng băng mà những người dân như chị Suôl có thể cảm nhận. Nhưng đứng về phương diện của cả nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng nợ nước ngoài lớn và thâm hụt thương mại tăng cao.

sua-xe-dap-250.jpg
Một người đàn ông sửa chữa xe đạp ở trung tâm thành phố Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2010. AFP Photo/Hoang Dinh Nam.

Những con số thống kê gần đây cho thấy hiện Việt Nam nợ nước ngoài khoảng 29 tỷ đô la, chiếm 40% GDP, trong khi đó thâm hụt thương mại năm 2010 vào khoảng 12 tỷ đô la và có xu hướng tăng vào năm nay.

Điều này đã khiến cho các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc phải lo ngại. Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc là ông Cephas Lumina nói rằng "trong bối cảnh nợ nước ngoài tăng, và Việt Nam phải trả một khoản nợ hơn 1 tỷ đô la bao gồm cả lãi vào năm nay, việc đánh giá những ảnh hưởng của gánh nợ này lên việc đảm bảo thực hiện các quyền con người và mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam là hết sức quan trọng."

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện nghiên cứu phát triển cho rằng, gánh nặng nợ tăng có thể khiến nhiều người bị tái nghèo:

“Gánh nặng nợ tăng lên một cách đáng lo ngại và tất cả những điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuyện Việt Nam thực hiện cam kết thiên niên kỷ. Có thể một loạt những người đã vượt qua ngưỡng này, thì với tình hình biến động có thể sẽ bị thụt xuống, đang từ hết ngưỡng nghèo thì bị đói nghèo trở lại.

Có thể một loạt những người đã vượt qua ngưỡng này, thì với tình hình biến động có thể sẽ bị thụt xuống, đang từ hết ngưỡng nghèo thì bị đói nghèo trở lại.

TS Nguyễn Quang A

Đó là những lo ngại chính đáng của những người ở Liên Hiệp Quốc, và đó là những vấn đề nhức nhối của xã hội và chính phủ Việt Nam phải hết sức quan tâm.”

Việt Nam là nước được Ngân hàng thế giới đánh giá cao về các thành tựu xóa đói giảm nghèo trong các năm qua. Năm 1993 Việt Nam có khoảng 58% dân số còn nghèo đói, nhưng đến năm 2010 chỉ có khoảng 10% dân số còn nghèo đói.

Tuy nhiên trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và nghèo đói, bà Magdalena Sepulveda đã bày tỏ quan ngại:

“Mặc dù có những tiến bộ, Việt Nam vẫn còn nhiều người sống dưới mức nghèo đói và không được hưởng lợi gì từ những phát triển kinh tế mà đất nước đã đạt được.
Đối với người thiểu số, tôi thấy họ chiếm khoảng 13% dân số Việt Nam nhưng lại chiếm 40% số người sống ở mức nghèo khổ. Đây là điểm đáng báo động. Rõ ràng là các biện pháp giảm nghèo mà chính phủ đang áp dụng đã không đến được với người thiểu số.”

Mục tiêu thiên niên kỷ

un-millenium-2010-250.jpg
Toàn cảnh Hội Nghị Cấp Cao Về Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, ngày 20 tháng 9 năm 2010. AFP Photo/Emmanuel Dunand.

Gánh nặng nợ nước ngoài đã khiến nhiều quốc gia châu Phi và châu Á trước đây phải sử dụng một phần lớn thu nhập để trả nợ và phải cắt giảm các khoản chi cho các chương trình quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ điển hình là vào năm 2005, số tiền mà Kenya phải trả nợ đã ngang bằng khoản tiền đầu tư vào đường xá, nước sạch, y tế và nông nghiệp. Còn Indonesia thì phải dùng đến gần 25% ngân sách để trả nợ, tương đương khoảng 4 lần chi tiêu cho y tế và giáo dục.

Để đánh giá về những ảnh hưởng của gánh nặng nợ quốc gia và thâm hụt thương mại ảnh hưởng lên cam kết đảm bảo việc thực hiện quyền con người và mục tiêu thiên niên kỷ, ông Cephas Lumina đã có chuyến thăm 9 ngày đến Việt Nam vào cuối tháng 3 vừa qua. Kết thúc chuyến thăm, ông Lumina đã ca ngợi Việt Nam trong lĩnh vực phát triển con người, đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển quốc gia.

Tuy nhiên, ông Lumina cho rằng với khoản nợ nước ngoài của Việt Nam đang tăng khoảng 4% mỗi năm, thì dù mức nợ vẫn ở giới hạn cho phép, việc tăng nợ cũng đang tạo thêm gánh nặng lên chính phủ trong việc trả các khoản nợ và có thể dẫn đến việc cắt giảm các khoản chi cho các chương trình xã hội.

Đó là tiếp cận với vệ sinh, nước sạch, đó là một trong những mục tiêu mà rất tiếc Việt Nam sẽ không đạt được theo thời hạn.<br/>

Ô. Cephas Lumina

Ngoài ra ông Lumina cũng chỉ ra những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Một trong số đó là việc quá lệ thuộc vào nguồn vốn vay phát triển ODA của nước ngoài. Ông nói rằng trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc nâng thu nhập đầu người từ 390 đô la vào năm 2000 lên 1,200 đô la vào năm 2010, tạo ra hơn 7 triệu việc làm. Điều đáng chú ý là phần lớn các thành tựu này đạt được lại nhờ vào nguồn vốn ODA. Chỉ riêng năm ngoái nguồn vốn ODA đã chiếm gần 11% tổng đầu tư xã hội và 17% ngân sách quốc gia.

Với việc Việt Nam gia nhập các quốc gia có thu nhập trung bình, các khoản vay ưu đãi như ODA sẽ bị giảm sút đáng kể và điều này có thể ảnh hưởng đến các chương trình xã hội mang tính quốc gia của Việt Nam.

Theo chuyên gia độc lập Magdalena Sepulveda thì Việt Nam có thể đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015, nhưng có một số mục tiêu khác sẽ không thể được:

“Tất cả các đánh giá đều cho thấy là Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí trong MDG, điều này cho thấy Việt Nam đã làm khá tốt trong việc đạt được MDG.

Tôi cũng phải nói là có vài tiêu chí trong MDG mà họ vẫn chưa đạt được và còn có nhiều vấn đề. Đó là tiếp cận với vệ sinh, nước sạch, đó là một trong những mục tiêu mà rất tiếc Việt Nam sẽ không đạt được theo thời hạn. Một mục tiêu thứ hai họ cũng không đạt được đó là tỷ lệ tử vong khi sinh vẫn còn cao.”

ban-hang-ganh-250.jpg
Người gánh hàng rong đi ngang qua một cửa tiệm sang trọng ở Hà Nội. AFP Photo.

Rõ ràng là để duy trì được những thành tựu đã đạt được trong việc xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, chính phủ Việt Nam phải đặt trọng tâm vào việc ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian trước mắt.

Vào đầu năm nay chính phủ Việt Nam đã đưa ra mục tiêu kéo mức lạm phát xuống 1 con số và đạt mức tăng trưởng 7 đến 7,5% trong năm nay. Đây là điều mà nhiều người hy vọng nhưng cũng còn khá nhiều người khác hoài nghi. Hy vọng và hoài nghi cũng là suy nghĩ của chị Suôl. Chị nói không biết rồi mai mốt thế nào, thôi thì cứ cố được ngày nào tốt ngày đấy.

Theo dòng thời sự: