Sự giả dối không ở đâu xa

Sau khi một video clip tung ra cho thấy thí sinh thoải mái quay chép bài thi tại một phòng thi thuộc tỉnh Bắc Giang với sự tiếp sức của giám thị gác thi đã khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi.

0:00 / 0:00

Thoải mái quay cóp

Trong tài liệu dùng cho họp báo ngày 4/6/2012 báo cáo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Có thể khẳng định, tuy còn một số hạn chế, thiếu sót nhưng nhìn chung Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 với những điều chỉnh hợp lí đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội và được tổ chức đúng kế hoạch, diễn ra bình thường, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”.

Báo chí đăng tải kết luận này chưa ráo mực thì một video clip xuất hiện cho thấy nhiều phòng thi của tỉnh Bắc Giang đã xảy ra cảnh thí sinh thoải mái quay bài, chuyền tay cho cả phòng thi những bài giải được ném vào từ bên ngoài mà người ném các phao thi này lại là giám thị gác thi. Hình ảnh này ngay lập tức dấy lên một luồng sóng bất bình trong dư luận và một lần nữa vấn đề học và thi lại được đặt ra.

Báo chí ghi nhận không riêng gì tỉnh Bắc Giang mới có tình trạng giám thị bao che cho thí sinh mà hầu như khắp cả nước phòng thi nào cũng trắng xóa những phao thi đã được sử dụng. Từ Lạng Sơn cho tới Cà Mau, hàng trăm bài phóng sự điều tra cho thấy kỳ thi năm nay thật sự là một lễ hội của quay cóp và thí sinh nào mặt mày cũng hớn hở ra về vì không em nào bỏ bài thi như những năm trước.

Bên cạnh đó, một câu chuyện trớ trêu khác là đề thi văn năm nay lại phù hợp với bối cảnh gian lận trong thi cử một cách kỳ lạ. Với yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Hầu hết các em đều làm bài rất nhanh và đạt yêu cầu. Sau khi nộp bài, các em cho biết đề thi năm nay thật hay và phù hợp với suy nghĩ của các em trong tình trạng xã hội hiện nay. Một học sinh trả lời báo Tuổi trẻ rằng “Nội dung trong câu hỏi này rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày và em rất dễ tìm dẫn chứng nên em làm rất nhanh”.

Câu trả lời khiến cho nhiều người trách nhiệm quan tâm. Các em học sinh đã nói lên sự thật về những gì các em nghĩ, trong khi giới chức giáo dục vẫn còn chìm đắm trong tháp ngà thành tích. Học và thi trên con lộ cũ mòn đã và đang tiêu diệt nhiều thế hệ. Số điểm mà các em nhận được không nói lên nhận thức của chính các em nhưng là chiếc gương soi thành tích của giáo viên, trong đó không hiếm điều dối trá.

GS Trần Ngọc Thêm Trưởng bộ môn Văn hóa học ĐHQG-TPHCM cho biết nhận định của ông về căn bệnh thành tích mà nhiều chục năm qua đã ăn sâu vào hệ thống:

"Tình hình đó nói chung phản ảnh căn bệnh thành tích. Mấy năm trước đây khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng Giáo dục thì ông ấy đã phát động chống bệnh thành tích nhưng sau đó cũng lập lại như cũ. Tôi nhớ dạo đó ngay trong chuyện chống bệnh thành tích cũng là chạy theo bệnh thành tích! Tức là người ta muốn tỏ ra mình không theo bệnh thành tích bằng cách hạ các thứ thấp xuống và sau đó quay trở lại nâng thành tích cao lên.

Đặc biệt ở hệ thống phổ thông nó có nguyên nhân rất phức tạp và rất khó chữa. Mấu chốt của nó mang tình vĩ mô mà một trong những điều quan trọng nhất là đồng lương. Trên giấy tờ đồng lương danh nghĩa nó không tương xứng với sức lao động bỏ ra."

Trên nhiều tờ báo, sau khi kỳ thi chấm dứt cả thầy lẫn trò đều tỏ ra phấn khởi vì các đề thi quá dễ cho các thí sinh. Hình ảnh tươi vui của các em làm người ta vui lây nhưng sau những nụ cười ấy không khó nhận ra còn nhiều điều cần phải suy nghĩ.

Bệnh thành tích

Học sinh một trường trung học ở Sài Gòn
Học sinh một trường trung học ở Sài Gòn (Học sinh một trường trung học ở Sài Gòn )

Bất cứ cuộc thi nào cũng lấy sự khó khăn làm thước đo giá trị của thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp là cách đánh giá sự học của từng em sau những năm mài miệt dưới ghế nhà trường. Kết quả cuộc thi phản ảnh sự cố gắng của các em đến mức nào và nhận thức bài học của các em có đủ để làm hành trang bước vào cấp học cao hơn hay không, chứ không phải là một sự trả bài lấy có để cả thầy lẫn trò thở phào trút được gánh nặng chỉ tiêu.

Thầy cô giáo bị cuốn theo bánh xe thành tích mà cấp trên đã giao và vì vậy họ phải ngày đêm cùng với học sinh của mình nhai cho thật kỹ những bài thi vô bổ cho kiến thức, miễn sao vượt được con số mà Sở Giáo dục đưa ra. Tình trạng này dẫn đến việc thầy ném bài thi cho học trò tại Bắc Giang là điều tất yếu. Nó cũng cho thấy đề thi môn văn về thói giả dối mang tính dự báo cao đến nỗi xảy ra ngay trong chính môi trường giào dục chứ không phải đâu xa. Nhận xét về việc này GS Trần Ngọc Thêm cho biết:

"Hiện nay chất lượng giáo dục là điều nhức nhối nhất ở tất cả các cấp, từ cấp phổ thông lên đến đại họ. Khi giáo dục như vậy thì đầu ra nó quan trọng không những chỉ là kiến thưc bởi vì khi thầy dạy theo kiểu chạy theo thành tích như vậy, thầy cô nào cũng phải cố gắng giúp cho học sinh của mình có điểm cao nên nó kéo theo nhiều thứ khác nữa. Học sinh theo một mẫu nhất định mà không được sáng tạo. Tất nhiên với cách dạy như thế thì kiến thức theo mẫu không phải lúc nào cũng hợp lý. Cái quan trọng nhất là phẩm chất của con người thì không được coi trọng. Do thiếu kém sáng tạo, tính sáng tạo đã yếu kếm từ thầy rồi vì đã dạy theo một mẫu nào đó có sẵn. Phải dạy theo mẫu đó thì học sinh của mình sẽ được điểm cao, có khi nó chả hiểu nó đang nói cái gì!

Kèm theo đó nguy hiểm hơn cả là căn bệnh giả dối và đối phó. Đây là điều hết sức nguy hiểm khi mà con người mất đi phẩm chất rất quan trọng là sự trung thực. Tôi lo lắng nhất hiện nay tình trạng đối phó và dối trá đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội."

Một cuộc thi mà kết quả của nó không nói lên được mục đích cũng như giá trị thật của thí sinh thì việc tổ chức chỉ cốt phần trình diễn. Nó gây tổn hại không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức lẫn tiền bạc cho toàn xã hội để chỉ đạt một mục đích duy nhất là báo cáo thành tích cho nhau.

Nên bỏ kỳ thi THPT?

Học sinh một trường trung học ở Hà Nội giờ tan trường. RFA photo
Học sinh một trường trung học ở Hà Nội giờ tan trường. RFA photo (Học sinh một trường trung học ở Hà Nội giờ tan trường. RFA photo)

Chỉ báo cáo thành tích cho nội bộ của nhau vì xã hội thật sự không cần có cuộc thi này. Học sinh tốt nghiệp phổ thông không thể trông cậy kết quả của kỳ thi để làm chiếc cầu nối bước vào đời khi cả nước biết rõ giá trị thật của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hàng năm như thế nào.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại cha đẻ của mô hình trường Thực nghiệm cho biết ông đã từng đề nghị Quốc hội bỏ hẳn kỳ thi vô ích này nhiều lần nhưngkhông được đáp ứng, ông nói:

"Nên bỏ hẳn, ý kiến của tôi là bỏ hẳn. Tôi đã đề nghị từ Quốc hội khóa trước nhưng không được. Lúc ấy anh Nguyễn Văn An là chủ tịch Quốc hội ngồi cùng tôi một buổi chiều anh ấy nhận là bỏ hai cái: bỏ thi tiểu học và trung học cơ sở nhưng vẫn còn giữ lại trung học phổ thông.

Theo tôi bây giờ nên bỏ trung học phổ thông vì không còn cần thiết nữa. Nó khác 100% với đại học. Cái bằng cấp phổ thông không là cái gì cả. Hai nữa đó là nghĩa vụ của Đảng và chính phủ đối với nhân dân cho nên không nên thi cử gì nữa vì không phải là chuyện gì quan trọng lắm, nên bỏ đi.

Bởi vì lợi ích cơ bản là kiến thức có ích cho trẻ con chứ không phải có ích cho người quản lý. Nếu nội dung có lợi cho trẻ con thì nó sẽ chấp nhận còn không có lợi cho nó thì nó bỏ. Bởi vì khái niệm lợi ích họ không quan tâm. Họ không quan tâm đối với lợi ích của trẻ con mà họ quan tâm đến lợi ích khác bên ngoài cái lợi ích của trẻ.

Đại học là chuyện khác còn phổ thông lại là một chuyện khác, hai cái đó cư xử hoàn toàn khác nhau. Giáo dục phổ thông thì đúng rối nhưng nói giáo dục đại học thì không phải! Đại học là đại học chứ không giáo dục gì hết! Giáo dục xong ở phổ thông rồi sang đại học thì học nghề và lo làm việc. Đã là công dân hơn 18 tuổi rồi thì giáo dục gì nữa? Đấy chỉ là khái niệm chứ là một thuật ngữ thì không đúng."

Mỗi năm một lần kỳ thi tốt nghiệp phổ thông diễn đi diễn lại tiến trình dạy và học thi, ôn thi, phao thi và cóp chép khiến người trong cuộc là phụ huynh, giáo viên, và học sinh như quay cuồng với những điều vô ích nhưng không biết làm cách nào để thoát ra cái vòng bất hợp lý này.

Cả xã hội phải chạy theo vở diễn vừa hài hước vừa phi lý. Không ai được lợi từ cuộc thi ngoại trừ một số rất ít nằm trong hệ thống. Con số đó tuy ít nhưng quyền lực chắc chắn không ít, nếu không thì tại sao kỳ thi này vẫn xuất hiện bất kể dư luận phản đối và kêu ca mỗi năm?