ICJ yêu cầu Campuchia và Thái rút quân khỏi Preah Vihear

Sau khi Campuchia yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) giải thích vùng đất bên cạnh ngôi đền Preah Vihear có thuộc Campuchia hay không, ICJ ra lệnh cho hai nước rút quân ra khỏi khu vực tranh chấp trong khi chờ phán quyết.

0:00 / 0:00

Phản ứng của Campuchia

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong trả lời cuộc phỏng vấn của Đài truyền hình trong nước từ Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vào chiều thứ Hai, 18/7 rằng Campuchia hài lòng với quyết định của ICJ cũng như việc thiết lập một vùng phi quân sự quanh đền Preah Vihear vì Campuchia đạt được một trong hai mục tiêu chính của mình. Việc Tòa án Công lý Quốc tế ra lệnh yêu cầu Thái Lan rút quân ra khỏi khu vực đang có xung đột đồng nghĩa mục tiêu ngừng bắn vĩnh viễn mà Campuchia đặt ra đã đạt được.

Ông Hor Namhong nhấn mạnh hai bên có thể thỏa thuận cho phép các quan sát viên Indonesia tới khu vực tranh chấp, nơi mà phía Campuchia mong muốn có quan sát viên trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa ngừng các hoạt động xâm lăng của Thái Lan.

Trước đó, Chánh án của Tòa án Công lý quốc tế ông Hishashi Owada đọc quyết định ban đầu rằng cả hai bên cần phải rút ngay quân đang đóng tại khu vực phi quân sự tạm thời và hạn chế sự hiện diện quân sự trong vùng đó.

Trong một bản thông cáo báo chí ra cùng ngày, Tòa án Công lý quốc tế yêu cầu Thái Lan không gây cản trở tới việc tự do tham quan đền Preah Vihear của phía Campuchia, hoặc ngăn cản việc Campuchia cung cấp lương thực cho các nhân viên phi quân sự tại đó.

Tòa án Công lý quốc tế đồng thời thúc giục Campuchia và Thái Lan nên tiếp tục phối hợp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhằm đạt được một thỏa thuận cho phép các quan sát viên tới vùng phi quân sự tạm thời quanh đền Preah Vihear. Bản thông cáo còn nhấn mạnh cả hai bên cần hạn chế bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng tranh chấp hay làm cho vấn đề khó giải quyết hơn trước khi Toà án giải thích phán quyết.

Phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ông Phay Siphan cho rằng Campuchia hoàn toàn ủng hộ quyết định của ICJ. Quyết định này đã hoàn toàn đáp ứng được nguyện vọng của Campuchia nhằm biến khu vực đền Preah Vihear thành một khu vực hòa bình với sự hiện diện của các quan sát viên ASEAN để đảm bảo một thoả thuận ngừng bắn. Theo ông, quyết định này chứng minh rằng Campuchia có quyền đầy đủ để quản lý khu vực quanh đền Preah Vihear.

Ông nói rằng, trước đây, Thái Lan từng cảnh cáo và yêu cầu các quan chức cấp cao của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) phải xin phép Thái Lan trước khi đến thăm hay làm việc tại ngôi đền này, tuy nhiên sau khi có quyết định trên phía Thái Lan sẽ không còn quyền hạn can thiệp.

Theo ông Phay Siphan, Thái Lan lại thất bại lần hai sau khi nước này thất bại trong việc ngăn chặn không cho UNESCO chấp nhận kế hoạch quản lý đền Preah Vihear. Khu vực phi quân sự là nguyện vọng của Thủ tướng Campuchia. Do đó, viêc ICJ quyết định bác bỏ yêu cầu của Thái Lan không xem xét những đòi hỏi của Campuchia là một thành công khác.

Chính phủ Campuchia hy vọng Chính phủ Thái Lan sẽ tuân thủ quyết định của ICJ. Chính phủ Campuchia kêu gọi các quan sát viên Indonesia đến thực hiện nhiệm vụ của họ càng sớm càng tốt tại khu vực phi quân sự tạm thời theo thỏa thuận của các nước thành viên ASEAN và quyết định của Tòa án Công lý quốc tế. Campuchia sẵn sàng chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các quan sát viên Indonesia đến giám sát tại khu vực.

Phản ứng của Thái Lan

000_Hkg1770123-250.jpg
Một người lính Campuchia (T) bắt tay với một người lính Thái Lan (P) dọc theo biên giới Campuchia-Thái Lan gần ngôi đền Preah Vihear ngày 18 tháng 10,năm 2008. AFP photo (Một người lính Campuchia (T) bắt tay với một người lính Thái Lan (P) dọc theo biên giới Campuchia-Thái Lan gần ngôi đền Preah Vihear ngày 18 tháng 10,năm 2008. AFP photo)

Phản ứng trước quyết định của ICJ, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya cho biết ông hài lòng vì Tòa án không thực hiện theo yêu cầu của Campuchia rằng Thái Lan đơn phương rút quân khỏi khu vực tranh chấp. Ông Kasit nói rằng bản thỏa thuận giữa Campuchia – Thái Lan – Indonesia về việc chấm dứt xung đột biên giới sẽ không còn giá trị sau khi có quyết định của Tòa án Công lý quốc tế, tuy nhiên ông hoàn toàn ủng hộ Indonesia đưa nhóm quan sát viên đến khu vực xung đột để chấm dứt cuộc nổ xúng giữa binh sĩ Campuchia – Thái Lan.

Ông Kasit còn cho biết ông đã gọi cho Thủ tướng Abhisit để nói về quyết định của Tòa án. Phía Bộ Ngoại giao sẽ hợp tác với Bộ Quốc phòng về vấn đề này. Phó tổng thứ ký của Bộ đang họp với ASEAN, cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Marty, Chủ tịch ASEAN để nói về vấn đề quan sát viên.

Còn Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nói với báo chí rằng quyết định của Tòa án Công lý quốc tế sẽ không làm ảnh hưởng tới chủ quyền Thái Lan và ông tin rằng quyết định này sẽ làm giảm căng thẳng.

Báo Bangkok Post phát hành hôm thứ ba, 19/7 dẫn lời ông Abhisit rằng quyết định này là một biện pháp tạm thời. Quyết định này không có một cam kết ràng buộc ảnh hưởng tới chủ quyền Thái Lan, đồng thời không đặt Thái Lan vào thế bất lợi. Vẫn theo ông Abhisit, việc rút quân không phải là một bước đi đơn giản vì có những thủ tục và việc này đòi hỏi công tác phòng chống xâm nhập. Ông kêu gọi chính phủ Campuchia cũng phải rút quân ra khỏi đền Preah Vihear và chùa Keo Sikha Kiri Svarak.

Cũng liên quan quyết định của ICJ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bà Heide Bronke Fulton nói nói với hãng tin AFP rằng Hoa Kỳ kêu gọi Campuchia và Thái Lan tiếp tục đối thoại trong khi kiềm chế tối đa nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp giữa hai nước và tăng cường ổn định trong khu vực. Bà Fulton cũng bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực của Indonesia, nước hiện đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, nhằm làm trung gian hoà giải cho hai nước thành viên trong khối ASEAN.

Quyết định của Tòa án Công lý quốc tế được đưa ra sau yêu cầu cấp thiết của Campuchia vào ngày 28/4/2011 với nội dung đề nghị Tòa làm rõ phán quyết năm 1962, đề nghị Tòa ra lệnh cho Thái Lan rút quân và chấm dứt hoạt động quân sự quanh đền Preah Vihear, một di sản văn hóa Thế giới. Tòa án cũng sẽ tiếp tục đưa ra giải thích về phán quyết năm 1962 trong vài tháng tới.