Campuchia: phe đối lập biểu tình đòi bầu cử tự do và công bằng

Nghe bài nàyOpens in new window ]

Sáng ngày 20 tháng 5, có khoảng 5 ngàn thành viên thuộc Đảng Cứu Quốc được hình thành từ đảng đối lập Sam Rainsy và đảng Nhân quyền tổ chức cuộc biểu tình diễu hành trên đường phố tại thủ đô Phnom Penh. Mục đích để kiến nghị thư kêu gọi Cộng đồng quốc tế can thiệp để được bầu cử tự do và công bằngx

Kêu gọi quốc tế giám sát bầu cử

Vấn đề thành phần của Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) là những thành viên thuộc đảng đang cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen, một lần nữa bị phe đối lập tổ chức biểu tình phản đối.

Những người tham gia biểu tình đòi NEC cần được sửa đổi ngay trước cuộc bầu cử Quốc hội để bảo đảm sự công bằng, đó là nhân sự trong Ủy ban phải làm việc độc lập và danh sách người đi bầu phải được công bố rõ ràng.

Cảnh sát chặn đường, xô đây Dân biểu đối lập trên đường diễu hành sáng đến kiến nghị thư LHQ và Châu Âu ngày 20/5/2013. (Photos: Quốc Việt/RFA)
Cảnh sát chặn đường, xô đây Dân biểu đối lập trên đường diễu hành sáng đến kiến nghị thư LHQ và Châu Âu ngày 20/5/2013. (Photos: Quốc Việt/RFA) ((Photos: Quốc Việt/RFA))

Các lãnh đạo đảng đối lập kéo đoàn biểu tình về văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ để kiến nghị ông Surya Subedi là báo cáo viên đặc biệt LHQ và Đại diện Cộng đồng Châu Âu ở giữa thủ đô Phnom Penh, bất chấp sự ngăn cản, chặn đường, xô đẩy của hàng trăm cảnh sát. Nội dung thư, đề nghị cải tổ Ủy ban bầu cử quốc gia; công nhận kết quả của các tổ chức giám định công tác lập danh sách cử tri đã tìm thấy mất tên hơn một triệu cử tri.

Ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch Đảng Cứu Quốc là người dẫn đầu đoàn biểu tình phát biểu với phóng viên Quốc Việt rằng phe đối lập thúc giục chính phủ cho phép ông Sam Rainsy trở về Campuchia một cách vô điều kiện và đảm bảo an toàn để có thể tham gia bầu cử. Ngoài ra, còn đòi chính phủ đảm bảo phe đối lập có thể tiếp cận công bằng với phương tiện truyền thông.

Ông Kem Sokha nói thêm: "Trong lúc chúng tôi chờ đợi Cộng đồng quốc tế gây sức ép lên chính phủ, chúng tôi cũng sẽ tham gia bầu cử. Nhưng sau cuộc bầu cử, nếu tình trạng bầu cử diễn ra không công bằng và tự do, chúng tôi sẽ kêu gọi Cộng đồng quốc tế phủ nhận kết quả bầu cử và không công nhận chính phủ mới. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình phản đối…"

Cuộc biểu tình được tổ chức chỉ sau một ngày có mặt của báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc tại Campuchia là ông Surya Subedi. Ông Subedi từng phát biểu tình trạng chiếm đất sẽ tác động đến chính trị. Ông cũng khuyến nghị chính phủ cải thiện thành phần của NEC.

Lãnh đạo Đảng Cứu Quốc kéo đoàn biểu tình diễu hành kiến nghị thư lên LHQ và Cộng đồng Châu Âu ở Phnom Penh ngày 20/5/2013.Photos Quốc Việt/RFA
Lãnh đạo Đảng Cứu Quốc kéo đoàn biểu tình diễu hành kiến nghị thư lên LHQ và Cộng đồng Châu Âu ở Phnom Penh ngày 20/5/2013.Photos Quốc Việt/RFA (Photos Quốc Việt/RFA)

Tuy nhiên Tổng thư ký của NEC là ông Tep Nitha cho rằng Quốc hội đã thông qua thành phần của NEC. Các cuộc biểu tình của phe đối lập chỉ thể hiện quyền bày tỏ ý kiến.

Vào ngày 21/3, viện Dân chủ Quốc gia về các vấn đề Quốc tế (NDI) đã đưa ra báo cáo sau thời gian giám định công tác lập danh sách cử tri rằng kết quả kiểm toán cử tri đăng ký bầu cử nhiệm kỳ V đã có 10,8% cử tri được đăng ký nhưng không tìm thấy tên trong danh sách bầu cử. Còn Ủy ban Bầu cử tự do và Dân chủ (COMFREL) tìm thấy mất tên 1.250.000 cử tri.

Theo NEC, sẽ có khoảng 9.670.000 người tham gia bầu cử Quốc hội khóa V vào ngày 28/7/2013. Tham gia tranh cử Quốc hội lần này chỉ có 8 đảng trong tổng số 42 đảng đăng ký hoạt động tại Bộ Nội vụ.

Trong cuộc bầu cử năm 2008, đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã giành được 90 trên tổng số 123 ghế trong Quốc hội; đảng Sam Rainsy nắm 26 ghế còn đảng Nhân quyền có 3 ghế.