Cải cách dân chủ ở Miến
Chánh phủ dân sự lên cầm quyền từ tháng 3 năm nay quyết định ân xá, thả hàng ngàn tù nhân, kể cả một số chính trị phạm, đồng thời chấp nhận cho giới chính trị đối lập tham gia vào cuộc tuyển cử quốc hội trong tương lai. Bài học dân chủ hóa đó có hy vọng đến với người dân Việt Nam hay không?
Vào đầu thập niên 60, Miến Điện là một trong những quốc gia khép kín, tự cô lập mình với thế giới bên ngoài, giới cầm quyền đều là cấp tướng lãnh, mọi tiếng nói đối lập, mọi phong trào đấu tranh, nhóm sắc tộc ly khai, đòi hỏi dân chủ, tự do đều bị dập tắt bằng súng đạn, bạo lực và nhà tù.
Mới đầu tháng 12 vừa qua, cả thế giới đều chăm chú theo dõi chuyến thăm của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, lần đầu tiên đến Miến Điện trong vòng hơn 50 năm qua.
Theo các tổ chức nhân quyền quốc tế và các nhà đấu tranh Miến Điện lưu vong thì chánh phủ Miến Điện xác nhận đã trả tự do cho gần 200 tù chính trị, tuy nhiên đây là một con số quá nhỏ so với tổng số tù nhân lương tâm và nhân vật bất đồng chính kiến còn bị ngồi tù khắp cả nước này, ước tính lên đến vài ngàn người.
Về phần tổng thống Miến Điện, ông Thein Sein tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, họp tại Bali, Indonesia vào tháng 11 vừa qua rằng, chuyến viếng thăm lịch sử của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là sự chúc phúc cho đất nước của ông.
Mặt khác, các nhà lãnh đạo ASEAN tại cuộc họp thượng đỉnh này cũng bỏ phiếu chấp thuận cho Miến Điện giữ chức Chủ tịch luân phiên của hiệp hội ASEAN vào năm 2014. Trước đây, Miến Điện không thể đảm nhận trọng trách này vì bị phê phán mạnh mẽ về những hành động vi phạm nhân quyền, bóc lột lao động và đàn áp dân chủ. Đây cũng là một phương cách làm tăng áp lực đối với chánh phủ Miến Điện hầu thúc đẩy họ phải tiếp cải tổ chính trị và tái lập dân chủ.
Sau gần nửa thế kỷ cầm quyền bằng bạo lực, giới tướng lãnh cầm quyền Miến Điện đều nhìn thấy rõ là ngày nay họ phải cải tiến dân chủ, vì đó là con đường tất yếu mang lại lợi ích cho đất nước và cho toàn dân.
Ông Bo Hla Tint
Ngoài ra, chánh phủ Miến Điện cũng cho ban hành luật biểu tình, luật đình công, quyền lập công đoàn, bãi bỏ một số biện pháp kiểm soát báo chí. Tổng thống Thein Sein tuyên bố ông đã lắng nghe ý kiến của người dân khi quyết định đình chỉ công trình xây dựng đập nước Myitsone, trên sông Irrawaddy, trị giá 3 tỷ 600 trăm triệu đô la do Bắc Kinh tài trợ, gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Gần đây, giới lãnh đạo Miến Điện cũng cho công bố các thỏa thuận tái lập hòa bình hầu sớm chấm dứt những vụ tranh chấp và xung đột sắc tộc kéo dài nhiều thập niên qua, đòi quyền tự trị, cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người.
Vì sao lại có sự thay đổi được công luận xem là chuyển hướng 180 độ như vậy? Ông Bo Hla Tint, Bộ trưởng Văn Phòng Thủ tướng Miến Điện lưu vong, trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ, nhấn mạnh qua câu chuyện với RFA:
“Sau gần nửa thế kỷ cầm quyền bằng bạo lực, giới tướng lãnh cầm quyền Miến Điện đều nhìn thấy rõ là ngày nay họ phải cải tiến dân chủ, vì đó là con đường tất yếu mang lại lợi ích cho đất nước và cho toàn dân. Hơn nữa, nếu cứ mãi tiếp tục duy trì chế độ cầm quyền độc đoán, chánh phủ Naypyidaw sẽ bị hiệp hội ASEAN cô lập và chắc chắn Miến Điện sẽ không thể đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014.”
Bài học cho Việt Nam
Dịp này, Bộ trưởng Bo Hla Tint cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tích cực ủng hộ chánh phủ dân cử do tổng thống Thein Sein lãnh đạo cũng như Liên Đoàn toàn quốc đấu tranh vì dân chủ Miến Điện do bà Aung San Suu Kyi phụ trách, tạo điều kiện cho xứ sở này đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của người dân cũng như sự mong đợi của dư luận thế giới.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cựu tù nhân lương tâm, gần 20 năm ngồi tù trong Nam và ngoài Bắc vì đã lên tiếng cho dân chủ, nhận định:
“Sự kiện diễn ra ở Miến Điện rất đáng vui mừng cho tất cả những người ủng hộ dân chủ trên thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam. Tôi cho là năm 2011 là năm được mùa về dân chủ, đầu năm là cách mạng dân chủ xảy ra ở các nước Khối Ả Rập, cuối năm là tại ASEAN, sát cạnh Việt Nam, là đáng phấn khởi, đối với những người Việt mong muốn đất nước sớm có dân chủ.”
Vậy bài học dân chủ Miến Điện có thể được ứng dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam hay không? Giáo sư Đoàn Viết Hoạt phân tích:
“Trước tiên đây là bài học cho lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, sau khi bị cô lập một thời gian lâu dài, cuối cùng Miến Điện đã phải thay đổi, theo tình hình chung trong khu vực và áp lực của quốc tế, cộng với sự xâm nhập vào Miến Điện của Trung Quốc, tạo ảnh hưởng rất nguy hiểm.
Chính người Miến Điện đã nhìn ra vấn đề và đã thay đổi rất nhanh sau khi có chính phủ dân sự. Nếu không thay đổi để đáp ứng với tình hình mới thì Việt Nam không thể tiến tiển được, đồng thời gặp khủng hoảng trong việc đối phó với Trung Quốc.
Chúng ta cũng thấy rõ sự kiên cường đấu tranh của phong trào dân chủ Miến Điện, đặc biệt là của bà Aung San Suu Kyi, dù bị giam giữ vẫn quyết liệt đấu tranh. Chúng ta đang nhìn thấy sự quyết liệt đấu tranh ấy với một số vị trong nước như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hòa thượng Thích Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý, và những nhà dân chủ khác.
Đây là niềm khích lệ lớn cho những nhà đấu tranh dân chủ, do đó cần tăng cường hỗ trợ cho thích hợp và có hiệu quả. Nên vận động quốc tế mạnh mẽ ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, nếu không tình hình Đông Nam Á sẽ khó ổn định được, hơn nữa Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập vào Việt Nam, qua áp lực với đảng cộng sản và trên Biển Đông. Nên tích cực làm hai việc, hỗ trợ phong trào dân chủ trong nước và vận động quốc tế ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.”
Luật sư Lê Trần Luật, người thường lên tiếng bênh vực cho dân oan, tù nhân chính trị và tôn giáo, thì không tin rằng Việt Nam sẽ ứng dụng bài học dân chủ hóa độc đáo từ Miến Điện:
“Tôi rất vui mừng và phấn khởi, dù sao thì Miến Điện cũng có một thời kỳ đặt dưới cách thức cai trị độc tài như ở Việt Nam, điều đó sẽ có những tác động tích cực đối với chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên tôi luôn có cái nhìn không được lạc quan cho lắm về đất nước Việt Nam. Tôi cho rằng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục cai trị dân bằng bàn tay sắt, sử dụng các biện pháp bạo lực, chứ không thể sớm có một tiến trình dân chủ như các nước ở Châu Phi, hoặc Miến Điện. Với tư cách là một người quan sát thời cuộc trong nước, tôi cho rằng tiến trình dân chủ hóa đó khó xảy ra trên đất nước Việt Nam.”
Nếu không thay đổi để đáp ứng với tình hình mới thì Việt Nam không thể tiến tiển được, đồng thời gặp khủng hoảng trong việc đối phó với Trung Quốc.
GS Đoàn Viết Hoạt
Hướng về tương lai thì các quan chức Washington cho rằng, nhân chuyến thăm đầu tiên, từ trên 50 năm qua của vị ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton sẽ không thông báo việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế áp dụng đối với Miến Điện, vì quyết định này cần phải được quốc hội Mỹ phê chuẩn. Hiện giờ Hoa Kỳ vẫn áp dụng chính sách cấm vận thương mại đối với Miến Điện, từ thời tổng thống George W. Bush vì chính sách đàn áp chính trị, tiêu diệt đối lập của chánh quyền quân nhân Rangoon.
Mặt khác, giới quan sát thời cuộc quốc tế thì cho rằng quân đội Miến Điện không hề có ý định từ bỏ quyền lực, nhưng với trào lưu tiến hóa và sức mạnh của lòng dân, quyền hành có thể vuột khỏi tay giới tướng lãnh như đã từng diễn ra tại Indonesia và Nam Hàn.
Theo dòng thời sự:
- Miến đang trên đường đổi mới chính trị
- Miến Điện chính thức cho đảng của bà Suu Kyi hoạt động trở lại
- Miến Điên tỏ thiện chí với các sắc tộc thiểu số
- Miến Điện sắp thả thêm tù chính trị
- Thủ tướng Thái lan cam kết ủng hộ bà Suu Kyi
- Miến Điện nới lỏng kiểm duyệt
- Đặc sứ Mỹ về Miến Điện sẽ đi Bắc Kinh
- Miến Điện được quyền biểu tình