Nhân quyền ở Lào, Campuchia và Việt Nam suy thoái đáng ngại

Nghe bài nàyOpens in new window ]

Amnesty International Ân Xá Quốc Tế khẳng định tại Việt Nam những quyền căn bản của công dân vẫn còn bị nhiều hạn chế, thậm chí bị chính quyền dùng Luật để đàn áp bắt giữ những tiếng nói hay tư tưởng ôn hòa nhưng không đúng ý đảng và nhà nước.

Nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tệ

Ngay sau khi phúc trình nhân quyền thường niên 2013 được công bố hôm nay, chuyên gia về Campuchia, Lào và Việt Nam trong Amnesty International, ông Rupert Abbott, trình bày với Thanh Trúc phần báo cáo nhân quyền về Việt Nam trong bài sau:

Ông Rupert Abbott: Để trình bày về tình hình nhân quyền tại những quốc gia mà tôi có nhiệm vụ tìm hiểu là Campuchia, Lào, Việt Nam thì tôi có thể nói tổng quát rằng nhân quyền, đặc biệt quyền tự do ngôn luận, đã suy thoái rõ rệt tại ba nước này.

Tại Việt Nam, Amnesty International thấy rõ sự đàn áp người bất đồng chính kiến, những người dám chỉ trích chính phủ, bên cạnh sự kiểm soát gắt gao quyền tự do phát biểu. Tình trạng vừa nói có vẻ ngày càng tệ. Đúng thế, nó đã trở nên ngặt nghèo hơn trong thời gian qua.

Thanh Trúc: Thưa đó là nhận định chung và đầu tiên của Amnesty International. Tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu tình hình nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua, Ân Xá Quốc Tế cũng có ghi nhận một vài điểm tích cực?

Ông Rupert Abbott: Tôi nghĩ đã có một số tiến bộ đáng nói nếu nhìn vào các lãnh vực xã hội, giáo dục y tế , lao động trong một thập niên qua. Việt Nam đã thành công trong nỗ lực xóa nghèo. Việc thăm dò hỏi han ý kiến người dân về hiến pháp và sửa đổi hiến pháp đang là sự phát triển tích cực. Bảo vệ pháp lý, nâng đỡ quyền lợi và có thể chấp thuận hôn nhân giữa những người đồng giới cũng là một dấu hiệu tích cực khác ở Việt Nam.

Ông Rupert Abbott chuyên gia về Campuchia, Lào và Việt Nam của Amnesty International Ân Xá Quốc Tế. RFA
Ông Rupert Abbott chuyên gia về Campuchia, Lào và Việt Nam của Amnesty International Ân Xá Quốc Tế. RFA (RFA)

Tại Việt Nam, Amnesty International thấy rõ sự đàn áp người bất đồng chính kiến, những người dám chỉ trích chính phủ, bên cạnh sự kiểm soát gắt gao quyền tự do phát biểu. Tình trạng vừa nói có vẻ ngày càng tệ. Đúng thế, nó đã trở nên ngặt nghèo hơn trong thời gian qua

Ông Rupert Abbott

Thế nhưng cảm tưởng chung và đậm nét vẫn là chừng như nhà nước Việt Nam chưa thể sẳn sàng chấp nhận những tranh cãi có tính cách công khai, chưa sẳn sàng đón nhận dư luận và cái nhìn xây dựng của người dân trong tiến trình phát triển đất nước, phủ nhận quyền tín nhiệm của dân đối với lãnh đạo. Tóm lại đó những điều gói gọn trong tự do tư tưởng và phát biểu, đã khiến cho quyền căn bản này bị thương tổn và bị suy giảm đi.

Cũng liên quan tới đó là lãnh vực tự do tôn giáo, tại sao có những nhóm tôn giáo bị đe dọa, bị phân biệt đối xử, bị rơi vào tầm ngắm của chính quyền đến không thể thực hiện quyền thờ phương hoặc phát triển đức tin của họ.

Mối quan tâm khác xoay quanh án tử hình mà Việt Nam đang áp dụng. Theo số liệu chính thức của chính phủ Việt Nam từ tháng Mười Một năm ngoái, trên năm trăm tù nhân Việt Nam bị kêu án tử hình, trong đó một trăm người sắp bị hành quyết. Tin tức gần đây cho thấy Việt Nam chưa thể áp dụng việc tiêm thuốc đối với tử tội vì các nước EU cấm xuất khẩu độc chất tiêm trên người bị xử tử. Đó là lý do không có vụ xử tử nào ở Việt Nam tính từ tháng Bảy 2011 đến giờ. Xét vì án tử hình không còn hợp thời, Amnesty International đã và đang yêu cầu Việt Nam chấm dứt áp dụng lệnh này như một hình thức trừng phạt lâu nay đối với người bị cho là nặng tội.

Thanh Trúc: Phúc Trình Nhân Quyền Thế Giới 2013 của Amnesty International có đề cập đến vấn đề đất đai, mà theo qui định trong luật hiện hành của Việt Nam là sở hữu toàn dân, rồi những tù nhân lương tâm, là từ mà những người bên ngoài gọi những nhà đối lập hoặc những bloggers đang gặp khó khăn ở Việt Nam. Ông có gì cần trình bày thêm về các chi tiết đó?

Cảm tưởng chung và đậm nét vẫn là chừng như nhà nước Việt Nam chưa thể sẳn sàng chấp nhận những tranh cãi có tính cách công khai, chưa sẳn sàng đón nhận dư luận và cái nhìn xây dựng của người dân trong tiến trình phát triển đất nước, phủ nhận quyền tín nhiệm của dân đối với lãnh đạo

Ông Rupert Abbott

Ông Rupert Abbott: Chuyện dưng không bị nhà cầm quyền dùng võ lực để phá nhà, chiếm đất, tịch thu tài sản mà không cần hỏi ý cũng không bồi thường thỏa đáng, theo tôi là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng ở Việt Nam. Quả là chúng tôi có lưu ý và có nhắc đến vấn đề tranh tụng đất đai trong bản phúc trình phần nói về Việt Nam.

Một số cách hành xử của công an tại Việt Nam. RFA file
Một số cách hành xử của công an tại Việt Nam. RFA file (RFA file)

Bên cạnh việc cưỡng chế đất đai thì còn chuyện những người dám bàn luận về vấn đề đó nữa. Quyền tự do phát biểu bị chà đạp khi những người, nhằm bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng cư dân bị mất đất, đứng lên hoạt động và tranh đấu chống lại chính sách cưỡng chế đất, đã bị sách nhiễu, bắt bớ, trù dập bởi công an cảnh sát.

Tệ trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra ở những quốc gia đang phát triển của Đông Nam Á như Campuchia, Lào. Trách nhiệm của Amnesty International không chỉ là theo dõi và báo cáo mà còn phải cảnh báo, ngăn chận và yêu cầu chấm dứt những hành động và những chính sách vi phạm nhân quyền được coi là trầm trọng như vậy.

Thanh Trúc: Thưa ông, quan điểm trước nay của Việt Nam là không có tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị mà chỉ có người phạm luật hình sự, tuyên truyền chống phá nhà nước và phá hoại an ninh trật tự xã hội thì phải bị bắt giữ và bị trừng phạt bằng luật pháp. Ông nghĩ sao nếu Việt Nam, cũng như những lần trước, phản bác lại cáo buộc vi phạm nhân quyền mà Phúc Trình Nhân Quyền Thế Giới 2013 mà Ân Xá Quốc Tế công bố hôm nay?

Ông Rupert Abbott: Tôi nghĩ báo đài thực sự đang xoáy vào vấn đề chính của Việt Nam rồi đấy. Điều được nhìn rõ, được chứng minh là những tù nhân lương tâm đang ngồi tù như linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà báo tự do Tạ Phong Tần, bloggers Điều Cày vân vân…cho đến những vụ kiện tụng đòi lại nhà đất rồi thì những người dân những bloggers bị bắt giữ vì động đến quan hệ Việt Nam Trung Quốc, rồi cả những nhà hoạt động bảo vệ môi trường nữa… Tựu chung đó là những những phản ứng ôn hòa nhưng không một ai ở Việt Nam được quyền thực hiện, vì động đến là động tới Bộ Luật Hình Sự mà Việt Nam áp dụng một cách không nhân nhượng để trừng phạt người dám đương đầu với họ.

Bộ Luật Hình Sự, mà Việt Nam luôn viện dẫn như một cứu cánh, xét cho kỹ không đáp ứng không phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, trong đó dân sự, chính trị, tự do ngôn luận cơ bản là ba quyền có giá trị hàng đầu.

Ông Rupert Abbott

Bộ Luật Hình Sự, mà Việt Nam luôn viện dẫn như một cứu cánh, xét cho kỹ không đáp ứng không phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, trong đó dân sự, chính trị, tự do ngôn luận cơ bản là ba quyền có giá trị hàng đầu.

Thanh Trúc: Trong trường hợp này liệu Amnesty International có thể làm được gì để khuyến khích Việt Nam cải thiện?

Ông Rupert Abbott: Điều có thể làm được là liên tục kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm và hãy tôn trọng quyền ăn nói của công dân trong nước họ. Amnesty International không ngừng vận động mọi người lên tiếng hộ cho những ai không nói được tiếng nói của họ ở Việt Nam. Việt Nam nên hiểu khi người dân được hưởng những quyền căn bản của mình thì chính họ sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển liên tục và bền vững của đất nước. Là một tổ chức uy tín trên trường quốc tế, Amnesty International sẵn lòng hợp tác và đối thoại để giúp cải thiện nhân quyền, vấn đề cấp bách mà Việt Nam không thể chối bỏ.

Thanh Trúc: Một lần nữa xin cảm ơn ông Rupert Abbott của Ân Xá Quốc Tế.