Đập lăng, hạ tượng nên hay không?

0:00 / 0:00

Quật mộ, tru di tam tộc là hình thức trả thù cá nhân của xã hội phong kiến. Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại đã có tiến bộ về tư tưởng rất nhiều. Vậy đập lăng, phá hủy các tượng đài, đài kỷ niệm là việc nên làm hay không?

Các tượng đài, đài kỷ niệm hay lăng mộ là các công trình mang tính mỹ thuật hoặc lịch sử không chỉ tô điểm cho một không gian văn hóa, mà còn có tác dụng giúp mọi người ghi nhớ những sự kiện lịch sử, hay các danh nhân của một giai đoạn lịch sử.

Lịch sử là lịch sử không ai có thể xóa được

Từ xưa đến nay trên thế giới, hiện tượng đập lăng, quật mộ hay dỡ bỏ các tượng đài kỷ niệm chủ yếu vì các lý do khác biệt về quan điểm chính trị. Người ta muốn dùng các hành động đó, để xóa mất đi một phần quá khứ mà họ không muốn nó được tồn tại cùng lịch sử.

Nhìn chung đó chỉ là các hành động nhằm mục đích trả thù của người chiến thắng đối với kẻ chiến bại. Mà ít người biết rằng, lịch sử là lịch sử, không nhắc lại thì nó vẫn tồn tại, không bao giờ và không ai có thể xóa được.

TS. Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện có nhận xét rằng trong mọi nền văn hóa, các công trình lăng tẩm là những địa điểm linh thiêng cần phải được gìn giữ và coi việc xúc phạm tới mồ mả là vi phạm pháp luật. Lăng tẩm, mồ mả đối với người Việt nam nói riêng hay người phương Đông nói chung rất quan trọng. Vì nó không chỉ liên quan đến người chết mà còn liên quan đến người đang sống, không chỉ liên quan đến hiện tại mà liên quan đến hậu vận và tương lai. Từ Hà nội, TS. Nguyễn Xuân Diện nhận xét:

(Hiện tượng đập lăng, quật mộ hay dỡ bỏ các tượng đài kỷ niệm) chỉ là các hành động nhằm mục đích trả thù của người chiến thắng đối với kẻ chiến bại. Mà ít người biết rằng, lịch sử là lịch sử, không nhắc lại thì nó vẫn tồn tại, không bao giờ và không ai có thể xóa được

“Việc quật mồ quật mả lên hay là cho dày xéo mồ mả, rồi làm biến dạng hay hủy hoại mồ mả lên là không nên. Những người, những thế lực đã làm những việc đó đã bị sử sách nêu ra đã trở thành một tiếng xấu, mà chúng ta đã biết trong lịch sử.”

Đập tượng Lênin đúng hay sai?

Nhân sự việc người biểu tình Ukraine giật đổ và đập phá tượng Lenin ở thủ đô Kiev, TS. Vũ Minh Giang thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá rằng hành động này là thiếu văn hóa và không tôn trọng lịch sử.

Vào ngày 14 Tháng Mười năm 2012 dân chúng tụ tập để xem công nhân hạ bức tượng đồng cuối cùng của Vladimir Lenin xuống tại Ulan-Bator, thủ đô của Mông Cổ. AFP
Vào ngày 14 Tháng Mười năm 2012 dân chúng tụ tập để xem công nhân hạ bức tượng đồng cuối cùng của Vladimir Lenin xuống tại Ulan-Bator, thủ đô của Mông Cổ. AFP (AFP)

Theo TS. Vũ Minh Giang thì hành động này nếu xét từ góc độ văn hóa và ứng xử của người trí thức thì đó là điều không nên làm, và theo ông cần hiểu tất cả đều là một phần của lịch sử. Ông thấy rằng đánh giá lịch sử cần cái nhìn bình tĩnh, tôn trọng khách quan, và gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Bất cứ hành động gì manh động kèm theo thái độ hận thù thì là đáng lên án. Nhận xét về việc người biểu tình Ukraine giật đổ và đập phá tượng Lenin, từ Hà nội TS. Vũ Minh Giang chia sẻ:

Chuyện kéo đổ tượng Lênin sau đó đập chân, đập tay lấy đi bán hay làm cái việc gì đó thì tôi không biết họ thuộc tầng lớp nào. Nhưng tôi cho rằng hành động đó xét dưới góc độ văn hóa, và ứng xử của người trí thức mà tôi nghĩ nhẹ thì là manh động, nặng thì là thiếu văn hóa

TS. Vũ Minh Giang

“Chuyện kéo đổ tượng Lênin sau đó đập chân, đập tay lấy đi bán hay làm cái việc gì đó thì tôi không biết họ thuộc tầng lớp nào. Nhưng tôi cho rằng hành động đó xét dưới góc độ văn hóa, và ứng xử của người trí thức mà tôi nghĩ nhẹ thì là manh động, nặng thì là thiếu văn hóa.”

TS. Giáo dục Vũ Thị Phương Anh thấy rằng hành động đập lăng hay tru di tam tộc là hành động trả thù man rợ đáng bị lên án. Cách làm này không phù hợp với thời đại ngày nay, khi mà đối thoại là cách giải quyết tốt nhất cho các vấn đề bất đồng. Trong lịch sử, việc đập hay dỡ bỏ các tượng đài khác với việc phá lăng hay đập mộ, vì việc phá lăng hay đập mộ là hành động trả thù của kẻ chiến thắng đối với kẻ thua trận và đối với người quá cố là điều không nên làm.

Phản ứng trước ý kiến cho rằng việc đập tượng Lênin ở Ukraine là một hành động manh động và thiếu văn hóa, TS. Vũ Thị Phương Anh cho rằng nên hiểu việc đó là việc đập bỏ các tượng đài mang tính chất chính trị, tượng Lênin là biểu tượng cho một chế độ chính trị, chứ nó không phải là biểu tượng cho tư tưởng Cộng sản như tượng của Karl Marx, cái mà hầu như người dân không có nhu cầu đập bỏ. Đồng thời đó là hành động mang tính chính trị phát sinh từ khát vọng tự do, chống chế độ độc tài và chỉ là hành bộc phát của người dân. Do đó theo bà, không nên xét tới góc độ văn hóa trong trường hợp này.

Từ Sài gòn TS. Vũ Thị Phương Anh cho biết:

“Cách nhìn này là phiến diện, theo tôi không nên nhìn nó nặng về góc độ văn hóa, mà nó phải xét dưới góc độ chính trị. Nó là một biểu tượng chính trị và đại diện cho một chế độ mà người dân thấy mình là nạn nhân cho nên muốn đập bỏ nó đi. Đây là hành động mang tính biểu tượng, thể hiện mong muốn cho mình một chế độ dân chủ hơn”

Nó là một biểu tượng chính trị và đại diện cho một chế độ mà người dân thấy mình là nạn nhân cho nên muốn đập bỏ nó đi. Đây là hành động mang tính biểu tượng, thể hiện mong muốn cho mình một chế độ dân chủ hơn

TS. Vũ Thị Phương Anh

Nói về hiện tượng ở một số quốc gia xảy ra việc hạ tượng Lênin, cụ thể là ở Ukraina gần đây, TS Nguyễn Xuân Diện cho rằng có lẽ lý do chính là do người dân đã nhìn nhận những tượng đài đó mang tính chính trị, là biểu tưởng của một thời đại, một triều đại cụ thể. Còn nếu nó là các tượng đài mang tính lịch sử vĩnh hằng thì ông tin rằng chắc chắn người dân sẽ không phá hủy trong một tinh thần quá khích như vậy.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Xuân Diện cho biết:

“Xem các video, những hình ảnh của những bức tượng cho dù là người nào, tượng ai, ở đâu bị giật đổ trong một tinh thần quá khích như vậy theo tôi là không nên lắm.”

Khi được hỏi về việc đập hay dỡ bỏ các tượng đài mang ý nghĩa chính trị có ảnh hưởng đến việc bảo tồn các công trình mang ý nghĩa ghi nhận một giai đoạn lịch sử sau này hay không? TS. Vũ Thị Phương Anh cho rằng hiện tượng này ở Việt nam cũng có xảy ra trong thời chống Pháp và chống Mỹ. Vì vậy đòi hỏi các công trình đó phải thực sự có ý nghĩa lịch sử, chính trị văn hóa một cách rõ nét. Theo bà, những công trình như tượng đài Lê nin hiện tại chưa là lịch sử, mà cái đó nó đang là biểu tượng của một chế độ chính trị và nó không phải là những công trình hiếm, mà nó có mặt hầu như mọi nơi ở các quốc gia cộng sản cũ ở Liên xô và Đông Âu. Và nếu người ta không đập ở chỗ này thì họ sẽ dỡ bỏ nó ở chỗ khác.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Vũ Thị Phương Anh nói:

“Trong trường hợp của Ukraina rất khó thuyết phục mọi người rằng đây chỉ là lịch sử, vì thực ra nó không phải là lịch sử mà nó đang là cái hiện tại với những người Ukraina. Vì nó đang mang tính biểu trưng cho việc phá bỏ cái cũ để xây dựng cái mới, thì không thể nói như thế được”.

Tượng đài, đài kỷ niệm hay kể cả các lăng mộ muốn tồn tại lâu bền để trở thành một phần của lịch sử thì bản thân nó phải chứa đựng tư tưởng triết học nhiều hơn là gánh vác vai trò chính trị. Vì nếu chỉ gánh vác vai trò chính trị thì tuổi thọ của tượng đài, đài kỉ niệm sẽ rất ngắn và mau chóng rơi vào quên lãng. Khi ấy không cần phải dỡ bỏ, thì nó cũng không tồn tại trong tâm thức của con người.