[ Tải xuống - download Opens in new window ]
Vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào trong thực trạng ngành thép ? Đâu là những trắc trở và hướng giải quyết trong cơ cấu phát triển ngành thép Việt Nam hiện nay ?
Cuộc chiến không cân sức với thép Trung Quốc
Trong vài tháng qua, hàng tại các đại lý bán lẻ thép xây dựng liên tiếp hạ giá 2 lần, với tổng mức giảm xấp xỉ 300 ngàn đồng/tấn, nhưng sức mua xem ra vẫn chưa có gì tiến triển. Hiện nay, nhiều công ty thép sản xuất và bán hàng để giữ thị phần là chính. Theo Hiệp hội thép Việt nam, tính đến thời điểm này, sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 10%. Khó khăn hồi năm ngoái đã khiến ít nhất 5 doanh nghiệp ngành thép phá sản. Theo một thông tin khác, sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp thép đóng cửa trong năm 2012.
Ngoài áp lực sản phẩm bị tiêu thụ chậm, doanh nghiệp thép Việt Nam đang chịu sức ép từ thép nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc. Thép Trung Quốc tại Việt Nam đang có giá rẻ hơn thép trong nước, bởi các doanh nghiệp thép Trung Quốc được hưởng lãi vay rất thấp, chỉ bằng 1/3 lãi suất các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu. Đồng thời, với khả năng sản xuất số lượng lớn, họ có lợi thế lớn về giá. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, vấn đề này là như sau:
Trung Quốc xuất khẩu một năm là 40 – 50 triệu tấn. Đối với Việt Nam, họ chỉ cần vẫy sang một ít thì mình đã bị khốn đốn, bị ảnh hưởng cả ngành thép rồi.
ông Nguyễn Tiến Nghi
Chắc chắn là ảnh hưởng, không những thế mà còn bị ảnh hưởng hơn nhiều nước khác. Bởi các nước khác ở xa; còn Việt Nam thì núi liền núi, sông liền sông. Cho nên hàng Trung Quốc sang nhanh lắm, rất thuận lợi cho các nhà nhập khẩu. Đấy là một bất lợi của Việt Nam khi ở gần Trung Quốc.
Thứ hai là Trung Quốc xuất khẩu một năm là 40 – 50 triệu tấn. Đối với Việt Nam, họ chỉ cần vẫy sang một ít thì mình đã bị khốn đốn, bị ảnh hưởng cả ngành thép rồi.
Lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay cao gấp 5 lần so với lượng thép nhập khẩu từ quốc gia này trong cả năm 2011. Tuy nhiên, tự thân hoạt động sản xuất về các dòng sản phẩm đang có sự mất cân đối. Các sản phẩm như thép xây dựng, thép ống, thép mạ kim loại… được các doanh
nghiệp đầu tư vượt xa nhu cầu. Trong khi đó, nhiều sản phẩm thép thiết yếu khác lại không được chú ý.
Hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất thép vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Phôi thép nhập 60%, còn thép phế liệu nhập 70%. Theo ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương trả lời, chúng tôi được biết:
Thép xây dựng một năm sử dụng các sản phẩm khoảng 6 triệu tấn. Còn nhu cầu về tổng số các loại thép thì khoảng 9 triệu tấn/năm.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa sản xuất được những loại thép chất lượng cao, thép chuyên dụng, mà thường phải nhập khẩu. Chúng tôi đang khuyến khích các nhà đầu tư vào lãnh vực sản xuất các loại thép này, cùng các loại thép sử dụng trong cơ khí, thép chất lượng cao. Cho nên, các nhà đầu tư có ý định đầu tư vào trong lãnh vực này thì hãy liên hệ với Bộ Công Thương. Chúng tôi sẽ hướng dẫn về quy trình làm việc.
Khủng hoảng thừa sắt thép nội địa
Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, ngành thép Việt Nam lại trong tình trạng khủng hoảng thừa. Bắt đầu từ năm 2008, hiện tượng đầu tư tràn lan làm vỡ quy hoạch ngành thép là nguyên nhân sâu xa dẫn tới khó khăn hiện nay. Kể cả nhà máy đang sản xuất và dự án đang xây dựng, công suất lắp đặt của ngành thép hiện nay đã vượt gấp 2 lần nhu cầu tiêu thụ cả nước.
Trong nước thì đúng là đầu tư một số các loại thép thôi. Như thép xây dựng chẳng hạn, thì đầu tư hơi quá. Vấn đề này, chúng tôi cũng từng có ý kiến với Chính phủ. Những loại thép đã dư thừa công suất thì không nên cấp giấy phép nữa
ông Nguyễn Tiến Nghi
Giữa vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp thép đình trệ sản xuất hoặc để cho cơ chế thị trường quyết định việc tồn tại của các doanh nghiệp, chúng tôi được ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết ý kiến:
Trong nước thì đúng là đầu tư một số các loại thép thôi. Như thép xây dựng chẳng hạn, thì đầu tư hơi quá. Vấn đề này, chúng tôi cũng từng có ý kiến với Chính phủ. Những loại thép đã dư thừa công suất thì không nên cấp giấy phép nữa, đặc biệt là những dự án quy mô nhỏ. Và những dự án có thiết bị, công nghệ không tiên tiến lắm thì nên dừng ngay.
Theo tôi đã đi theo cơ chế thị trường, rõ ràng là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và lạc hậu thì sẽ bị thị trường loại bỏ. Tự họ phải chuyển hướng, chứ không cách nào khác. Hoặc đổi mới hoàn toàn công nghệ thiết bị thì mới sống được. Thí dụ như những chỉ tiêu tiêu hao, các doanh nghiệp ấy để phát sinh lớn quá, dẫn đến giá thành sản phẩm không thể cạnh tranh nổi. Chẳng hạn như với các doanh nghiệp mới, họ đầu tư những công nghệ quy mô đồng thời có thiết bị tiên tiến hơn, thì rõ ràng giá thành sản phẩm của họ sẽ cạnh tranh hơn.
Nguyên nhân của việc vỡ quy hoạch có lẽ còn bắt nguồn từ cách Chính phủ phân quyền cho địa phương. Theo Luật Đầu tư mới, các địa phương được quyền quyết định với các dự án sản xuất thép có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng. Các địa phương hoàn toàn tự quyết, kêu gọi và hứa hẹn ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp mà lại thiếu hiểu biết chuyên môn. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, có thể thấy đây là những hệ lụy trực tiếp từ các giải pháp điều hành. Nhận định tình huống hiện nay, từ góc độ một cơ quan nhà nước, chúng tôi được ông Bùi Quang Chuyện cho biết như sau:
Đầu tư thì có mạnh thật nhưng đầu tư công nghệ thiết bị chưa phải là tiên tiến. Khả năng cạnh tranh chưa cao, vốn đầu tư cũng chưa đạt mức chuẩn thế giới. Đấy là điểm yếu nhất của ngành thép Việt Nam
ông Nguyễn Tiến Nghi
Có tái cơ cấu. Các doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành tái cơ cấu. Đồng thời tìm các giải pháp giải quyết đầu ra, cũng như kích cầu để tiêu thụ sản phẩm. Hiện Nhà nước không có chính sách gì, trong việc dùng ngân sách quốc gia để hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp thép cả.
Các diễn biến tiêu cực của thị trường có vẻ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Với đà này, nhiều doanh nghiệp thép khó có thể cầm cự tới năm 2013. Trong tình hình chung, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, khó khăn lớn nhất của ngành thép Việt Nam là:
Kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn khủng hoảng mà vẫn chưa thoát ra được. Từ bối cảnh này, cho nên giống như các sản phẩm khác, nhu cầu của thép sẽ ít đi. Như vậy thế giới sẽ thừa thép, đặc biệt những nước sản xuất lớn. Dẫn đến việc các quốc gia này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời xuất hiện xu hướng nhiều nước chống lại hiện tượng nhập thép vào lãnh thổ mình. Còn ngành thép của Việt Nam còn non trẻ, các tư bản của Việt Nam vẫn còn nhỏ bé. Nên trong mấy năm vừa rồi, đầu tư thì có mạnh thật nhưng đầu tư công nghệ thiết bị chưa phải là tiên tiến. Khả năng cạnh tranh chưa cao, vốn đầu tư cũng chưa đạt mức chuẩn thế giới. Đấy là điểm yếu nhất của ngành thép Việt Nam như vậy.
Thị trường thép quốc tế hầu như đã phân chia xong thị phần, chen chân vào không dễ. Sau mặt hàng ống thép các bon tiêu chuẩn của Việt Nam, Mỹ đang chuẩn bị kiện tiếp mặt hàng ống thép dẫn dầu. Malaysia chuẩn bị kiện Việt Nam xuất khẩu tôn mạ, Indonesia kiện sản phẩm ống thép cán nguội của Việt Nam.
Hiện tại, khó khăn lớn nhất của ngành thép vẫn là vấn đề đầu ra sản phẩm. Thép là một ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp vật liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác. Hoàn cảnh bấp bênh của ngành thép đang gây ra những ảnh hưởng lớn đến tiến độ công nghiệp hóa ở Việt Nam.
Theo dòng thời sự:
- Thị trường Việt Nam sẽ là "bãi phế thải" của Trung Quốc?
- VN không thể thoát gọng kìm TQ?
- Người dân Việt gian nan vì Trung Quốc
- "Sao không quản lý xuất nhập cảnh đối với Trung Quốc?"
- Trung Quốc đưa công nhân trái phép sang Việt Nam
- Nhà thầu Trung quốc bị phạt vì trồng cỏ lạ
- Việt Nam ngừng hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc
- Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế đến các quốc gia ĐNÁ
- Nhà thầu Trung Quốc bất chấp lệnh cấm thi công
- Làm ăn với Trung Quốc: Vụ Rio Tinto