Hệ thống ngôn quyền và trách nhiệm các cấp

Trong thời gian qua, báo chí trong nước không ngừng đăng tải những phát ngôn của các quan chức cấp cao liên quan đến những vấn đề đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường ở Việt Nam. Những phát ngôn đó đa phần là trái chiều, không thể hiện sự đồng nhất trong việc nhìn nhận nguyên nhân phát sinh và cách xử lý.

Những bất nhất

Hàng loạt sự kiện nổi bật trong nước liên quan đến môi trường và tham nhũng trong thời gian qua vẫn gây rất nhiều tranh cãi. Không những riêng về tính chất của sự việc, mà chính những phát ngôn của các vị quan chức có liên quan trực tiếp và gián tiếp cũng làm cho dư luận hoang mang về vấn đề đó.

Điều đáng nói, tất cả những phát ngôn ấy bắt nguồn từ những ban ngành khác nhau trong hệ thống chính trị và cơ cấu của bộ máy nhà nước. Từ thảm hoạ môi trường của bốn tỉnh ven biển miền Trung do nhà máy gang thép Formosa, Hà Tĩnh xả thải trực tiếp xuống biển gây ra, cho đến dự án nhà máy thép Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận sau đó, và nhiều sự việc khác… đều cho thấy sự bất nhất trong phát ngôn của các vị lãnh đạo khi lên tiếng với truyền thông trong nước.

Trước hết phải nhắc đến câu chuyện của Formosa Hà Tĩnh và ông Võ Kim Cự, người được cho là “con chốt” đầu tiên của vụ việc này.

Người được báo chí Việt Nam đồng loạt trích lời là Thường trực Ban Bí thư của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh cho biết “Uỷ ban kiểm tra Trung ương đang kiểm tra mức độ vi phạm của ông Võ Kim Cự.” Trước đó thì chính ông Võ Kim Cự, là người đầu tiên lên tiếng với truyền thông về vụ Formosa, nói rằng “ông không có gì sai”.

Khi Thanh tra chính phủ xác định Hà Tĩnh cấp phép chưa đúng thẩm quyền, ông Võ Kim Cự khẳng định “Không đơn giản mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa” và báo vnexpress trong nước trích dẫn nguyên văn câu trả lời của ông:

"Ở đây là một quá trình, trước hết cấp có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư, sau đó các bộ ngành cho ý kiến, rồi địa phương làm các bước theo quy định pháp luật, trong đó có bước hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau khi Thanh tra Chính phủ nêu vấn đề, cấp có thẩm quyền đã họp có sự tham gia của các bộ ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn là 70 năm và ý kiến này được cấp có thẩm quyền đồng ý."

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn là 70 năm và ý kiến này được cấp có thẩm quyền đồng ý.<br/> - Ông Võ Kim Cự

Vụ việc kế tiếp là dự án nhà máy thép Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào ngày 8 tháng 9 năm 2016 yêu cầu "Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy thép không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường".

Thế nhưng, khoảng ba tháng sau đó, đầu tháng 12, Bộ Công thương đã có dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025. Trong các dự án được nêu ra, dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen chính thức được đề cập.

Luật sư Trần Quốc Thuận, người từng có 14 năm làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho chúng tôi biết hệ thống ngôn quyền bất nhất ở các cấp như thế là do trong nước có nhiều tầng nhiều nấc. Và mọi người có một cách nói khác nhau ở cương vị của người đó.

“Vừa qua, đứng trước sự việc đó thì Thủ tướng nói rằng nếu sai phạm nữa thì cương quyết đóng cửa, còn ở địa phương thì ông Võ Kim Cự nói rằng câu chuyện cho Formosa làm việc như thế thì không phải một mình tôi mà còn nhiều người, nhiều bộ ngành. Cụ Tổng thì vào (nhà máy Formosa) khen. Những câu nói đó tuỳ mỗi người mà liều lượng khác nhau.”

Trách nhiệm cho Bộ Chính trị

Nguyên Vụ trưởng vụ Dân vận Trung Ương, ông Nguyễn Khắc Mai, nêu ý kiến cụ thể đối với vấn đề Formosa rằng theo ông đó là trách nhiệm của Bộ Chính trị, khoá 11, và thậm chí khoá 12. Thế nhưng, qua những sự việc vừa qua thì có thể nói là sự đùn đẩy trách nhiệm cho người cấp dưới. Thế nhưng, những diễn biến vừa qua cho thấy tính “đùn đẩy” không có trách nhiệm với dân với nước.

Từ trái qua: Bộ trưởng Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Quốc Hội hôm 28/1/2016.
Từ trái qua: Bộ trưởng Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Quốc Hội hôm 28/1/2016. (AFP photo)

“Còn bây giờ đổ trách nhiệm cho các lão như ông Võ Kim Cự, Nguyễn Thanh Bình, Bí thư chủ tịch Hà Tĩnh, chủ tịch huyện Kỳ Anh… thì chỉ là những anh cấp dưới thôi. Chúng tôi đã từng đề nghị quốc hội phải có uỷ ban độc lập, nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này từ đầu đến đuôi làm rõ trách nhiệm của từng cấp, cấp Bộ chính trị là thế nào? cấp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày xưa là thế nào? Cấp Nguyễn Xuân Phúc ngày nay là thế nào? Các Bộ trưởng… phải làm cho rõ.”

Luật sư Trần Quốc Thuận đưa ra nhận định rằng ở Việt Nam, trách nhiệm của người đưa ra chủ trương về một dự án nào đó không được nhắc đến, mặc dù để chủ trương đó được thực hiện thì phải có sự đồng ý của người đứng đầu.

“Ngay cả tình trạng chủ trương của đất nước này thì đâu có chủ trương nào mà không báo cáo những dự án với cấp uỷ Đảng mà cao nhất là Bộ chính trị. Nhưng khi báo cáo rồi thì câu chuyện nó đổ bể ra thì không biết đi về đâu. cho nên cũng có người nói rằng trách nhiệm của người chủ trương, người theo dõi đôn đốc kiểm tra như thế nào?”

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đã cho rằng Bộ chính trị là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất trong những vấn đề gây thiệt hại cho đất nước, mà cụ thể là vấn nạn môi trường do Formosa gây ra. Tuy nhiên, Việt Nam không có điều luật nào để buộc chế tài đối với Bộ chính trị.

Điều này cũng là nguyên nhân gây ra sự bất nhất trong hệ thống ngôn quyền trong bộ máy lãnh đạo.

“Những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm với tất cả những quyết định của mình. hiện nay không có một điều luật nào để buộc Bộ chính trị phải chịu trách nhiệm trước những quyết định của họ. Vì họ hoạt động không có khuôn khổ luật pháp nào cả, chỉ có một Điều 4 hết sức chung chung, đó là Đảng lãnh đạo. Mà Đảng thì người Đảng viên thường cũng lãnh đạo được.”

Chuẩn bị 5 năm nữa rồi, nhưng người ban hành nghị quyết, triển khai nghị quyết, đôn đốc thực hiện nghị quyết không thấy nói đến trách nhiệm.<br/> - Luật sư Trần Quốc Thuận

Khi nhắc đến “trách nhiệm”, luật sư Trần Quốc Thuận đề cập đến những nghị quyết của trung ương về chống suy thoái, chống tham nhũng, chống diễn biến, chống chuyển hoá từ 20 năm nay.

“Chuẩn bị 5 năm nữa rồi, nhưng người ban hành nghị quyết, triển khai nghị quyết, đôn đốc thực hiện nghị quyết không thấy nói đến trách nhiệm.

Trên đất nước này, tất cả chủ trương từ Vinashin đến Vinaline thì làm sao mà không có trách nhiệm? Đảng thì hay nói đến trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng vụ Trịnh Xuân Thanh vừa qua thì không thấy xử người đứng đầu, chỉ thấy xử người phó và người giúp việc, kể cả thư ký cũng bị kỷ luật.”

Ông nhấn mạnh thêm rằng, đất nước này chưa từng thấy xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

“Vì Trịnh Xuân Thanh để làm được phó chủ tịch thì phải có chữ ký phê chuẩn của Thủ tướng. Tôi làm 14 năm Phó chủ nhiệm tôi biết rằng không có chuyện gì mà ông chủ nhiệm không kiểm soát cả. Nếu ký sai thì bị kỷ luật hoặc mất chức. Có nghĩa là tất cả cái gì ông đứng đầu cũng gật đầu hết chứ không có gì, nhất là vấn đề nhân sự, vấn đề chủ trương, tiền bạc mà không có người đứng đầu gật đầu. Mà trách nhiệm thì không thấy.”

Nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không dưới hai lần đã khẳng định “Phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lenin”, thì ông Nguyễn Khắc Mai cũng nhấn mạnh rằng theo ông họ (Đảng Cộng sản Việt Nam) đang thực hiện rất đúng cái tư tưởng Mac-Lenin, một tư tưởng chuyên chính vô sản không cần luật pháp; chính phủ tự mình quyết định vượt lên trên lập pháp.