Có thể nói rằng cộng đồng người Việt là cộng đồng người nước ngoài đông đúc nhất ở xứ Chùa Tháp, những diễn biến chính trị, xã hội của Campuchia trong thời gian gần đây đã dấy lên một làn sóng lo ngại về vấn đề bài Việt tại đây. Từ Campuchia, Sơn Trung có bài tường trình như sau.
Người Việt có mặt ở tất cả các tỉnh thành của Campuchia, tập trung đông nhất ở Thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Kampong Chnang, Kampong Cham, Kandal.
Phần lớn người Việt ở Campuchia có đời mức sống chênh lệnh nhau và không khác gì người bản xứ.
Ở vùng ngoại ô thành phố Phnom Penh, phần lớn người Việt là lao động phổ thông như phụ hồ, mua bán ve chai, nhưng cũng không ít người Việt sống ở trung tâm thành phố là chủ các cửa hàng, quán cà phê, và các nhà hàng lớn.
Từ sau cuộc bầu cử hồi giữa năm 2013 đến nay, do sự hoạt động tích cực của đảng đối lập đã khiến nhiều nhà quan sát lo ngại một làn sóng bài Việt tại Campuchia.
Bây giờ thì yên ổn chứ không có gì mà bầu cử tới này không biết có lộn xộn gì hay không. Có lộn xộn thì cũng không có gì tại vì ở trên Nam Vang thôi, ở đây cũng không có biểu tình gì
bà Kim Hiên
Tuy nhiên theo bà Kim Hiên, chủ một cửa hàng bán cà phê tại chợ quận Chba Ampov, thủ đô Phnom Penh cho biết, mặc dù chính trường Campuchia có những vấn đề bất ổn nhưng cuộc sống của người Việt đến nay vẫn không bị ảnh hưởng gì.
Bà cho biết: "Bây giờ thì yên ổn chứ không có gì mà bầu cử tới này không biết có lộn xộn gì hay không. Có lộn xộn thì cũng không có gì tại vì ở trên Nam Vang thôi, ở đây cũng không có biểu tình gì".
Theo điều tra tổ chức Quyền các Dân tộc Thiểu số tại Campuchia (MIRO) thì từ năm 2005 đến nay không có mâu thuẩn nào giữa người Việt và người dân bản xứ phát sinh cả.
Ông Nuon Sovanrith, phụ trách dự án của MIRO cho biết: "Liên quan đến vấn đề kỳ thị hay đối xử với người Việt, theo kết quả theo dõi của chúng tôi thì mối quan hệ giữa người Việt và người Khmer hoàn toàn bình thường. Người Việt có tự do làm ăn đủ các ngành nghề. Có những cửa hàng của người Việt có khách Campuchia đông hơn cả cửa hàng của người Campuchia".
Trục xuất người cư trú bất hợp pháp, không đuổi người Việt
Từ tháng tư năm 2014 đến đầu tháng 1 năm 2015, chính quyền Campuchia đã bắt trục xuất hơn 1100 người Việt Nam.
Theo giới chức cho biết, tất cả những người này điều không có giấy tờ hợp lệ.
Ông Sáu Tây, Phó chủ tịch hội Việt Kiều tại tỉnh Siem Riep cho biết phần lớn họ là những người mới từ Việt Nam sang, không có giấy tờ rõ ràng. Tuy nhiên giới chức dường như không quá khắc khe với những người Việt cư trú bất hợp pháp này.
Ông Sáu Tây: "Mình ở Việt Nam thì về dưới làm giấy tờ rồi đi lên đây sinh sống. Người ở đây có giấy tờ, được chính quyền địa phương xác nhận thì người ta cho ở, không có gì đâu ".
Riêng những người Việt đã sống ở Campuchia lâu năm nhưng chưa có giấy tờ hợp pháp cũng không hề lo lắng vì dường như chính quyền của ông Hun Sen khá dễ dãi với họ.
Ông Nguyễn Văn Kiêm, một Việt Kiều sống tại tỉnh Kandal cho biết ông sống ở đây hơn 30 và không hề bị chính quyền gây khó dễ, không những thế chính quyền Campuchia còn tạo điều kiện hợp pháp hóa những gia đình người Việt chưa hợp pháp.
Chỉ cần tìm thấy họ không có bất kỳ giấy tờ nào có thể sử dụng được thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. Còn nếu họ có một số giấy tờ nào đó mà có căn cứ pháp lý thì họ có thể sinh sống được
ông Chea Kem San (công an Campuchia)
Ông Kiêm: "Tôi ở đây cũng gần 30 năm nay rồi, chính quyền người ta cũng có làm khó gì đâu. Vừa rồi bộ Công an Campuchia người ta vô làm lại, số nào có sổ gia đình (Sổ hộ khẩu - PV,.) thì người ta cũng làm, mà không có sổ gia đình người ta cũng ghi thêm vô chứ người ta cũng không có làm khó gì đâu".
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Chea Kem San, Trưởng phòng Xuất Nhập cảnh, Công an tỉnh Siem Riep, nơi có nhiều người Việt bị bắt truất xuất nhiều nhất trong tuần đầu năm 2015 cho biết sẽ trục xuất những ai không có giấy tờ hợp pháp nào cả, đối với những người có một số giấy tờ hợp pháp thì có thể tiếp tục cư trú.
Ông cho biết: "Chỉ cần tìm thấy họ không có bất kỳ giấy tờ nào có thể sử dụng được thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. Còn nếu họ có một số giấy tờ nào đó mà có căn cứ pháp lý thì họ có thể sinh sống được".
Không có biểu tình chống người Việt
Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2014, người Khmer Krom liên tục tổ chức các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh.
Những người biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng Việt và thậm chí là yêu cầu chính phủ Campuchia tạm ngưng quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Đã xảy ra việc đốt quốc kỳ, nón lá của Việt Nam.
Điều này cũng không khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của người Việt tại Campuchia.
Anh Q, một người Việt quê ở Sóc Trăng bán mì xào trên đường Monivong xin được giấu tên nói với RFA rằng anh rất sợ khi xảy ra biểu tình và thường tránh đi vào khu vực có tập trung đông người. Anh Q cho biết: "Ở đây ghê lắm, biểu tình tùm lum từa lưa không hà. Dân nó nó còn đánh, huống chi dân mình".
Tuy nhiên, theo sư Lai Lat, Tổng Thư ký Hiệp hội Tu sĩ Khmer Kampuchea Krom tại Campuchia, một trong những tổ chức hoạt động tích cực trong các cuộc biểu tình trước đại sứ quán Việt Nam thời gian vừa qua cho biết, người Khmer Krom và người Khmer ở Campuchia không hề phân biệt hay ghét bỏ người Việt.
Các cuộc biểu tình vừa qua cũng như cuộc biểu tình sắp đới đây không nhắm tới người Việt tại Campuchia. Biểu tình để đòi chính quyền Việt Nam tôn trọng sự thật lịch sử. Chúng tôi không hề chống người Việt
sư Lai Lat
Cũng theo sư Lai Lat, các cuộc biểu tình vừa qua không hề nhắm đến tối tượng là người Việt đang sinh sống tại Campuchia. Sư cho biết "Các cuộc biểu tình vừa qua cũng như cuộc biểu tình sắp đới đây không nhắm tới người Việt tại Campuchia. Biểu tình để đòi chính quyền Việt Nam tôn trọng sự thật lịch sử. Chúng tôi không hề chống người Việt"
Liên quan đến vấn đề này Hội Liên hiệp Khmer Kampuchea Krom vì Nhân quyền và Phát triển, một tổ chức bảo vệ quyền người thiểu số ở Campuchia cũng khẳng định không có việc người Việt ở Campuchia bị phân biệt đối xử.
Ông Sơn Chum Chuôn, chủ tịch dự án Hội Liên hiệp Khmer Kampuchea Krom vì Nhân quyền và Phát triển cho biết: "Chúng tôi đã hợp tác với Liên Hiệp Quốc phổ biến luật cho người Việt sống ở Campuchia. Hướng dẫn cho họ biết về quyền lợi của họ cũng như luật pháp của nước sở tại để họ chấp hành đúng".
Ông Chuôn còn cho biết thêm, thực chất người Việt ở Campuchia được tự do sinh sống, không kể là sống hợp pháp hay bất hợp pháp.
Thực tế Hội Người Việt Nam tại Campuchia đã có văn phòng ở khắp 25 tỉnh thành của Campuchia chứng tỏ người Việt tại Campuchia có quyền hơn người Khmer Krom ở Việt Nam vì cho đến nay, người Khmer Krom vẫn chưa có một tổ chức dân sự nào của riêng mình trên đất nước Việt Nam.
Hội người Campuchia gốc Việt Nam còn lập nhiều trường học dạy tiếng Việt cho con em ở các khu vực có đông người Việt sinh sống đảm bảo con em người Việt không quên ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống dân tộc.
Đời sống tôn giáo, tinh thần của người Việt cũng được chú ý phát triển, nhiều cơ sở tôn giáo được trùng tu và xây mới.
Chỉ tính riêng quận Chba Ampov với diện tích chưa đầy 20 cây số vuông đã có đến 6 chùa và 2 nhà thờ của người Việt.
Cho đến nay vẫn chưa có số lượng người Việt tại Campuchia cụ thể, theo thông tin chính thức từ chính quyền của ông Hun Sen người Việt ở Campuchia vào khoảng 95.000 người, còn đảng đối lập và các tổ chức dân sự độc lập cho biết con số người Việt ở Campuchia có thể lên đến 4.000.000 người. Phần lớn những người Việt ở Campuchia là những người nhập cư bất hợp pháp và không có giấy tờ rõ ràng.
Sơn Trung, tường trình từ Campuchia.