Mục sư Tin Lành Mennonite Phạm Ngọc Thạch, một cựu tù nhân lương tâm từng bị án tù hai năm và liên tục bị sách nhiễu, hành hung về những hoạt động tôn giáo cũng như đấu tranh cho quyền con người tại Việt Nam hiện bị dồn vào thế cùng. Đó là gia đình ông đi đến đâu cũng bị cơ quan chức năng địa phương hạch sách về vấn đề cư trú và không để gia đình ông sống tại địa phương đó. Vào sáng ngày 25 tháng 8, Gia Minh hỏi chuyện mục sư Phạm Ngọc Thạch và ông cho biết:
Suốt quá trình từ năm 2004 từ khi đi tù về đến nay tôi luôn bị theo dõi và bám chặt. Bình Dương và Sài Gòn không còn nơi cho tôi ở nữa, tôi về Dak Lak tạm trú tại nhà của cha mẹ. Hộ khẩu của tôi mới làm được ở xã thôi, nhưng con và vợ của tôi không có hộ khẩu ở đây. Thậm chí mới ngày hôm kia, có một người của tổ dân phố đến nói tôi không có hộ khẩu ở đây. Tôi lấy hộ khẩu ra chứng minh thì người này nói là trên tỉnh không có giấy tờ hộ khẩu của tôi ở đây. Trong tháng rồi tôi cũng bị mời làm việc mấy lần. Tôi không hiểu sao họ không để cho tôi yên, tôi đi đâu cũng bị sự giám sát chặt chẽ của an ninh Việt Nam. Tôi đi đến tỉnh nào cũng được bàn giao quản lý như vậy.
Gia Minh: Là một mục sư Tin Lành và trước đây ông cũng tham gia những tổ chức như Khối 8406 và từng bị tù, vậy ông có nghĩ do những hoạt động chính trị như vậy mà người ta có những hành xử đối với ông và vợ con ông như thế không?
<br/>Theo luật pháp Việt Nam thì mỗi người dân đều có quyền tự do đi lại và an cư lạc nghiệp bất cứ nơi đâu; nhưng riêng tôi và tôi biết được nhiều người hầu như bị cô lập nhiều mặt lắm. <br/> - Mục sư Phạm Ngọc Thạch
Mục sư Phạm Ngọc Thạch: Đối với những vấn đề nhạy cảm, chính quyền Việt Nam sợ nhất những người đứng lên nói sự thật, đấu tranh cho vấn đề nhân quyền và tôn giáo. Họ bị hoàn toàn cô lập bằng mọi hình thức, từ an cư cho đến kinh tế đều bị quản lý hết! Trong cuộc làm việc hồi tháng rồi với an ninh từ thành phố xuống họ cũng lấy lý lịch của tôi mà họ lấy rồi, họ hỏi tôi đủ thứ chuyện suốt quá trình của tôi. Họ hỏi sắp đến đây làm gì, tôi cũng nói sinh hoạt tôn giáo bình thường. Họ hỏi nhóm tôn giáo của tôi được mấy người, cách nhóm họp như thế nào, nội dung là gì, tiền ở đâu để hoạt động. Họ cũng đưa tôi vào vấn đề hồi năm 2011 vừa rồi tham gia biểu tình chống Trung Quốc; rồi ghi vào biên bản.
Một tháng sau họ đánh thêm một giấy mời nữa, nhưng giấy mời vừa rồi tôi không đi vì tôi đang đi Đà Nẵng để giúp một số dân oan khiếu kiện về chuyện họ ngang nhiên lấy đất, trong đó có đất nhà từ đường của bà nội tôi.
Gia Minh: Chiếu theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, ông thấy việc cư trú và đi lại của ông lâu nay bị phía cơ quan an ninh và công an gây khó có đúng không?
Mục sư Phạm Ngọc Thạch: Theo luật pháp Việt Nam thì mỗi người dân đều có quyền tự do đi lại và an cư lạc nghiệp bất cứ nơi đâu; nhưng riêng tôi và tôi biết được nhiều người hầu như bị cô lập nhiều mặt lắm. Ví dụ địa phương làm cho tôi hộ khẩu mà trên tỉnh không có; đó là một điều 'tréo ngoe'. Tôi thấy lạ.
Gia Minh: Điều đó ông có trình bày với cơ quan chức năng và họ trả lời cho ông thế nào không?
Mục sư Phạm Ngọc Thạch: Họ vẫn trả lời rằng tôi đúng, nhưng khi làm họ làm sai. Cơ quan chức năng nào, khi tôi đến tại phường, quận nào tôi cũng nói về vấn đề luật pháp, họ không nói lại tôi; nhưng cách hành xử của họ lại hoàn toàn khác.
Gia Minh: Ngoài chuyện cư trú và đi lại, ông còn bị những thành phần không rõ gây hấn và hành hung phải không?
<br/>Đối với những vấn đề nhạy cảm, chính quyền Việt Nam sợ nhất những người đứng lên nói sự thật, đấu tranh cho vấn đề nhân quyền và tôn giáo. <br/> - Mục sư Phạm Ngọc Thạch<br/> <br/>
Mục sư Phạm Ngọc Thạch: Rất nhiều lần, ví dụ như lần tôi không còn chỗ ở bên Quận 2, tôi sang quận 4 đi thuê nhà thì họ đi theo, họ cản đường, đụng xe và nhảy xuống đánh tôi. Họ rất ngông cuồng, thách thức dường như họ có thù oán. Họ chỉ biết bảo vệ quyền lợi của đảng họ thôi chứ không lo gì đời sống của người dân hết. Tôi có thể nói như thế.
Tôi sống ở Sài Gòn đã 30 chục năm có hộ khẩu ở đó; nhưng từ khi tôi đứng lên đấu tranh năm 2004 họ đẩy gia đình tôi ra khỏi thành phố, cha mẹ tôi phải bán nhà về trên quê.
Gia Minh: Đó là trường hợp của ông nhưng nhìn rộng ra, ông thấy trình trạng đó có phổ biến không?
Mục sư Phạm Ngọc Thạch: Không phải riêng tôi mà rất nhiều, nhiều người bị. Có những người bị họ chỉ âm thầm nói nhỏ thôi, không dám lên tiếng trên thế giới vì sợ đủ điều hết.
Đối với chính quyền cộng sản Việt Nam, hầu như họ siết chặt mọi điều đối với tôn giáo. Tôn giáo tự do là tự do theo cách của họ, đảng cho phép chứ không phải tự do theo Hiến pháp, theo tâm và theo đạo của họ.
Gia Minh: Cám ơn Mục sư.