Lỗ hổng quá lớn
Trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.114 công trình và dự án thủy điện, trong số này có 1.004 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Đây là báo cáo chính thức của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng với Quốc hội hồi tháng 11 vừa qua. Về chi tiết thì 239 thủy điện đã hoàn thành và vận hành còn 217 dự án đang thi công sẽ đưa vào vận hành từ nay tới 2017. Số còn lại đang được nghiên cứu cho qui hoạch tới 2020.
Thủy điện vừa và nhỏ được cho là nguồn điện năng bổ sung quan trọng, nhưng những qui định chồng chéo của chính phủ và bộ ngành dẫn tới việc những công trình thủy điện vừa và nhỏ dưới 30MW do tư nhân đầu tư, không dùng tiền Nhà nước, đã bị buông lỏng ngay từ những khâu đầu tiên. Bao gồm công tác đánh giá tác động môi trường, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu và vận hành. Sự kiện mà Báo Lao Động điện tử ngày 17/10/2012 khẳng định rằng: “Không một cơ quan nhà nước thẩm quyền nào biết, quản lý, chịu trách nhiệm về chất lượng, sự an toàn đập đối với các thủy điện vừa và nhỏ có công suất lắp máy dưới 30 MW.”
TS Phạm Sĩ Liêm
Trả lời chúng tôi vào tối 11/12/2012, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng từ Hà Nội phát biểu:
“Hiện nay ở Việt Nam cái gọi là phân cấp xuống địa phương giao cho tỉnh quá nhiều quyền lực, trong khi họ không đủ năng lực để thực thi cái đó. Hơn nữa chính phủ Trung ương cũng chưa có một cơ chế gì để giám sát họ như thế nào, cho nên không cứ gì trong vấn đề đập thủy điện mà một số lãnh vực khác cũng có câu chuyện như vậy. Hiện nay chúng tôi và một số nhà làm chính sách khác theo tôi được biết cũng đang suy nghĩ về vấn đề phân cấp như thế nào.”
Về nguyên tắc, ở Việt Nam các công trình thủy điện vừa và nhỏ với công suất từ 200 KW cho tới 100.000 KW phải được xây dựng theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành 2002. Trong đó tùy theo qui mô công suất mà áp dụng tiêu chuẩn cấp IV, cấp III và cấp II của bộ tiêu chuẩn.
Thế nhưng khi đập thủy điện Đăk Rông 3 ở Quảng Trị bị vỡ, ông Mai Thức, phó chủ tịch UBND tỉnh đã nói thẳng với báo chí là, toàn bộ quá trình từ lập dự án đầu tư, phê duyệt, quyết định đơn vị thi công, giám sát đều một mình chủ đầu tư thực hiện. Những sự kiện này cho thấy một lỗ hổng quá lớn đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ 100% vốn đầu tư của tư nhân.
Theo giáo sư Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam thì cấp bộ chuyên ngành không quản lý thủy điện nhỏ mà giao xuống địa phương. Trong khi đó địa phương chưa có trình độ chuyên môn để nghiệm thu công trình được. GS Hồng cho là cần phải xem xét lại vấn đề phân cấp xuống địa phương, cũng như phải có qui trình giám sát các công trình thủy điện của tư nhân.
"Nhà đầu tư muốn làm nhanh để mau thu hồi vốn, nhưng đối với người quản lý phải đảm bảo công trình đầu tư phải đúng luật, tức phải đảm bảo chất lượng."
Chính phủ cần sửa đổi
Cũng như nhiều nhà khoa học khác, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đề nghị chính phủ có sửa đổi để tránh những bất cập trong cơ chế phân cấp quản lý giám sát an toàn các công trình thủy điện. Theo lời TS Liêm, cần nghiên cứu sâu sát để có cải cách hợp lý, ông cũng phác họa một hướng đề nghị.
“Thứ nhất là không phân cấp đồng loạt tỉnh nào cũng như tỉnh nào. Bởi vì có những tỉnh người ta có năng lực rất khá mà nhất là 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng có những tỉnh ở xa xôi, trình độ năng lực rất hạn chế mà thủy điện lại hay rơi vào những vùng ấy. Thế cho nên không chỉ thủy điện mà chẳng hạn khai thác mỏ, quản lý mỏ, rồi khai thác các dòng sông, khai thác vàng …v…v… tất cả những chuyện như vậy thực ra họ không đủ năng lực để đánh giá.”
Từng là một Thứ trưởng của Bộ Xây dựng, TS Phạm Sĩ Liêm báo động về tình trạng thiếu chuyên viên có đủ năng lực chuyên ngành của cả nước. Ông nhấn mạnh:
GS Vũ Trọng Hồng
“Riêng về thủy điện, chẳng hạn chuyện Sông Tranh thì không chỉ chất lượng xấu mà việc chọn vị trí cũng không đúng. Thế cho nên ở đây chuyện trình độ ngay ở Trung ương cũng phải hết sức quan tâm để xem xét chứ không cứ gì địa phương. Hiện nay đang đưa ra vấn đề đánh giá tác động môi trường của các dự án xây dựng, theo tôi hiểu lực lượng của các địa phương về vấn đề này rất yếu, cần phải có những chuyên gia có tầm nhìn, có kiến thức khá. Các chuyên gia loại này thường ở Trung ương, các Viện nghiên cứu các Trường Đại học.”
Trước tình trạng phát triển thủy điện ồ ạt đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ, dẫn đến mất rừng, mất đất canh tác phải di dời dân cư. Lợi ích của việc có thêm nguồn điện năng, không thể bù lại những thiệt hại lâu dài do thay đổi thiên nhiên. Thực tế cho thấy mục tiêu điều tiết lũ và trữ nước cho mùa khô đã không thể thực hiện được, mà còn gây ra thiệt hại cho vùng hạ lưu như trường hợp ở Quảng Nam.
Theo tin ghi nhận ngày 12/12, Bộ Công thương kiến nghị chính phủ loại bỏ tổng cộng 324 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 660MW. Bộ Công thương đã đề nghị như vậy sau khi rà soát qui hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên cả nước.
Tuy vậy, xem xét lại việc phân cấp giám sát an toàn công trình thủy điện vừa và nhỏ vẫn đang là nhu cầu cấp bách mà các chuyên gia báo động trước công luận.
Theo dòng thời sự:
- Liệu đập thủy điện Sông Tranh 2 có bị vỡ?
- Động đất lần thứ 10 tại thủy điện Sông Tranh 2
- Việt Nam Tuần Qua
- Động đất đe dọa thủy điện Sông Tranh 2
- Tiếp tục động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh
- Sự cố Sông Tranh 2 và những điều đáng quan ngại
- EVN vẫn cho tích nước hồ chứa Sông Tranh 2
- Đập vỡ, dân chạy đi đâu?
- Sự cố Sông Tranh – người dân sẽ ra sao?
- Khảo sát tình hình động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2