Theo thông lệ, vị trí xã hội của bị hại càng “danh giá” thì lời đề nghị giảm án của những người này càng có giá trị, thậm chí còn có “giá trị pháp lý”. “Bị oan” Đoàn Văn Vươn sẽ tránh thoát trọng án chăng?
Vì sao “đột ngột dừng xử”?
“Các bị cáo vi phạm pháp luật nhưng một phần do bức xúc nên cần xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo” - vào ngày thứ hai xét xử vụ án “Người anh hùng áo vải”, lời yêu cầu mang tính “nhất trí cao” như thế đã đồng loạt được các bị hại Lê Văn Mải, Đỗ Xuân Trường, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Hoàng, Đào Văn Đức “báo cáo” trước Tòa án nhân dân Hải Phòng.
Vụ án chưa từng có ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay cũng vì thế “bất chợt” hiện ra một ngã rẽ hiếm có tiền lệ: công an đứng ra xin giảm án cho đối tượng “giết người”.
“Giết người” lại là từ ngữ biến mất trên cửa miệng những người bị hại - một động thái rất khác với bản kết luận của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Hải Phòng và phong cách đưa tin mạnh mẽ của hệ thống báo đảng cách đây không quá lâu.
Cùng ngày xét xử trên, trong bài “Các tình tiết đã phản lại các bị cáo”, báo Quân đội nhân dân đã “chung quan điểm” - như một cách diễn đạt của tờ báo này, cho rằng “việc không yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bị cáo là vì các bị hại là người làm việc công vụ nên khi bị thương đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đơn vị đã chi trả toàn bộ viện phí cho các bị hại trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện và dưỡng thương tại nhà, chứ không phải “sai” nên không yêu cầu bị cáo bồi thường”.
Một trí thức ở Sài Gòn, người đau đáu với phiên tòa của các “bị oan”, buột miệng: “Đảng và Nhà nước ta chu toàn thật, hết lo cho mấy người đi biểu tình chống Trung Quốc lại quan tâm săn sóc cho bị cáo. Đến mức này thì còn lý do nào để “suy thoái niềm tin” nữa chớ!”.
Trí thức trên cũng cho biết, nếu biết “hậu sự” như vậy thì anh đã không để ai đó “lôi kéo” đến khu vực quanh tòa án Hải Phòng, khi phải rước lấy nhiều phiền phức và ức chế từ thái độ đẩy đuổi của cảnh sát bảo vệ. Không cần có anh, chính những người đại diện cho sắc phục trong tòa cũng “phát ngôn” được một phần nguyện vọng của rất nhiều người dân Việt Nam, trong đó không ít người là dân oan từ Văn Giang, Dương Nội, Tiền Giang… đang nhiệt thành ủng hộ Đoàn Văn Vươn dù vẫn bị những bộ sắc phục bên ngoài tòa ngăn bức.
Vào những ngày này, áp lực của người dân và dư luận trong nước cũng đang dâng lên mạnh mẽ, tỷ lệ thuận với lời “phán quyết” đanh thép trên các báo đảng về tội trạng của “Đoàn Văn Vươn và đồng phạm”.
Sau vài ngày dặt dè và có vẻ lúng túng, cho đến ngày hôm qua đã có khá nhiều tờ báo “lề phải” không còn giữ được thái độ “kìm nén” một cách vô ích. Thay vào đó, tình cảm nồng nhiệt và chia sẻ đang dường như được khuấy động trở lại, tái cảm thời đoạn của ít nhất 1.400 bài viết về Người giữ đất Đoàn Văn Vươn vào đầu năm 2012.
Sự khuấy động khởi đầu như thế cũng được bắt đầu bởi một “sự cố” nho nhỏ: tòa “đột ngột dừng xử” - như một cách mô tả ấn tượng và ẩn ý của đài BBC.
Lời đề nghị “pháp lý”
Có vẻ những tờ báo tham dự phiên tòa đã không bỏ qua cơ hội khá đặc biệt “đột ngột dừng xử”: chỉ vỏn vẹn 30 phút tranh cãi giữa hai bên bị cáo và bị hại về “quyền nổ súng” - như một cụm từ biểu tả bóng bẩy của dư luận và công luận trong nước liên quan đến một dự thảo nghị định của ngành công an trong thời gian gần đây - ở khu đầm xã Vinh Quang đầu năm ngoái.
Không tranh cãi và có vẻ không cần nhiều tranh luận, dù vẫn còn không ít thời gian cho phiên tòa chiều qua.
Nhưng tiếng tranh cãi của giới luật sư bào chữa lại bắt đầu cất lên, dù mới ở bước “tranh tụng ngoài lề”. Theo trần tình của luật sư Trần Đình Triển thì “Tòa tạm dừng buổi trưa, ra ngoài đường công cộng, tôi và một số luật sư đang đứng nói chuyện với chị Thương (vợ anh Vươn) và chị Hiền (vợ anh Quý), bỗng nhiên có một người mặc thường phục đeo biển “Ban tổ chức” ra ngăn cản cuộc nói chuyện. Tôi bực mình quá, đành phải thốt lên: “Này anh! Nên bỏ vào đầu một chút kiến thức; đây là quyền của chúng tôi; anh sai nhưng nếu tôi chống lại thì sẽ bị xử lý về chống người thi hành công vụ như vụ án này đây”.
Không có sự khác biệt lớn giữa hàm ý của luật sư Triển với bản thông báo số 43 ngày 10/2/2012 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc “Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn”.
Cần nhắc lại, vào đầu phiên xét xử ngày thứ hai, báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam đã “bất ngờ” rút tít “Xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn và đồng phạm: Khách quan, đúng tội và xem xét tình tiết giảm nhẹ” - một biểu hiện khác biệt không nhỏ so với tinh thần đanh thép “Đoàn Văn Vươn và đồng phạm chuẩn bị, chống đối việc cưỡng chế thu hồi đất như thế nào?” của bài viết trên một tờ báo mang tính “nhân dân” chỉ một ngày trước đó.
“Tình tiết giảm nhẹ” cũng theo đó đang có cơ hội được miễn tố bởi chính những bị hại là người đại diện cho sắc phục tại tòa án.
Theo pháp luật Việt Nam, việc bị hại miễn tố hoặc xin giảm án cho bị cáo là một trong những điều kiện quan trọng để bị cáo được tòa xem xét mức án nhẹ nhàng hơn. Còn theo thông lệ, vị trí xã hội của bị hại càng “danh giá” thì lời đề nghị giảm án của những người này càng có giá trị, thậm chí còn có “giá trị pháp lý”.
Bắt đầu “đồng cảm”?
Từ một góc độ liên quan, một lời đề nghị “danh giá” khác cũng đến từ báo đảng.
Trùng thời điểm với ngày thứ hai của phiên tòa xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rút tít “Báo Việt Nam: Mỹ nên thay đổi nhận thức về nhân quyền”, với nội dung được trích dẫn từ một bài viết có tiêu đề gần tương tự trên báo Nhân dân mới đây.
Theo VOA, vào thượng tuần tháng 3/2013, Phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Baer bày tỏ quan ngại trước Tiểu ban ngoại giao Thượng nghị viện Mỹ về tình hình tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do thông tin đang xuống dốc tại Việt Nam.
Nhận định của ông Baer được đưa ra giữa lúc các giới chức Hoa Kỳ khẳng định rằng thăng tiến các quyền tự do cá nhân là trọng tâm then chốt trong chính sách của Mỹ tại châu Á.
Phó trợ lý ngoại trưởng Daniel Baer nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục nêu các mối quan tâm và khẳng định lập trường mạnh mẽ với Hà Nội về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Nếu không có gì thay đổi, được biết cuộc hội đàm Việt - Mỹ về nhân quyền sẽ diễn ra vào giữa tháng Tư này, chỉ chưa đầy một tuần sau khi hai phiên tòa - một cho “Người nông dân nổi dậy” và một cho những quan chức “ăn đất” ở Tiên Lãng” - kết thúc.