Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN và các nước sẽ diễn ra vào cuối tuần này ở Mynamar. Đã có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với những chỉ trích tại diễn đàn liên quan đến hành động gần đây của họ tại biển Đông. Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc đã có những chuẩn bị cho vấn đề này và sức ép bị ‘chỉ tên và làm cho xấu hổ’ tại một hội nghị quốc tế chưa chắc đã làm cho Trung Quốc thực sự lo ngại.
Sức ép biển Đông trước hội nghị
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa diễn đàn an ninh khu vực ASEAN sẽ diễn ra tại Myanmar. Ngay trước thềm hội nghị, một số quốc gia đã bắt đầu lên tiếng về vấn đề biển Đông, là chủ đề sẽ được đề cập trong diễn đàn lần này.
Philippines hôm thứ hai, 4 tháng 8, cho biết, nước này sẽ đưa ra đề nghị 3 điểm của mình tại diễn đàn khu vực, theo đó, nước này kêu gọi các bên ngưng ngay các hoạt động làm căng thẳng thêm tình hình, tuân thủ tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông được ký từ năm 2002.
Trong cuộc họp báo vào chiều cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á của Hoa Kỳ, Daniel Russel cũng cho biết Ngoại trưởng Hoa Kỳ Jonh Kerry tại hội nghị lần này sẽ gây sức ép kêu gọi các nước tình nguyện ngưng ngay những hành động làm phức tạp thêm những tranh chấp về chủ quyền giữa các nước tại biển Đông.
Lý do mà họ dịch chuyển giàn khoan một phần do thời tiết, đó là mùa bão, một phần là vì hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN sắp tới và thực tế là TQ không muốn phải đối mặt với những chỉ trích từ những người tham gia cuộc họp ARF
Bonnie Glaser
Trong khi đó, ông Dịch Tiên Lương, Phó Tổng Vụ Trưởng Vụ Biên Giới Và Đại Dương của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói với báo giới tại Bắc Kinh trong ngày 4 tháng 8 rằng Trung Quốc sẽ làm bất cứ cái gì mà họ muốn tại các đảo thuộc chủ quyền của họ trên biển. Ông cũng không quên nhắc nhở Mỹ rằng Mỹ cần đặt lòng tin vào người châu Á trong việc sử dụng các phương tiện và sự khôn ngoan của mình để giải quyết các vấn đề của chính mình.
Nhận xét về phát biểu này của Trung Quốc, giáo sư Renato Cruz de Castro, thuộc trường đại học De la Salle, Philippines nói:
Renato Cruz de Castro: đây là một tín hiệu mà Trung Quốc đưa ra cho thấy là họ sẽ bác bỏ đề nghị của Philippines.
Hồi tháng trước, chính phủ Philippines cáo buộc Trung Quốc đang cho xây dựng đường băng tại đảo Gạc Ma mà Trung Quốc lấy được từ Việt Nam hồi năm 1988. Hành động xây dựng này bị các nước cáo buộc là nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về Trung Quốc, bà Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, Trung Quốc đang tìm cách tránh những chỉ trích nhắm vào họ tại hội nghị lần này bằng hành động cụ thể là dịch chuyển giàn khoan khỏi vùng nước tranh chấp với Việt Nam.
Bonnie Glaser: Tôi nghĩ lý do mà họ dịch chuyển giàn khoan một phần do thời tiết, đó là mùa bão, một phần là vì hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN sắp tới và thực tế là Trung Quốc không muốn phải đối mặt với những chỉ trích từ những người tham gia cuộc họp ARF, mà họ biết là sắp xảy ra.
Theo giáo sư Renato de Castro, hành động này của Trung Quốc không hẳn là do vấn đề sức ép chỉ trích từ diễn đàn khu vực sắp tới
Renato Cruz de Castro: bằng việc rút giàn khoan, họ đã bắn hạ con chim chỉ với một viên đá. Thứ nhất là họ cố gắng bảo vệ tàu thuyền của mình trước mùa bão, mặt khác họ cố gắng hạ nhiệt trước diễn đàn an ninh khu vực và đảm bảo là họ đưa ra những sáng kiến ngay cả trong diễn đàn và sau đó.
Sáng kiến hay chia rẽ?
Vậy những sáng kiến của Trung Quốc trước và sau diễn đàn là gì? Đó chính là những sáng kiến đề nghị hợp tác với ASEAN mà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra từ năm ngoái đến nay bao gồm đề nghị thành lập ngân hàng hạ tầng cơ sở châu Á, đề nghị nâng cấp hiệp định thương mại tự do ASEAN Trung Quốc và đề nghị về con đường tơ lụa trên biển nối Trung Quốc với các nước ASEAN.
Trung Quốc đưa ra nhiều sáng kiến ví dụ như con đường tơ lụa trên biển, ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á, TQ cũng đề nghị nâng cấp thỏa thuận tự do thương mại Trung Quốc ASEAN… theo tôi đây là một thay thế cho COC từ phía Trung Quốc
Trần Trường Thủy
Đáng chú ý trong những đề nghị này là đề nghị thành lập ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á, viết tắt là AIIB được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại APEC vào năm ngoái. Ngân hàng có số vốn ban đầu là 50 tỷ đô la và Trung Quốc đóng góp đến một nửa trong số này. Cho đến lúc này, đã có một số nước trong khu vực bày tỏ quan tâm đến đề xuất này của Trung quốc như Lào, và Campuchia.
Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ nghiên cứu biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng những sáng kiến này của Trung Quốc là nhằm tìm cách thay thế một bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC) mà các nước đang tìm kiếm.
Trần Trường Thủy: trong vòng 2 hay 3 năm trở lại đây, Trung Quốc đưa ra nhiều sáng kiến ví dụ như con đường tơ lụa trên biển, ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á, trung Quốc cũng đề nghị nâng cấp thỏa thuận tự do thương mại Trung Quốc ASEAN… theo tôi đây là một thay thế cho COC từ phía Trung Quốc.
Còn giáo sư Renato Cruz de Castro thì cho rằng bằng những sáng kiến này Trung Quốc lại đang tìm cách chia rẽ ASEAN. Với những hành động gây căng thẳng trên biển Đông và những sáng kiến được đưa ra đồng thời, Trung Quốc đang áp dụng một cách tiếp cận kép với ASEAN liên quan đến vấn đề biển Đông. Giáo sư Renato nói:
Renato Cruz de Castro: Chúng ta thấy là Trung Quốc đang đưa ra một tiếp cận kép là trực tiếp và không trực tiếp. Trực tiếp là duy trì lập trường cứng rắng còn không trực tiếp là đưa ra các đề nghị hợp tác… Họ sẽ không hạ nhiệt sau hội nghị lần này nhưng họ sẽ vẫn duy trì vấn đề hiện có để biến những cái không bình thường trở thành bình thường, đồng thời họ đưa ra các đề nghị hợp tác.
Theo giáo sư Renato Cruz de Castro, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tập trung vào hướng tiếp cận không trực tiếp là những sáng kiến mà họ đã đưa ra để chuẩn bị cho hội nghị APEC và diễn đàn Đông Á sắp tới tại Trung Quốc. Và với cách làm này, Trung Quốc đã biến ASEAN thành một tổ chức chỉ biết phản ứng lại và Trung Quốc sẽ luôn là nước đầu tiên đưa ra sáng kiến.
Vậy chúng ta có thể hy vọng gì sau kết thúc diễn đàn an ninh khu vực lần này? Rất có thể các nước ASEAN sẽ lại đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi các bên kiềm chế không gây căng thẳng trên biển Đông mà không nêu một tên nước cụ thể bởi ASEAN hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận. Không phải nước nào thuộc ASEAN cũng có vấn đề tranh chấp gay gắt với Trung Quốc như Philippines và Việt Nam.