Lấp sông Đồng Nai, một hiểm họa khó lường

Các loại xe cơ giới đang được huy động để san lấp sông Đồng Nai.
Các loại xe cơ giới đang được huy động để san lấp sông Đồng Nai. (Courtesy VietNamNetBridge)

Việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho phép công ty tư nhân san lấp 7,72ha mặt nước sông Đồng Nai để xây dựng dự án đầu tư phát triển đô thị, không chỉ tàn phá môi trường mà còn tạo một tiền lệ xấu trong việc vi phạm pháp luật.

Mục đích lấp sông?

Việc UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý cho Công ty cổ phần Toàn Thịnh Phát khởi công dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều của dư luận.

Thực chất đây là dự án lấn sông Đồng Nai để xây cao ốc, văn phòng, và công viên cây xanh. Dự án này với quy mô 8,4 ha, nằm dọc theo sông Đồng Nai. Trong đó hơn 7,7 ha là mặt nước, chỉ có hơn 0,6 ha là đất đang hiện hữu. Đặc biệt dự án này sẽ lấn ra sông đoạn hẹp nhất là 30m, còn đoạn rộng nhất là 100m.

Tuy nhiên, đến nay một số địa phương, cơ quan liên quan lẫn người dân chịu tác động trực tiếp từ dự án này đều cho rằng không nhận được thông tin tham vấn về dự án từ chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Đánh giá về dự án xây dựng này, một cán bộ lãnh đạo của Tổng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu không nêu danh tính cho biết:

Lấn sông mà chiến một diện tích lớn như vậy 7.7 ha ở lòng sông thì là một việc làm không thể chấp nhận được.

Lãnh đạo Tổng Cục Thủy lợi

“Nếu như không có sự đồng ý, không có các nhà chuyên môn xem xét vấn đề này thì tôi nghĩ rằng đấy là một việc làm hoàn toàn sai trái và không ai đồng tình cả.

Đặc biệt, nếu có tính toán đi chăng nữa thì tôi nghĩ rằng cái tính toán đó cũng chưa đúng, bởi vì lấn sông mà chiếm một diện tích lớn như vậy 7.7 ha ở lòng sông thì là một việc làm không thể chấp nhận được.”

Dân chúng lo lắng

Bản đồ Google Map chụp cảnh sông Đồng Nai đang bi san lấn.
Bản đồ Google Map chụp cảnh sông Đồng Nai đang bi san lấn.

Đáng chú ý, chính quyền Đồng Nai đã không lấy ý kiến của người dân theo đúng quy định, ông Bảy một cư dân ở phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa cho biết sự lo lắng của ông. Ông nói:

“Tôi thấy chưa có ai như tỉnh Đồng Nai này làm cái bờ sông kiểu đó, trước mắt cái đó sẽ ép dòng chảy mạnh lên và làm cù lao của mình sẽ không còn. Thứ 2 nữa là cầu Ghềnh tương lai cũng không biết như thế nào và thứ 3 là bờ sông bên kia có khi là sạt lở. Rồi trên bờ, khi mưa lớn thì không có lối cho thoát nước”.

Theo báo Thanh Niên, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, khẳng định:

“Họ làm độc lập. Chúng tôi không được tham vấn. Với tư cách là Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, tôi không biết và với tư cách là Thứ trưởng Bộ TN-MT tôi cũng không hay về dự án này. Tôi chỉ biết việc này qua báo chí”.

Cái đó sẽ ép dòng chảy mạnh lên và làm cù lao của mình sẽ không còn. Thứ 2 nữa là cầu Ghềnh tương lai cũng không biết như thế nào và thứ 3 là bờ sông bên kia có khi là sạt lở. Rồi trên bờ, khi mưa lớn thì không có lối cho thoát nước.

Ông Bảy, phường Quyết Thắng

Hiểm họa khó lường

Nói về nguyên nhân một dự án lớn, ngay từ khi bắt đầu khởi công đã vấp phải sự phản ứng của đông đảo chuyên gia môi trường, thủy lợi song vẫn tồn tại và tiếp tục thi công. Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi khẳng định:

“Cái nguyên nhân là do người nằm trong cơ quan quản lý, nhưng có sự thông đồng thế nào đó thì nó mới có thể xảy ra được. Chứ trong quản lý mà cơ quan quản lý mà nghiêm túc thì một việc tày đình như thế thì sẽ không có chuyện đó xảy ra.

Bây giờ thì rờ vào đâu thì cũng thấy điều đó, cái gì đưa ra cũng đều có động cơ lợi ích nhóm trong đó và tìm cách lách để làm. Tôi thấy cái đó là một thực trạng mà ở bất cứ lĩnh vực nào cũng xảy ra như vậy.”

Dự án này sẽ là một hiểm họa vô cùng lớn không chỉ cho môi sinh, mà ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên một diện rộng ở khu vực Đông Nam Bộ.

Vị cán bộ lãnh đạo của Tổng Cục Thủy lợi nhận định:

“Bởi vì dòng chảy khi anh tác động làm cho dòng chảy hướng đi một cái hướng khác chẳng hạn, thì hoàn toàn phía hạ lưu nó sẽ thay cái lòng dẫn cho phù hợp với dòng chảy và nó uốn lượn theo quy luật dòng chảy động lực học song.

Và lúc đó, sạt lở, bồi lắng ở phía hạ lưu sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, rồi công trình hai bên ven sông. Sẽ ảnh hưởng xuống phía hạ lưu sông, ở những đoạn Sài gòn, rồi trên các tỉnh phía lân cận. Mà tôi nghĩ thiệt hại sẽ gấp hàng trăm lần cái mà chúng ta chưa lường hết được.”

Trả lời câu hỏi vấn đề lấp sông Đồng Nai tiếp theo sẽ nên được giải quyết theo hướng nào? Nếu để cho làm sẽ tạo tiền lệ, các chủ đầu tư khác cũng đua nhau xin làm các dự án trên các con sông khác rồi sẽ ra sao?

Cái nguyên nhân là do có sự thông đồng thế nào đó thì nó mới có thể xảy ra được. Chứ cơ quan quản lý mà nghiêm túc thì một việc tày đình như thế thì sẽ không có chuyện đó xảy ra.

TS Trần Nhơn, cựu Thứ trưởng Bộ Thủy lợi

Theo quy định của Bộ Xây dựng về hành lang bảo vệ sông, rạch thì phần đất này không được xâm phạm cho bất cứ ai, kể cả doanh nghiệp. Tiến sĩ Trần Nhơn cho biết:

“Làm thế này thì nhà đầu tư rất có lợi rồi, nhưng nếu ông vì cái lợi cục bộ của ông mà ông tàn phá môi trường, ông làm sai các quy định của của các văn bản pháp luật thì rõ ràng mình phải yêu cầu họ dừng lại ngay. Đồng thời phải yêu cầu họ phải thông qua đầy đủ các bước thiết kế, thẩm định cho đúng quy trình thì mới được làm.

Những cái việc lớn như thế mà để cho họ lách, để cho họ thi công rồi thì dân mới biết thì rõ ràng là không được. Bây giờ dân họ không đồng tình và thủ tục về mặt khoa học kỹ thuật thì chưa có, vậy thì phải dừng lại ngay thôi.”

Vì lợi nhuận, bất chấp hậu quả

Cần nhận thức rằng sông Đồng Nai là mạch máu chính của miền Đông Nam bộ, dòng sông có nhiệm vụ chính trong cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, giao thông thủy, điều hòa khí hậu, cảnh quan môi trường và cân bằng hệ sinh thái thủy sinh cho khu vực.

Vị cán bộ lãnh đạo của Tổng Cục Thủy lợi ghi nhận:

“Đây là đang làm trái Luật Tài nguyên nước năm 2012 và kể cả những vấn đề liên quan đến Luật đê điều. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không nên để nó trở thành một cái tiền lệ. Điều này cần phải cấm ngay, bởi vì tôi nghĩ bản thân cái thiệt hại tôi tin chắc rằng sẽ lớn gấp nhiều lần cái được lợi.

Tôi không biết lợi ích bên trong là gì nhưng tôi thấy trước mắt, hậu quả là rất lớn, ảnh hưởng lâu dài, để lại hậu quả nặng nề cho mai sau.

Chuyên gia Doãn Mạnh Dũng

Tôi nghĩ cần phải xem xét lại và ngăn chặn chuyện được chuyện ấy thì mới không gây ra hiểm họa, Và tỉnh Đồng Nai khi muốn đảm bảo lợi ích của mình thì phải nghĩ đến quyền lợi của các tỉnh lân cận, các vùng lân cận thì đấy mới là phát triển bền vững của một quốc gia và một lưu vực sông.”

Theo VNN online, chuyên gia Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật và Kỹ thuật biển thành phố HCM cho biết:

"Tôi không biết lợi ích bên trong là gì nhưng tôi thấy trước mắt, hậu quả là rất lớn, ảnh hưởng lâu dài, để lại hậu quả nặng nề cho mai sau. Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ, với thẩm quyền của mình phải dừng ngày việc lấn sông Đồng Nai và khôi phục lại nguyên trạng."

Friedrich Engels , ông tổ của những người cộng sản đã nói rằng:

“Loài người đã nhiều phen toan cải tạo thiên nhiên, nhưng lần nào cũng vậy, thiên nhiên bèn cho nó một cái tát xiếc: Hãy ngồi yên chỗ, ngươi chỉ là một thành tố của thiên nhiên mà thôi!".

Vì thế dư luận cho rằng, thử đặt trường hợp, bây giờ địa phương nào cũng sẵn sàng cấp phép lấn sông cho doanh nghiệp để làm dự án, thì lúc ấy đừng nói đến tăng trưởng, hiện đại... mà có lẽ đến cả nước sinh hoạt cũng sẽ không đủ mà dùng.