Một buổi hội thảo bàn về sửa đổi Hiến pháp năm 92 do Câu Lạc Bộ Kháng chiến tổ chức đã nổ ra những tranh luận sôi nổi về các câu hỏi mà nhân sĩ trí thức trong buổi hội thảo đưa ra.
Tranh luận gay gắt
Trong buổi hội thảo góp ý sửa đổi Hiến Pháp do Câu Lạc bộ Truyền thống Kháng chiến khối sinh viên của thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại nhà Bảo tàng Cách mạng thành phố đã có mặt của nhiều nhân sĩ trí thức, lão thành cách mạng cũng như những Đảng viên vẫn đang sinh hoạt đảng và làm việc trong guồng máy chính quyền.
Theo luật sự Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội có mặt tại buổi hội thảo nhận xét thì không khí tranh luận giữa hai phía, một bên nhất quyết giữ vai trò của Đảng trong Hiến pháp còn một bên thì dứt khoát phải bỏ điều 4 vì nó đi ngược lại lợi ích của đất nước, nhân dân, có lúc diễn ra khá gay gắt. Luật sư Thuận cho biết:
“Không khí của cuộc hổi thảo của Câu lạc bộ kháng chiến khối sinh viên thì những phát biểu của các diễn giả phải nói rằng có nhiều ý kiến có thể nói dùng chữ gay gắt thì cũng không sai, từ những ý kiến ủng hộ Đảng lẫn những ý kiến ủng hộ bản dự thảo thì họ nói rất gay gắt nhất là 4 vấn đề mà họ quan tâm. Chương một, điều hai, điều 4, rồi chương đất đai điều 58, rồi chương 70 nói về dự thảo và chương về Hội đồng Hiến Pháp… nói chung sôi nổi và gay gắt tập trung vào những việc này.”
Khi anh đặt điều 4 thì nó chống lại những điều khác. Nó chống lại quyền con người, quyền ăn nói, quyền lập hội vì khi Đảng đã lên trên rồi thì các quyền kia không còn nữa. <br/> Hồ Hiếu
Tuy nhiên theo một số người cho biết ý kiến của ông Nguyễn Văn Thuyền, nguyên Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kháng chiến do lớn tuổi không thể tham dự cuộc hội thảo đã gửi bài phát biểu vào và có những câu chữ khiến nhiều người cho rằng gay gắt, đặc biệt với câu hỏi: “Ai là kẻ mưu toan dẹp bỏ điều 4 Hiến pháp?”
Giải thích điều này luật sư Trần Quốc Thuận cho biết:
“Bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Thuyền, thì tôi cho rằng hồi trước tới giờ cũng không có gì gay gắt. Tôi vẫn gọi ổng là chú, chú Ba Tôn. Ông này đúng là cả cuộc đời tham gia cách mạng bây giờ thì tuổi cũng xấp xỉ 100 rồi cho nên tình cảm của ông ấy tha thiết gắn bó với cách mạng, gắn bó với Đảng đối với ổng thì nó sâu sắc nó dài. Tôi cho rằng đó là một bài tâm sự hơn là một bài phát biểu cho nên ổng cho rằng chuyện duy trì sửa đổi Đảng thì trong đó có ổng. Những người phát biểu bảo vệ điều 4 hay điều này điều kia thì họ phát biểu giọng gay gắt. Còn chú Ba Tôn ổng phát biểu tôi cho như vậy là không có gì gay gắt. Liều lượng như thế thì không có vấn đề gì. Tụi tôi ở đây nghe cái giọng văn ấy cũng quen rồi, nó cũng bình thường.”
Vai trò thật sự của Hiến pháp
Ông Lê Công Giàu nguyên Phó bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng những ý kiến phản biện hiện nay do những người trong Đảng đưa ra trên truyền thông đại chúng rõ ràng là không thuyết phục và thiếu cơ sở khoa học. Người của Đảng hay cánh tay nối dài của Đảng không thể phản biện lại với ý kiến của người dân. Khi được hỏi về những tranh luận liên quan đến điều 4 và vai trò của Đảng ông Lê Công Giàu cho biết:
“Về cái điều 4 người ta không phải đòi hủy bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng ý người ta phát biểu rất rõ. Thứ nhất Đảng phải chấp nhận sự cạnh tranh chứ còn như hiện nay thì người ta thấy rằng không thể kiểm soát được quyền lực và không thể có được sự chấp nhận rộng rãi của quần chúng nhân dân. Điều quan trọng là Đảng phải được sự tín nhiệm, sự chấp nhận và ủy nhiệm của nhân dân, đó là một vần đề. Nếu không có cái đó mà có ghi vào Hiến pháp thế nào đi chăng nữa thì tính chính danh rất là khó có.
Điều thứ hai người ta quan tâm nếu ghi Đảng là lực lượng lãnh đạo thì như vậy khi Đảng lãnh đạo Đảng sẽ phải có trách nhiệm đối với sự thành công hay thất bại. Hiện nay cái cơ chế này chưa có. Kỳ này có ghi bổ xung là Đảng sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân nhưng mà cơ chế nào để mà chịu trách nhiệm? Nếu Đảng làm sai thì xử lý ra sao cũng chưa rõ. Theo tôi đó là trách nhiệm của những đồng chí lãnh đạo, của Bộ chính trị của Ban chấp hành Trung ương phải thể chế hóa cái này một cách cụ thể và những thể chế đó nó phải thực thi được trong thực tế.”
Trong buổi hội thảo xuất hiện một nhân vật quan trọng đối với tiền thân của Câu Lạc Bộ Kháng chiến, đó là ông Hồ Hiếu, nguyên Chánh văn phòng ban Dân vận Mặt trận TPHCM người tham gia đầu tiên thành lập Câu lạc bộ này và cũng chính vì nó đã dẫn ông vào con đường ngục tù trong nhiều năm trời. Nhận xét về điều 4 Hiến pháp ông Hồ Hiếu cho biết:
Đảng phải chấp nhận sự cạnh tranh chứ còn như hiện nay thì người ta thấy rằng không thể kiểm soát được quyền lực và không thể có được sự chấp nhận rộng rãi. <br/> Lê Công Giàu
“Đối với điều 4 tôi đề nghị dứt khoát là phải bỏ. Có nghĩa là không nên để cho Đảng độc quyền tự tung tự tác với bốn lý do. Lý do thứ nhất Đảng đã nói theo chủ nghĩa Marx Lenin chấp nhận biện chứng nhưng mà thủ tiêu đối lập. Như vậy sẽ không có đấu tranh thì làm sao phát triển? Những nước Xã hội chủ nghĩa có nước nào phát triển đâu? Lý do thứ hai: Ai cho anh cái quyền đó? Trong lúc chưa trưng cầu ý dân anh tự đặt cái quyền đó và đưa vào Hiến pháp, như vậy là lạm quyền. Thứ ba, khi anh đặt điều 4 thì nó chống lại những điều khác. Nó chống lại quyền con người, quyền ăn nói, quyền lập hội vì khi Đảng đã lên trên rồi thì các quyền kia không còn nữa. Thứ tư cho đến bây giờ cái gọi là xã hội chủ nghĩa thì thực tế là nội dung không rõ ràng. Nó là một sự thí điểm trên toàn xã hội. Một sự thí điểm không phải với một con chuột bạch nhưng đã lấy dân tộc ra làm thì điểm.”
Trong buổi hội thảo còn có các ông luật sư Nguyễn Đăng Liêm, ông Kha Lương Ngãi Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng. Đặc biệt ông Võ Văn Thôn, nguyên chủ tịch UBND Quận 3, giám đốc sở Tư Pháp thành phố đã mạnh mẽ lên tiếng rằng Đảng không nên lên án, đả kích những góp ý trái chiều.
Phát biểu của ông Võ Văn Thôn đã dấy lên một sự đồng tình lớn trong buổi hội thảo và cho thấy rằng vẫn còn rất nhiều nhân sĩ trí thức quan tâm đến việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Họ đang cố hết sức mỉnh để đánh động cho xã hội biết những manh nha muốn dùng Hiến pháp như một thanh gươm để bảo vệ quyền bính hơn là bảo vệ pháp luật đúng như vai trò thật sự của một bản Hiến pháp.