Dự luật tiếp công dân – Một cửa, một dấu

0:00 / 0:00

Tại Thường vụ Quốc hội ngày 16/9, Luật tiếp công dân được đông đảo các vị đại biểu góp ý, trong đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đưa ra con số 80% số bà con đến phòng tiếp dân là vì oan ức.

Đơn thư tồn đọng ...

Với con số 80% bà con oan ức đến các cơ sở tiếp dân và việc bà con phải “ăn chờ nằm chực để đợi kết quả” khiến mô hình tiếp dân “một cửa” “một dấu” đang trở thành đề tài nóng trong buổi thảo luận tại Thường vụ QH. Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng việc giải quyết khiếu kiện của người dân theo hình thức “một cửa, một dấu” có thể thực hiện được ở cấp tỉnh, song ở cấp trung ương thì không thể, vì các văn phòng tiếp dân không phải là một cơ quan, không có bộ máy riêng mà chỉ là người của các cơ quan khác nhau được phân công ra tiếp dân. Từ đó, giải pháp liên thông, phối hợp và kết nối thông tin giữa các tỉnh cho đến cấp trung ương đang được nhiều đại biểu nhất trí.

Số liệu từ Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2013 tăng cả về số lượng đơn thư xấp xỉ 7% và số lượt đoàn đông người gần 20% so với cùng kỳ năm trước.nội dung khiếu nại của người dân chủ yếu vẫn tập trung trong lĩnh vực đất đai như việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng hay đòi lại đất cũ chiếm tỉ lệ khoảng 70%.

Trong khi đó, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ rất lớn gần 90%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo tăng hơn so với cùng kỳ năm trước là do vụ việc được phát sinh từ những năm trước nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, triệt để.

Tôi là một người ở tại Việt Nam. Nếu nói đúng ra thì tôi cũng là một 'dân oan'. Nỗi khổ kéo dài gần 20 năm nay rồi. Rất khổ nhưng tôi cứ thầm lặng như thế để chờ một ngày công lý đến. <br/> - Bà Trần Thị Hằng <br/>

Chia sẻ về nỗi uẩn ức đã kéo dài đến 20 năm, Bà Trần Thị Hằng cho biết do những chính sách trong lãi suất ngân hàng và việc thế chấp không hợp lý đã biến bà thành “dân oan”:

“Tôi là một người ở tại Việt Nam. Nếu nói đúng ra thì tôi cũng là một ‘dân oan’. Nỗi khổ kéo dài gần 20 năm nay rồi. Rất khổ nhưng tôi cứ thầm lặng như thế để chờ một ngày công lý đến. Cố mưu sinh để sống, để tồn tại đến một ngày đòi được nhà. Tôi vừa đi vắng mấy ngày thì họ lập tức đưa đầu gấu và xã hội đen đến để đàn áp chồng với con tôi ở nhà. Có mấy chục nhân viên ngân hàng và có cả đầu gấu và xã hội đen. Họ đến chèn ép và bắt chồng tôi ký vào biên bản phát mãi không thì dọa đánh, dọa giết”

Trong khi đó, những người dân oan khác mất đất cho biết nếu họ bị mất đất thì còn khổ hơn cả chết, họ đã gắn bó bao đời với nghề nông, sống là phải có đất, nên họ quyết tâm đến cùng đòi lại tư liệu sản xuất.

Bây giờ người dân rất đói khổ, đi đòi quyền lợi đến gần chục năm nay. Bản thân tôi là cũng đi 4 năm rồi. Nhưng họ chẳng giải quyết cho dân để bây giờ hết sạch tư liệu sản xuất. Cả bao nhiêu cánh đồng lúa mênh mông sắp thu hoạch mà họ cho mười mấy xe ủi vào ủi hết lúa của dân. Bây giờ chúng tôi đói khát, chẳng biết làm gì, chỉ biết kêu chính phủ, quốc hội giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho dân.

Hiện nay, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, công tác tiếp dân giải quyết chưa được tốt, đơn thư còn bị chuyển vòng vèo, dẫn đến nhiều vụ tồn đọng, ông cho rằng luật phải làm rõ trách nhiệm và tính pháp lý sau khi tiếp dân, trả lời dân để dân đỡ vất vả. Luật tiếp công dân phải hướng đến giải quyết được thực trạng đơn thư của người dân. Theo nhận xét của Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Thoa, người dân có quyền hỏi và cơ quan Nhà nước phải có nghĩa vụ trả lời "thư đi phải có thư về, có hỏi thì phải trả lời, dân cứ gửi đơn rồi chờ, đi lại năm lần bảy lượt rất khổ" tránh những hiện tượng mà báo chí đang gọi "ngày ngày tiếp dân, nơi nơi tiếp dân, người người tiếp dân" nhưng thực chất hiệu quả của công việc tiếp dân không cao.

... không ai giải quyết

Một người dân ngồi nghỉ chân ở công viên với một giỏ giấy tờ trên xe, ảnh minh họa. AFP photo
Một người dân ngồi nghỉ chân ở công viên với một giỏ giấy tờ trên xe, ảnh minh họa. AFP photo (Một người dân ngồi nghỉ chân ở công viên với một giỏ giấy tờ trên xe, ảnh minh họa. AFP photo )

Phẩm chất và chuẩn mực của những người tiếp dân cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, vì lẽ đó mà trong phiên thảo luận hôm 16/9, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn cho rằng trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu tổ chức tiếp dân rất quan trọng, nhưng lại chưa được làm rõ trong dự thảo, trách nhiệm của họ được đề ra chung chung, không cụ thể và thiếu chế tài, vì thế nhiều vụ việc vẫn “nửa vời” và “chưa ổn.” Ông cho rằng khi đông người đến khiếu nại, thì người đứng đầu phải trực tiếp giải quyết, khi có điểm nóng, thì người đứng đầu cũng phải xuống giải quyết chứ không phải giao cho cấp dưới.

Riêng về thái độ tiếp dân, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã từng nhận xét: "các vị gặp dân, đi tiếp dân nhiều quá nên chai, không có đồng cảm, khi tiếp dân ngồi mới thấy thương lắm. Cán bộ tiếp dân phải thương dân…"

Dĩ nhiên, việc “thương dân” của các cán bộ Nhà nước Việt Nam có được thực hiện hay không là một câu chuyện khác, nhưng chỉ biết rằng, trong nhiều năm qua đài RFA nhận được rất nhiều lời chia sẻ, tâm sự từ những người dân oan than phiền về những đối tượng được gọi là “đầy tớ của dân,” chẳng hạn như một lời kêu cứu của một hộ dân ở Tây Ninh:

Anh của em cứ lên chính quyền khiếu nại hoài, đi hoài mà họ hứa nhưng họ không giải quyết. Nguyện vọng gia đình là được trả nhà trả đất, bồi thường thiệt hại với đổi sổ đỏ. Nếu không trả thì bồi thường đất tám trăm lượng. Nếu trả không được xin trả căn nhà mặt tiền trên đất vì ngày cưỡng chế chính quyền xã tuyên bố nữa cất nhà sẽ trả lại đất cho tui để tụi tui làm ăn kiếm sống.

Hay của một người dân ở Sài Gòn “ăn chực, nằm chờ” trước một trụ sở tiếp dân tại đây:

Các vị gặp dân, đi tiếp dân nhiều quá nên chai, không có đồng cảm, khi tiếp dân ngồi mới thấy thương lắm. Cán bộ tiếp dân phải thương dân… <br/> - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm <br/>

Tôi đến mà không dám vào, vì trước văn phòng đó vừa công an vừa đô thị vào mà họ biết mặt sẽ đưa lên xe. Có một xe buýt đang chờ đó. Vì quyền lợi của chúng tôi nên những ngày tới chúng tôi phải đi. Dân lâu nay ngồi đây kéo băng rôn, khẩu hiệu mà họ không giải quyết. Dân khổ lắm, như trường hợp của tôi không có chỗ ở, tiền không có.

Mặc dù, Dự luật tiếp dân vẫn đang nằm trên giấy tờ và trong giai đoạn dự thảo, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại, Việt Nam đã có Luật Khiếu Nại, Luật Tố Cáo và rồi tiếp đây, khi Luật Tiếp Dân được hình thành, thì điều quan trọng nhất là làm sao phải gắn kết được các bộ luật với nhau, các cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận và giải quyết các thắc mắc của người dân sao có hiệu quả nhất, tránh hiện tượng chồng chéo và gây khó cho dân.

Có thể nói, việc tiếp dân, giải quyết những nỗi oan khiên hay uẩn khúc là việc mà các cấp có thẩm quyền cần phải làm thường xuyên và liên tục, để từ đó tạo nên một sợi dây ràng buộc, kết nối giữa cấp chính quyền và người dân, để người dân hiểu rằng họ vẫn có những nơi “nương tựa” khi tìm đến công lý, để họ biết rằng vẫn có một xã hội của dân, do dân và vì dân đang tồn tại.