Các dấu hiệu sớm về rối loạn tâm lý ở trẻ em

0:00 / 0:00

Các rối loạn tâm lý ở trẻ nhỏ như tự kỷ, hiếu động là những rối loạn khiến không ít các cha mẹ phải lo lắng và tìm cách chữa trị. Theo các bác sĩ tâm lý, các rối loạn này dù không thể chữa khỏi nhưng có thể được can thiệp kịp thời, giúp trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng khi trưởng thành.

Tuy nhiên, một trong các yếu tố quan trọng là các dấu hiệu rối loạn tâm lý ở trẻ cần phải được phát hiện sớm. Các bậc phụ huynh cần chú ý tới những dấu hiệu nào ở trẻ để phát hiện các rối loạn này?

Các dấu hiệu rối loạn tâm lý ở trẻ

Cậu con trai đầu của chị Phạm thị Hoàng Yến, năm nay đã 16 tuổi, tức là đã sắp đến tuổi của một cậu con trai lớn bẻ gẫy sừng trâu. Tuy nhiên, cậu bé có những hạn chế nhất định về giao tiếp. Cậu bé bị chứng tự kỷ, tiếng Anh gọi là autism. Chị Yến cho biết, gia đình chị đã phát hiện những dấu hiệu không bình thường ở con trai từ khi cháu 2 tuổi nhưng phải mãi đến khi 5 tuổi, chứng bệnh của cháu mới được gọi tên chính xác và có điều trị.

Phạm Thị Hoàng Yến: Biết được tự kỷ là năm 2002 khi cậu ấy được 5 tuổi rưỡi, muộn quá. Hồi cháu 2 tuổi thì chị cũng cho đi khám. Trước đó mình cũng cho đi khám. Nhưng 2 tuổi là lúc bức xúc nhất. Đi khám thì đến bệnh viện mọi người chỉ bảo là thằng này chậm nói. Khi 2 tuổi rưỡi thì mọi người nói thằng này chậm phát triển. Xong đến 3 tuổi, 4 tuổi thôi thì chậm nói, chậm phát triển, bố mẹ chịu khó dạy con, biết đâu. Trẻ con 4 tuổi mới nói là chuyện bình thường. Mình cứ hy vọng. Hồi đó ở Việt Nam chẳng có ai nói là tự kỷ đâu, không biết, mà bác sĩ biết thì cũng không chắc chắn nên họ cũng không chẩn đoán được.

Tự kỷ là một bệnh rối loạn phát triển của hệ thần kinh, một biểu hiện về rối loạn tâm thần. Đây là một căn bệnh khá phổ biến trên thế giới. Cứ 10,000 trẻ được sinh ra thì có từ 5 đến 10 trẻ bị mắc bệnh này.

Nhưng tự kỷ cũng chỉ là một trong một số các dấu hiệu rối loạn tâm lý trẻ khiến các cha mẹ phải quan tâm. Vậy các dấu hiệu rối loạn cần nhận biết sớm ở trẻ là gì? Bác sĩ Lê Khanh, chuyên gia về tâm lý trẻ ở Sài Gòn, giải thích:

BS. Lê Khanh: dấu hiệu đầu tiên đối với trẻ tự kỷ là nó phản ứng chậm, nó có vẻ hiền lành, thụ động, không thay đổi phản ứng khi có người nào đó đến gần, tức là hơi ù lì. Khi nó khóc thì thanh hơi cao hơn, sắc nhọn hơn trẻ bình thường và khóc lâu hơn. Thứ ba là nó không hứng thú với đồ chơi. Với trẻ bình thường khi mình đưa các đồ long lánh, chuyển động thì nó đưa mắt nhìn, rồi nó đưa tay với nắm, khi nó nắm thì nó đưa vào miệng để nhai thử. Đó là với trẻ 8, 9 hoặc 10 tháng còn trẻ tự kỷ không có dấu hiệu đó. Với cháu hiếu động thì nó lại ngược lại, nó thường xuyên ngọ nguậy, không yên, nằm một chỗ thì nó khó chịu, khi kêu nó thì nó không đáp ứng tiếng kêu của mình, nó lờ đi. Nhiều người thì cứ sợ con mình bị điếc. Với một số âm thanh đặc biệt như nghe tiếng nhạc, tiếng TV, thì nó lại chú ý, ngược lại tiếng kêu của con người gọi nó thì nó lờ đi.

Tự kỷ là nó phản ứng chậm, nó có vẻ hiền lành, thụ động, không thay đổi phản ứng khi có người nào đó đến gần, tức là hơi ù lì. Courtesy thuocthang.vn
Tự kỷ là nó phản ứng chậm, nó có vẻ hiền lành, thụ động, không thay đổi phản ứng khi có người nào đó đến gần, tức là hơi ù lì. Courtesy thuocthang.vn (Courtesy thuocthang.vn)

Cụ thể hơn, theo Viện hàn lâm thần kinh học của Mỹ, một số các dấu hiệu báo động chứng tự kỷ ở trẻ cần được chú ý bao gồm, không biết nói bi bô, không biết dung cử chỉ, dấu vào khoảng 12 tháng, không nói từ đơn khi 16 tháng, không nói được câu có hai từ khi 24 tháng.

Dấu hiệu đầu tiên đối với trẻ tự kỷ là nó phản ứng chậm, nó có vẻ hiền lành, thụ động, không thay đổi phản ứng khi có người nào đó đến gần, tức là hơi ù lì. Khi nó khóc thì thanh hơi cao hơn, sắc nhọn hơn trẻ bình thường và khóc lâu hơn. Thứ ba là nó không hứng thú với đồ chơi

BS. Lê Khanh

Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, các bậc phụ huynh cũng có thể chú ý đến các dấu hiệu tăng động ở trẻ như kích động, khó ngủ, khóc nhiều, khó dỗ hoặc hay bị cơn đau quặn bụng do đầy hơi, khó chịu không lý do.

Ngoài ra các bậc phụ huynh cũng nên chú ý đến một tình trạng khác gọi là chứng Asperger hay tiếng Việt gọi là tự kỷ thong minh. Bác sĩ Lê Khanh giải thích thêm về hội chứng này:

BS. Lê Khanh: trẻ tự kỷ thông minh là một hội chứng đặc biệt của tự kỷ. Nó chỉ thể hiện qua việc kém giao tiếp tức là rất khó khăn trong việc giao tiếp với người khác nhưng lại giỏi cái gì đó ví dụ như học toán, sinh ngữ hoặc một hoạt động nghệ thuật nào đó rất giỏi. Nếu không đánh giá về giao tiếp thì nó có vẻ bình thường, tiếp xúc với nó thì nó vẫn đáp ứng, học bài, làm bài điểm cao, ăn mặc đàng hoang. Nhưng khi tiếp xúc thì mới thấy nó có một số khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp. Trẻ tự kỷ thong minh thì gần như là trẻ bình thường, về mọi phương diện nó vẫn như trẻ bình thường, nhưng chỉ hơi khó khăn trong giao tiếp, hỏi nó vẫn trả lời nhưng nó khó khăn trong ngôn ngữ, hoặc nó thụ động, nó không đến chơi với ai hết, hoặc đôi khi nó co mình lại nó không muốn chơi với ai hết.

Theo bác sĩ Lê Khanh, trẻ tự kỷ thông minh thường có các biểu hiện nhẹ hơn so với các trẻ có rối loạn tâm lý khác nên các bậc phụ huynh thường chủ quan, không cho rằng con mình có rối loạn tâm lý.

Phát hiện sớm và điều trị

Trẻ chủ yếu phát triển ngôn ngữ vào giai đoạn trước 3 tuổi. Vì vậy, tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác bệnh đối với những trẻ tự kỷ thường là trong giai đoạn 3 tuổi. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy việc phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh có thể giúp cải thiện tình trạng của trẻ rất nhiều. Với sự tiến bộ của khoa học, các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh ở lứa tuổi sớm hơn, từ trước 1 tuổi hoặc 18 tháng.

Trẻ tự kỷ thông minh là một hội chứng đặc biệt của tự kỷ. Nó chỉ thể hiện qua việc kém giao tiếp tức là rất khó khăn trong việc giao tiếp với người khác nhưng lại giỏi ví dụ như học toán, sinh ngữ hoặc một hoạt động nghệ thuật nào đó rất giỏi. Nếu không đánh giá về giao tiếp thì nó có vẻ bình thường, tiếp xúc với nó thì nó vẫn đáp ứng, học bài, làm bài điểm cao, ăn mặc đàng hoang.

BS. Lê Khanh

...Trẻ tự kỷ thông minh là một hội chứng đặc biệt của tự kỷ. Nó chỉ thể hiện qua việc kém giao tiếp tức là rất khó khăn trong việc giao tiếp với người khác nhưng lại giỏi cái gì đó ví dụ như học toán, sinh ngữ hoặc một hoạt động nghệ thuật nào đó rất giỏi. Nếu không đánh giá về giao tiếp thì nó có vẻ bình thường, tiếp xúc với nó thì nó vẫn đáp ứng, học bài, làm bài điểm cao, ăn mặc đàng hoang.

Chương trình đi bộ “Cùng hành động vì trẻ tự kỷ” đã diễn ra tại quảng trường sân vận động Mỹ Đình Hà Nội năm 2012. Courtesy Halomart
Chương trình đi bộ “Cùng hành động vì trẻ tự kỷ” đã diễn ra tại quảng trường sân vận động Mỹ Đình Hà Nội năm 2012. Courtesy Halomart (Courtesy Halomart)

Một nghiên cứu của các bác sĩ thuộc trường đại học Connecticut được công bố hồi cuối tháng 1 cho thấy những trẻ bị chứng tự kỷ được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời có thể mất dần các triệu chứng khi trẻ trưởng thành. Theo nghiên cứu này một số trẻ tự kỷ mất các triệu chứng bệnh khi lớn không gặp những khó khăn rõ rang trong vấn đề ngôn ngữ, biểu lộ vẻ mặt hoặc giao tiếp xã hội. Bác sĩ Deborah Fein, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết tất cả các trẻ bị tự kỷ đều có khả năng có tiến triển với phương pháp điều trị tích cực.

Theo bác sĩ Lê Khanh, nhiều bậc phụ huy vẫn cho rằng các rối loạn tâm lý trẻ hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng thuốc. Trên thực tế, việc điều trị được tiến hành qua các biện pháp giáo dục.

BS. Lê Khanh: thực ra theo thói quen thì người ta hay gọi đó là bệnh, và khi nói đến bệnh thì trong đầu người ta luôn gắn đến thuốc, và phương pháp chữa, cho nên người ta gọi là điều trị. Thực ra đây là các tình trạng hay trong tiếng anh là hội chứng. Mình hiểu chữa ở đây là tác động để cải thiện hành vi của nó thôi, chứ không thể chữa để nó thành đứa trẻ bình thường. Minh hiểu là một đứa trẻ đang bình thường mà bị bệnh thì mình cho nó uống thuốc, dung phương pháp này kia chữa hết bệnh, thành bình thường.

Khi gắn cho các tình trạng này là bệnh thì các bậc phụ huynh cũng nói là con tôi sinh ra bình thường rồi nó bị tác động thế này thế kia, xem TV nhiều, bố mẹ bỏ rơi, hay bị ô nhiễm môi trường nên nó bị bệnh này nên tôi phải tìm thuốc chữa. Họ đưa đến tôi chữa và hỏi con tôi chữa bao lâu thì khỏi. Nếu mình có tư duy đó thì rất là khó, nếu mình đặt vấn đề đây là những khó khăn của trẻ, các biện pháp giáo dục, tức là các phương pháp điều trị bây giờ đều là các biện pháp giáo dục hết. Nó cải thiện hành vi, cách ứng xử, giao tiếp để đứa trẻ nó yên tâm hơn, vui hơn và biết cách ứng xử hơn. Tức là nó có khả năng khắc phục các khó khăn về giao tiếp để nó gần như là bình thường chứ không phải là hoàn toàn bình thường.

Việc điều trị cho trẻ cần được chú trọng tại gia đình. Bác sĩ Lê Khanh cho biết, cha mẹ là những người quan trọng nhất trong việc theo dõi và điều trị cho trẻ. Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chỉ là những người chẩn đoán bệnh và đưa ra các biện pháp điều trị để gia đình áp dụng. Ngoài ra việc thuê các giáo viên đặc biệt đến với trẻ hang ngày cũng có thể giúp cải thiện hành vi và giao tiếp của trẻ.

Đứa trẻ tự kỷ thì lớn lên nó vẫn là tự kỷ, nó vẫn có khó khăn về giao tiếp. Còn những đứa hiếu động thì lớn lên hiếu động có giảm đi, nhưng nó vẫn có một số hành vi hơi không bình thường, ví dụ nó dễ nóng nảy, hay quên, lơ đãng, quên món đồ, dễ bị tổn thương. Đó cũng là những khó khăn trong khả năng giao tiếp của nó

BS. Lê Khanh

Trẻ có rối loạn tâm lý cần hội nhập xã hội

Việc can thiệp sớm để cải thiện các hành vi và giao tiếp của trẻ có vấn đề về rối loạn tâm lý được cho là hết sức quan trọng trong việc giúp trẻ hội nhập xã hội sau này. Với những trẻ có các dấu hiệu nhẹ, khả năng hội nhập vào xã hội sau này là rất lớn. Các trẻ này thậm chí có thể được học ở các trường với các trẻ bình thường khác sau khi đã được can thiệp kịp thời.

Nhiều trẻ khi lớn lên đã có thể đi làm như người bình thường. Tuy nhiên một số các dấu hiệu tâm lý sẽ có thể vẫn còn tồn tại ở người trưởng thành. Bác sĩ Lê Khanh cho biết:

BS. Lê Khanh: đứa trẻ tự kỷ thì lớn lên nó vẫn là tự kỷ, nó vẫn có khó khăn về giao tiếp. Còn những đứa hiếu động thì lớn lên hiếu động có giảm đi, nhưng nó vẫn có một số hành vi hơi không bình thường, ví dụ nó dễ nóng nảy, hay quên, lơ đãng, quên món đồ, dễ bị tổn thương. Đó cũng là những khó khăn trong khả năng giao tiếp của nó mặc dù lúc đó ngôn ngữ đã ổn rồi, nó vẫn có một số hạn chế và những hạn chế đó hầu như không thay đổi được.

Sau một thời gian được can thiệp tích cực, dù hơi muộn, cậu con trai của chị Yến giờ cũng đã có thể nói chuyện với mọi người dù cách diễn đạt vẫn còn hơi gượng giống như người nước ngoài. Chị Yến không dám tin là con trai mình có thể hoàn toàn hòa nhập với cuộc sống bình thường nhưng chị tin có rất nhiều trẻ có các rối loạn tâm lý nhẹ khác đang được điều trị đúng cách ở Việt Nam sẽ không có vấn đề gì trong hòa nhập xã hội khi trưởng thành.

Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Việt Hà thân mến tạm biệt và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình thứ tư tuần tới.