Giờ trái đất 2012 tại Việt Nam

Giờ Trái đất năm 2012 vừa diễn ra vào tối thứ bảy cuối tháng ba vừa rồi tại Việt Nam.

0:00 / 0:00

Đây là hoạt động nhằm giúp tăng ý thức bảo vệ môi trường trái đất trước những hiểm họa ô nhiễm, ấm nóng và bao hiện tượng bất lợi khác như hiện nay. Hoạt động đó đạt được những kết quả đến đâu? Có ý kiến trái chiều thế nào? Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.

Kết Quả

Giờ Trái đất năm nay tại Việt Nam được nhấn mạnh là một Giờ Trái đất khác biệt. Ngoài việc tắt điện một giờ từ 8:30 đến 9:30 như mọi năm. Năm nay Ban Tổ chức suốt nhiều tuần lễ trước đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền với nhiều sinh hoạt khác nhau để kêu gọi nhiều người cùng hưởng ứng.

Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì Giờ Trái đất năm tại Việt Nam với thông điệp ‘Tôi và bạn hãy cùng hành động’.

Thông tin cho biết Giờ Trái đất 2012 tại Việt Nam được 47 tỉnh thành đăng ký tham gia. Và trong đêm 31 tháng 3, sự kiện chính được tiến hành tại Quảng trường cách mạng Tháng 8, trước Nhà Hát lớn ở Hà Nội. Ngoài ra có cầu truyền hình nối phố cổ Hội An với Thành phố Hồ Chí Minh.

Cô Hoàng Minh Hồng, một thành viên của tổ chức 350.Org, cùng tham gia tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất năm nay, tổng kết lại một số thành quả thu lượm được:

Giờ Trái đất không chỉ là tuyên truyền, truyền thông và đến ngày đó tắt đèn một giờ thôi, mà nó mang tính lâu dài và có ý nghĩa thực tế.

Hoàng Minh Hồng

“Năm nay số tình nguyện viên tăng hơn trước, cụ thể tăng gấp đôi so với năm ngoái. Điều đó chứng tỏ các hoạt động truyền thông của năm ngoái rất hiệu quả rồi.

Năm nay chiến dịch một Giờ trái đất khác biệt không muốn dừng lại ở hoạt động truyền thông hay tuyên truyền không thôi, mà muốn đưa ra những hướng giải pháp mà mỗi người dân có thể thực hiện một cách thực tế ví dụ như việc các tình nguyện viên đến các nhà dân thuyết phục đổi bong đèn dây tóc bằng bóng đèn tiết kiệm điện…

Các tình nguyện viên kiên trì đến các nhà dân rồi các nhà hàng, quán cà phê và các cơ quan Nhà Nước thuyết phục tắt điện một giờ và cuối cùng thu được 15 ngàn ủng hộ tắt đèn. Rồi dự án xe mặt trời, dự án gần như miễn phí giúp các gia đình thu nhập thấp có thể trả tiền điện.

Giờ Trái đất không chỉ là tuyên truyền, truyền thông và đến ngày đó tắt đèn một giờ thôi, mà nó mang tính lâu dài và có ý nghĩa thực tế. Đó là việc đã làm được trong năm nay. Lực lượng tình nguyện viên năm nay ‘máu lửa’ hơn ở chỗ họ tự xây dựng ra những chương trình để thực hiện dựa trên những hiểu biết hơn về môi trường…”

000_Del6108624-250.jpg
Sân khấu trước Nhà hát lớn Hà Nội trong Giờ Trái đất tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.

Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia Việt Nam cho biết công suất của hệ thống điện giảm trong một giờ tắt điện hôm tối ngày 31 tháng ba vừa qua giảm 546 MW. Qui ra tiền thì tiết kiệm được chừng 712 triệu đồng. Con số này tăng hơn so với năm ngoái là 400 ngàn kWh, với giá tiền khoảng 500 triệu đồng.

Ban tổ chức tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong chiến dịch năm nay đã vận động được 15.000 nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm… hưởng ứng tắt đèn một tiếng trong Giờ Trái Đất. Các tình nguyện viên tại thành phố này thu được 2.700 bóng đèn giây tóc. Số này sẽ được đổi bằng một bong đèn tiết kiệm năng lượng.

Năm nay tại thành phố Hồ Chí Minh, trong giờ tắt điện, những người tham gia sinh hoạt tại khu vự Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố không sử dụng loại nến thông thường như mọi năm. Thay vào đó là loại "nến" điện tử bằng đèn Led, sân khấu biểu diễn chương trình văn nghệ sử dụng đèn cao áp năng lượng mặt trời, phông nền sân khấu bằng chất liệu xơ dừa phát dạ quang.

Phản biện

Lực lượng tình nguyện viên năm nay ‘máu lửa’ hơn ở chỗ họ tự xây dựng ra những chương trình để thực hiện dựa trên những hiểu biết hơn về môi trường…

Hoàng Minh Hồng

Dù có được một số thành quả đáng như vừa nêu; nhưng vẫn có ý kiến chưa bằng lòng với cách thức tiến hành chiến dịch trong thời gian mấy năm qua.
Anh Mai Sỹ Xuân Lâm, một bạn trẻ theo dõi hoạt động này có một số ý kiến như sau:

“Tôi không hưởng ứng, không đồng ý ở điểm là kêu gọi tắt điện mà tổ chức đó lại sử dụng điện vào mục đính văn nghệ, rồi thắp nến, rồi các hoạt động in ấn tờ rơi bằng giấy, in áo thun.., tất cả những vật dụng đó đều làm ra từ điện, tức tốn biết bao nhiêu tài nguyên môi trường…”

Theo bạn Mai Sỹ Xuân Lâm nếu ban tổ chức chiến dịch giớ Trái Đất sử dụng năng lượng tái tạo trong suốt quá trình họ tuyên truyền, thì sẽ mang ý nghĩa lớn hơn nhiều.

Dù ban tổ chức cho rằng năm nay tại thành phố Hồ Chí Minh, thay vì sử dụng đèn cầy truyền thống, người ta sử dụng ‘nến’ điện tử bằng đèn Led. Tuy thế theo bạn Mai Sỹ Xuân Lâm vẫn còn nhiều nơi đốt đèn cầy. Và như phân tích của bạn này thì mỗi cây đèn cầy lại phải tốn rất nhiều năng lượng để tạo ra nó - năng lượng này cũng thải khí CO2, tốn rất nhiều sáp - nhựa cây để tạo ra đèn cầy. Trong quá trình cháy thì hầu như tất cả chất sáp này đều cháy tạo thành khí thải độc hại cho môi trường... Có thể nói quá trình sử dụng đèn cầy thấp sáng là quá trình thải kép CO2.... Ban tổ chức giờ Trái Đất cần tuyên truyền người tham gia chiến dịch không nên sử dụng đèn cầy.

000_Del6108639-250.jpg
Biểu diễn văn nghệ trên sân khấu trước Nhà hát lớn Hà Nội trong Giờ Trái đất tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.

Cũng theo Mai Sỹ Xuân Lâm, khi tắt điện 60 phút lại vận động người dân xài đèn, thiết bị phát sáng sử dụng pin, hay bình điện cũng xảy ra một số vấn đề về việc sử dụng chì có trong pin.... Muốn pin có năng lượng thì người ta cũng phải tốn năng lượng sản xuất và nạp điện vào pin. Mà nguồn năng lượng để nạp cho pin là tốn nhiều hơn khi sử dụng điện trực tiếp (vì năng lượng bị tiêu hao qua máy đổi điện). Sau mỗi chiến dịch giớ Trái Đất như vậy người dân thải vào môi trường bao nhiêu pin.???... Ban tổ chức giờ Trái Đất cần tuyên truyền người tham gia chiến dịch không nên sử dụng vật phát sáng có sử dụng pin.

Bạn Mai Sỹ Xuân Lâm phân tích tiếp là khi hưởng ứng một chiến dịch như vậy, người dân sẽ tụ tập ở quảng trường đông đúc... Để đi đến được nơi đó, họ phải sử dụng xe gắn máy, xe hơi,...v.v... lượng người quá đông tại một địa điểm sẽ gây ra kẹt xe, kẹt xe mà người dân vẫn nổ máy xe thì sẽ thải ra rất rất nhiều khí CO2. Khi đến những nơi như thế người dân thường bỏ tiền ra mua và sử dụng các thức uống đựng trong chai nhựa, bọc ny - lon, xả rác.v.v... Ban tổ chức giờ Trái Đất cần tuyên truyền người tham gia chiến dịch không nên sử dụng các phương tiện thải ra khí CO2, không sử dụng nhiều chất dẻo chậm phân hủy để giảm năng lượng tái chế. Nếu không có sự kiện ca nhạc, tụ tập này người dân sẽ ở trong nhà và không sử dụng đến phương tiện giao thông thải khí CO2, không sử dụng nhiều chất dẻo chậm phân hủy, như vậy còn giúp bảo vệ môi trường hơn nữa.

Ban tổ chức thành lập một khán đài ca nhạc tổ chức tuyên truyền, ca nhạc, in ấn quảng cáo, thuê đơn vị tổ chức sự kiện...v.v.... Họ đã sử dụng bao nhiêu điện cho đêm diễn của họ.??? Tất cả các hoạt động của họ sẽ tốn rất nhiều chi phí, từ vài chục triệu đến vài trăm triệu cho một đêm như vậy.... Nếu họ không tổ chức những đêm ca nhạc như thế, họ sử dụng tiền vào các mục đích khuyến khích người dân hạn chế sử dụng điện, hoặc dùng tiền đó để làm thành giải thưởng cho các nghiên cứu sử dụng năng lượng tái tạo,.v.v.... Hoặc họ sử dụng nguồn tài chính này để xây dựng cho người dân những thiết bị tạo ra năng lượng tái tạo, mà không phải sử dụng năng lượng hóa thạch.

Kêu gọi tắt điện mà tổ chức đó lại sử dụng điện vào mục đính văn nghệ, rồi thắp nến, rồi các hoạt động in ấn tờ rơi bằng giấy, in áo thun.

Mai Sỹ Xuân Lâm

Theo bạn Mai Sỹ Xuân Lâm thì nguy cơ tiềm ẩn khi cúp điện trên diện rộng sẽ là trộm cướp, móc túi, tai nạn giao thông, nhà ai thắp đèn cầy sơ ý có thể gây cháy...v.v.....

Bạn này cũng đặt vấn đề là Ban tổ chức giờ Trái Đất có thể thống kê được trong một giờ tắt điện như thế,1 thành phố có thể tiết kiệm được bao nhiêu năng lượng, quy ra giảm thiểu được bao nhiêu khí thải CO2. Thế nhưng, họ có bao giờ thống kê trong suốt 3 tháng hoặc 1 năm họ tuyên truyền như thế, họ đã phải sử dụng bao nhiêu năng lượng, và tổ chức của họ đã thải ra bao nhiêu khí CO2 trước, trong và sau khi tổ chức sự kiện đó??? Họ đã có các thống kê thiệt hại (tai nạn, cướp, chết người,..v.v...) trực tiếp và gián tiếp cho người dân khi họ vận động chiến dịch này chưa???

Tuyên truyền chưa tốt?

Tác giả Trí Quân trên Báo mạng Tiền Phong hôm ngày 2 tháng 4 bày tỏ quan ngại trước tình trạng hằng ngàn, vạn héc ta rừng bị đốn để làm thủy điện. Tác giả này cho rằng nếu từ suy nghĩ và việc làm trong thực tế trái ngược nhau, thì Giờ Trái Đất chỉ là một cuộc trình diễn vui vẻ, không mang lại ích lợi gì nhiều.

Tuy có tuyên truyền, vận động rầm rộ như vừa qua, có đến 47 tỉnh/thành trong cả nước đăng ký hưởng ứng Giờ Trái đất Khác biệt năm nay tại Việt Nam; trong khi đó vẫn còn có nhiều người ở ngay trung tâm các sự kiện của Giờ Trái đất năm nay chưa hề hay biết đến sự kiện này.

Một thanh niên tại Hà Nội thành thực trả lời ngay khi sinh hoạt đó đang diễn ra ở thành phố anh đang sinh sống:

“Giờ Trái đất hả? Không!”

Xin được nhắc lại, Việt Nam tham gia Giờ Trái Đất từ năm 2009. Sinh hoạt này được Tổ chức Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên, WWF, khởi xướng từ năm 2007.
Năm nay trên thế giới có 147 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Giờ Trái đất với việc tắt điện một giờ vào tối thứ bảy 31 tháng 3 vừa qua.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Opens in new window

Video: Những sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam trong tuần

Theo dòng thời sự: