Tín hiệu mâu thuẫn
Tuy nhiên, cùng ngày, Bắc Kinh lại tăng cường hai khu trục hạm cùng 9 tàu hải quân khác cho lực lượng tuần tra biển Đông và biển Hoa Đông, cho tàu ngư chính vào hải phận Điếu Ngư/ Senkaku và máy bay thám sát bay qua không phận nơi này.
Những tín hiệu mâu thuẫn đó cho thấy điều gì? Và tình hình Đông Á sắp tới sẽ ra sao?
Trước hết, trong vấn đề Trung Quốc thông báo kiểm soát biển, người ta thấy một khi quốc tế lên tiếng một cách nghiêm khắc thì Bắc Kinh liền tỏ ra nghiêm chỉnh. Hoa Kỳ là nước hết sức chủ trương hoà hoãn với Trung Quốc, nhưng đã phải yêu cầu Bắc Kinh giải thích rõ ràng về lời loan báo của tỉnh Hải Nam. Giả dụ Bắc Kinh thực sự ngăn chặn và kiểm soát tàu bè vào hải phận lưỡi bò, thì liệu Hoa Kỳ sẽ hành động ra sao?
Hoa Kỳ phải làm một việc nào đó trước tình huống ấy, không thể cam kết chuyển trục chiến lược với 60% lực lượng hải quân sang Thái bình Dương để ở đó nhìn Trung Quốc tung hoành như chỗ không người.
Hoa Kỳ nhiều lần cam kết đặt chân đứng vững tại châu Á Thái Bình Dương, sẽ phải giữ lời cam kết đó, và người ta trông chờ tàu chiến Hoa Kỳ sẽ tiến trước tiên vào vùng mà Trung Quốc đòi chặn tàu để kiểm soát, hầu thử thách sự quyết đoán của Trung Quốc. Một khi đối đầu như vậy, phía bị mất mặt hẳn nhiên sẽ là Bắc Kinh chứ không phải Washington.
Hoa Đông và Đông Á
Việc tăng cường hai tàu Nam Kinh 131 và Nam Ninh 162 vào hạm đội tàu tuần tra trên biển, là kế hoạch đã dự trù, và bây giờ được thi hành đúng lúc để cân bằng với thái độ được tạm coi là “nghiêm chỉnh” của Bắc Kinh ở biển Đông.
Hai tàu này hoạt động từ 1977 và 1979, đến năm 2012 thì được cởi lốt quân sự để đưa qua lực lượng tuần tra biển, cùng lúc với 9 tàu hải quân khác. Hai tàu trang bị đại bác 130 mm và hoả tiễn điều khiển chống tàu cùng những vũ khí nhỏ hơn. Trang bị như vậy không có gì là hùng hậu so với tàu khu trục hay tuần dương ngày nay của các nước như Nhật hay Nam Hàn, Ấn Độ với vũ khí phòng không, phòng thủ và tấn công toàn là hoả tiễn cao tốc. Hai tàu khu trục cũ này hạ thủy từ thời Hoa lục đang phát triển hải quân thì nay chỉ doạ nạt bức hiếp được tàu tuần duyên của cảnh sát biển Việt Nam và Philippines mà thôi. Nên ở Hoa Đông không thấy có một sự chuẩn bị gây chiến.
Tuy vậy truớc đó hôm 29 tháng 12 tuần duyên Nhật ở Fukuoka đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải và khai thác san hô bất hợp pháp. Tàu được thả vào ngày 31 tháng 12 sau khi thuyền trưởng đóng tiền phạt. Cùng ngày hôm đó ba tàu tuần tra Trung quốc xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu tuần duyên Nhật đã yêu cầu những con tàu này rời vùng, nhưng một tàu Trung Quốc trả lời họ hoạt động trên vùng biển thuộc Trung quốc. Hôm 13 tháng 12, lần đầu tiên từ 1958, phi cơ thám sát của Trung Quốc bay qua Senkaku, chiến đầu cơ F-15 của Nhật bay ra cảnh cáo, dẫn ra. Sau đó còn mấy lần xâm nhập và cảnh cáo tương tự như vậy. Những sự kiện đó có ý nghĩa thế nào?
Có ý kiến cho là Bắc Kinh tăng cường tàu lớn cho lực lượng tuần tra biển là để đối đầu với tàu Nhật khi Nhật muốn bắt giữ tàu cá và đuổi tàu tuần nhỏ của Bắc Kinh đi chỗ khác, tương tự như vụ Scarborough hồi năm ngoái với Philippines. Hành động tăng cường lực lượng như vậy là để giữ chặt những nơi trọng yếu mà Bắc Kinh đã áp đặt chủ quyền để giành lấy. Máy bay quan sát xâm nhập không phận Nhật Bản ở Senkaku/ Điếu Ngư cũng nhằm mục đích lai vãng và hiện diện, có hoạt động, một trong những điều kiện pháp lý để đòi chủ quyền.
Dường như không ai muốn gây chiến với ai, trong khi Bắc Kinh còn cần ổn định để tiếp tục phát triển đuổi kịp Hoa Kỳ và Nhật vẫn cần đến Trung Quốc để hợp tác kinh tế. Dù vậy, trong cuộc tranh chấp lãnh hải, bên nào cũng phải cứng rắn bảo vệ lập trường của mình.
Chính sách “Chí Phèo”
Nguợc lên phía bắc, qua vùng Đông bắc Á, tình hình Nam Bắc hàn vừa có dấu hiệu hoà hoãn từ cả hai bên Nam Bắc Hàn, sau khi Bình Nhưỡng phóng hoả tiễn liên lục địa thành công, và Nam Hàn có nữ Tổng thống đầu tiên. Tuy vậy Bắc Hàn sẽ không dừng kế hoạch vũ khí hạt nhân, nhưng cũng không đe dọa được Mỹ với Nam Hàn để họ phải nhượng bộ và viện trợ. Dù Bình Nhưỡng có được hoả tiễn hạt nhân thì hệ thống lá chắn hỏa tiễn của Mỹ cũng chẳng sợ gì vài chiếc lẻ tẻ bay qua từ bên kia bán cầu. Các lãnh tụ Bắc Hàn tuy thất thường nhưng chẳng điên dại đến mức tự sát mà đem phóng hoả tiễn hạt nhân sang Mỹ hay Nhật. Bắc Hàn cũng không thể tấn công Nam Hàn mà có thể tồn tại được. Lực lượng Mỹ ở khắp Thái Bình Dương tất nhiên không khoanh tay ngồi nhìn hai bên xung chiến. Chính sách hoả tiễn hạt nhân chỉ là chính sách doạ dẫm, cào mặt ăn vạ, mà thực ra lại làm lợi cho Mỹ. Chính sách “Chí Phèo” của Bắc Hàn làm lợi cho Mỹ ra sao?
Không phải chỉ Bắc Hàn mà cả Trung Quốc cũng giúp kỹ nghệ vũ khí của Hoa Kỳ ngày càng thịnh vựong khi Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, Đông Nam Á đều phải gấp rút tăng cường võ trang trước thái độ gây hấn của hai nước ấy. Chỉ riêng năm 2012 số vũ khí bán ra cho riêng châu Á đã lên tới 13,7 tỉ đô la. Ngũ Giác Đài đã gởi 65 thông báo cho quốc hội về những mối hàng vũ khí trị giá 63 tỉ đô la cho năm nay bán cho nước ngoài, trong đó có hóa đơn của Á Rập Xê Út và Ấn Độ là hai khách hàng lớn nhất.
Nam Hàn sẽ mua phi cơ tuần thám tự hành, tức là các loại drones, thường được quân đội Hoa Kỳ, Anh quốc, Israel sử dụng lâu nay, để theo dõi hoạt động của Bắc Hàn. Nhật vẫn muốn có máy bay F-35, là loại chiến đấu cơ tàng hình tối tân nhất hiện nay, vượt trội mọi loại phi cơ chiến đấu nổi tiếng nhất của châu
Âu và Nga. Đài Loan cần F-16 C/D, những hệ thống radar theo dõi và liên lạc, cùng cả một danh sách vũ khí trang cụ gồm rất nhiều thứ khác, kể cả hệ thống lá chắn chống hỏa tiễn …
Trong khi đó từ nhiều năm qua Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, cả nước Brunei nhỏ xíu nhưng giàu có … tức là hầu hết khối ASEAN, chỉ trừ Cambodia nhận vũ khí của Trung Quốc, và Lào đành ngồi nhìn vì nghèo quá, 8 nước còn lại đều gấp rút tung ra bạc tỷ để mua sắm chiến cụ của Nga, Mỹ, châu Âu. Bắc Kinh là yếu tố kích thích cuộc chạy đua vũ trang này.
Tóm lại Trung Quốc Bắc Hàn càng gây hấn thì Hoa Kỳ càng có cơ hội phát triển công nghiệp quốc phòng. Và như thế tình hình sẽ trở thành ổn định trên sự căng thẳng cân não và trên sự thăng bằng cán cân lực lượng, chỉ khác thời chiến tranh lạnh trước "kỷ nguyên" Reagan-Gorbachev từ thế kỷ trước ở nguy cơ đại chiến nguyên tử tiêu diệt hết loài người vào khi ấy.