Vài năm trở lại đây, thói quen ăn thịt chó bắt đầu lan rộng trong giới thanh niên, sinh viên, số lượng người ăn thịt chó tăng vọt và số lượng chó bị bắt trộm cũng tăng vọt tỉ lệ. Đáng sợ là mức độ liều lĩnh và man rợ của kẻ bắt trộm chó, ban đầu, những người này dùng gậy gộc, ống tuýp sắt để uy hiếp những ai ngăn cản họ đập chó, về sau, họ dùng cả mã tấu, roi điện và súng hoa cải để uy hiếp dân lành. Và, sự việc phát triển lên đến đỉnh điểm khi người dân nổi giận, bắt kẻ trộm chó đánh hội đồng cho đến chết và đốt xác, đốt xe máy.
Không thể làm ăn chân chính
Một người buôn chó ở Lệ Thủy, Quảng Bình nói với chúng tôi rằng không sớm thì muộn anh cũng bỏ nghề, vì thời buổi này không cho phép anh làm ăn chân chính, anh bị ép đủ hướng. Giải thích thêm, anh nói rằng việc chở một chiếc lồng sắt và một ít nồi, niêu, xoong, chảo để đi đổi chó như anh từng làm gần hai mươi năm nay nghe ra không còn hợp thời nữa.
Vì có đổi cách gì anh cũng không thể kiếm lãi gấp đôi lần trên mỗi con chó. Hơn nữa, chó là vật nuôi thân thiết, chủ của nó chỉ đổi những con chó ốm yếu, bệnh hoạn, thậm chí chó có dấu hiệu bệnh dại. Những con chó như thế, bắt cũng nguy hiểm mà khi mang về bán lại cho đại lý cũng bị chê lên chê xuống, đi cả ngày có khi kiếm chưa được một trăm ngàn đồng tiền lãi.
Trong khi đó, kẻ đập chó không cần quan tâm chủ của con chó có đồng ý bán hay không, chỉ cần thấy con chó nào béo mập, lông đẹp là chúng đập, vì chỉ tốn vài chục ngàn tiền xăng để đi lùng, nên khi bán, họ sẵn sàng phá giá, bán đổ bán tháo, mà có bán đổ bán tháo cách gì thì cũng kiếm được vài ba triệu đồng trên tay với năm, sáu con chó đập được.
Đó là chưa nói đến chuyện hiểu lầm, ví dụ như trong làng, trong xóm có nhà vừa mất chó, đằng nào họ cũng bực bội, nếu không may chở giỏ vào khu vực này rao mua chó, ít thì bị người ta gièm pha, khinh bỉ, nhiều thì bị gây gỗ, đánh đập. Suy cho cùng, muốn làm ăn chân chính trong nghề buôn chó khó vô cùng, khó vì nhiều thứ, trong đó có cả chuyện đụng chạm đến nhân phẩm và tính mạng.
Một người buôn chó khác tên Trân, kể với chúng tôi là cách đây vài tháng, ông đã cùng bà con ở thôn Kiến Giang, Lệ Thủy, truy hô và bắt bằng được kẻ đập trộm chó. Bắt xong, nhìn những người dân đánh hai kẻ trộm chó mặt mày sưng húp, ông thấy cũng tội nghiệp, van xin dân làng tha cho chúng. Nhưng, hai ngày sau, cũng chính những kẻ trộm chó này chặn đường ông Trân và dùng gậy đánh ông tới tấp.
Rất may, ông Trân vốn là lính đặc công ở chiến trường Cambodia trong những năm 1970, nên chuyện hóa giải và chống trả không khó khăn cho mấy, ông không hề hấn gì. Nhưng trận đòn trả thù không thành của hai kẻ đập chó lại làm ông tổn thương nặng nề về mặt tình cảm, về cái gọi là sự tử tế và lòng bi mẫn giữa con người với nhau.
Mở quán thịt chó vì lợi nhuận cao
Một người tên Hiếu, chủ quán thịt chó ở Lệ Thủy, Quảng Bình nói với chúng tôi rằng không có thứ gì nhanh xóa nghèo bằng mở quán thịt chó nếu như biết quyết tâm làm giàu. Ông Hiếu cho biết, cứ trung bình một con chó hơi, nghĩa là chó chưa qua khâu làm thịt và chế biến, ông mua với giá từ ba trăm đến năm trăm ngàn đồng, khi về, ông bán được thấp nhất cũng một triệu rưỡi đồng, sau khi khấu hao các thứ như củ riềng, củ sả, lá mơ, chuối cây, các loại rau, mắm tôm và than củi, ông lãi từ một triệu đến một triệu hai trăm ngàn đồng.
Ông Hiếu nói thêm, đó là chưa kể đến những dịch vụ phụ kèm theo như rượu gạo, bia, rượu ngoại. Trước đây người ta chỉ ăn thịt chó uống rượu gạo, nhưng gần đây, do nhu cầu của giới cán bộ càng lúc càng cao cấp, họ không thích uống rượu gạo, chuyển sang bia lon, mà bia lon uống vời thịt chó nghe ra không hợp khẩu vị nên họ chuyển sang rượu ngoại. Trung bình, bán một mâm nhậu cho cán bộ với một chai rượu ngoại, kiếm lãi ít nhất cũng ba trăm ngàn đồng.
Một chủ quán khác ở Lệ Trạch, Quảng Bình nói cho chúng tôi biết là quán của ông khá độc đáo, ông thiết kế quán theo phong cách nhà vườn, có bụi chuối, vại đựng nước, gốc rơm, bụi tre và có nhiều túp lều tranh để thực khách ngồi nhậu. Mỗi túp lều tranh có một bộ phảng gỗ, có đ0.ệm lót để ngồi, có nhân viên phục vụ riêng. Thực khách chỉ cần cầm menu, gọi món là có tất. Ông chế biến một con cầy ra thành hai mươi bốn món chứ không phải bảy món như dồi, rượu mận, hấp, nướng, xáo măng, cuốn sả… như nhiều quán khác. Mỗi món ông đặt tên nghe phảng phất không khí hoàng cung như: Minh Mệnh thảm tức, món hấp, Tự Đức thị uy, tức món nướng, Đồng Khánh lễ nghi tức, món giò chó nướng lá lốt… Tuy quán của ông Hiếu lấy giá hơi cao nhưng bù vào đó là ông có đủ các loại rượu dầm mà với giới chức cán bộ, nó thuộc vào loại cao cấp như nhau chó, rượu sa kê dầm thai chó, rượu Làng Vân dầm pín chó… Theo ông Hiếu, tất cả các loại rượu này đều giúp cho thực khách cường dương, tráng khí và thấy thoải mái, hồi xuân.
Hỏi thăm một thực khách tên Dũng, ông cho chúng tôi biết là ông có thể ăn thịt chó thế cơm, ông là cán bộ lãnh đạo của một cơ quan cấp tỉnh. Ông nói rằng ăn thịt chó nhưng phải có văn hóa, nghĩa là ăn những quán lịch sự, sang trọng và có rượu ngoại em út, với ông, việc boa tiền cho em út đẹp mắt là một văn hóa đáng trân trọng, nó thể hiện đẳng cấp của một người quí phái.
Một người bạn trong nhóm bắt chuyện khá thân thiết, uống giao lưu với ông khách này vài ly, khoe thu nhập của mình và hỏi thăm mức lương hằng tháng của ông cán bộ này, ông cười mỉa mai, nói rằng tiền lương cả tháng của ông chỉ đủ để ông ăn một bữa thịt chó vừa vừa, chưa đúng đẳng cho lắm.
Chúng tôi tạm biệt Quảng Bình, một vùng đất cho đến nay vẫn được mệnh danh là ‘chó ăn đá gà ăn muối”, nhiều gia đình vẫn còn quay quắt, chật vật với cơm áo. Không biết việc kinh doanh thịt chó của nhiều người và ăn thịt chó có đẳng cấp của các quan chức có làm thay đổi được bộ mặt kinh tế của vùng đất này chút nào không?!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.