Quan hệ kinh tế Việt – Nhật rất tốt đẹp

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo ngày 5 tháng 6 năm 2017.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo ngày 5 tháng 6 năm 2017. (AFP photo)

0:00 / 0:00

Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, đang có mặt tại Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản từ ngày 4 đến 8 tháng 6 theo lời mời của người tương nhiệm nước chủ nhà.

Chuyến thăm này được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ hai nước, đặc biệt là quan hệ kinh tế.

Chuyến thăm Nhật của Thủ tướng

Đây là chuyến thăm thứ 4 của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong nửa đầu năm nay. Mở đầu là chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào hồi giữa tháng 1. Tiếp theo đó là chuyến thăm của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko từ 28 tháng 2 đến 5 tháng 3. Sau đó là là chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, Oshima Tadamori và phu nhân theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân từ ngày 4 đến 6 tháng 5.

Nói với đài Á Châu Tự Do, Nhà báo Đỗ Thông Minh từ Nhật Bản nhận định chuyến thăm này có ý nghĩa tăng cường thêm mối quan hệ kinh tế, thương mại, an ninh giữa hai nước:

Có thể nói quan hệ Việt Nam và Nhật Bản trong vòng 20 năm trở lại đây nhìn chung là ổn định và khá tốt đẹp. Nhật Bản vẫn là quốc gia viện trợ với lượng tiền lớn nhất cho Việt Nam suốt một thời gian dài. Hiện tại mức viện trợ khoảng 1,8 đến 2 tỷ USD/năm. Ngoài ra, Nhật Bản cũng hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong vấn đề xây dựng hạ tầng, kể cả vấn đề hoàn thiện luật pháp hình sự, cũng như cố vấn những đường hướng xây dựng đất nước,… Và đặc biệt Nhật cũng hỗ trợ việc cung cấp một số tàu tuần duyên. Khi thủ tướng Abe lên cầm quyền cách đây gần 5 năm, nơi đầu tiên ông đi là Việt Nam và đã hứa hẹn cung cấp cho Việt Nam 10 tàu tuần duyên. Việc đó vẫn đang tiến hành. Ngoài ra các tàu chiến của Nhật Bản hàng năm đều ghé thăm Việt Nam.

Có thể nói quan hệ Việt Nam và Nhật Bản trong vòng 20 năm trở lại đây nhìn chung là ổn định và khá tốt đẹp. <br/> - Nhà báo Đỗ Thông Minh

Trước đây ông Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh, và các Thứ trưởng cũng thường xuyên ghé thăm Nhật Bản. Thành ra chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể nói là tăng cường thêm sự hợp tác giữa hai bên.

Trong chuyến thăm này thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam có buổi làm việc với người tương nhiệm phía Nhật là thứ trưởng quốc phòng Ro Manabe về các lĩnh vực : đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua công tác xử lý bom, mìn ;tẩy rửa chất hóa học/dioxin, an ninh mạng, an ninh biển…

Phía đoàn Việt Nam đã đề nghị phía Nhật xem xét hỗ trợ ODA để Việt Nam thực hiện hợp tác thử nghiệm công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin tại Sân bay Biên Hòa, giúp Việt Nam thực hiện các dự án rà phá bom mìn còn lại sau chiến tranh.

Cũng về an ninh quốc phòng, trong chuyến thăm hồi tháng giêng của Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam, Nhật Bản đã cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới với trị giá 338 triệu đô la. Trước đó, Nhật bản cũng cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng nằm trong khuôn khổ vốn ODA trị giá 500 triệu Yên dành cho Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ và hiện là thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc, chuyến thăm này mang ý nghĩa quan trọng với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á:

Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng để chứng tỏ nỗ lực của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam và tạo ra các mối quan hệ về kinh tế, quốc phòng, an ninh, hợp tác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tôi đánh giá chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là rất tích cực. Không những chỉ có ý nghĩa với kinh tế Việt Nam mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương.

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á đầu năm 2014, ký Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt - Nhật năm 2015.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, vào chiều ngày 5 tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam để thảo luận với các doanh nghiệp và quỹ đầu tư tại Nhật Bản.

Sự kiện này được đánh giá là quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản, với sự tham dự của 1600 đại biểu, doanh nghiệp; trong số này có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyến thăm Nhật lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được truyền thông trong nước nói là để thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản ở cấp trung ương và địa phương đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng việc Việt Nam mở rộng hợp tác kinh tế xuống cả cấp địa phương là một chiến lược tiếp theo giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước:

Sau khi cấp trung ương ký kết quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, nối tiếp là đặt ra quan hệ hợp tác giữa các tỉnh của Việt Nam và các tỉnh của Nhật Bản, khuyến khích hợp tác trên cơ sở bổ sung cho nhau hai bên cùng có lợi. Thí dụ như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, và các địa phương khác đều có thể ký kết các bản ghi nhớ để hợp tác giữa hai bên.

Nhật Bản được coi là người bạn chí cốt không những về viện trợ mà còn cả về quân sự.<br/> - Nhà báo Đỗ Thông Minh

Giải thích về sự hợp tác hai bên cùng có lợi, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Nhật Bản muốn tận dụng nguồn lao động trẻ, giá rẻ tại Việt Nam trong khi đó Việt Nam cần thị trường Nhật để xuất khẩu các mặt hàng nông sản như rau củ, trái cây, hay hàng công nghiệp như dệt may.

Nhận xét về quan hệ kinh tế giữa hai nước, Nhà báo Đỗ Thông Minh cho là rất tốt đẹp mặc dù trong quá khứ Việt Nam từng có những hận thù với Nhật trong chiến tranh:

Trong hoàn cảnh Việt Nam cần sự hỗ trợ của các nước và Nhật Bản được coi là người bạn chí cốt không những về viện trợ mà còn cả về quân sự. Hàng Nhật ai cũng biết là rất tốt. Có thể nói là 90% người Nhật thích người Việt Nam và ngược lại người Việt cũng thích Nhật. Kinh tế hai nước hiện tại rất phát triển. Ngoại thương hai chiều giữa hai bên hiện lên đến 30-40 tỷ đô la, tức là xếp vào hàng ngũ 5 quốc gia đối tác quan trọng của Việt Nam.

Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam với hơn 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động có số vốn đăng ký tới 42 tỷ USD. Ngoài ra, Nhật cũng là đối tác lớn thứ ba về du lịch, lớn thứ tư về thương mại đối với Việt Nam.

Nhật cũng là nước cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Một số nguồn tin cho biết Đà Nẵng chuẩn bị mở lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố này.