Trong cuộc thảo luận hiện nay ở Việt Nam về việc sửa đổi bản hiến pháp năm 1992, nhiều người nêu ý kiến về đường hướng kinh tế và cả việc tái cơ cấu nền kinh tế èo uột hiện tại. Nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa lại chú ý đến một khía cạnh khác mà ông gọi là cái gốc của kinh tế, là việc giáo dục, trước tiên là giáo dục cấp tiểu học. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này qua phần thực hiện sau đây của Vũ Hoàng.
Cần một Hiến pháp văn minh hơn
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ nhiều năm nay, Việt Nam nói đến yêu cầu gọi là tái cơ cấu nền kinh tế mà giới quan sát ở trong nước phê bình là chỉ thấy nói mà chưa thấy làm và cũng chẳng biết là ai làm, với kinh phí từ đâu ra. Thế rồi, từ đầu năm nay, Quốc hội của Việt Nam còn đưa ra dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp năm 1992 để đề nghị mọi người góp ý mà lại giới hạn nội dung góp ý, thậm chí còn đả kích những ai muốn sửa đổi văn kiện cơ bản này theo chiều hướng thật sự dân chủ. Từ giác độ kinh tế, ông nghĩ sao về những ý kiến đã được nêu ra trong cuộc thảo luận này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là Việt Nam cần có một Hiến pháp có trình độ văn minh hơn, nhưng không đánh giá cao thiện chí sửa đổi của những người cầm quyền, trước nhất từ lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ chế có quyền hạn thực tế còn cao hơn Hiến pháp.
Chuyện thứ hai là vấn để cải tổ kinh tế hay tái cơ cấu theo lối nói ở trong nước. Nhu cầu cải tổ thì đã hiển nhiên và ngày càng cấp bách, mà việc cải cách vẫn bị trì hoãn, thậm chí cản trở vì cơ cấu lệch lạc hiện nay tạo ra đặc lợi cho nhiều thành phần. Các trung tâm quyền lợi hay là "lợi ích nhóm" đó chỉ muốn bảo vệ đặc quyền và đặc lợi của họ. Cũng vì vậy mà dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ chẳng đi đến đâu khi ta xét tới điều 55 liên hệ đến kinh tế đang được đề nghị.
Vũ Hoàng: Thưa ông, điều 55 đó có nội dung ra sao về kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là nó duy trì lý luận căn bản đã gây ra các vấn đề nguy ngập của hiện tại và sẽ chẳng giúp gì cho phát triển kinh tế trong tương lai. Tôi xin trích dẫn điều 55 đó để người ta thấy ra mâu thuẫn cơ bản hàm chứa bên trong tư duy của lãnh đạo. Điều 55 có mục đích sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25 của Hiến pháp cũ và gồm hai khoản.
Thứ nhất, "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối." Thứ hai, "Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo." Hết trích dẫn.
VN cần có một Hiến pháp có trình độ văn minh hơn, nhưng không đánh giá cao thiện chí sửa đổi của những người cầm quyền, trước nhất từ lãnh đạo đảng CS. <br/> Nguyễn-Xuân Nghĩa
Mâu thuẫn ở đây là khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà thế nào là "định hướng xã hội chủ nghĩa" lại không rõ, và chỉ có thể soi sáng với cái đuôi của khoản hai là "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo". Khi thành phần kinh tế nhà nước còn giữ vai trò chủ đạo thì làm gì có cạnh tranh? Và làm sao mà tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước và giải quyết tình trạng tham ô lãng phí trong các tập đoàn kinh tế nhà nước? Loại ung nhọt như Vinashin hay Vinalines mới chỉ là mặt nổi thôi.
Khi ta xét đến điều 58, sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18 cũ thì mọi chuyện vẫn như xưa vì "Đất đai, nguồn nước, khoáng sản, vùng trời, vùng biển và tài nguyên thiên nhiên khác, các công trình và các tài sản Nhà nước đầu tư, quản lý đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật." Đấy là cơ sở của tệ nạn tay chân nhà nước cướp đất của dân đang thấy xảy ra. Vì thế, tôi hoài nghi ý chí cải cách kinh tế mà còn lo ngại cho tương lai khi nhìn vào cái gốc của kinh tế là giáo dục, trước tiên ở cấp tiểu học.
Vũ Hoàng: Nói cách khác, ông không đánh giá cao thiện chí hay khả năng cải cách về mặt kinh tế mà còn e ngại cho tương lai khi xét về lĩnh vực giáo dục? Điều gì khiến ông lo ngại?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong bản Hiến pháp năm 1992, vốn dĩ không là một mẫu mực, người ta có điều 59 quy định như sau: "Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân." và "Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí." Trong bản dự thảo được đề nghị, Điều 42 sửa đổi, bổ sung Điều 59 chỉ còn gọn một khoản là "Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập" chứ hết có khoản "giáo dục tiểu học là miễn phí". Tức là nghĩa vụ học tập bao gồm luôn nghĩa vụ học phí! Đây là một vấn đề nghiêm trọng cho kinh tế vì là cơ sở ban đầu của dân trí.
Vũ Hoàng: Ông thấy giáo dục cấp tiểu học liên hệ thế nào với phát triển kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy mà ngoài khía cạnh kinh tế thì còn đạo đức xã hội.
Về kinh tế thì khi mà gần 23% dân số những người trên năm tuổi lại không thể hoàn tất bậc tiểu học thì làm sao lên tới cấp trung học và có tay nghề để thoát khỏi kiếp nghèo? Ở bên các nước Đông Á, nơi mà giáo dục miễn phí đến cấp trung học là quốc sách, Việt Nam không thể cạnh tranh được nếu nhà nước không đảm bảo nổi chín năm giáo dục cho mọi người. Bây giờ lại còn mập mờ đòi người dân phải có nghĩa vụ học tập trong khi phe lờ nghĩa vụ của nhà nước! Bước đầu của việc nâng cao dân trí và cải tiến khả năng sản xuất là một sự tụt hậu.
Gánh nặng giáo dục
Vũ Hoàng: Đấy là về kinh tế, ông còn nói đến khía cạnh xã hội nữa. Thưa ông cái đó là gì?
Sự thật thì việc bảo đảm giáo dục cho con em vẫn là gánh nặng cho các hộ gia đình. Nhiều hộ phải mất phân nửa lợi tức cho việc học hành. <br/> Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng về xã hội, tại một xứ vẫn tự xưng là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa, thì một nội dung nên có của cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" là chính quyền phải ưu tiên chú trọng đến đại đa số và nhất là làm sao cho dân nghèo khỏi bị thiệt hại hoặc thua sút. Trong sự thăng tiến của con người, giáo dục là một điều kiện đầu tiên nên giáo dục tiểu học phải được cung cấp miễn phí cho mọi người để ai cũng có được kiến thức cơ bản. Mà không chỉ có học phí vì còn phải gồm cả trường ốc, sách vở và dụng cụ giáo khoa. Chế độ lại làm ngược, là tư nhân hóa giáo dục tiểu học theo cái hướng là học sinh phải trả học phí, cũng chẳng có tiền mua sách và không có trường ở gần nhà.
Chúng ta đã thấy hình ảnh của em nhỏ ôm cầu khỉ leo qua sông để đi học trong khi các dự án của khu vực công bị rút ruột tan nát, gia đình đảng viên cán bộ cao cấp thì có dinh cơ nguy nga mà lương bổng không thể trang trải được nếu không tham nhũng.
Về xã hội thì đấy là một sự bất công đáng tởm và cho thấy nội dung thật của "định hướng xã hội chủ nghĩa". Nó khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh tuần qua của một bà mẹ tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đèo con tới trường, sau lưng bé gái ngơ ngác là một cái bàn bằng gỗ tạp vì mẹ em phải mang bàn học đến trường!
Vũ Hoàng: Ông thấy hình ảnh này ở đâu, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Một ngẫu nhiên là tuần báo BusinessWeek của hệ thống Bloomberg số mới nhất vào tuần qua đã có một bài về sự thật của nền giáo dục đằng sau những khoa trương của Trung Quốc. Tấm hình của một nhiếp ảnh gia của hãng AP đập vào mắt độc giả, nhưng nội dung bài phân tích của ông Dexter Roberts còn đáng chú ý hơn nhiều vì phơi bày mặt trái của thành tích biểu kiến.
Cũng như Việt Nam đã khoe ngân sách cho giáo dục chiếm đến 5% Tổng sản lượng GDP hoặc gần 20% của ngân sách quốc gia, Tháng Ba vừa rồi Trung Quốc cho biết vào rằng họ đạt chỉ tiêu là dành 4% của Tổng sản lượng cho giáo dục, sự thật thì việc bảo đảm giáo dục cho con em vẫn là gánh nặng cho các hộ gia đình. Nhiều hộ phải mất phân nửa lợi tức cho việc học hành, nhiều nơi không có trường ốc, phòng ốc có khi chật ních học trò, nhiều người phải hối lộ đút lót mới xin cho con vào trường tốt sau khi phải trả tiền học và đủ loại lệ phí, kể cả tiền thuê bàn ghế trong lớp. Vì thế, nhiều nơi cha mẹ phải khuân cả bàn ghế cho con vào trường. Chính sách cải tổ hệ thống ngân sách từ năm 1994 còn khiến các địa phương thiếu tiền giải quyết việc giáo dục.
Mà hoàn cảnh của thành phần gọi là "dân công" lại còn bi đát hơn vậy. "Dân công" là những người phải tha phương cầu thực là kiếm việc làm ở địa phương khác mà chẳng có hộ khẩu. Tình trạng tạm bợ ấy kéo dài nhiều thập niên rồi mà chính sách hộ khẩu vẫn chưa thay đổi. Các gia đình dân công có con đi học thì kiếm không ra trường, hoặc phải cho con em trở về quê cũ nơi có hộ khẩu thì mới được đi học. Trung Quốc có 20 triệu em nhỏ là con cháu của dân công hiện đang có số phận rất bấp bênh.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, với những khó khăn về giáo dục như vậy, làm sao mà hai quốc gia này có thể cạnh tranh được với thiên hạ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng chưa nói đến việc cạnh tranh trong lâu dài, hệ thống giáo dục ấy đang là vấn đề xã hội với hậu quả nguy ngập về chính trị ở bên trong. Khi nhìn ra ngoài thì xứ nào cũng nên học hỏi kinh nghiệm của xứ khác và nhất là đừng phạm sai lầm như xứ khác.
Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam nên tránh sai lầm của họ và phải cải cách sớm hơn, trước tiên là về giáo dục vì sẽ chỉ có kết quả lâu dài nên phải khởi sự sớm. Bước kế tiếp là phải tăng cường khả năng cung cấp giáo dục trung tiểu học cùng miễn phí để từ năm năm qua chín năm qua 12 năm, người nào cũng có được kiến thức cơ bản.
Người ta cứ nói đến xã hội hóa hay tư nhân hóa giáo dục, Việt Nam chưa dám tư nhân hóa việc cung cấp kiến thức mà lại chỉ tư nhân hóa việc trả học phí là đi ngược quy trình của sự tiến hóa. Trong việc sửa đổi Hiến pháp, người ta nên trước tiên sửa cái đầu và cách nghĩ.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.