Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt giai đoạn 2020-2030” với mức kinh phí 6000 tỉ đồng. Đề án này gây chú ý trong dư luận về các số liệu nghiên cứu ban đầu cũng như hiệu quả trong tương lai sẽ ra sao? Mời quý thính giả nghe cuộc trao đổi giữa Hòa Ái với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng quốc gia về nghên cứu y khoa và y tế Úc, liên quan đến đề án này.
Khó đạt mục tiêu
Hòa Ái: Thưa Giáo sư, đề án chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người VN giai đoạn 2010-2030 có mức kinh phí lên đến 6000 tỉ đồng với mục tiêu nâng chiều cao cho thanh niên và thiếu nữ VN so với chuẩn quốc tế, nhận định của Giáo sư về đề án này ra sao?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Nói chung, theo tôi, khách quan mà nói bất cứ dự án nào nhằm nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt đều rất đáng hoan nghênh, đáng làm. Nếu tôi là người duyệt đề án, tôi từng làm việc này ở nhiều nơi trên thế giới, tôi phải xem xét đến tính khả thi thì mới đánh giá được. Theo cá nhân tôi đánh giá tính khả thi của đề án này không được cao lắm. Nhất là vấn đề nào liên quan đến cộng đồng thì cần phải đều nghiên rất cẩn thận.
Điểm thứ hai tôi muốn nói đến là mục tiêu của đề án đề ra hình như là quá cao. Theo như mục tiêu của đề án đề ra đến năm 2020, chỉ trong vòng 7 năm, chiều cao của nữ giới phải tăng đến 3 cm, đối với nam thì 3.3 cm là điều rất khó đạt. Tôi đã điểm qua y văn của các quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Nhật, hay xa hơn nữa là Hà Lan, Đan Mạch, v.v. Ngay cả Mỹ cũng vậy. Tất cả những nước này có kinh nghiệm trước VN rồi. Sau 10 năm chiều cao chỉ tăng 1 cm đến 1.5 cm.
Mục tiêu của đề án đề ra đến năm 2020, chỉ trong vòng 7 năm, chiều cao của nữ giới phải tăng đến 3 cm, đối với nam thì 3.3 cm là điều rất khó đạt. <br/> -GS Nguyễn Văn Tuấn
Nói đến chỉ tiêu có lẽ tôi cần nói thêm một điều nữa. Thay vì chỉ tiêu đặt ra một con số trung bình, mà con số trung bình thì không hiện hữu, bởi vì chiều cao trong cộng đồng rất khác nhau giữa các cá nhân, thành ra cách đặt chỉ tiêu thực tế hơn về mặt cộng đồng là bao nhiêu phần trăm nam và nữ đạt chiều cao tối thiểu? Và chiều cao tối thiểu này có đảm bảo sức khỏe tốt hay tối ưu cho người dân? Đó mới là chỉ tiêu chứ không phải con số trung bình.
Hòa Ái: Phần lớn những người quan tâm cho rằng đề án này dùng tiền thuế của dân nhưng sẽ không mang lại hiệu quả do họ không có lòng tin trước tệ nạn tham nhũng tràn lan. Bên cạnh đó, dưới gốc độ khoa học, các nhà chuyên môn cũng đánh giá là không có hiệu quả do thông tin và số liệu từ các nghiên cứu cho đề án này không những không mang tính thuyết phục mà còn có nhiều nghi vấn. Dưới góc độ một nhà nghiên cứu y khoa, Giáo sư đánh giá mức độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu được báo cáo như thế nào?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Nói về tham nhũng thì quá tràn lan. Thành ra bất cứ một đề án nào được đề ra, cho dù đó là đề án thật, không tham nhũng, thì người dân vẫn nhìn với cặp mắt nghi ngờ có thể có tham nhũng. Điều này rất đáng tiếc. Nhưng thôi, không nói đến vấn đề đó vì không không có bằng chứng.Về mặt khoa học, tôi nghĩ những số liệu, dữ liệu mà đề án này nêu có rất nhiều điều cần bàn thêm. Chẳng hạn như đề án đề mục tiêu đến năm 2020, chiều cao của nam giới 18 tuổi là 167 cm, và nữ giới là 156 cm, nhưng nghiên cứu của chúng tôi ở Hà Nội và Sài Gòn cho thấy thanh niên ở 2 thành phố này đã có chiều cao trung bình như chỉ tiêu đề ra cho năm 2020. Ý tôi muốn nói chỉ tiêu đề án đặt ra có thể đã đạt rồi ở một số quần thể ở thành thị. Đây là điểm thứ nhất cần bàn thêm.
Thứ hai, đề án có nhận xét rất quan trọng rằng “so với chuẩn quốc tế nên chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7 cm (thấp hơn 13,1cm so với chuẩn) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn)”. Về số liệu này, tôi có thể nói ngay là không đúng. Không có một sắc dân Tây nào có chiều cao lên đến 177 cm. chiều cao như thế là cao lắm. Ngay cả người Hà Lan được nổi tiếng là cao thì chiều cao trung bình cũng không thể đạt được như vậy. Thành ra “chuẩn quốc tế” này cần phải xem xét lại. Có lẽ sai sót đâu đó.
Dữ liệu thứ ba cũng quan trọng. Họ nói “chiều cao và thể trạng của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%”. Số liệu này không đúng so với những gì tôi biết trong y văn. Tôi cũng từng làm nghiên cứu về di truyền trong chiều cao và mật độ xương…Tôi có thể khẳng định rằng nghiên cứu của tôi và nghiên cứu của rất nhiều đồng nghiệp trên thế cho thấy yếu tố di truyền ảnh hưởng lớn đến chiều cao (khoảng 60-80%), chứ không phải 20%.
3 dữ liệu được trình bày trong 1 dự án đầy nghi vấn như thế là một điều có thể nói rất đáng tiếc.
Hòa Ái: Theo như Giáo sư trình bày thì mấu chốt của vấn đề là cần thiết phải có dự án nâng chiều cao cho người Việt đến năm 2030 hay không?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Chiều cao là một đặc tính nhân trắc rất thú vị, ai cũng thích chiều cao. Thế nhưng có một đặc điểm mà ít ai chú ý đến. Đó là chiều cao thay đổi theo thời gian và thay đổi theo thế hệ (biến đổi theo thế hệ: "secular change"). Điều này được ghi nhận trong tất cả các quần thể. Khi kinh tế khá lên thì chiều cao cũng tăng lên. Chiều cao tăng theo thế hệ thường do cải thiện dinh dưỡng, và dinh dưỡng liên quan mật thiết với kinh tế. Trong thực tế, chiều cao của người Việt đã và đang tăng, chứ không giảm. Tôi nghĩ cho dù không can thiệp đi nữa thì chiều cao của người Việt cũng sẽ tăng trong tương lai.
Hòa Ái: Phát biểu mới đây của của Bộ trưởng Y tế-Nguyễn Thị Kim Tiến là Bộ không có tiền xây dựng bệnh viện hay mua trang thiết bị y tế. Với số tiền 6000 tỉ đồng này nếu được sử dụng với mục đích giúp giảm tải bệnh viện trong thời điểm hiện tại thì sẽ có hiệu quả thực tiễn hơn hay không?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Câu trả lời của Bộ trưởng y tế được báo chí bàn luận rất nhiều. Một cách khách quan, tôi nghĩ rất khó so sánh như thế, vì mục tiêu rất khác nhau. Bệnh viện là nơi điều trị lâm sàng, còn can thiệp nâng chiều cao là vấn đề y tế cộng đồng. Đúng là bệnh viện quá tải và có nơi thiếu thiết bị, nhưng ngân sách để xây dựng bệnh viện chắc chắn phải tách biệt với ngân sách dành cho các chiến lược y tế cộng đồng. Ở Việt Nam, người ta có ý nghĩ xây thêm bệnh viện thì sẽ giảm tình trạng quá tải, nhưng tôi nghi ngờ điều này, bởi vì có khá nhiều bệnh viện tuyến huyện chưa khai thác hết số giường bệnh. Vấn đề do đó không chỉ là xây thêm bệnh viện, mà còn tạo lòng tin ở người dân về khả năng chuyên môn của đội nghĩ y bác sĩ. Người ta nhìn người bác sĩ cho dù ở xã hay ở huyện thì người ta vẫn tin vào vị bác sĩ có đầy đủ kỹ năng giải quyết sức khỏe cho bệnh nhân.
Hòa Ái: Cảm ơn Giáo sư dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.