Bầu cử Mỹ 2012: Đâu là những bang quyết định?

Tại Hoa Kỳ, không đầy 12 giờ đồng hồ nữa cử tri Mỹ sẽ đến phòng phiếu bầu chọn người lãnh đạo quốc gia cho 4 năm tới.

0:00 / 0:00

Một lần nữa, Vũ Hoàng cùng với Nguyễn Khanh gửi đến quý vị những tin tức mới nhất liên quan đến cuộc bầu cử được xem là sôi nổi chưa từng có của chính trường Hoa Kỳ.

Cơ hội chia đều

Vũ Hoàng: Câu hỏi đầu tiên đặt ra với anh Nguyễn Khanh là tình hình có thay đổi gì không, hay là vẫn 50/50?

Nguyễn Khanh

Nguyễn Khanh: Cám ơn bạn Vũ Hoàng. Câu trả lời là đến giờ vẫn 50/50, chưa biết ai thắng ở cuộc bầu cử này. Có lẽ phải nói đúng hơn là hầu như các cuộc thăm dò vẫn nói rằng ông Obama đang dẫn trước số phiếu đại cử tri, đến gần đích 270 phiếu để ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm, nhưng bên ông Romney bảo họ đã tính toán hết mọi ngã, và tin tưởng chiến thắng sẽ về họ. Vì thế, cả 2 ông đều nhắc nhở cử tri nhớ đi bầu, và cả 2 ông cũng mời cử tri cùng chung vui vào tối mai. Ông Obama về Chicago, ông Romney về Boston.

Vũ Hoàng: N hưng tại sao đến bây giờ, tức là giờ phòng phiếu mở cửa đã thật gần kề mà vẫn chưa biết ai thắng? Liệu chuyện năm 2000 có tái diễn hay không?

Nguyễn Khanh: Anh Vũ Hoàng vừa mới nói tới chuyện năm 2000, và chắc quý vị cũng không quên cuộc bầu cử năm đó giữa ông George W. Bush của đảng Cộng Hòa và ông Al Gore của đảng Dân Chủ. Lần đó kết quả được định đoạt ở bang Florida, đếm phiếu đi đếm phiếu lại và sau đó phải ra tận Tòa Tối Cao để nhờ phân xử.

Tổng thống Barack Obama đang vận động tranh cử tại Madison, Wisconsin hôm 05/11/2012. AFP photo.
Tổng thống Barack Obama đang vận động tranh cử tại Madison, Wisconsin hôm 05/11/2012. AFP photo.

Lần này câu chuyện lan rộng hơn rất nhiều, không chỉ ở một bang mà ở tới cả chục bang. Trong 48 giờ đồng hồ qua, cả ông Romney lẫn ông Obama đã xuất hiện ở những bang cần phải thắng đó để vận động kiếm phiếu, và dù mạnh miệng bảo rằng đã thấy chiến thắng nhưng cả 2 ông đều biết chiến thắng chỉ thật sự đến với họ nếu thành công ở những bang mà 2 bên đang tranh giành ngang ngửa với nhau.

Vũ Hoàng: Tại sao chỉ có ở chừng một chục bang? Vũ Hoàng tưởng nước Mỹ có tới 50 bang cơ mà?

Nguyễn Khanh: Đúng, nước Mỹ có tới 50 bang, nhưng cuộc bầu cử chưa diễn ra đã có những bang mọi người đều biết kết quả. Thí dụ như bang California sẽ bỏ phiếu cho ông Obama của đảng Dân Chủ, bang Texas sẽ thuộc về ông Romney của đảng Cộng Hòa. Thành ra, chỉ có một số bang chưa biết đa số cử tri chọn ai, và đó là những bang quyết định kết quả cuộc bầu cử.

Vũ Hoàng: Anh có thể kể những bang mà ngày mai sẽ quyết định ghế tổng thống Mỹ được không?

Nguyễn Khanh: Theo tôi thì mọi chú ý trong ngày bầu cử mùng 6 tháng 11 năm 2012 sẽ được dồn cho 7 tiểu bang sau đây:

Florida

Ông Romney bắt buộc phải thắng ở đây, nếu không cánh cửa vào Tòa Bạch Ốc của ông sẽ rất hẹp. Hồi đầu năm, các cuộc thăm dò đều nói ông Obama dẫn trước, thời gian gần đây tình hình đã đổi khác: số phiếu cử tri dành cho 2 ông khá ngang ngửa với nhau. Phía ông Obama tin sẽ thu hút được lá phiếu của giới trẻ gốc Puerto Rico ở miền Trung, và giới trẻ gốc Cuba sinh sống ở miền Nam. Bên ông Romney kỳ vọng vào những khu vực bầu cử có đông cử tri ủng hộ đảng Cộng Hòa.

New Hampshire

Chỉ có 4 phiếu cử tri đoàn nhưng sẽ quyết định ghế tổng thống, nếu ông Romney thành công ở Florida, North Carolina, Virginia và Ohio, hay trong trường hợp ông Obama lấy được Nevada, Colorado, Iowa và Wisconsin. Bốn năm trước đây cử tri New Hampshire bỏ phiếu chọn ông Obama, nhưng dàn cố vấn của ông Romney tin tưởng sẽ thành công vào tuần tới vì ông từng làm thống đốc tiểu bang Massachusetts nằm ngay bên cạnh, lại có nhà riêng tại New Hampshire. Yếu tố đáng nhắc lại: năm 2000 nếu ông Al Gore thắng ở tiểu bang này, ghế tổng thống đã thuộc về đảng Dân Chủ.

Colorado

Nguyễn Khanh

Kết quả thăm dò hầu như thay đổi mỗi ngày khiến người dân Colorado nuôi hy vọng tiểu bang của họ sẽ quyết định vận mạng chính trị của cả ông Obama lẫn ông Romney. Giả sử ông Romney thắng tại các tiểu bang đang nghiêng về đảng Cộng Hòa cộng thêm New Hampshire, Virginia, Florida và Wisconsin, lúc đó ông sẽ có 262 phiếu. Giả sử ông Obama thắng ở các tiểu bang đang nghiêng về đảng Dân Chủ cộng thêm Ohio và Iowa, ông sẽ có 267 phiếu. Lúc đó 9 phiếu cử tri đoàn của Colorado sẽ định đoạt thắng bại của cuộc bầu cử. Hồi năm 2008 ông Obama thắng lớn tại đây, nhưng bây giờ tỷ lệ cử tri ủng hộ ông ngang với tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Romney (50%-50%). Ông Obama tin sẽ lấy được phiếu của người lớn tuổi và thành phần cử tri Hispanic, ông Romney trông chờ vào phiếu của quân nhân và gia đình binh sĩ, cộng với phiếu của tập thể Thiên Chúa Giáo.

Iowa

Hồi 2008 ông Obama thắng cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân Chủ tại tiểu bang này, sau đó cử tri Iowa cũng ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tổng thống. Tỷ lệ thất nghiệp thấp được xem là lợi thế cho vị tổng thống đương nhiệm, nhưng phần lớn các cơ quan truyền thông uy tín nhất trong tiểu bang bốn năm trước đây hầu hết ủng hộ ông Obama bây giờ lại ủng hộ ông Romney, cho rằng ứng viên Cộng Hòa "có cái nhìn và chiều hướng mới, tốt hơn cho nền kinh tế quốc gia". Đây là tiểu bang ông Romney tin tưởng sẽ tin tưởng sẽ thành công để có 6 phiếu cử tri đoàn. Bên ông Obama cũng vững tâm vì có dàn vận động viên hoạt động rất mạnh ở mọi quận hạt.

Ohio

Tiểu bang được 2 ông ghé thăm nhiều nhất (ông Obama ghé qua hơn 20 lần, ông Romney xuất hiện vận động cả thảy hơn 30 lần), hy vọng sẽ lấy được 18 phiếu cử tri đoàn. Hiện giờ các thành phố lớn có vẻ nghiêng về phía ông Obama, nhưng những vùng ngoại ô và thôn quê lại nghiêng về phía ông Romney. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ cách biệt giữa 2 ông quá khít khao, nhưng ông Obama được kể là đang có lợi thế vì tới 2/3 những người đi bầu sớm cho hay họ ủng hộ bên đảng Dân Chủ.

Virginia

Ông Mitt Romney đang vận động tranh cử tại Fairfax, Virginia hôm 05/11/2012. AFP photo.
Ông Mitt Romney đang vận động tranh cử tại Fairfax, Virginia hôm 05/11/2012. AFP photo.

Trong 40 năm liên tiếp (từ 1964 đến 2004) cử tri Virginia ủng hộ đảng Cộng Hòa, năm 2008 họ nghiêng về phía Dân Chủ. Tập thể cử tri da màu ở các thành phố miền Nam sẽ tiếp tục dồn phiếu cho ông Obama, nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn là số cử tri cư ngụ ở miền Bắc Virginia sẽ ủng hộ ai. Ủy Ban Vận Động Tranh Cử Obama nói thu hút được lá phiếu của tập thể nữ cử tri, trong khi phía ông Romney lại được dân chúng và quân nhân cư ngụ ở khu vực Norfolk gần biển ủng hộ. Lý do: ông Romney chủ trương đóng thêm tàu chiến cho hải quân, Norfolk là một trong những xưởng đóng tàu lớn nhất nước Mỹ. Cư dân da trắng làm việc cho các mỏ than ở miền Nam cũng được dự đoán sẽ ủng hộ ông Romney.

Wisconsin

Bốn năm trước đây ông Obama thắng lớn ở Wisconsin, hơn ông John Mcain tới 14% tổng số phiếu, năm nay tình hình chưa rõ sẽ như thế nào dù các cuộc thăm dò đều nói ông đang dẫn với tỷ lệ phiếu từ 1% đến 4%. Ông phó Cộng Hòa Paul Ryan là người Wisconsin, sẽ góp phần không nhỏ để giúp ông Romney thành công.

Vũ Hoàng: Như vậy, có lẽ quý độc giả cũng có thể mường tượng thấy tình hình bầu cử tổng thống ở Mỹ năm nay quả là căng. Trước khi chia tay muốn hỏi anh Khanh là ở Mỹ có cá cược bầu cử tổng thống không? Nếu có thì tỷ lệ cá cược hiện giờ như thế nào?

Nguyễn Khanh: Thưa anh, luật lệ Hoa Kỳ cấm cá cược bầu cử, nhưng ở nhiều nơi ngoài nước Mỹ, chẳng hạn như bên Anh, các sòng cờ bạc có nhận đánh cá kết quả cuộc bầu cử lần này…

Vũ Hoàng: Cá cược thế nào anh?

Nguyễn Khanh: Đại để họ chọn ông Obama ở kèo trên, đặt ông Romney ở kèo dưới. Hiện nay nếu đánh cửa ông Obama thì 2 ăn 1, ngược lại bắt cửa ông Romney thì đặt 1 ăn 2. Theo tôi thì đặt cửa nào lúc này thì cũng đúng một nửa và sai một nửa, vì vẫn là 50/50, chưa biết kẻ thắng người bại đâu.

Vũ Hoàng: Cám ơn anh Khanh. Đồng ý với anh hoàn toàn, vì Vũ Hoàng đọc qua tin tức thấy vẫn chưa biết ai sẽ là tổng thống Mỹ, dù nhiều người dự đoán ông Obama có nhiều cơ hội thắng hơn ông Romney. Một lần nữa cám ơn anh Nguyễn Khanh.

Nguyễn Khanh: Cám ơn bạn Vũ Hoàng, cám ơn quý độc giả.

Theo dòng thời sự: