Chị Vy, một công nhân viên chức nhà nước, cư ngụ tại quận Thủ Đức, có hai con nhỏ đang học lớp một và lớp bốn cho chúng tôi biết, chị có quen một người bạn cũng có con đang học lớp một, gia đình phụ huynh đó rất bất ngờ với kết quả học lực của con mình cuối năm, theo Chị Vy được biết cháu bé đó khi thi học giữa kỳ II thì tòan điểm kém, nhưng đến cuối năm cách nhau khoảng hơn một tháng thì kết quả lại khác:
“Bài để mà ôn thi kiểm tra chất lượng giữa học kỳ II với cuối học kỳ II đó, bé toàn là bị điểm kém thôi, toàn là điểm một với điểm hai thôi; nhưng đến lúc mà đi thi đó, thì không hiểu sao may mắn hay là do cái tình trạng mà thi đua của các Giáo viên trong trường với nhau đó, để đạt danh hiệu, đâm ra là bé được đạt học sinh giỏi.”
Chị Vy cho biết thêm: "Đi họp phụ huynh đó thì mẹ của bé đó hỏi giáo viên chủ nhiệm là: trong cái đợt thi vừa rồi đó, bé làm bài tốt không cô? thì cô bảo là tốt; với lại cũng may cho các cháu là cái đợt thi học kỳ II này đó, thay vì là viết chính tả thì nhà trường lại cho ra cái đề là tập chép; có nghĩa là Giáo viên chủ nhiệm chép trên bảng, xong rồi mấy bé nhìn trên bảng chép vào bài thi của mình, chép vào giấy thi của mình, chứ không phải là cô giáo đọc chính tả cho chép giồng như mấy lần thi của học kỳ I và giữa học kỳ, đâm ra là mấy bé mới đạt được thành tích cao như vậy. Thì đó, cái đó là của giáo viên chủ nhiệm nói thôi, chứ phụ huynh người ta cũng cảm thấy không thỏa đáng lắm."
Chị Hằng đang ở quận 10 có hai cháu gái đang học tiểu học tại Quận 3, cho chúng tôi biết, ngay cả thầy cô giáo cũng thừa nhận rằng việc học của các cháu là quá nặng so với tuổi các cháu, Chị bức xúc kể lại ngày đầu tiên đi học lớp một của con gái, cô giáo bắt phải viết báo bài mà trong khi đó cháu chưa được học một chữ nào hết:
“Lớp một vào thì không có sổ báo bài, giáo viên người ta sẽ viết hoặc sẽ làm một thời khóa biểu, rồi bắt đầu học kỳ hai mới cho học sinh viết báo bài, thì vừa vào học thì phải biết viết, viết báo bài, chưa gì hết sao viết báo bài được. Con tôi buổi hôm đó, tôi nhớ rất là rõ, ngày đầu tiên đi học về, con học cái gì? Khóc bù lu bù la, hỏi tại sao khóc, cháu nói con viết bài không được bị cô đánh, vì không viết được chữ in, viết đóng tiền y tế và số tiền bảo hiểm xã hội, trong khi đó mới có ngày thứ nhất, thứ hai đi học, không được dạy chữ nào, con số nào mà viết con số lên đến mấy chục ngàn.”
Chị Hằng nói tiếp giáo trình dạy học hiện tại dành cho các học sinh lớp 1,2,3 quá nhanh:
“Theo mình nghĩ chương trình dạy học thì nó quá cao so với ngày xưa, có nghĩa là một đứa học lớp hai, lớp ba học tóan theo mình nghĩ so với thời ngày xưa của mình thì nó cao quá, có nhiều giáo viên nói là chương trình đó ngày xưa phải là lớp bốn luôn rồi, phụ huynh hỏi giáo viên tại sao dạy nhanh như vậy, giáo viên nói vì sở giáo dục đưa xuống là vậy.”
Tuy nhiên giáo trình dạy học cho các trẻ em học sinh Việt Nam đang nhồi nhét kiến thức, lý thuyết, làm thật nhiều bài tập, nhưng không có thời gian để tự tư duy, sáng tạo và vui chơi, vì thế khi va chạm thực tế thì các em luôn bị thụ động. Anh Quân Anh ngụ tại Hà Nội - là kỹ sư điện hiện đang công tác tại một tổng công ty nhà nước, có 2 con đang học tiểu học và trung học, cho chúng tối biết:
“Không những tiểu học mà cả trung học mình thấy cái hệ thống giáo dục của mình cần phải có một cái thay đổi, cái sự học đấy nó quá nặng, Mình cũng ủng hộ cái chuyện trẻ con thì phải cho chúng nó được thoải mái một chút, mà cái chính ra bây giờ chúng nó phải học cái tư duy một cách hòa đồng, tức là mình thấy ở nước ngoài học sinh nó học theo nhóm, tập kỹ năng sống theo nhóm hợp tác nhau, mình gọi là kỹ năng sống; tức là trẻ con nó cần được học kỹ năng sống chứ không phải là học các kỹ năng để giải toán và kể cả tiếng Việt cũng thế; nghĩa là nó học rất là công thức, tả một cái gì đấy thì bao giờ cũng là kiểu nhà em có rất nhiều cây, nhưng em thích nhất là cây bưởi; hoặc nhà em thích nhất là con mèo chẳng hạn. Rồi đứa nào tả cũng giống nhau, đầu thì như quả bóng chân thì như cái que, đại loại là vậy. Nó không phát triển trẻ con theo một cái tư duy của nó mà tất cả chúng nó đều bị biến thành giống như kiểu robot ấy, tất cả đều theo lối tư duy giống nhau; chúng nó không có kỹ năng để sống cũng như kỹ năng để xử lý vấn đề.”
Sau khi đi học về, các trẻ em học sinh thay vì được vui chơi với bạn bè hoặc thích làm những gì trẻ thích thì buộc phải chuẩn bị cho buổi học thêm vào những giờ chiều hoặc tối. Có nhiều phụ huynh lo sợ nếu con mình không đi học thêm ở nhà do cô giáo chủ nhiệm dạy thì con mình sẽ bị trù dập khi vào lớp. Chị Vy cho biết về việc học của các con mình:
“Phải đi học thêm ở nhà thầy cô giáo chủ nhiệm nữa, tâm lý ở đây, con mình nhiều khi không học thêm khi vào lớp có những biểu hiện của thầy cô khác lạ lắm, nói chung là tình hình hiện tại là như vậy, đa số phụ huynh đều phàn nàn chuyện này, tiểu học là đâu cần phải đi học thêm, nhưng giờ cho dù chỉ lớp 2, hay lớp 3 thôi thì phải đi học,”
Cô giáo tên Ngọc đang dạy thêm tại nhà, quận Bình Chánh không muốn cho biết tên trường cô đang dạy thì cho rằng việc học thêm là do phụ huynh muốn cho con mình tốt hơn:
“Tại vì nhu cầu chăm lo cho con mình tốt hơn thôi, muốn tốt hơn, chăm lo quá thì thành ra vậy. Cái thứ nhất thấy con người ta học thì con mình cũng phải học, thấy con người ta học lớp một đọc được mà con mình không đọc được thì không được, tâm lý như vậy thôi. Con người ta học lớp một biết đọc báo rồi, con mình chưa biết đọc, thì như thế các em chịu áp lực nặng hơn hồi trước rồi.”
Chúng tôi có liên lạc với nhiều thầy cô giáo để xin biết thêm về giáo trình dạy học cho học sinh cấp một, nhưng hầu như khi nghe chúng tôi hỏi đều từ chối trả lời phỏng vấn.
Lâu nay, ngành giáo dục Việt Nam luôn nói đến cải cách. Tuy nhiên học sinh, ngay cả các cháu tiểu học, vẫn chịu nhiều sức ép ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của tuổi thơ.