Tuy nhiên, người ta dường như không chú ý nhiều đến Tripoli nếu không có cuộc nổi dậy của nhân dân từ tháng 2 chống nhà độc tài Gahdafi.
Và sự chú ý của quốc tế lên đến đỉnh điểm khi những ngày vừa qua, một phụ nữ đã liều chết chạy vào một khách sạn ở đây để được nói với phóng viên quốc tế một câu chuyện kinh hoàng.
Nạn nhân của chế độ độc tài
Cuộc nội chiến ở Libya vẫn đang tiếp diễn. Đường phố Tripoli những ngày cuối tháng 3 vẫn thưa người qua lại trừ binh sĩ của Gahdafi.
Vẫn khói súng, vẫn bụi xe tăng, vẫn xác người và vẫn những ánh mắt sợ sệt của thường dân bao trùm bởi một bầu không khí nặng nề.
Khách sạn Rixos mặc dù là nơi ở của các nhà báo quốc tế, vẫn yên ắng đến đáng sợ. Nhưng cái im lặng ấy như vỡ tan và không gian như xé toạc bởi tiếng thét của một người cô gái.
Cô gái này liều chết vượt qua các trạm kiểm soát và hàng rào bảo vệ dày đặc để chạy vào khách sạn Rixos nói với các phóng viên quốc tế rằng mấy ngày qua cô bị các binh sĩ Gahdafi bặt cóc và hãm hiếp tập thể.
Hình ảnh truyền đi từ đài CNN cho thấy, tiếng nói của cô uất nghẹn, đứt quãng và không trọn vẹn vì chỉ vài giây sau đó một số người mặc thường phục và bồi bàn tại khách sạn đã ập đến bịt miệng, khống chế, đe dọa và chửi rủa cho rằng cô đang nói dối.
Liền sau đó, một nữ bồi bàn dùng khăn đen trùm kín đầu cô và một nhóm người khống chế mang cô đi ra xe hơi chạy mất. Tất cả chỉ xảy ra trong vài chục giây ngắn ngủi, để rồi sau đó để lại một không khí ảm đạm và vô vàn câu hỏi cho các phóng viên quốc tế có mặt tại Tripoli và cả thế giới.
Chuyện gì đã xảy ra? Những gì cô nói có thật? Những người mặc thường phục vừa mang cô đi đâu? Và điều đặc biệt là người phụ nữ này là ai?
Cô gái ấy tên là Eman al-Obeidy (Iman al-Obeidi), chưa đầy 30 tuổi và là một sinh viên cao học ngành luật tại Tripoli. Và người ta không biết tên cô cho đến khi chỉ vài giờ sau sự kiện ấy, truyền hình nhà nước lên tiếng thóa mạ cô gái.
Trong chương trình kéo dài 15 phút, nữ xướng ngôn viên đài truyền hình quốc gia Libya mạnh mẽ lên án Eman là kẻ dối trá, kẻ ăn cắp và khẳng định Eman là một gái điếm.
Và cũng chỉ vài ngày sau đó, chính phủ Gahdafi chính thức lên tiếng khẳng định Eman có vấn đề về thần kinh và cô đã say xỉn nên không kiểm soát được mình.
Tôi biết kiện ai bây giờ khi mà chính quyền vừa là quan tòa, vừa là người bắt bớ, vừa là người phóng thích?
Eman al-Obeidy
Thế nhưng, tất cả sự giải thích của chính quyền Gahdafi về sự kiện này không thể xua tan những nghi vấn của dư luận quốc tế vì trong một xứ sở mà sự độc tài nắm quyền và truyền thông không là tiếng nói độc lập thì sự thật đôi khi chỉ là sản phẩm của chính phủ.
Và khoảng 1 tuần sau đó, những bí ẩn về Eman mới thực sự được phơi bày.
Ngày 3 tháng 4, giới truyền thông tiếp xúc được Eman và rồi Eman kể rằng, ngày 24 tháng 3, cô và vài người khác đã bị một nhóm binh sĩ Gahdafi bắt cóc và ép buộc phục vụ tình dục cho nhiều binh sĩ.
Những kháng cự của Eman trở nên vô ích và chưa bao giờ cô cảm thấy bất lực như lúc bị hãm hiếp và bị trói và bị đánh đập. Trong những ngày đen tối ấy, cô bị trói tay chân, bị bỏ đói, bị đổ rượu vào mắt để cô không thể nhìn thấy gì cả và dĩ nhiên là cô bị người ta thay phiên hãm hiếp.
Sau 2 ngày ở tại 1 nơi mà từ đó cuộc đời cô đã mang một vết nhơ khó gột rửa, Eman đã trốn thoát được và chạy thẳng đến khách sạn Rixos, nơi các phóng viên quốc tế đang làm việc.
Eman hiểu rằng, chỉ có nơi này tiếng nói của cô mới được nghe thấy bởi cô biết kêu cứu nơi đâu khi tất cả quân đội, cảnh sát, truyền thông và tòa án tại Libya đều đứng cùng 1 phía?
Theo Eman, nếu không lựa chọn như thế, có lẽ cô bị bỏ tù hay bị giết trước khi có thể nói lên được nỗi phẫn uất của mình. Cô nói với đài TV Webcite thuộc phe đối kháng Libya:
“Tôi biết kiện ai bây giờ khi mà chính quyền vừa là quan tòa, vừa là người bắt bớ, vừa là người phóng thích? Tôi là nạn nhân của chế độ Gahdafi đến 2 lần. Lần đầu là do lực lượng binh sĩ Gahdafi, lần thứ hai là do đài truyền hình nhà nước.”
Biết tìm công lý ở đâu?
Cô cho biết khi xuất hiện tại khách sạn Rixos, những người mặc thường phục kể cả bồi bàn tại đó là cảnh sát chìm và họ đã bắt cô từ hôm ấy.
Họ đã cô lập, giam giữ, điều tra và quan trọng nhất là làm áp lực để cô lên truyền hình nhà nước rút lại lời nói của mình, rằng cô là một kẻ bệnh hoạn và là một gái điếm, và rằng 15 kẻ đã bắt cóc, đánh đập và hãm hiếp cô không phải thuộc phe Gahdafi mà là phe nổi dậy:
"Tôi bị cô lập trong 1 phòng giam. Trong khoảng thời gian bị bắt giam, họ luôn yêu cầu tôi lên truyền hình nhà nước nhận rằng những kẻ bắt cóc và hãm hiếp tôi không phải từ lực lượng binh sĩ Gahdafi mà từ lực lượng nổi dậy và là du đãng. Đó là điều duy nhất mà tôi từ chối."
Và cũng từ đây, người ta biết rằng trong những ngày bị bắt sau khi xông vào khách sạn Rixos, cô bị chuyển đến rất nhiều ban ngành của chính phủ từ cơ quan tình báo, sở an ninh ngoại vụ, sở an ninh nội vụ, đến bộ điều tra tội phạm và rất nhiều nơi khác chỉ với một mục đích: họ muốn cô phải nói láo và lăng nhục chính cô để được an toàn.
Nhưng cô đã không làm như vậy và chính vì thế, phát ngôn nhân của chính quyền Gahdafi đã khẳng định Eman bị tâm thần để trấn an dư luận.
Và những lời nói này cũng chính là những nhát dao như đâm thêm vào vết thương đang rỉ máu của Eman.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Eman nói rằng tất cả những gì chính quyền Gahdafi nói về cô đều là bịa đặt và khi người dân xuống đường biểu tình, Gahdafi cho rằng họ dùng ma túy và bị al-Quaeda sai khiến. Còn khi cô nói rằng cô bị hãm hiếp họ sẵn sàng lăng nhục cô và cho rằng cô bị điên:
“Tôi muốn nói rằng phát ngôn nhân Gahdafi không đại diện cho dân tộc Libya. Mọi người có thể thấy rằng khi người dân xuống đường biểu tình thì Gahdafi cho rằng họ dùng ma túy gây ảo giác.
Khi người dân đòi hỏi tự do và phẩm giá thì chính quyền cho rằng người ta bị say xỉn. Và khi tôi đòi quyền lợi cho tôi thì họ nói tôi bị tâm thần. Tôi không biết phải đối xử với chế độ này như thế nào nữa”.
Khi người dân đòi hỏi tự do và phẩm giá thì chính quyền cho rằng người ta bị say xỉn. Và khi tôi đòi quyền lợi cho tôi thì họ nói tôi bị tâm thần. Tôi không biết phải đối xử với chế độ này như thế nào nữa.
Cô Eman al-Obeidy
Tuần trước, trong vài phút hiếm hoi nói chuyện với mẹ mình ở Toburk, Eman đã khóc rất nhiều và nói rằng cô chỉ muốn thoát khỏi Tripoli, bởi tại đây hằng đêm cô gặp quá nhiều ác mộng.
Thế nhưng cho đến giờ phút này, đó vẫn chỉ là mong muốn của Eman. Hiện tại Eman không bị giam giữ nhưng bị giam lỏng tại một nơi ở Tripoli và nhất cử nhất động của cô đều bị theo dõi và mọi di chuyển của cô đều bị ngăn cấm và đe dọa.
Và cơ hội tìm được công lý cho cô như thế nào vẫn đang là một câu hỏi lớn. Thậm chí người ta cũng không thể biết được liệu tương lai Eman có an toàn tại Libya.
Quý vị vừa đến với chương trình câu chuyện hằng tuần. Quỳnh Chi xin cám ơn và rất mong tin quý vị qua email quynhchi@rfa.org hoặc Facebook và Twitter. Hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.