Đánh giá tác động môi trường của các đập nước

0:00 / 0:00

Qui trình đánh giá tác động môi trường của các công trình nhân tạo cũng đã được đề cập khá lâu ở Việt Nam. Nhân sự cố đập thủy điện Ya Krel 2 bị vỡ, Kính Hòa tìm hiểu thêm việc xây dựng các đập thủy điện và những trở ngại trong việc lượng định thiệt hại của chúng trong hiện tình Việt nam.

Hậu quả sâu xa của những đập nước

Đập Ya Krel 2 bị vỡ cách đây hai ngày, đập Dak Mei 3 bị vỡ cách đây vài tháng, đập Sông Tranh 2 gây hỏang lọan cho dân chúng hồi năm ngóai. Nhiều người đã lên tiếng về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát việc thi công các công trình dân dụng. Những công trình này còn bao gồm cả đường sá, kè sông mà một dạo báo chí đã lên tiếng về việc sử dụng bê tông cốt tre để có thể thu lợi từ chi phí xây dựng, việc mà ngôn ngữ báo chí Việt Nam gọi là rút ruột công trình.

Tất cả những vấn đề trên xuất phát từ việc không có sự kiểm tra độc lập đúng nghĩa trong sự vận hành của hệ thống.

Song những sự cố vừa kể trên là những điều có thể thấy trước mắt, có những vấn đề chỉ xuất hiện một thời gian sau khi các công trình được xây dựng xong. Đặc biệt, những công trình dân dụng có thể gây nên hậu quả sâu xa chính là những đập nước.

Đập Aswan khổng lồ đã gây bồi lắng ở vùng hạ lưu sông Nil vì nuớc đã bị chặn hết ở thượng nguồn. Sóng biển nhân cơ hội dòng chảy ở vùng hạ lưu bị giảm đã tràn vào tàn phá. Cả một ngành thủ công nghiệp làm gạch ngói của châu thổ bị phá sản vì tàu bè không thể vận chuyển nguyên vật liệu được nữa

Năm 1960 nước Ai Cập của Tổng thống Nasser quyết định xây đập Aswan khổng lồ trên thượng nguồn con sống Nil huyền thọai. Lý tưởng của tổng thống Nasser về một Ai Cập phú cường, độc lập với nguồn năng lượng của chính mình đã gặp ý tưởng cổ võ cho phong trào cách mạng ở thế giới thứ ba của các nhà lãnh đạo Soviet. Giữa không khí đối đầu của cuộc chiến tranh lạnh, năm 1960, Liên Xô đã cung cấp tài chánh dồi dào, máy móc thiết bị cho người đồng minh thế giới thứ ba khởi công con đập mà 10 năm sau, khi đóng máy vận hành các tua bin, tổng bí thư Liên Xô lúc đó đã ca ngợi đó là kỳ quan thứ tám.

Thật khó tin, khi chủ đầu tư lại cho rằng đập thủy điện Đăk Mek 3 ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum bị vỡ là do xe ben đụng vào.Photo Thanh Nien
Thật khó tin, khi chủ đầu tư lại cho rằng đập thủy điện Đăk Mek 3 ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum bị vỡ là do xe ben đụng vào.Photo Thanh Nien (Photo Thanh Nien)

Sau đó kỳ quan thứ tám đã gây bồi lắng ở vùng hạ lưu sông Nil vì nuớc đã bị chặn hết ở thượng nguồn. Sóng biển nhân cơ hội dòng chảy ở vùng hạ lưu bị giảm đã tràn vào tàn phá. Cả một ngành thủ công nghiệp làm gạch ngói của châu thổ bị phá sản vì tàu bè không thể vận chuyển nguyên vật liệu được nữa. Chính phủ Ai Cập sau đó đã phải tốn hàng triệu đô la mỹ để xây đập chắn sóng bảo vệ vùng châu thổ.

Năm 1994 nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định khởi công đập thủy điện lớn nhất thế giới Tam Hiệp mặc cho nhiều can gián của giới chuyên gia trước đó. Con đập đã hòan thành sau hơn 10 năm, và trong buổi lễ khánh thành đã không có một quan chức cấp cao nào tham dự như buổi khởi công dưới thời ông Đặng Tiểu Bình. Vài năm sau chính phủ Trung quốc đã thừa nhận những sai lầm khi xây dựng con đập này. Ngòai những vấn đề như gây bồi lắng, ảnh hưởng đến giao thông vùng hạ lưu, gây ngập úng vùng xung quanh hồ chứa nước, con đập còn bị nghi ngờ là đã góp phần gây nên trận động đất kinh hòang ở Tứ Xuyên vào năm 2008. Và cho đến bây giờ nạn trượt đất vẫn đang là tai họa rình rập các cư dân sống quanh hồ.

Trung quốc đã thừa nhận những sai lầm khi xây dựng con đập này. Ngòai những vấn đề như gây bồi lắng, ảnh hưởng đến giao thông vùng hạ lưu, gây ngập úng vùng xung quanh hồ chứa nước, con đập còn bị nghi ngờ là đã góp phần gây nên trận động đất kinh hòang ở Tứ Xuyên vào năm 2008

Một điều giống nhau ở hai đại công trình trên là số lượng dân cư khổng lồ bị xáo trộn, 100,000 người ở Ai Cập và hơn 1 triệu người tại Trung quốc. Và điều đáng nói hơn là sự hy sinh của họ cho cái chung không được đền bù bằng một cuộc sống tốt hơn.

Sau trận bão lớn hồi đầu tuần, mỗi giây có tới 70.000 mét khối nước sông Dương Tử đổ dồn về đập Tam Hiệp
Sau trận bão lớn hồi đầu tuần, mỗi giây có tới 70.000 mét khối nước sông Dương Tử đổ dồn về đập Tam Hiệp (Source sina.com)

Bộ luật môi trường đầu tiên năm 1969

Để tránh những tác hại đó của tất cả các công trình nhân tạo, vào năm 1969, Hoa Kỳ đã lần đầu tiên đưa vào bộ luật môi trường (đầu tiên của thế giới) của mình một qui trình gọi là đánh giá tác động môi trường nhằm lường trước những tác hại về môi sinh trong đó quan trọng nhất là những ảnh hưởng tới con người tại chổ. Việc lượng định này đôi khi sẽ đi đến quyết định không thực hiện dự án nếu nó tác động quá lớn đến cộng đồng dân cư. Điều quan trọng nhất trong qui trình đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia phát triển, là sự tham gia của tất cả các bên có liên quan đến dự án, trong đó có đại diện cộng đồng địa phương.

Năm 1972 lại đánh dấu một bước ngoặt mới khi các tổ chức dân sự cùng các chính phủ đã gặp nhau tại thủ đô Thụy Điển để bắt đầu đưa vấn đề môi trường vào những chương trình và quyết định chính trị. Sự tham gia của các tổ chức dân sự vào đánh giá tác động môi trường bắt đầu mạnh lên từ đấy, và điều đó đã tạo một thế cân bằng các lợi ích, tạo nên sức mạnh có thể bắt buộc các nhà tài phiệt hay các chính phủ dừng lại những dự án có nhiều ảnh hưởng tới đời sống dân chúng.

Để tránh những tác hại đó của tất cả các công trình nhân tạo, vào năm 1969, Hoa Kỳ đã lần đầu tiên đưa vào bộ luật môi trường (đầu tiên của thế giới) của mình một qui trình gọi là đánh giá tác động môi trường nhằm lường trước những tác hại về môi sinh

Trong tiến trình hội nhập với thế giới, những năm gần đây ở Việt nam đã xuất hiện qui trình đánh giá tác động môi trường, trên giấy tờ không có gì khác so với các quốc gia phát triển. Tuy vậy việc thực hiện nó không dễ dàng, nhất là tính độc lập của tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường, và sự tham gia của dân sở tại.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn ở Đại học Cần Thơ, trong lần trả lời phỏng vấn Gia Minh của đài RFA về báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai, ông nhận xét,

"chúng tôi còn nghi ngờ những tính toán thủy văn, dòng chảy từ vận hành của Nhà máy thủy điện lên vùng hạ lưu. Về mặt này, chúng tôi chưa có khẳng định rằng sẽ thay đổi ở mức độ nào; nhưng nó phụ thuộc vào sự vận hành của nhà máy. Trong báo cáo mà chúng tôi đọc, thì phần báo cáo thủy văn, thủy lực không thuyết phục chúng tôi lắm. Ngòai ra còn có vấn đề ảnh hưởng xã hội lên những cư dân là người dân tộc thiểu số, họ sẽ mất nơi cư trú của họ.

Việc vận hành hai dự án còn ảnh hưởng đến vùng hạ lưu: vùng Đồng Nai và Sài Gòn. Đó là nơi cư trú của hơn 20 triệu người sinh sống dưới hạ lưu.

Báo cáo mà ông Tuấn đề cập bên trên là báo cáo được công ty chủ đầu tư của dự án, thuê một số người cũng mang danh nhà khoa học đưa ra những nhận xét có lợi cho việc thực hiện dự án, bất kể là dự án đó ảnh hưởng tới hàng chục triệu người. Và cho đến giờ công chúng cũng không biết gì về những con đập lớn hơn đã được xây dựng, trên những vùng nguy hiểm của đá vôi và động đất như Hòa Bình và Sơn La, cùng hàng chục triệu dân dưới vùng hạ lưu.

Ông Gyatso Thupten, người đứng đầu đại diện cộng đồng Tây Tạng tại Pháp, trong lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi, nhận xét về các người lãnh đạo đương nhiệm tại Trung quốc, rằng họ sẳn sàng cấu kết nhau và với các nhà tài phiệt bất chấp luân lý để thu lợi. Và thể chế ấy của Trung quốc cũng là thể chế đang vận hành tại Việt Nam. Đó là một thể chế phủ nhận xã hội dân sự.

Chúng tôi đã hỏi chuyện một giảng viên đại học về môi trường tại TP HCM về sự tham gia của công chúng vào qui trình đánh giá tác động môi trường thì được chị cho biết,

“Người dân chỉ thấy chuyện trước mắt thôi”

Phải chăng đây cũng là suy nghĩ của nhiều người lãnh đạo Việt Nam từ bấy lâu nay thông qua câu nói cửa miệng của họ: ý thức của nhân dân còn kém!

Và đó có lẽ cũng là lý do được đưa ra để từ chối xã hội dân sự, một điều cần thiết để tránh những chuyện vỡ đập và có thể là vỡ những cái lớn hơn nữa.