Hội luật sư độc lập: ý tưởng thật hay nhưng khó lòng thực hiện!

Ngay sau khi thông tin luật sư Võ An Đôn bị xóa tên khỏi đoàn luật sư tỉnh Phú Yên, trên mạng xã hội có ý kiến kêu gọi thành lập Liên đoàn Luật sư Tự do Việt Nam.

Ý tưởng mới mẻ

Người được cho là khởi xướng ý tưởng thành lập Liên đoàn Luật sư Tự do là luật sư Lê Công Định. Ông là một luật sư bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã từng bị tuyên án tù 5 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông được thả vào tháng 2/2013.

Trên trang cá nhân, luật sư Định nêu rõ: "Xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi Đoàn Luật sư Phú Yên, dẫn đến việc thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của anh, một lần nữa chứng minh Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư tỉnh thành ở nước này chỉ là con rối trong vở kịch công lý vụng về do đảng cầm quyền đạo diễn.

Thưa luật sư Võ An Đôn, anh nên nghỉ ngơi một thời gian rồi chúng ta cân nhắc thành lập Liên đoàn Luật sư Tự do Việt Nam để đối trọng lại tổ chức nô tài bưng bô đảng cầm quyền kia. Đây là đề nghị nghiêm túc.”

Chỉ sau vài tiếng đồng hồ đăng trên Facebook, ý tưởng này đã nhận được hàng ngàn lượt “thích” và hàng trăm lượt chia sẻ với những bình luận phần đông tỏ ý đồng tình với ý kiến của luật sư Định.

Luật sư Võ An Đôn, người được luật sư Định ngỏ ý muốn cùng hợp tác lập nên hội luật sư độc lập này, nói với RFA rằng đây là một ý tưởng hay, mới mẻ và đáp ứng tình hình hiện tại ở Việt Nam:

Ở Việt Nam hiện nay chỉ có một Liên đoàn luật sư Việt Nam do Nhà nước dựng lên, không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của luật sư.

Tuy nhiên ý tưởng này rất khó khăn, bởi vì luật pháp không cho phép những luật sư không gia nhập Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Nhà nước thành lập thì không được hành nghề luật sư ở Việt Nam. Nếu có lập nên hội như anh Lê Công Định nói thì chẳng qua tham gia bảo vệ các vụ án dân sự, kinh tế, thương mại.

Tôi là luật sư nhưng bị cắt thẻ thì trở thành một công dân bình thường. Một công dân bình thường có quyền nhận ủy quyền của các đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, thương mại nhưng không được tham gia với tư cách luật sư bào chữa tại tòa với các bị can, bị cáo phạm tội hình sự.

<i>Ý tưởng này rất khó khăn, bởi vì luật pháp không cho phép những luật sư không gia nhập Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Nhà nước thành lập thì không được hành nghề luật sư ở Việt Nam. <br/>- Luật sư Võ An Đôn</i>

Nhà báo Võ Văn Tạo hiện đang sống ở Nha Trang, người cũng từng có hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực tư pháp, cũng hưởng ứng sáng kiến lập hội luật sư tự do. Tuy nhiên, ông cho rằng liên đoàn độc lập này chỉ có thể có tác dụng ở một mức độ nào đó mà thôi:

Theo quy định của luật pháp Việt Nam thì tổ chức đó chắc chắn sẽ không được phép hành nghề tranh tụng tại tòa. Đây là một hạn chế. Cho nên, cũng chỉ là lập nên một tổ chức để đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và thậm chí có thể tư vấn giúp cho những người dân nghèo khó mà bị tước đoạt đất đai, nạn nhân bị chèn ép hay bạo hành,…để họ có thể tiếp cận pháp lý một cách tốt hơn.

Tôi tin rằng nếu đội ngũ này thực sự được thành lập, họ sẽ lấy thù lao rất nhẹ nhàng. Thậm chí là có những trường hợp không lấy thù lao nếu thân chủ quá nghèo khó. Đó là một điều tốt.

Một nhà tranh đấu cho dân chủ khác cũng nhiệt tình ủng hộ ý tưởng này đó là Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Ông ủng hộ là vì theo ông luật sư cần là những người tiên phong trong việc thực thi những quyền hợp pháp của công dân, và điển hình trong trường hợp này là quyền lập hội:

Tôi nghĩ rằng nếu luật sư đứng ra lập những đoàn luật sư của mình là một điều rất đứng đắn. Nhất là những luật sư bị chính quyền hắt hủi và kể cả những luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có thể tham gia. Đó là quyền của họ!

Nói về mục đích hoạt động của hội luật sư độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra lời gợi ý:

Đầu tiên họ phải bảo vệ chính họ, rồi họ giúp nhau nâng cao nghiệp vụ của mình, rồi cùng làm ăn. Có thể chính quyền sẽ cản, nhưng họ có thể làm những vụ liên quan đến người nước ngoài,…Và phải làm cho chuyện người ta nghĩ đây là điều bất bình thường nhưng thực sự đây là chuyện rất bình thường bởi vì đây là quyền của họ.

Mặc dù có nhiều ý kiến tán thành việc lập nên Liên đoàn Luật sư Tự do, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều quan điểm cho rằng việc này không khả thi và không mang lại hiệu quả. Một trong những người có quan điểm như vậy là luật sư Hà Huy Sơn của Đoàn luật sư Hà Nội:

Tôi nghĩ là người ta cho rằng Liên đoàn luật sư Việt Nam không độc lập nên người ta muốn lập hội đó. Người ta đặt ra ý tưởng như vậy thôi, chứ theo tôi nó không thực tế và hội đó cũng chẳng giải quyết được việc gì cả.

Quyết định xóa tên LS Võ An Đôn khỏi đoàn ls Phú Yên.
Quyết định xóa tên LS Võ An Đôn khỏi đoàn ls Phú Yên. (Courtesy of Facebook An Don Vo.)

Muôn vàn thách thức

Ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều tổ chức mang tính độc lập, tức là không nằm dưới sự quản lý của Nhà nước. Điển hình như Hội Nhà báo Tự do, Diễn đàn Xã hội dân sự, Văn đoàn độc lập,…Tuy nhiên, hầu hết những tổ chức này đều bị nhà cầm quyền chèn ép. Một ví dụ khá giống với trường hợp của luật sư Võ An Đôn, đó là vụ việc Hội Nhà văn Việt Nam từng gạch tên một số thành viên tham gia Văn đoàn độc lập. Lý do Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra là những người này tham gia một tổ chức không được thừa nhận và có dấu hiệu phạm pháp. Chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam gọi Văn đoàn độc lập là những người “khước từ sự lãnh đạo của Đảng Công sản”.

Hội Nhà báo Độc lập cũng là một trong những ví dụ điển hình của sự đàn áp từ phía chính quyền. Ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch của hội này đã từng tiết lộ rằng bản thân liên tục phải chịu đàn áp từ chính quyền và công an, liên tục bị đe dọa tống giam. Một số hội viên cũng thường xuyên bị công an triệu tập, sách nhiễu và khủng bố tinh thần. Những cuộc họp và sinh hoạt định kỳ của hội thường xuyên bị ngăn chặn, quấy nhiễu.

Chính bởi những lý do này nên nhiều người lo ngại rằng nếu hội luật sư độc lập được thành lập, họ sẽ phải chịu sự đàn áp từ chính quyền như những tổ chức khác. Nhà báo Võ Văn Tạo e ngại:

Tất cả các tổ chức [độc lập] đó đều ra đời một cách rất khó và liên tục bị phía an ninh và Nhà nước đánh phá đủ các kiểu. Tôi cho rằng tổ chức của các luật sư độc lập cũng thế. Chắc chắn không tránh khỏi quy luật đó. Để duy trì nó hoạt động là cả một vấn đề. Ngoài kinh phí tài chính, cái khó khăn nhất vẫn là chuyện Nhà nước đàn áp.

Theo khuôn mẫu của tất cả các nhà nước Cộng sản từ thời Liên Xô đến giờ, mọi tổ chức đều phải do Đảng Cộng sản nghĩ ra và sắp đặt, và đều phải tuân theo sự chỉ đạo, sai khiến của Đảng. Mọi công dân không được phép thành lập cái gì ngoài tầm với của Đảng.

<i>Tôi nghĩ rằng nếu luật sư đứng ra lập những đoàn luật sư của mình là một điều rất đứng đắn. Nhất là những luật sư bị chính quyền hắt hủi.<br/>- TS Nguyễn Quang A <br/> </i>

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu ra một thách thức khác:

Tòa án, dưới sự điều khiển hoàn toàn của Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc chắc chắn sẽ không chấp nhận cho các luật sư thuộc đoàn luật sư độc lập để bào chữa hay bảo vệ thân chủ của mình. Chỉ có họ với người dân đấu tranh một cách quyết liệt thì mới có thể giành lại quyền bào chữa của mình.

Ngày 26/11 vừa qua, Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã quyết định kỷ luật luật sư Võ An Đôn bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của tỉnh này. Lý do được đưa ra là do ông Đôn có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, bịa đặt và nói xấu cơ quan tố tụng, Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nhiều luật sư khác ở Việt Nam thậm chí bị bỏ tù vì những điều tương tự, chẳng hạn như luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân,…

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng luật sư Võ An Đôn có thể khiếu nại quyết định của Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như Bộ Tư pháp nên can thiệp một cách đúng mức vào quyết định này, như một “thành tích” để vớt vát lại hình ảnh nhân quyền mà ông nói là vốn đã nhem nhuốc trước buổi đối thoại nhân quyền với EU sắp tới.

Chúng tôi lướt qua các trang mạng xã hội và ghi nhận một số ý kiến không ủng hộ việc thành lập hội luật sư độc lập. Tài khoản Bảo Bình nhận định như sau: Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Kể cả bạn bè cũng có trật tự chơi với nhau. Cũng đừng tưởng loài vật là bát nháo, mà chúng cũng có trật tự cả đấy! Ngay cả cơ thể của các anh, tay, chân, mặt, mũi, thế nào nó cũng có trật tự cả đó. Các anh đang sống ở bất kỳ quốc gia nào, khi tham gia vào tổ, hội nào, đều có quy tắc ứng xử, luật - lệ - trên - dưới cả. Luật sư Lê Công Định và Võ An Đôn, thật sự không hiểu là các anh có biết được những điều cơ bản trên không?