Bia bọt Đông Âu

Phải công nhận người dân Đông Âu uống bia nhiều hơn dân những quốc gia khác, nếu có thua thì chắc cũng chỉ thua mỗi mình dân Đức chứ không chịu thua ai khác.

Bia không tính bằng chai

Bạn thử hình dung một buổi chiều mùa hè nắng đẹp ở Đông Âu, các hàng quán đông nượp người, mỗi người trên tay đều có ly bia, vừa uống vừa nhìn phố xá, xem người qua lại. Dùng chữ ly đây chừng như không đúng, phải nói là vại bia mới phải vì cái ly các ông cầm trên tay là ly chứa đúng 1 lít bia.

Các bà các cô cũng đâu chịu kém, không cầm cái ly to đùng trông kệch cỡm như các ông nhưng trước mặt mỗi người là một cái thớt gỗ trên để 3 ly bia cỡ nhỏ (nói là nhỏ vì so với ly 1 lít nhưng cũng khá to). Chiếc thớt gỗ này chiều dài đúng nửa thước, và những ly bia nằm ngay ngắn trước mặt những người đẹp chân dài Việt Nam ở Đông Âu được gọi là “nửa thước bia”. Cô nào bợm hơn có thể gọi ngay một thước, và nhà hàng đưa ra đúng 6 ly bia để trên miếng gỗ dài gấp đôi.

“Uống bia phải uống như thế này chứ anh”, một anh bạn ngồi cùng bàn vừa cầm lít bia cụng ly với tôi vừa bảo. “Uống bia mà uống cứ từng chai con con như ở bên Mỹ chán lắm”, anh nói tiếp. “Bên này ít nhất mỗi đêm ra quán là phải vài lít hay vài thước, chứ đâu có ai chịu uống chỉ có một vài chai”.

Ngay từ ngày đầu tiên khi mới đến Đông Âu, tôi đã nghe đến chữ “vại” bia qua lời mời của một nhà báo. “Ông muốn xem bóng đá thì thú nhất là vào quán, mỗi đứa làm một vại bia, hò hét khí thế lắm”. Anh bạn này nhất định không vào sân xem các hội tuyển lẫy lừng thế giới so giày, chỉ vì “ở trong sân nó chỉ bán những ly bia bé con, xếp hàng mua bia mất hết thì giờ vô ích”. Thành ra cách hay nhất vẫn là vào quán, miệng hò hét, chân đá phụ cho cầu thủ dẫn banh trên màn hình, và tay cầm “vai” bia to đùng, uống hết “vại” này đến “vại” khác.

Uống bia mà tính theo “vại” thì kinh thật, nhưng “đã uống thì phải uống như thế mới thích”, là điều các bạn trẻ ở đây chia sẻ với tôi. Một trong những người rủ tôi đi uống bia là anh Hiệp, năm nay mới hơn 30 tuổi. “Em với anh mỗi người phải làm cạn 3 lít rồi mới về”. Tôi kỳ kèo “chừng nửa lít có được không”, anh bạn cười hô hố trả lời “uống nửa lít thì uống làm gì anh, chưa đã khát mà đã về thì chán chết”. Tửu lượng của anh bạn này “cũng thường thôi, hôm nào người không được khỏe em cũng uống được chừng ba lít”.

Nghe tôi bảo như thế đã là nhiều lắm rồi, tôi không thể nào uống nổi như thế đâu, anh Hiệp trả lời rất gọn: “nhiều gì mà nhiều anh, mấy đứa em mỗi đứa năm sáu lít là thường”.

Bia vàng và bia đen

Cũng giống như các quốc gia khác, Ba Lan có rất nhiều loại bia, bia nào cũng ngon, cũng có người chuộng -tựa như ở Mỹ cũng có cả trăm loại bia, người ưa con Bud, người thích thằng Miller. Nhưng ở đây đã đi ra quán uống bia thì phải uống “bia tươi, tức loại bia nhà hàng cất, nấu ngay tại chỗ. “Mỗi nhà hàng có một loại bia riêng, vị bia khác nhau, anh có ở đây cả năm vẫn uống không hết”, một người trong nhóm bảo với tôi khi cả đám ngồi trên xe đi đến quán.

“Đã tươi thì cái gì cũng ngon, chứ chẳng phải chỉ có bia”, một người bạn mới quen tên Đức vừa nâng vại bia 1 lít mời mọi người vừa giải thích với tôi. “Bên nay đại để 2 loại bia thông dụng nhất là bia vàng và bia đen”, anh trình bày tiếp cho người bạn “ngố” về bia ngồi giữa bàn là tôi hiểu. Thế bia vàng và bia đen khác nhau thế nào? “Khác nhiều lắm, về vị lẫn về cách nấu” Nhưng quan trọng nhất vẫn là nước. “Bia ở đây, công thức y hệt như thế mà đem sang chỗ khác nấu là vứt đi ngay. Hỏng vì nước dùng nấu bia chỉ chẳng phải vì cái gì cả”.

Tôi cầm 2 “vại” bia trước mặt -một đen, một vàng- hớp ngụm đầu tiên. Khác thật bạn ạ.

Bia vàng có vị nhạt hơn bia đen, nhưng nếu bảo “ngọt” thì cả 2 loại đều ngọt và điểm đặc biệt nhất là rất dịu, người ít uống không phải lo chuyện tối về nhức đầu như uống bia Mỹ. Bia đen uống hơi đắng một tí, “nhưng đậm đà hơn, nhất là cái hậu của nó thì không chê chỗ nào được cả”, một cô bạn trẻ đi chung với chúng tôi bàn thêm. Cô bạn cũng là dân sành uống bia nhất định không cho tôi nêu tên trên báo, còn bảo “bia đen có cái hay của bia đen, bia vàng có cái hay của bia vàng, loại nào uống cũng nhất cả, bên Mỹ chắc không có, còn Việt Nam thì đừng mong”.

Cô bạn vừa nói đến đấy, người bồi bàn đưa ra một ly bia cỡ vừa vừa kèm theo cái ống hút cho cô bạn thứ nhì ngồi cùng bàn với chúng tôi. “Bên này uống bia với ống hút à”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Cái con này nó không thích uống bia anh ạ”, cô trả lời thay cho người bạn, “hôm nay quý anh nói mới uống tí bia đấy”. Nhưng sao lại có ống hút? “Loại bia này pha chung với nước hoa quả, uống cũng hay lắm, thường chỉ dành cho phụ nữ thôi”.

Vừa ngồi uống bia vừa nghe các bạn bình luận về bia, tôi chợt nhớ tới những chuyện liên quan giữa bia và thể thao. Hôm mới sang đây đã nghe bạn bè địa phương kháo nhau là có thể Ba Lan sẽ thiếu bia vì “dân chúng và du khách sẽ uống rất nhiều”. Chuyện thứ nhì là dân chúng Ba Lan và Ukraine than thở ông UEFA nhận tiền bảo trợ của công ty bia Carlsberg nên công ty này độc quyền bán bia ở các sân vận động và FanZone, trong khi “loại bia này uống chẳng ra ngô ra khoai gì cả”, thua xa bia của 2 nước đồng chủ nhà.

Chuyện thứ ba xảy ra cách đây đã 6 năm ở World Cup Đức 2006. Lần đó công ty Budweiser của Mỹ là công ty bia bảo trợ cho Giải, bảng quảng cáo “King of Beers” treo khắp mọi ngã đường phố của Đức, quốc gia nổi tiếng với những loại bia “xịn” nhất thế giới. Cứ mỗi lần nhìn thấy anh em nhà báo từ Mỹ sang, mấy ông đồng nghiệp Đức lại nhìn nhau cười, bảo với nhau nhưng để trêu chúng tôi: “thế này mà cũng gọi là vua bia à”.

Mấy ông Đức nói không sai, bia Mỹ chắc không thể sánh được với bia Đức đâu, nhưng không có gì đảm bảo bia Đức hơn bia Đông Âu, hơn được 2 “vại” bia mà tôi đang có trước mặt, nhất định phải uống cho hết tối hôm nay.

Theo dòng thời sự: