Khủng hoảng nợ công Châu Âu

Một trong những vấn đề tài chính toàn cầu mà cả thế giới đang theo dõi sát sao là cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu.

0:00 / 0:00

Lý do nào dẫn đến cuộc khủng hoảng này, tác động của nó ra sao đến các nước thành viên trong khối EU và toàn thế giới. Để có một bức tranh tổng quát về sự kiện tài chính nổi bật này trong năm qua.

Bức tranh chung

Năm 2011 được xem là một năm khó khăn của cả nền kinh tế toàn cầu, khi những đầu tàu kinh tế chính của thế giới đều đang vấp phải những trở lực lớn. Nếu tại Nhật Bản là trận động đất và sóng thần kinh hoàng, Hoa Kỳ lâm vào cuộc khủng hoảng việc làm trầm trọng thì tại Châu Âu, những khoản nợ công khổng lồ đang có nguy cơ khiến khối Euro chung tan rã.

Khủng hoảng nợ ở Châu Âu được hiểu là một số thành viên thuộc khối 17 nước đồng tiền chung Châu mắc nợ quá nhiều và không còn khả năng trả nợ, khiến các nhà đầu tư và ngân hàng cho vay tiền hoảng loạn. Từ đó, dẫn đến việc các ngân hàng cho vay có nguy cơ sụp đổ, còn các doanh nghiệp sẽ không vay được vốn kinh doanh và rồi thì cuộc suy thoái ở Châu Âu sẽ lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Trong một nền kinh tế đan xen ràng buộc lẫn nhau, sự sụp đổ có thể có của khối đồng tiền chung Châu Âu sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện khắp thế giới. Vì thế, nguy cơ ngăn chặn ngòi nổ từ các quốc gia đơn lẻ mắc nợ tại Châu Âu đang là ưu tiên hàng đầu mà các nhà lập chính sách tiền tệ phải lao tâm khổ tứ.

Quay lại với bối cảnh của cuộc khủng hoảng nợ, trong số 17 quốc gia thuộc khối đồng tiền chung Châu Âu (eurozone), 5 quốc gia Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland là những quốc gia có tỷ lệ mắc nợ cao nhất. Trong đó, tiền vay của Hy Lạp lớn hơn gấp rưỡi (165%) tổng số tiền mà toàn bộ nền kinh tế Hy Lạp tự có, còn của Italy là hơn 120%, Ireland là gần 110%. Ngoài điểm chung có số tiền nợ rất lớn, các quốc gia này còn chịu sức ép của tỷ lệ thất nghiệp quá cao, như tại Tây Ban Nha lên đến hơn 20%, các khoản thu từ thuế không đủ bù đắp chi phí, năng suất của toàn bộ nền kinh tế thấp kém, nạn bong bóng bất động sản…thậm chí là cả những che đậy trong các con số báo cáo tài chính. Đến khi mọi tác nhân này cộng dồn lại cùng một lúc, thì các quốc gia không còn đủ sức để chống đỡ nổi.

Nhìn vào bức tranh chung của cuộc khủng hoảng nợ, chắc hẳn người ta sẽ đổ lỗi lên đầu những "kẻ tội đồ" bắt nguồn là Hy Lạp, Italy hay Tây Ban Nha vì họ là những quốc gia "thiếu trách nhiệm" đi vay quá nhiều, rồi chi tiêu không kiểm soát, do được hưởng lãi suất ưu đãi với tư cách là thành viên của khối eurozone.
Thế nhưng, nếu nhìn xâu xa, người ta lại trách chính bản thân khối đồng tiền chung Châu Âu, vì sao một đồng tiên đơn lẻ lại có thể làm đại diện chung cho cả 17 quốc gia có trình độ phát triển khác xa nhau, với các thể chế từ chính trị cho tới kinh tế, thậm chí cả các tập quán buôn bán thương mại cũng ở các mức độ rất chênh lệch.

Giới chuyên gia lập luận rằng, nếu gặp những trở ngại về lượng tiền giao dịch trong nền kinh tế, ngân hàng trung ương của một quốc gia cá nhân có thể đứng ra giải quyết bằng cách điều tiết lượng cung cầu tiền tệ, nhưng giờ đây khi 17 quốc gia khác biệt cùng gộp chung vào một đồng tiền, thì khả năng kiểm soát dòng tiền như vậy sẽ không còn là lựa chọn tối ưu nữa.

Đức thực sự rất bực mình với khối nợ mà Hy Lạp đã vướng phải; trong khi đó, Hy Lạp thì cứ tiếp tục vay tiền chi tiêu nhằm thoả mãn nhu cầu của người dân nước này.

GS-TS David Pickus

Hơn nữa, giới phân tích còn cho rằng, các nước trong khối eurozone có các chỉ số tín dụng cấp quốc gia khác nhau, thì Ngân hàng Châu Âu (ECB) không thể áp dụng cùng một mức lãi suất cho vay giống nhau đến cả 17 nước này. Vì khi những nước như Hy Lạp lại được hưởng lãi vay ngang bằng như Đức hay Pháp thì Hy Lạp có được tiền vay quá dễ dàng và họ chi dùng quá mức là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Vậy ngoài chính sách “cào bằng” một đồng tiền và chung một mức lãi suất vay ưu đãi như nhiều chuyên gia nhận định thì còn lý do nào khác dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu? Đặt câu hỏi này với GS-TS David Pickus, chuyên gia về lịch sử Châu Âu dạy tại trường Đại học bang Arizona, Hoa Kỳ đã từng có nhiều bài phân tích về khủng hoảng nợ Châu Âu và được báo chí Việt Nam dịch và đăng tải, chúng tôi được ông cho biết:

"Vấn đề ở đây là cách thức mà các quốc gia hợp tác và chia sẻ thông tin cho nhau trong cùng khối Liên minh Châu Âu. Điều mà tôi muốn nói ở đây, thí dụ một nước mạnh như Đức hợp tác với một nước yếu như Hy Lạp, thì họ cần phải phối hợp và thông tin cho nhau một cách thật hiệu quả. Liên minh Châu Âu, từ lâu đã có hiện tượng giống như cặp vợ chồng lâu ngày không nói chuyện với nhau.

Và Đức thực sự rất bực mình với khối nợ mà Hy Lạp đã vướng phải; trong khi đó, Hy Lạp thì cứ tiếp tục vay tiền chi tiêu nhằm thoả mãn nhu cầu của người dân nước này. Vấn đề trở nên nghiêm trọng là ở đó. Vấn đề cần phải được mang ra bàn bạc với nhau. Tôi nói một cách bóng gió là mọi chuyện đã không được làm rõ cho tới khi ngôi nhà chung của 2 người bốc cháy. Và giờ khi mọi chuyện vỡ lở, thì việc nhân nhượng của người vợ hay người chồng sẽ trở nên rất phức tạp và khó khăn."

Giải pháp

Ông David Pickus còn cho biết thêm rằng, mặc dù nhiều chuyên gia phản đối chuyện hợp tác giữa những nước có trình độ phát triển quá chênh lệch trong khối EU, nhưng ông thì ủng hộ vấn đề này, theo ông ở đây tất cả các nước đều có lợi nếu như họ không che dấu thông tin và phải minh bạch hoá các con số nợ nần.

000_DV1093932-250.jpg
Ông Juergen Stark, thành viên HĐQT Ngân hàng Trung ương châu Âu trong một hội nghị bàn tròn kinh tế tại Athens hôm23/12/2011. AFP (Ông Juergen Stark, thành viên HĐQT Ngân hàng Trung ương châu Âu trong một hội nghị bàn tròn kinh tế tại Athens hôm23/12/2011. AFP)

Cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu vẫn đang tiếp tục dò đáy và viễn cảnh xem ra khá mịt mờ. Câu hỏi mà những người quan tâm đặt ra là liệu biện pháp nào cho cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu? Phải xin thưa ngay rằng, vì đây là một cuộc khủng hoảng nợ mang tầm vĩ mô và phức tạp, chồng chéo và đan xen, vì thế không thể có một biện pháp đơn lẻ để chống đối. Tuy thế, hai biện pháp cơ bản nhất vẫn đang được áp dụng là chính sách “thắt lưng buộc bụng” của tất cả những nước đang mắc nợ và việc ngân hàng trung ương Châu Âu không ngừng mua trái phiếu của những quốc gia này, để họ có tiền tái thiết lại nền kinh tế.

Gọi là 2 biện pháp nhưng thực chất là một, vì để được Ngân hàng Trung ương Châu Âu mua trái phiếu nợ thì các quốc gia phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng.”

Các biện pháp khắc khổ này đang được áp dụng triệt để tại các quốc gia như Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ireland. Và hệ luỵ kéo theo là tốc độ tăng trưởng giảm sút, kéo theo cả khu vực rơi vào trì trệ. Theo cơ quan thống kê châu Âu, tăng trưởng GDP của eurozone chỉ đạt 0,2% trong quý 2, kém xa con số 0,8% quý 1. Thậm chí, tăng trưởng quí cuối cùng của cả khối eurozone chỉ còn là 0,1%. Giám đốc chương trình Châu Âu của Quỹ tiền tệ quốc tế, thậm chí còn cảnh báo nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế trong năm 2012 của các nước thành viên eurozone.

Đứng trước nguy cơ tan vỡ, ngân hàng Trung ương Châu Âu đã phải đứng ra làm cứu cánh cuối cùng, mua vào những khoản trái phiếu của những nước thành viên mắc nợ. Đến giữa năm 2011, Ngân hàng này đã phải bỏ ra hơn 610 tỷ đô la và mới đây nhất, vào những ngày cuối năm, ngân hàng này lại bỏ ra thêm 660 tỷ đô nữa cho các chương trình cứu trợ, không chỉ để cứu giúp các chính phủ mà còn để cứu giúp hệ thống ngân hàng của những nước thành viên.

Mới đây nhất, hôm 22/12, thủ tướng Italy, Mario Monti mới được quốc hội nước này đồng ý áp dụng biện pháp khắc khổ cho nền kinh tế trong một bối cảnh được xem là “cực kỳ khẩn cấp” nhưng Italy vẫn “ngẩng cao đầu.” Theo dự kiến, quốc gia lớn thứ 3 này của Châu Âu có thể sẽ tiết kiệm được đến 60 tỷ euro vào năm 2013.

Cả các quốc gia nòng cốt cũng như các quốc gia đang mắc nợ cần phải hiểu cuộc khủng hoảng đã xảy ra như thế nào và chúng ta chắc chắn sẽ có được giải pháp.

GS-TS David Pickus

Khi hỏi TS David Pickus về tương lai của khối EU, ông tỏ ra khá lạc quan dù rằng cho biết, trước mắt còn rất nhiều thách thức, các biện pháp giải quyết phải được thực hiện từng bước:

"Điều mà tôi muốn nhắn gửi ở đây là chúng ta không hoàn toàn tuyệt vọng, hay là chúng ta không còn biện pháp gì để giải quyết nữa cả. Cả các quốc gia nòng cốt cũng như các quốc gia đang mắc nợ cần phải hiểu cuộc khủng hoảng đã xảy ra như thế nào và chúng ta chắc chắn sẽ có được giải pháp. Lời khuyên của tôi là các quốc gia này phải tỉnh táo và nhận thức được những thách thức đang có. Nếu so sánh với 30 năm trước đây, về mặt kinh tế, chúng ta đã giàu có hơn nhiều. Tất nhiên, nạn đói nghèo vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng nhìn chung, so với 1 thế hệ trước, chúng ta đã sản xuất ra được nhiều của cải và giàu có hơn. Và tôi tin rằng, chúng ta đã tạo ra được nhiều sức mạnh cả về kinh tế lẫn xã hội và đó là điều mà chúng ta phải ghi nhận."

Cùng với gói cứu trợ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu thêm 660 tỷ đô la, cộng với sự hưởng ứng bằng các biện pháp cắt giảm chi tiêu của những nước mắc nợ, đây được xem như những dấu hiệu cho thấy quyết tâm của cộng đồng Châu Âu đang nỗ lực tự cứu mình ra khỏi bờ vực của sự tan vỡ. Đồng thời các biện pháp phối hợp giữa Ngân hàng trung ương Châu Âu và các nước nợ thành viên cũng là những chỉ dấu lạc quan báo hiệu một năm mới, có nhiều hi vọng tươi sáng hơn cho các nước eurozone.

Theo dòng thời sự: