Người dân Âu Châu nghĩ gì về giải Nobel Hòa Bình 2012?

Giải Nobel Hòa Bình năm 2012 đã được Ủy Ban Nobel tại Oslo chính thức trao cho Liên Minh Châu Âu. Từ Paris, thông tín viên Tường An ghi nhận cảm tưởng của một số cư dân Âu Châu chung quanh sự kiện này.

0:00 / 0:00

Thứ sáu ngày 12/10/2012, Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố trao giải Nobel Hòa Bình cho Liên Minh Châu Âu. Theo AFP, chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland giải thích về quyết định trao giải thưởng rằng:

“Trong hơn 6 thập kỷ qua, Liên minh này và những tổ chức tiền thân của nó đã đóng góp cho sự tiến triển của hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở Châu Âu. Đức và Pháp trải qua ba cuộc chiến. Ngày nay, chiến tranh giữa hai nước này lại là chuyện không tưởng.

Điều đó cho thấy, thông qua những nỗ lực đúng định hướng và việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, những đối phương trong lịch sử có thể trở thành đối tác thân cận "

Giải thưởng này được trao tặng đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng đồng Than và Thép của Châu Âu (ECSC), tiền thân của EU.

Năm thành viên trong Ủy Ban nhận định rằng mặc dầu Liên hiệp Châu Âu hiện đang trải qua giai đoạn "khó khăn kinh tế nghiêm trọng""tình hình bất ổn xã hội đáng kể" liên hiệp vẫn muốn tập trung ổn định hóa Châu Âu trong việc chuyển biến Châu Âu từ một lục địa của chiến tranh thành một lục địa của hòa bình.

Ông Martin Schulz, chủ tịch Nghị viện Châu Âu nói trên mạng Twitter rằng ông rất "xúc động và vinh dự". Còn chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso cho đó là "một vinh dự lớn cho toàn bộ Liên minh Châu Âu, cho 500 triệu công dân của mình."

Vui mừng, hãnh diện

Thủ tướng Đưc Angela Merkel tại EU Summit 2010- AFP photo
Thủ tướng Đưc Angela Merkel tại EU Summit 2010- AFP photo (AFP photo)

Từ Paris, Hòa thượng Thích Minh Tâm, chủ trì chùa Khánh Anh cũng chia sẻ sự vui mừng khi nghe tin Liên minh Châu Âu nhận được giải thưởng cao quý này:

"Tôi cũng có nghe tin buổi sáng hôm nay, rất là vui mừng, trước tiên là cho bên Liên hiệp Âu Châu, một Liên hiệp rất là sống động và hoạt động tích cực trong Cộng đồng của Âu Châu nói riêng cũng như là cộng đồng nhân loại nói chung, cũng có rất nhiều điều làm cho chúng ta rất là phấn khởi, đóng góp cho an sinh xã hội cũng như hòa bình thế giới, thì điều đó rất là vui mừng, đáng mừng, đó là cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi.

Riêng về người Việt tị nạn, những người sống tại đây không lâu thì cũng là một điều hết sức là sung sướng, hãnh diện. Chia sẻ vui mừng với tất cả giới chức Âu Châu lần đầu tiên mà được giải danh dự cho Hòa Bình thế giới, sự hoạt động của Âu Châu, là điều đáng mừng."

Theo Nghị viên thành phố Pontoise, ông Emmanuel SIUO, Phó chủ tịch Liên đoàn Dược sĩ vùng Val d’Oise, nguyên phó Thị trưởng thành phố Pontoise thì giải Nobel này còn là một khích lệ để Châu Âu đẩy mạnh hơn nữa mục tiêu hòa bình trong một thế giới vẫn còn nhiều chiến tranh:

"Tôi nghĩ rằng đây là giải thưởng cho người dân đã lật trang thời kỳ chiến tranh tương tàn giữa Pháp và Anh, giữa Anh và Đức, giữa Đức với Pháp, Nga và Bồ Đào Nha. Dân Châu Âu đã hòa giải và tình nguyện hòa hợp với nhau để chung sống hòa bình, dù chưa hoàn hảo nhưng thật sự đã không còn chiến tranh để tương trợ và phát triển.

Tôi nghĩ Ủy ban trao thưởng muốn khuyến khích Âu Châu mạnh tiến và làm gương cho các nơi đang còn chiến tranh tàn khốc tại Phi Châu, Nam Mỹ, Trung Đông và cả bên Đông Nam Á mà Việt Nam, Cao Miên là một ví dụ."

BS Mỹ Lâm

Khối EU hiện có 27 quốc gia thành viên, tuy nhiên, nước trao giải Nobel Hòa bình, Na Uy lại không phải là thành viên EU vì hai phần ba dân chúng phản đối gia nhập EU. Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa Bình nhấn mạnh đến nỗ lực của EU nhằm hòa giải Pháp và Đức nhiều thập niên sau Thế chiến II. Và ông ca ngợi EU đã sát nhập Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp sau khi các chính quyền ở nước này sụp đổ trong những năm 1970.

Bác sĩ Mỹ Lâm, sống tại Berlin hơn 30 năm nay, cho biết cảm tưởng của bà:

"Năm nay Hội đồng giải thưởng Nobel của Na Uy đã quyết định chính thức là Cộng đồng chung Châu Âu xứng đáng nhận giải Nobel Hòa Bình năm nay.

Theo tôi biết thì người ta đã ca ngợi và tuyên dương sự hòa bình ở Châu Âu từ 60 năm nay sau đệ nhị thế chiến, đặc biệt là sự phát triển hòa bình giữa Pháp và Đức sau chiến tranh, thứ hai là sự phát triển ở vùng nam Âu và cuối cùng cũng rất quan trọng là sự hội nhập của khối Đông Âu vào EU sau sự sụp đổ của bức tường ô nhục Bá Linh năm 1989.

Thủ tướng Đức, bà Merkel đã vui mừng tuyên bố đó là một sự khích lệ cao quý và cũng là một sự ràng buộc trách nhiệm cho Châu Âu và cho cá nhân bà.

Tổng thống Pháp François Hollande thì bảo giải thưởng Nobel này là cho người ta có trách nhiệm làm cho Châu Âu hòa hợp hơn, công bằng hơn và hòa bình hơn

Cá nhân tôi là một công dân trong EU cũng cảm thấy rất hãnh diện về một đất nước mà tôi đang sống, nơi mà giải thưởng Hòa Bình Nobel rất xứng đáng được trao tặng, tại vì nơi đây công lý, hòa bình và dân chủ, tự do rất được bảo vệ. Rất tiếc ở Việt Nam, đất nước chúng ta, với tình trạng nhân quyền như hiện tại thì không biết bao giờ mới có một giải thưởng Nobel cho Việt Nam."

Mỉa mai

Biểu tượng đồng Euro bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt - Đức ngày 29 tháng 4 2010. AFP PHOTO DDP / THOMAS LOHNES GERMANY OUT
Biểu tượng đồng Euro bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt - Đức ngày 29 tháng 4 2010. AFP PHOTO DDP / THOMAS LOHNES GERMANY OUT (Biểu tượng đồng Euro bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt - Đức ngày 29 tháng 4 2010. AFP PHOTO DDP / THOMAS LOHNES GERMANY OUT)

Tuy nhiên, không phải ai cũng vui mừng với tin này, Công hòa Séc thuộc khối Đông Âu, là nước thứ 16 trong Liên Minh Châu Âu, gia nhập năm 2004, Tổng thống của nước này, ông Vaclav Klaus lại có nhận xét khác hẳn với đa số các nguyên thủ quốc gia khác. Anh David Nguyễn, một nhà báo tại Cộng hòa Séc cho biết:

"Thú thật với chị là cảm giác của tôi là hơi lẫn lộn. Bởi vì ngoại trưởng Cộng hòa Séc là Ngài Karel Schwarzenberg nói rằng ‘rất là xứng đáng, nhưng thật ra ông ta muốn có một cá nhân nào nhận được nó thì hay hơn, nhưng mà Liên minh Châu Âu nhận được nó thì cũng rất là xứng đáng.

Trong khi đó, Tổng thống cộng hòa Séc, Ngài Vaclav Klaus thì bảo rằng đó là trò cười, ông ta nói ngay ngày hôm nay khi mà đài Na Uy đưa tin này, ông bảo giải thưởng ấy đưa cho Liên Minh Châu Âu là trò mỉa mai.

Tổng thống CH Séc thì bao giờ cũng cực lực lên án Liên minh Châu Âu, không bao giờ coi Liên Minh Châu Âu là một tổ chức phù hợp với thời đại hiện nay, ông ví von nó với Liên Xô cũ.

David Nguyễn

Tổng thống CH Séc là người luôn luôn phủ nhận sự tồn tại của Liên Minh Châu Âu bởi vì phủ tổng thống CH Sec là phủ tổng thống duy nhất không treo cờ Âu Châu bên cạnh cờ CH Séc mà chỉ được treo khiêm tốn ở một góc nào đấy thôi. Nói chung, ngoại trưởng CH Séc thì bảo đấy là điều đáng mừng, còn Tổng thống thì bảo đấy là trò cười.

Bây giờ cảm giác của cá nhân mình về Liên minh Châu Âu được giải thưởng Hòa Bình thì thật ra mà nói Liên Minh Châu Âu đã làm được gì cho nền hòa bình đâu? Giải thưởng đó trao cho Liên Minh Châu Âu, nó trừu tượng thế nào ấy! Chủ đề mình quan tâm nhiều nhất là tất cả những gì liên quan đến CH Séc, từ chính trường đến cuộc sống của người Việt Nam ở CH Séc. Đối với tôi nó là một cái thông tin quá đỗi là bình thường, với cá nhân tôi, nó không có một ý nghĩa nào cả."

Giải Nobel Hòa Bình, ngoài huy chương vàng, Liên minh Châu Âu sẽ nhận 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,2 triệu USD). Lễ trao giải sẽ được diễn ra tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10/12, kỷ niệm ngày mất của hóa học gia, kỹ nghệ gia Thụy Điển kiêm người sáng lập giải, Alfred Nobel.

Theo dòng thời sự: