Người ở quê lên phố, chân ướt chân ráo, thường mang tâm lý sợ những chỗ sang trọng, sợ những quán ăn sạch sẽ, thoáng mát vì nghĩ rằng vào những quán đó sẽ không đủ tiền để trả và họ tìm đến những quán tạm bợ, quán lụp xụp bên vỉa hè với niềm tin là ít tốn tiền hơn. Nhưng trên thực tế, các quán dã chiến, lụp xụp gần bến xe Miền Đông, Sài Gòn có thể là cái lò chém khách bất kỳ giờ nào, đó là chưa muốn nói đến nguy cơ đang rình rập họ, bị ma cô, móc túi, cướp giật và cuối cùng trắng tay về quê.
Chặt chém không thương tiếc
Ông Trân Văn Hà, người Mộ Đức, Quảng Ngãi, đưa con vào Sài Gòn để chuẩn bị nhập học ở trường đại học kinh tế Sài Gòn, ngậm ngùi kể với chúng tôi rằng ngày hôm đó, sau khi bị chặt chém ở quán, chưa kịp hồi tỉnh thì phát hiện mình không còn thứ gì trong túi, mười một triệu đồng mang theo để trang trải và nộp học phí cho con đã không cánh mà bay, ông thiếu điều muốn tự tử, cũng may nhờ vợ con an ủi nên đã nguôi ngoai đôi chút.
Đó là cái ngày kinh hoàng nhất của ông Hà, cha con ông ra khỏi bến xe Miền Đông, đi lang thang tìm một quán ăn nhỏ để gọi hai dĩa cơm, trong dĩa cơm có một đùi gà và mấy cọng dưa cải. Đùi gà bị hôi thiu nặng, ông không thể ăn được, ông lấy một ít nước mắm trong lọ trên bàn chan vào cơm để ăn qua bữa. Ăn xong, gọi tính tiền, chủ quán là một phụ nữ trạc bốn mươi lăm tuổi, gương mặt dữ tợn, mi mắt xăm đen đậm, đến đưa cho ông tờ giấy ghi số tiền, ông tá hỏa vì trên đó ghi 240 ngàn đồng. Hai dĩa cơm nuốt không vào nhưng lại phải trả giá đắt bằng hai luống cải ông chăm bón cả tháng trời.
Ông thắc mắc, hỏi có tính nhầm hay không thì bị một đám ma cô kéo đến gây sự, chúng giằng co với ông chừng vài phút, sau đó bỏ đi. Ông móc ví ra trả tiền thì phát hiện chiếc ví đã không còn đồng nào. Lúc này, ông muốn ngất xỉu. Chủ quán nhìn ông một lúc rồi lên giọng đạo đức rằng thấy ông tội nghiệp nên cho luôn dĩa cơm, khỏi cần trả tiền cũng được.
Ông bước ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đi lang thang như người mất hồn, một anh xe ôm đồng hương Quảng Ngãi thấy ông tội nghiệp, chở cha con ông về nhà nghỉ ngơi. Sau đó người đồng hương này cho ông mượn tiền trở về quê và hứa sẽ giúp con ông duy trì việc học trong giai đoạn đầu. Người đồng hương này nói thêm là anh ta đã nhìn thấy đám ma cô móc ví ông, lấy tiền rồi lại bỏ ví vào túi ông trong lúc gây sự, nhưng anh ta không dám nói, vì nếu nói ra, anh sẽ mất đường làm ăn và vợ con anh sẽ gặp nguy hiểm.
Tương tự trường hợp ông Hà, bà Nguyệt, người Tuy Phước, Bình Định, cũng đưa con vào Sài Gòn nhập học, đến bến xe Miền Đông, vì nghĩ rằng các quán nhỏ ven đường trong khu vực bến xe sẽ là nơi bán cho người lao động nghèo nên bà và con gái vào ăn cơm. Bà gọi bốn món ăn và hai phần cơm trắng, thức ăn không tài nào nuốt nổi vì ôi thiu. Đến khi tính tiền, chủ quán đưa cho bà tờ giấy ghi tổng số tiền là 390 ngàn đồng. Bà tá hỏa rút tiền ra trả gấp và bỏ đi. Cũng may cho bà Nguyệt không thắc mắc gì, nếu không, có khi đã rơi vào tình trạng giống như ông Hà.
Xe ôm, ma cô và công an khu vực đồng lõa với nhau
Một tài xế xe taxi hãng Mai Linh, tên Hoạt, thường đậu xe ở bến xe Miền Đông để đón khách, cảnh báo với chúng tôi rằng nạn chặt chém, cướp giật và chạy xe ôm đểu ở bến xe Miền Đông đã đến mức báo động đỏ, cần phải cẩn thận trước những ông tài xe ôm không có chân trong hợp tác xã vận tải Miền Đông, hay nói khác đi là không thuộc đội xe ôm bến xe Miền Đông, không mặc áo và đội mũ có gắn logo của bến xe Miền Đông.
Đã có nhiều người vào các quán cơm gần bến xe, bị chặt chém giá trên trời, sau đó bị móc túi hoặc bị xe ôm lừa chở đến các hẻm vắng rồi trấn lột. Thường thì những trường hợp này mất cả chì lẫn chài. Vì khi bị mất, nạn nhân tìm đến báo công an khu vực, đến đây, công an hứa sẽ điều tra, tìm cho ra đối tượng cướp giật, trấn lột và sẽ chấn chỉnh địa bàn. Công an khu vực cũng làm các thủ tục biên bản như thường lệ. Chỉ có một điều là mọi thủ tục này sẽ xếp vào tủ và bỏ cho mối xông, họ chẳng bao giờ ra tay điều tra hay chấn chỉnh gì cả.
Người tài xế taxi này cho biết thêm là công an khu vực đã toa rập với bọn ma cô, đầu gấu, bỏ lơ cho chúng mặc sức hoành hành, đến khi nào cần thi đua, khen thưởng gì đó thì bắt vài đứa chiếu lệ để lấy thành tích, đương nhiên việc bắt này chỉ dừng ở những đứa ma cô không có số má, thuộc hạng tép riu trong làng ma cô, có bị nhốt vài ngày rồi cũng được thả ra. Thường thì tất cả các quán ăn chặt chém khách và các ma cô đều có chung chi cho công an khu vực mỗi tháng, thế nên chúng lộng hành, không sợ ai cả vì đã được công an che chở, bảo kê.
Một tài xế taxi khác tên Hưng, thuộc hãng taxi Vinasun khuyên chúng tôi chớ bao giờ bước vào những quán cơm trong khu vực bến xe Miền Đông, vì phần lớn các quán cơm này bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chặt chém khách không thương tiếc và có thể gây sự, tranh thủ lúc cãi nhau để móc ví, lấy sạch tiền của khách. Sở dĩ có hiện tượng này vì công an khu vực ở đây đã cố tình làm ngơ cho nhóm bất lương này hoạt động để chia phần, hưởng tỉ lệ.
Những hàng quán này đã hoạt động khá lâu, những nhóm bất lương đầu trộm đuôi cướp cũng thế, nhưng chúng ít khi nào bị công an sờ gáy. Thường thì có một công an nào mới chuyển công tác đến khu vực này, các nhóm bất hảo tổ chức họp mặt, mời nhân viên công an này đến tham dự và nhét phong bì vào tay, gọi là lần chào gặp mặt đầu tiên. Những nhân viên từ chối quà của nhóm sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác, sẽ bị cấp trên, đồng nghiệp cô lập vì họ không xem là người cùng hội cùng thuyền. Chính vì thông lệ quái gở này mà hầu như 100% công an khu vực không sớm thì muộn cũng biến thành nhà bảo kê cho các nhóm bất hảo.
Đóng vai khách đi đường, chúng tôi ghé vào một quán cơm nằm hơi chéo phía đối diện cửa ra vào bến xe miền Đông, gọi ba dĩa cơm, đúng như lời đồn, thức ăn ôi thiu ngửi không chịu được. Vờ có điện thoại gọi đi gấp, yêu cầu tính tiền, chủ quán mang tờ giấy có ghi số tiền 360 ngàn đồng lên đưa chúng tôi. Mất 360 ngàn đồng để xác minh nguồn tin, xem như giá cũng không đắt lắm.
Bến xe Miền Đông là bến xe lớn nhất khu vực phía Nam, mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến và đi qua bến xe này. Phần đông những khách đi qua bến xe là dân lao động nghèo, sự lớ ngớ, thiếu tự tin và luôn sợ những hàng quán khang trang vì giá đắt của họ vô hình trung trở thành điểm yếu để các nhóm bất hảo bày trò lừa gạt. Một khi đã dính vào các nhóm ma cô này, chỉ có một nước chạy duy nhất: Về quê cày ruộng, chắt chiu từng đồng để bù vào khoản đã mất và nỗi đau mất của.