Theo đó, tổng lượng nuớc không đủ cung ứng cho toàn địa bàn thành phố mỗi ngày là vào khoảng 350,000 m3. Nhiều vùng hiện đã lâm vào tình trạng thiếu nuớc trầm trọng.
Để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề khan hiếm nước, Nhã Trân trao đổi với Thạc sĩ Hồ Long Phi tại Sài Gòn, một chuyên gia về vấn đề nước.
Nguồn nước sạch
Được hỏi về những yếu tố để có nguồn nước sạch cho cư dân một địa phương, Thạc sĩ Hồ Long Phi cho biết:
Th/s Hồ Long Phi: Vấn đề có được nước sạch để cung cấp liên quan tới 3 yếu tố. Thứ nhất là nguồn nước có hay không, đủ hay không. Thứ hai là hệ thống xử lý – cái công suất có đủ hay không. Thứ ba là hệ thống phân phối, đi kèm với mức độ phát triển đô thị hóa.
Đó là 3 yếu tố đồng bộ, chúng giống như là mắt xích của một cái chuỗi. Ngắt bất cứ một mắt xích nào thì hệ thống không thể vận hành được.
Cái phải nghĩ tới đầu tiên là cái nguồn nước. Làm sao cho nguồn nước không bị mặn. Rồi chất lượng của nó tương đối sạch, để nhẹ cái chi phí xử lý. Cái đó thì cho đến nay không thành vấn đề, và tôi nghĩ là trong trung hạn nó cũng sẽ không là vấn đề.
Nhã Trân: Thưa Thạc sĩ, hiện nay nguồn nước sạch cung cấp cho TP HCM được lấy từ những nguồn nào?
Th/s Hồ Long Phi: Hiện nay nguồn nước sạch phân theo 2 loại là nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm, trong đó 2 phần 3 nhu cầu là lấy từ nước mặt.
Nguồn chủ lực của nước mặt thì lấy từ sông Đồng Nai. Cái nguồn thứ hai của nước mặt thì lấy từ sông Sài Gòn. Và nguồn thứ ba lấy từ hệ thống canh nông Củ Chi, tức là từ hồ Dầu Tiếng.
Đó là nguồn nước mặt. Còn nguồn nước ngầm thì lấy từ những cái giếng rải rác trong toàn thành phố.
Nhã Trân: Nghĩa là những nguồn nước để khai thác nước sạch cho TP HCM không thiếu?
Th/s Hồ Long Phi: Hiện tại thì nước mặt không thiếu, nước ngầm thì đã có dấu hiệu sụt giảm. Nước ngầm hiện đang cung cấp được cho 1 phần 3 nhu cầu của thành phố này.
Nguyên nhân
Nhã Trân: Lý do nào lượng nước ngầm tại TP HCM bị giảm thưa ông?
Th/s Hồ Long Phi: Vâng. Cái lượng đó đang theo xu thế càng ngày càng giảm. Cái hệ thống nước mặt và cung ứng nước bằng các đường ống nước tập trung nó không cung ứng đủ.
Dân chúng họ sẽ tự phát triển, đóng giếng của họ mà thôi. Và khi khoan giếng quá cái cung lượng, tức là lượng lấy đi nhiều hơn lượng bổ cập, thì lượng nước ngầm bị sụt giảm xuống. Đồng thời có nhiều dấu hiệu cho thấy là nó dẫn đến việc mặt đất nó bị lún xuống.
Thành phố đã phát hiện điều này khoảng 3 năm, và từ năm 2007 thì đã có các thông tư, rồi đến năm 2008 thì đã ngăn cấm việc khoan những giếng nước ngầm mới.
Nhã Trân: Thế còn yếu tố thứ hai tức tốc độ phát triển đô thị, theo ông tốc độ phát triển của TP HCM đã tác động thế nào đến sự thiếu hụt nguồn nước sạch trên địa bàn thành phố?
Th/s Hồ Long Phi: Tốc độ phát triển đô thị phải đi kèm với mức hạ tầng tương ứng với nó, gồm có cấp nước, thoát nước, rồi điện, đường xá giao thông, cây xanh, tất cả các thứ, di dân cơ học là chính.
Có nghĩa là cái công ăn việc làm của TP HCM, cái mức sống, cái tiện nghi, văn hóa, giáo dục, y tế... tất cả đều tốt hơn, [vì vậy] thu hút một lượng rất lớn dân cư vãng lai tới để sinh sống, để làm việc. Có thể là họ không có hộ khẩu đâu.
Theo các thống kê chính thức thì thành phố hiện nay có khoảng 8 triệu người thôi, nhưng con số thực tế, kể cả khách vãng lai, thì thành phố hiện đang cung ứng nước cho có thể là gấp rưỡi số lượng đó, và như vậy mức độ phát triển của dân cư nó đi kèm với một chế độ tiêu hóa ngoài kiểm soát, làm cho hạ tần không theo kịp.
Nhã Trân: Thế còn yếu tố thứ ba, tức là tốc độ đô thị hóa?
Th/s Hồ Long Phi: Đô thị hóa ở đây liên quan đến vấn đề cấp nước, một khi dân cư tăng lên và mức sống cũng tăng lên thì lượng nước tiêu thụ bởi đầu người cũng tăng, chưa kể là dân số tăng.
Hai điều này cộng lại làm cho nhu cầu nước của TP HCM vượt quá cái khả năng cung. Thành ra, khi nó vượt quá như vậy thì chất lượng để mà cung ứng cái dịch vụ đó phải giảm sút thôi.
Và còn một vấn đề nữa, liên quan đến yếu tố khá tế nhị. Đó là cái tính khả thi về tài chính của dự án. Khi mình vay vốn thì mình phải chứng minh khả năng trả nợ, mà cái tốt nhất là chứng minh từ cái phí đó để mà trả nợ.
Nhã Trân: Ý ông nói là phí hạ tầng cơ sở, phí xây dựng hệ thống cung cấp nước, hệ thống lọc nước?
Th/s Hồ Long Phi: Dạ. TP HCM hiện nay còn tồn tại vấn đề bao cấp về chuyện đó, nghĩa là cái giá nước tôi cho rằng nó chưa thực sự tương xứng với giá trị thật sự của nó, thành ra rất khó mà thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn vào, vì họ không thấy khả năng để mà trả nợ.
Cái vấn đề nó là như vậy. Phải bao cấp. Phải dùng vốn ngân sách. Mà vốn ngần sách thì có hạn.
Giải pháp
Nhã Trân: Như vậy theo ông có giải pháp nào để giải quyết tình trạng nước sạch ngày càng khan hiếm trên địa bàn TP HCM?
Th/s Hồ Long Phi: Cái quan trọng nhất tôi cho là phải tháo gỡ lại cơ chế. Có nghĩa là vốn cũng có một số phải dùng thử nghiệm cái dự án gọi là BOO, tức là xây dựng rồi vận hành luôn, tức là vận hành cái khu vực tiền bạc luôn, không cần phải chuyển giao cho ai hết.
Nghĩa là anh mở một cái dịch vụ, anh khai thác, xử lý nguồn nước sạch và bán cho dân.
Đó là một cái hướng đi mà tôi cho rằng đúng. Nhưng mà phải có một cái cơ chế để làm sao mà cái việc đó nó trở thành phổ biến hơn, khuyến khích hơn.
Một trong những cái rất là khó là hiện nay tiền nước không có thu cao được vì tâm lý dân chúng cho rằng đây là một dịch vục công, và đã tính vào thuế rồi.
Nhưng mà điều đó thì có lẽ cũng không hẳn là như vậy, bởi vì nước là một trong những cái mà người xài nhiều người xài ít, [do đó] nên có chế độ tính toán riêng giống như điện, nước, gas.
Những cái nhu cầu bình thường như vậy thì người ta sẵn sàng trả cho gas, nhưng nước thì không. Đó là vấn đề tâm lý. Người ta cho đó là một chuyện chung. Người ta cho rằng nước là chuyện chung. Tôi nói chuyện với đồng nghiệp ở cảc nước khác thì các anh ấy cho biết chuyện đó là quan niệm phổ biến.
Ở các nước càng phát triển thì cái tiền nước thu được càng tương xứng với cái giá thành. Còn ở các nước nghèo thì đành phải chấp nhận.
Như vậy cơ chế chính là cái cách, là cái con đường ngắn nhất và ngăn nhất để mà cung ứng dịch vụ đó một cách tốt nhất ra thị trường.
Nhã Trân: Cám ơn Th/s Hồ Long Phi về cuộc phỏng vấn hôm nay.
Th/s Hồ Long Phi: Cám ơn cô.