Báo chí trong nước đưa tin trên một trăm quả bom, mìn và đạn, trong đó hơn một nửa còn nguyên kíp nổ, được tìm thấy tại một bãi rác ở Quảng Trị, nơi có độ ô nhiễm bom mìn cao nhất nước.
Từ bản tin này, Thanh Trúc có bài chi tiết về hiểm họa cũng như hậu quả khốc liệt từ những UXO tức những loại bom mìn đạn pháo sát thương còn sót lại sau cuộc chiến:
Nguy hiểm khôn lường
Hơn 114 quả bom, mìn, đạn, những vật nổ sát thương còn sót lại sau chiến tranh, nằm rải rác tại một bãi rác thuộc khóm Tây Chính, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, được một người dân phát hiện trong lúc đốt rẫy ngày hôm qua.
Ngay sau khi được tin báo, cơ quan chức năng và đội rà phá bom mìn tỉnh Quảng Trị đã tìm cách dời những vật nổ chết người này gồm bom mìn M16, đạn pháo 155 ly, đạn cối 120 ly, về một bãi hủy nổ tập trung.
Theo các nhân viên trong đội rà phá bom mìn thì số bom đạn nguy hiểm này là do những cơ sở buôn bán phế liệu thu mua nhưng vì còn kíp nổ và chưa bán được nên đành mang ra bãi rác.
Việc các cơ sở thu mua và buôn bán phế liệu mang vất những loại bom mìn chưa nổ ra bãi rác là một hiểm họa khôn lường bởi cứ tưởng tượng nếu chẳng may số lượng bom mìn đó phát nổ thì điều chắc chắn là chết chóc, thương tật và tàn phế là điều không thể tránh
Ô. Ngô Xuân Hiền
Đây là những bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, một hiểm họa nơi vùng đất Quảng Trị vốn có độ ô nhiễm bom mìn chưa nổ cao nhất nước.
Từ Quảng Trị, ông Ngô Xuân Hiền, Quản Lý Truyền Thông Và Phát Triển của Project Renew, Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh, nói rằng việc các cơ sở thu mua và buôn bán phế liệu mang vất những loại bom mìn chưa nổ ra bãi rác là một hiểm họa khôn lường bởi cứ tưởng tượng nếu chẳng may số lượng bom mìn đó phát nổ thì điều chắc chắn là chết chóc, thương tật và tàn phế là điều không thể tránh cho rất nhiều người.
Những người dân đi tìm phế liệu thì người ta có khuynh hướng là đem tất cả những loại người ta tìm được để bán. Nhưng mà những người chủ đại lý thường người ta biết được những quả có chất nổ nguy hiểm thì người ta không mua mà phân loại ra rồi bỏ đấy.
Thế nhưng đối với Dự Án Renew chúng tôi hoạt động tại các huyện khác, thì chúng tôi giúp những đối tượng, những đại lý thông qua một phần là giáo dục nguy cơ về bom mìn, giúp cho họ biết được những cơ bản về bom mìn. Đồng thời chúng tôi còn giúp bố trí một cái mà chúng tôi gọi là thùng bom mìn bằng bê tông cốt thép có cửa khóa, có nắp đậy và có khóa.
Với thùng bom mìn này, khi bất cứ người dân nào đấy đem phế liệu chiến tranh đến bán, người chủ đại lý phân loại ra mà thấy có nguy hiểm thì người ta bỏ vào thùng bom mìn ấy và khóa lại. Hàng tuần Dự Án Renew cử người đến thu gom số bom mìn ấy đem đến bãi nổ tập trung để xứ lý và phá hủy an toàn hết.
Khắc phục hậu quả chiến tranh
Giáo dục, hướng dẫn, xử lý hậu quả, hỗ trợ nạn nhân thương tật tàn phế vì bom mìn còn sót sau chiến tranh, là một trong những hoạt động mà Project Renew tức Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh, với sự hỗ trợ của tổ chức Veteran For Peace thuộc Viện Humpty Dumpty ở Hoa Kỳ, khởi sự tại Quảng Trị từ năm 2000 đến giờ.
Tuy nhiên, phải đến tháng Tư năm 2008, sáng kiến bố trí những thùng bom mìn bê tông cốt thép mới được Dự Án Renew triển khai:
Thay vì trước đây, trước 2008 ở các địa bàn như các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, như tôi đã nói thì người ta đem tất cả phế liệu kiếm được bán để lấy tiền nhưng những chủ đại lý không có nơi cất giữ những quả đạn nguy hiểm đó thì đành phải để ở khe sân hoặc để ở bên hàng rào hoặc sau hè thì đây là mối nguy cơ tiềm tàng rất lớn đối với hàng xóm, đặc biệt là trẻ em.
Theo số liệu chính thức ở Việt Nam, bom mìn vật nổ sau chiến tranh là nguyên nhân gây thương tích cho một trăm ngàn người, trong đó bốn mươi hai ngàn đã tử vong.
Trong sáu tỉnh miền Trung Việt Nam, Quảng Trị chịu mức độ ô nhiễm bom mìn chưa nổ cao nhất vì từng là vùng phi quân sự mà cũng là địa đầu chiến tuyến với những trận oanh kích dày đặc trong thời chiến.
Đó cũng là lý do có sự hiện diện của những tổ chức rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả vật nổ sau thời chiến, được sự yểm trợ kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức NGO tại Hoa Kỳ như Project Renew và Peace Trees Vietnam ở Quảng Tri.
Theo ông Ngô Xuân Hiền của Project Renew, từ 1975 đến nay Quảng Trị có bảy nghìn người chết và bị thương tật do bom mìn vật nổ còn sót lại, 33% trong số bảy nghìn nạn nhân bom mìn này là những người dân đi thu nhặt tìm kiếm phế liệu chiến tranh để bán. Vẫn lời ông Ngô Xuân Hiền, Quản Lý Truyền Thông Và Phát Triển Trong Project Renew:
Bom mìn vật nổ vẫn còn sót lại rất nhiều ở Việt Nam nói chung và ở những khu vực miền Trung, nơi mà trước đây từng là những khu vực đánh phá ác liệt giữa hai bên, đồng thời cũng bị ném bom rất là ác liệt
Ô. Ngô Xuân Hiền
Trong thời gian ba tháng qua không có vụ tai nạn bom mìn nào, không có vụ thương vong nào do bom mìn ở địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên trong thời gian qua thì cũng có hai vụ nỗ mà vụ vừa rồi nằm ở Lao Bảo. Trước đó cũng có vụ một quả đạn pháo nằm sâu dưới nhà dân bổng nhiên phát nổ, may mắn là không ai bị thương nhưng đã làm hư hỏng một số phần của ngôi nhà. Tình hình chung là như vậy.
Ở những nơi khác vẫn có tai nạn vì bom mìn xảy ra, ví dụ như ở Dak Nông thì có một vụ nổ khiến hai em chết, bốn em còn lại bị thương. Trước đó nữa thì cũng có một vụ tai nạn bom bi ở tỉnh Quảng Bình, làm một người đàn ông trung niên trong lúc làm ruộng đã cuốc phải một quả bom bi và bị cụt tay. May mắm sống sót nhưng mà trở thanh tàn tật suốt đời.
Đây là những cái cho thấy bom mìn vật nổ vẫn còn sót lại rất nhiều ở Việt Nam nói chung và ở những khu vực miền Trung, nơi mà trước đây từng là những khu vực đánh phá ác liệt giữa hai bên, đồng thời cũng bị ném bom rất là ác liệt.
Cũng trong ba tháng vừa qua, Project Renew Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh đã làm sạch 15 hectares đất đai, sau đó bàn giao cho người địa phương trong những hoạt động phát triển kinh tế. Tổng cộng số vật nổ còn sót lại sau chiến tranh mà Dự Án Renew đã xử lý an toàn trong ba tháng qua là trên bảy trăm quả bom mìn các loại .
Tưởng cần nhắc không chỉ Việt Nam mà Lào và Kampuchia cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ những loại đạn pháo và bom mìn sát thương chưa nổ, từ chuyên môn là UXO, chữ tắt của Unexploded Ordinances.
Tại Kampuchia năm 2012, bốn mươi mốt người mất mạng hoặc tàn phế do bom mìn vật nổ sót lại chỉ trong giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng Mười của năm.