Thực tế hoạt động xuất khẩu lao động tại Việt Nam

0:00 / 0:00

Việt Nam là một nước có nguồn lao động phổ thông dồi dào, tuy nhiên do khó kiếm được việc làm trong nước cũng như với những hứa hẹn về lao động xuất khẩu; nên nhiếu lao động phổ thông sẵn sàng kiếm đủ tiền để ra nước ngoài làm việc. Vậy thực tế về hoạt động này ra sao?

Lý do xuất khẩu

Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 1,1 triệu lao động phổ thông được bổ sung vào lực lượng này. Tuy nhiên để tìm được một công việc ở quê nhà vừa ổn định lại vừa có thu nhập tương xứng với công sức lao động mình bỏ ra không phải dễ dàng gì. Từ đó nhiều lao động phổ thông đã chấp nhận bán đất, vay ngân hàng để được đi xuất khẩu lao động.

Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 35.709 lao động, đạt 37,58% kế hoạch năm 2015 và bằng 103,93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ riêng trong tháng 4, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 9.943 lao động. Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) vẫn dẫn đầu về tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam với 6.631 lao động, tiếp đến là Nhật Bản (2.059), Malaysia (556), Arậpxêút (350), Hàn Quốc (187)…

Ở Việt Nam mình nó khó khăn, khổ sở, nghèo nàn, thiếu thốn nhiều cái và nhiều cái thật sự rất là bất mãn, vì bất mãn nên mình phải đi mà sang lần này chưa biết khi nào anh mới về lại. <br/> -Anh Lâm Khánh Xình

Khi được hỏi lý do chọn đi xuất khẩu lao động thì các công nhân đều nói do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở nhà không kiếm được việc làm nên các công nhân đi xuất khẩu lao động để phụ giúp gia đình.

Chị Đinh Thị Trúc một người thuộc vùng quê nghèo của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình sang làm Ô sin ở Ảrậpxêút cho biết:

“Ở quê nhà mình không có việc làm nên mình phải đi nước ngoài để kiếm thu nhập về cho gia đình và nuôi con cái.”

Chị Nguyễn Thị Hồng làm việc ở Đài Loan cũng cùng lý do:

"Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mình phải qua Đài Loan làm việc."
Và tương tự như anh Nguyễn Quang Nhật hiện làm việc ở Malaysia:

“Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên qua Malaysia làm việc kiếm ít tiền để giúp đỡ gia đình.”

Ngoài số lao động Việt Nam sau khi hết hạn hộ chiếu làm việc ở lại lao động chui; lâu nay có tình trạng nhiều lao động Việt lấy danh nghĩa đi du lịch cùng sang nước khác để làm việc chui.

Anh Lâm Khánh Xình quê ở Nghệ An, anh đi du lịch sang Nga nhưng sau đó anh ở lại lao động chui và không về nước nữa, anh chia sẻ lý do phải làm như thế:

“Ở Việt Nam mình nó khó khăn, khổ sở, nghèo nàn, thiếu thốn nhiều cái và nhiều cái thật sự rất là bất mãn, vì bất mãn nên mình phải đi mà sang lần này chưa biết khi nào anh mới về lại.”

Chi phí cho chuyến đi

LaoĐong_Jordan_ machsong.org_250
176 nữ công nhân Việt Nam lao động xuất khẩu ở Jordan phải được giải cứu khỏi sự đàn áp và bóc lột của chủ nhân công ty may tháng 2-2008. (Photo courtesy of machsong.org)

Việc đi xuất khẩu lao động đối với những lao động phổ thông Việt Nam nó là nguyện vọng của họ để mong sao họ có thể được đổi đời, cuộc sống của họ có thể sẽ khá giả hơn. Với mong muốn như vậy nhiều gia đình đã bán đất, bán nhà, vay ngân hàng cầm sổ đỏ.....để đủ chi phí cho chuyến đi mà so với thu nhập của gia đình là khá cao.

Đối với các lao động đi làm việc tại một số nước nghèo như Angola, Ảrậpxêút…dưới dạng cò mồi thì chi phí đi của họ nhiều hơn so với mức đi bình thường còn các lao động đi làm tại Ảrậpxêút thì đi lao động dưới dạng buôn bán nô lệ mới thì các lao động lại không mất tiền.

Anh Hoàng Hiệp một người lao động đang làm việc ở Angola cho biết:
"Có một số người đi hết 6.000USD theo dịch vụ sang bên có người đón, còn mình chỗ quen làm thắng là hết 4.000USD. Những người đi theo dịch vụ môi giới thì sang bên đó họ gửi đi khắp nơi đi lung tung."

Tuy vậy theo chị Hoàng Ngọc Diễm Thủy một lao động giúp việc tại Ảrậpxêút thì những người đi giúp việc này chi phí lại không mất do công ty môi giới họ bảo lãnh:

“Chi phí đi không mất tiền, những người giúp việc đi không mất tiền, đi theo hợp đồng công ty Thăng Long.”

Chị Hồng làm việc tại Đài Loan cho biết:

“Chi phí 6.000 USD, chưa tính phí đi lại, ăn uống và học hành.”

Thay vì đi xuất khẩu lao động thì chi phí nhiều, thì nhiều người lại chọn con đường đi du lịch, rồi sau khi hết hạn Visa thì họ chọn cách ở lại làm chui. Cách làm này được tính toán có rẻ hơn, anh Lâm Khánh Xình cho biết:
"Đi du lịch khoảng 1.400 USD với Visa 3 tháng."

Hợp đồng lao động

Đối với các trường hợp đi làm giúp việc nhà tại Ảrậpxêút thì họ là những người nghèo, ở những vùng xa xôi hẻo lánh được những tay cò mồi tìm về tận nơi với những lời hứa ngon ngọt như: Làm việc lương cao, chi phí đi không mất tiền….và những người phụ nữ này họ là những người ít nắm bắt được thông tin, hơn nữa những bản hợp đồng mà họ ký cũng không được minh bạch.

Khi sang đây người ta nói, mua chúng mày mất 6 nghìn đô thì chúng mày phải làm tao chỉ cho chúng mày nghỉ ít nhất là 8 tiếng 1 ngày thôi. <br/> -Chị Khương

Chị Trúc cho biết:

“Họ tìm đến mình rồi mình đi, chứ mình chả biết tin tức gì hết, sau đó khoảng tầm 2 tuần là mình đi.”

Chị Vũ Thị Khương cho biết thêm:

“Có công ty môi giới ở trên Hà Nội mà có kí hợp đồng, hợp đồng có tất cả là 6 bản, đồng thời khi kí xong thì nó chỉ đưa ra cho mình 2 bản thôi. Những bản hợp đồng ở VN mà tiền ở bên này nó tính bằng USD. Bên VN thì tiền USD được đến sau đó 1 tháng. Tuy nhiên, ở bên này tờ giấy hợp đồng thì tiền ở bên này thì 60 ngàn rứa thì đổi sang không được tính tiền đô đâu. Hợp đồng ở VN thì 1 ngày làm có 8 tiếng còn làm thêm thì tính tiền thêm giờ. Sang hợp đồng ở bên này thì một ngay chỉ được nghỉ 8 tiếng còn mười mấy tiếng thi phải làm hết. Nhiều lúc mình nghỉ ko được 8 tiếng đâu có lúc chỉ được nghỉ 6 - 7tiếng thôi. Đó là những giờ mình được nghỉ đấy, chỉ được như vậy thôi.”

Còn chị Hồng ở Đài Loan cho biết:

“Mặc dù hợp đồng có ghi rất rõ ràng sang Đài Loan sẽ được chủ lo ăn uống, nhưng lại thấy cuộc sống khó khăn.”

Không những là giờ làm việc không đúng với hợp đồng mà tiền lương họ cũng không trả đúng với hợp đồng, khi gọi về công ty môi giới thì không ai giải quyết cho cả.

Theo như chị Khương kể lại, thì việc sang lao động tại Ảrậpxêút đây không phải là đi xuất khẩu lao động mà đây giống như là cuộc mua bán nô lệ mới.

“Khi sang đây người ta nói, mua chúng mày mất 6 nghìn đô thì chúng mày phải làm tao chỉ cho chúng mày nghỉ ít nhất là 8 tiếng 1 ngày thôi.”

Với nguồn lao động trẻ và dồi dào đó là cơ hội để đất nước phát triển kinh tế xã hội, nhưng thực trạng thiếu việc làm đang khiến nhiều lao động trẻ phải rời bỏ quê hương.