Quyền công dân là quyền lợi rất quan trọng đối với người dân một đất nước, quyền này luôn được ghi nhận một cách trang trọng trong bản Hiến pháp mỗi quốc gia. Liệu giữa lý thuyết và thực tế ở Việt Nam có khoảng cách nào không, các công dân ở quốc gia này đã nhìn nhận và suy nghĩ như thế nào về các quyền của mình?
Tác động của chính quyền
Khi bàn luận về quyền công dân tức đã đề cập đến vấn đề người dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhằm tác động không chỉ đến cơ quan dân cử mà còn qua các đơn vị nhà nước khác.
Được hỏi có suy nghĩ như thế nào về quyền công dân, ông Nguyễn Lân Thắng, một facebooker nổi tiếng trong cộng đồng cư dân mạng Việt Nam cho chúng tôi biết:
“Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi, từ trước đến nay, có rất nhiều người khi có những bức xúc, khi có các vấn đề thì lúc ấy người ta mới đặt câu hỏi. Chứ tự quyền công dân cũng giống như quyền con người, đây là các quyền tồn tại hết sức là tự nhiên. Thế cho nên để định nghĩa về quyền công dân, tôi nghĩ là sẽ tìm được rất nhiều ý kiến. Nhưng trước hết, quyền công dân là những quyền của chúng ta có ý kiến và có tham gia với nhà nước ở trong một xã hội.
Có những người trong lòng có suy nghĩ cụ thể, nhưng người ta không dám phát biểu lên những ý kiến của mình, vì họ lo sợ những sự đàn áp. <br/> Nguyễn Lân Thắng
Đó là sự lựa chọn của mỗi người, tùy theo trình độ nhận thức, tùy theo quan điểm… Và thậm chí là tùy theo sự tác động của chính quyền đối với người dân. Bởi vì có những người trong lòng có suy nghĩ cụ thể, nhưng người ta không dám phát biểu lên những ý kiến của mình, vì họ lo sợ những sự đàn áp.”
Quyền công dân được hiểu theo nhiều cách khác nhau, do đó trước cùng một sự việc, các công dân sẽ có những biểu hiện không giống nhau. Cũng câu hỏi được hiểu như thế nào về quyền công dân, ở góc độ khác, một phụ nữ không tiện nêu tên ở Hà Nội cho biết:
“Thực ra đối với tôi hay có lẽ, đối với rất nhiều người dân ở Việt Nam, khái niệm quyền công dân cũng rất là mơ hồ. Bởi vì cũng chẳng có ai được dạy trong trường phổ thông hay ở đâu đó; hay được phổ biến trên phương tiện truyền thông về quyền công dân là gồm những thứ gì. Cho nên chúng tôi chỉ biết là chúng tôi phải có một cái quyền rất chung chung thôi, chứ còn nói một cách chặt chẽ thì khó phát biểu được quyền công dân – nó là cái gì.
Trong Hiến pháp có nói một vài những cái quyền, nhưng cái quyền ở trong Hiến pháp đấy có gọi là quyền công dân hay không; hay ngoài ra nó còn có những quyền gì khác nữa thì chúng tôi cũng không được biết một cách rõ ràng.”
Một khái niệm trừu tượng
Quyền công dân trong thực tế được thể hiện qua nhiều hình thức cụ thể, như: quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền cư trú, quyền đi lại, quyền được biểu tình.v.v. Nếu không được áp dụng vào đời sống thường nhật, quyền công dân chỉ còn là một khái niệm trừu tượng. Sự việc này đồng nghĩa với trạng thái giá trị dân sự cơ bản của con người bị trắng trợn tước đoạt. Liên hệ với một hoạt động bày tỏ quyền công dân, ông Nguyễn Lân Thắng cho biết thực tế đang diễn ra ở Việt Nam, như sau:
“Giữa quyền công dân và quyền biểu tình, thì quyền biểu tình chỉ là một phần nhỏ trong quyền công dân thôi. Ở Việt Nam, quyền biểu tình hoàn toàn đang bị nhà nước ngăn cấm bằng rất nhiều hình thức; từ biện pháp đe dọa cho đến việc ban hành những văn bản trái với Hiến pháp, để ngăn chận một trong các quyền công dân đó.”
Xem ra các quyền hiến định của người dân có vẻ bị hạn chế bởi các văn bản pháp luật có giá trị thấp hơn Hiến pháp. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi được người phụ nữ Hà Nội ẩn danh tiếp tục cho ý kiến:
“Tôi thấy là từ xưa nay ở Việt Nam, người dân đều quen như thế rồi. Không mấy ai giở quyển Hiến pháp ra để mà đọc. Cho dù là có đọc đi chăng nữa thì cũng không hiểu rằng là đem kiến thức đấy ra áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, liệu phỏng có hiệu quả gì hay không. Cho nên không có mấy ai vận dụng đến Hiến pháp.
Gần đây người ta cũng nói nhiều đến Hiến pháp, đến quyền và nói nhiều đến những quốc luật. Nhưng như mọi người cũng nhìn thấy là các cơ quan, các bộ ngành đưa ra những luật nọ luật kia. Chẳng hạn như vừa rồi, đội mũ bảo hiểm dởm ra ngoài đường thì sẽ bị phạt; hoặc ngày trước có lần quy định ngực lép thì không được đi xe máy; hay gần đây, những anh công an bụng phệ thì không được đứng đường để làm giao thông… Những quy định như thế, thực ra chẳng ai hiểu là vậy thì chúng có hợp với những quyền của họ hay quyền của công dân hay không.”
Hiện tượng lạm quyền nảy sinh trong xã hội xuất phát từ nguyên nhân thiếu tôn trọng pháp luật của nhiều cơ quan chức năng, song mặt khác, sự tồn tại của hiện tượng này còn là hệ quả của tình trạng thiếu hiểu biết về chính trị xã hội từ không ít người dân hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lân Thắng, nguyên nhân không chỉ đơn giản là như vậy:
Chỉ có được thông tin khi có sự trao đổi, tranh luận; có sự bàn bạc. Thế bây giờ một chủ đề bị nhà nước ngăn cản việc trao đổi, làm sao mà mọi người dân có thể có thông tin. <br/> Nguyễn Lân Thắng
“Điều này là hoàn toàn chính xác. Ngay như tôi là một người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, gia đình tôi có bố mẹ đều là đảng viên. Lớn lên, tôi được đi học ở Việt Nam, từ tiểu học lên đến đại học. Tất cả những điều mà trong những năm gần đây, ở Việt Nam nảy ra những tranh luận và thảo luận các vấn đề chính trị xã hội, dần dần tôi mới được biết. Những người không có điều kiện học rộng thì chắc chắn khó có những hiểu biết về chuyện ấy.
Bởi vì toàn bộ các phương tiện truyền thông, báo chí là do nhà nước kiểm soát. Họ không bao giờ đề cập các vấn đề tranh luận về chính trị xã hội, không bao giờ đưa ra các tranh luận về chủ đề chính trị xã hội. Người ta chỉ có được thông tin khi có sự trao đổi, tranh luận; có sự bàn bạc. Thế bây giờ một chủ đề bị nhà nước ngăn cản việc trao đổi, làm sao mà mọi người dân có thể có thông tin, có hiểu biết về vấn đề đó được.”
Thừa nhận hiện tượng lạm quyền xảy ra trong xã hội, một phần xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân. Người phụ nữ ẩn danh Hà Nội còn cho biết cảm nghĩ về những áp lực thường trực trong cuộc sống thực tế như sau:
“Sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn rất là ít. Bởi vì một thời gian rất là dài trong đời sống hằng ngày, các cơ quan nhà nước cứ đưa ra các quy định một cách tùy tiện, người dân thì cứ cam chịu nghe theo. Thành ra người dân nghĩ rằng, dù có viện vào luật nào thì cũng không đem lại hiệu quả gì. Nên người dân không có thói quen là kiểm tra xem những điều quy định đó có phù hợp hay không.”
Một khi người công dân không nhận thức rõ được quyền của mình thì sẽ khó tránh được tình trạng bị các cơ quan công quyền thao túng. Trong quá trình quản trị xã hội, ngoài chức năng điều tiết vận hành các hoạt động quốc gia, cơ quan công quyền còn phải có trách nhiệm thực hiện và bảo vệ quyền của các công dân.