Cứu hộ hình thức, cứu trợ đểu ở miền Trung

0:00 / 0:00

Mùa Đông miền Trung với những trận lụt kinh người, nhà trôi, người trôi, súc vật lổn ngổn trong dòng nước… Mùa Đông miền Trung với hàng hàng lớp lớp nỗi lo của nông dân nghèo cùng căn nhà tạm bợ, yếu ớt trước những tin áp thấp nhiệt đới, trước những trận bão quăng quật và ngốn nuốt tài sản dân nghèo vào bụng gió… Mùa Đông miền Trung với đời sống đôi khi phải chìa tay đợi ai đó cứu trợ. Và những phần quà cứu trợ bị cắt xén, những trò diễn tập cứu hộ hình thức.

Cũng như nhiều mùa Đông trước, năm nay, chương trình thực tập cứu hộ ở các xã ven biển và đồng bằng miền Trung diễn ra tương đối trễ, khi nghe tin bão số 10 đang tiến vào đất liền, trò diễn tập lại tái hiện. Cũng loa kèn, hò reo, cũng hô xung phong và báo cáo thành tích như mọi năm.
Một người làm trong ban diễn tập cứu hộ ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đã buồn rầu kể với chúng tôi, ông thấy mọi thứ diễn ra trông giống như trò hề rẻ tiền.

Thường thì một nhóm khoảng chừng hai chục người, có người dẫn đầu là trưởng ban an ninh thôn hoặc trưởng chi hội phụ nữ xã, thôn, những người này được kêu gọi đi tập huấn chương trình cứu hộ bằng lời hứa sẽ trả công mỗi người từ 60 - 100 ngàn đồng cho mỗi buỗi tập huấn và cấp cho một áo phao trong thời gian tập huấn. Xong buổi tập huấn thì trở về nhà, trả lại mọi thứ và nhận tiền, trưởng nhóm báo cáo thành tích lên bên trên là xem như xong.

Trên bến sông nhựng ngày nước lũ. RFA
Trên bến sông nhựng ngày nước lũ. RFA (RFA)

Nhưng năm nào mà chẳng thế, cứ thực tập đủ chuyện nhưng đến khi có bão lụt thì phần ai nấy lo. Thậm chí, trong đội cứu hộ có cả người chống nạn. Những người này đi theo chủ yếu để lấy ngày công chứ cứu được ai

Một người dân ở Mộ Đức, Quảng Ngãi tên Hứa đã phàn nàn là ông thấy hết sức phiền toái và khôi hài khi đang ngủ trưa thì có một đoàn mặc áo in logo chữ thập đỏ đến nhà đánh thức ông dậy và sau đó tỏ ra xuống nước khi ông nổi nóng. Một người đứng đầu trong nhóm giới thiệu với ông họ là đoàn cứu hộ đi tập sự, bây giờ họ hỏi ông có cần họ giúp cứu hộp trong mưa bão hay không. Ông Hứa cám ơn họ và nhận lời, sau đó, người này nói nếu đồng ý thì vui lòng gọi người trong nhà dậy để những người tập sự khiêng lên gác và bấm giờ thử tốn bao nhiêu thời gian.

Ông Hứa cám ơn và nói rằng mẹ của ông đã gần trăm tuổi, đang nghỉ trưa, không thể gọi dậy được, vì người già rất ngại tự dưng bị ai đó bất ngờ bồng xốc đưa đi đâu đó, trừ khi quá cần thiết. Tốt nhất là cho ông xin số điện thoại và khi nào có sự cố, ông sẽ gọi cứu hộ. Những người này nói rằng họ cần phải báo cáo kết quả nên rất mong ông cộng tác. Thấy không xong, ông Hứa nói họ cứ việc báo cáo là đã thực hiện xong công việc, khi nào cần thì ông gọi.

Nghe ông Hứa nói thế, người trưởng ban vui vẻ bắt tay, cám ơn gia đình và khi vừa bước ra tới cửa, ông ta không quên rút điện thoại gọi ngay cho trung tâm cứu hộ để báo cáo là đã thực hiện xong, kết quả rất tốt, tốn hết 8 phút. Và đương nhiên là ông trưởng ban đó chẳng để lại số điện thoại cho ông Hứa. Sau đó, họ ra ngoài cái ao nhỏ ngoài đám ruộng gần nhà ông để thả ghe xuống và thực tập vớt người bỏ lên ghe, tiếng hô vang khắp xóm, vỗ tay rào rào… Nhưng đối tượng họ đang thực tập là một cây chuối sứ nổi trên mặt nước.

Kể đến đây, ông Hứa lắc đầu chán nản, nói rằng ông thấy trong số những người đi thực tập có cả hàng xóm của ông, họ cũng có vẻ hăng hái, xông xáo lắm. Nhưng năm nào mà chẳng thế, cứ thực tập đủ chuyện nhưng đến khi có bão lụt thì phần ai nấy lo. Thậm chí, trong đội cứu hộ có cả người chống nạn. Những người này đi theo chủ yếu để lấy ngày công chứ cứu được ai.

Vùng quê ngập lụt. RFA
Vùng quê ngập lụt. RFA (RFA)

Thuyền cứu hộ xuất hiện, họ chạy rất nhanh, bắt loa kêu bà con nên làm thứ này nên làm thứ kia, đủ các thứ. Mỗi lần họ rồ ga thì nước nổi sóng. Đến lần rồ ga thứ tư của họ thì sóng cuốn sập chái hiên có treo lồng gà nhà bà. Tài sản duy nhất còn lại của bà xem như đổ biển

Từ cứu hộ dỏm đến cứu trợ đểu

Đó là chuyện diễn ra trước thiên tai, trong lúc thiên tai, suốt nhiều năm nay, người dân cũng trơ trọi, cô đơn đối diện với nó, hiếm có nhóm cứu hộ nào xuất hiện. Bà Nết, người Đức Phổ, Quảng Ngãi, than thở với chúng tôi rằng bà rất sợ mỗi khi có lụt mà xuất hiện thêm các đội cứu hộ, thà đừng có họ còn hay hơn. Vì năm 2009, nhà bà bị lụt ngậm, mọi thứ vật dụng không kịp dọn hầu như trôi sạch, chỉ còn một chiếc lồng chứa hai mươi con gà nằm treo tòng teng trên ngọn chái củi. Nước đang lên, bỗng dưng có thuyền cứu hộ xuất hiện, họ chạy rất nhanh, bắt loa kêu bà con nên làm thứ này nên làm thứ kia, đủ các thứ. Mỗi lần họ rồ ga thì nước nổi sóng. Đến lần rồ ga thứ tư của họ thì sóng cuốn sập chái hiên có treo lồng gà nhà bà. Tài sản duy nhất còn lại của bà xem như đổ biển. Bà chỉ biết ngồi thu lu trên gác mà khóc.

Sau thiên tai, vấn đề cứu trợ cũng gây nhức nhối không kém. Các loại hàng giả, hàng đểu thi nhau tuồn vào khu vực thiên tai. Một người có quá trình làm cứu trợ khá lâu năm, đại diện cho một nhóm cứu trợ tự phát, không liên quan đến nhà nước, yêu cầu giấu tên, kể với chúng tôi là ông thật sự kinh hãi cho cái gọi là cứu trợ nhân đạo ở Việt Nam. Mỗi lần dân miền Trung gặp nạn cũng là mỗi lần cơ hội cho các công ty. Một công ty nào đó đang trốn thuế chẳng hạn, khi nghe thiên tai, liền lên kế hoạch đứng ra cứu trợ. Họ liên kết với các kho gạo, các hãng mì ăn liền để mua hàng loại dỏm, hết hạn sử dụng, sau đó căng băng rôn, biểu ngữ, dắt theo đài truyền hình, báo chí, về tổ chức phát cứu trợ rình rang.

Một công ty nào đó đang trốn thuế chẳng hạn, khi nghe thiên tai, liền lên kế hoạch đứng ra cứu trợ. Họ liên kết với các kho gạo, các hãng mì ăn liền để mua hàng loại dỏm, hết hạn sử dụng, sau đó căng băng rôn, biểu ngữ, dắt theo đài truyền hình, báo chí, về tổ chức phát cứu trợ rình rang

Sau đó, đài báo đưa tin, khen ngợi tinh thần lá lành đùm lá rách của họ, vô hình trung, chỉ cần tốn ít tiền nhưng được lăng xê, quảng cáo rùm beng, tên tuổi công ty được đánh bóng. Nhưng phần quà của bà con thì có khi chẳng dùng được vì quá hạn sử dụng hoặc chất lượng quá kém. Đó là chưa kể đến chuyện nhân viên cứu trợ đã cắt xén khá nhiều trong quá trình mang quà đến với dân nghèo. Thêm nữa, những nhân viên, công chức bán chuyên trách ở các địa phương cũng là tấm lưới lọc quà cứu trợ hiệu năng nhất.

Một nông dân tên Niềm, ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi đã bức xúc kể với chúng tôi rằng trong trận lụt năm 1999, 2009 và 2010, ông luôn có tên trong danh sách nhận quà cứu trợ nhưng chưa bao giờ thấy quà. Có nhiều lần, đoàn cứu trợ về, các nhân viên bán chuyên trách của xã chạy hớt ha hớt hải về nhà kêu người bà con lên đứng xếp hàng nhận quà. Nhận xong quà, đoàn cứu trợ vừa quay đi thì các nhân viên bán chuyên trách đứng ra thu lại toàn bộ số quà, trả cho mỗi người dân 20 ngàn đồng tiền công. Sau đó mang quà vào kho cất kĩ. Số quà này sau đó đi về đâu, dân không biết được.

Mãi cho đến năm 2010, do quá bực tức, nghe có đoàn cứu trợ về, ông Niềm chạy lên ủy ban xã, đứng la hét đủ thứ, thấy vậy, họ gọi ông vào nhận một suất quà rồi cho ra về. Mọi phần quà khác cũng chỉ im lặng. Nếu dân có hỏi, họ sẽ trả lời rằng số quà được thu về để điều tiết, hợp với tình hình chung.

Và không riêng gì ở xã ông Niềm có hiện tượng xấu này. Dường như năm nào có lũ lụt, thiên tai, năm đó miền Trung lại dậy sóng bởi sự bất mãn của nhân dân trong vấn đề bị cán bộ nhà nước ăn chặn cứu trợ tàn bạo. Một năm như mọi năm, không có gì thay đổi trong miền Trung nghèo khổ này!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.