“Chỉ là phù du thôi”
“Chỉ là phù du thôi”, ông Giám Đốc Nguyễn Minh Diễm của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do thường nói như thế, ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần kể từ ngày ông báo tin cho mọi người biết bị bệnh ung thư, sửa soạn về hưu để chữa bệnh và có nhiều thì giờ hơn cho gia đình, cho Chị Diễm, cho những đứa cháu nội ngoại mà ông gắn bó với chúng từ ngày chúng vừa chào đời.
“Chỉ là phù du thôi” cũng là tên bản nhạc ông yêu thích nhất, nói lên suy nghĩ của ông trong những ngày còn sống, và có lẽ cũng là những gì chạy thật nhanh trong trí của ông khi ông chia tay từ giã những người thân trong gia đình, bạn bè và anh em chúng tôi, những người may mắn làm việc chung với ông trong khoảng thời gian hơn một chục năm trời, một giai đoạn không quá ngắn mà cũng chẳng quá dài, khởi đầu là anh Diễm phát thanh viên và kết thúc là ông Sếp Diễm được tất cả mọi người quý mến, kính trọng.
Không khó để nói về Sếp Diễm. Ông là một người hiền lành, rất công bằng, lắng nghe ý kiến của anh chị em, lúc nào cũng chỉ muốn làm điều tốt hơn cho những người dưới quyền. Ông là người đã thực hiện con đường hoàn toàn mới cho Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, để có thể phục vụ cả thính giả qua làn sóng phát thanh lẫn độc giả của trang web. Con đường và mục tiêu ông đề ra chính là con đường mà anh em chúng tôi đã đi, đang đi và sẽ đi, chỉ một điều đáng tiếc là không còn ông để hỏi ý kiến, để biết có cần phải làm gì thêm để chương trình ngày một phong phú hơn hay không. Anh em chúng tôi phải nhắc lại điều này vì ngày cuối cùng làm việc chung, ông nói “tôi không còn làm việc chung với anh em nữa, nhưng lúc nào tôi cũng ở với các bạn, lúc nào tôi cũng đi sát với các bạn. Các bạn cho tôi đóng vai trò của một người nghe, của một người đọc, để dù không gặp các bạn mỗi ngày trong sở, nhưng tôi vẫn là một người trong gia đình Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do”. Ông liên tục làm điều này suốt một năm trời, trước khi ngã bệnh trở lại. Đó là điều tất cả anh chị em chúng tôi không thể quên, không bao giờ quên, và chúng tôi kính trọng ông về điều đó.
Không khó để nói về Sếp Diễm. Ông là người thường hay kể cho anh em chúng tôi nghe chuyện thời làm việc ở quê nhà, kể lại những trận đánh bóng chuyền với bạn bè ở sân trường Đại Học Văn Khoa, kể lại thời gian ông dạy ở Trường Võ Bị, kể lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến khi ông phải nhập ngũ, vào trường Bộ Binh Thủ Đức, kể lại chuyện lúc ông phải đứng bán phở trước ngày sang Hoa Kỳ. Trong những lần ngồi nghe ông kể chuyện, có thể là bên ly cà phê, điều thuốc lá hoặc ở bữa ăn trưa, bao giờ câu chuyện ông kể lại đều là những chuyện vui, không một nét hờn và cũng chẳng có dấu giận. Điều này được thể hiện rõ hơn khi trong văn phòng của ông có tới 3 chiếc giỏ rác, trong khi dưới gầm bàn của anh chị em chúng tôi mỗi người chỉ có một hoặc tối đa là 2. Có lần tôi hỏi ông sao lại cần nhiều giỏ rác như vậy, ông cười bảo, “tớ thấy cái gì khiến cho mình bực bội thì vứt ngay vào thùng rác chứ không giữ trong người”. Một người Sếp biết “vứt những chuyện bực mình vào thùng rác” và đặc biệt nhất “đã vứt đi rồi thì tớ không nhặt lại”, chỉ giữ lại những điều tốt về nhân viên làm việc với mình là người Sếp đáng kính trọng, và anh chị em chúng tôi kính trọng ông về điều đó.
Không khó để nói về Sếp Diễm. Ông là người hết lòng với vợ con, với gia đình, sang bên này vẫn lo lắng cho những đứa con của ông còn kẹt lại ở Việt Nam, ngày nào ở sở làm cũng phải gọi điện thoại về nhà thăm cháu. Những câu như “Cún đấy hả con, hôm nay con đi học có vui không? Bà nội có cho con ăn gì chưa? Ờ, tí nữa ông về” là những câu chúng tôi nghe được hàng ngày. Tôi còn nhớ ngày ông dọn về nhà mới, sáng hôm sau ông khoe ngay, “tớ làm được một việc hay lắm cậu ạ”. Việc gì hay mà anh khoe ầm ĩ lên vậy, tôi hỏi. “Tớ đổi được cái bếp thật tốt cho bà xã”, ông vừa nói vừa cười, nét mặt rạng rỡ hẳn lên. Những chuyện thật nhỏ đó chứa đựng cả một tấm lòng thương yêu của ông dành cho gia đình, và đó cũng là điều anh em chúng tôi phải nể phục ông, càng kính trọng ông thêm nữa.
Hôm nay, tất cả chúng ta gặp nhau ở đây để nhớ về ông, và cũng để chia tay với ông. Chúng ta nhớ lại những gì ông đã làm cho chúng ta, và chia sẻ với nhau những mất mát khi không còn ông. Mất mát đó là mất mát của gia đình, của bạn bè, và cũng là mất mát rất lớn của anh chị em Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi. Chúng tôi không chỉ mất một đồng nghiệp, mà còn mất một người anh, một người Sếp, một thính giả và một độc giả trung thành. Hơn thế nữa, chúng tôi mất một người bạn chân tình, một người đã đi với chúng tôi từ những ngày đầu tiên, chia sẻ với chúng tôi những khó khăn từ buổi ban đầu, và ngay cả thời gian phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, ông cũng nhất định không bỏ chúng tôi.
Có gì để nói về ông nữa hay không? Chúng ta có cả trăm cả ngàn điều muốn nói về ông, với ông, riêng anh em chúng tôi có một điều nhờ ông. Sếp Diễm ơi, ở một chốn nào đó, Sếp hỏi hộ xem có có nhu cầu phải làm một đài phát thanh không, nếu có, Sếp nhớ kiếm chỗ dựng đài, mai mốt gặp nhau, tụi mình lại làm việc chung, Sếp nhé.