Việc này có khả thi hay không, nông dân nói gì về quyền lợi thiết thân của mình. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.
Phượng thức tự tạm trữ không khả thi?
Chủ đích của chính phủ từ nhiều năm qua, dùng ngân sách hỗ trợ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) để tăng mức cầu khi thị trường lúa gạo thừa cung, nhà nước cấp bù lãi suất ngân hàng cho kế họach mua tạm trữ gạo sao cho nông dân trồng lúa được lời ít nhất 30%. Tuy vậy mục tiêu này không giờ thực hiện được, giá lúa vẫn thấp hoặc được nâng lên chút ít trong thời gian thực hiện mua tạm trữ và khi nông dân bán hết lúa rồi thì giá lúa gạo lại tăng lên.
Nhưng để chấm dứt việc giao vốn cho VFA thực hiện tạm trữ thì phải có qui chế mới. Một trong những đề xuất nặng ký nhất là cho vay vốn lãi suất 0% đối với những hộ nông dân có sản lượng một vụ lúa từ 5 tấn trở lên và nông dân tự tạm trữ tại nhà chờ giá tốt. Ý kiến nông dân mà chúng tôi tìm hiểu cũng khác biệt nhau, ông Ba một trung nông ở vùng sông nước Cửu Long góp ý:
“ Theo tôi người nông dân tự làm kho chứa, tự phơi sấy và tự mình tạm trữ thì nó “cầu kỳ” quanh co, lượng lúa của nông dân ít quá , đa số chỉ được 5-7 tấn thành ra làm xong họ phải bán. Tạm trữ số
lượng ít thấy khó làm được. Nếu chính phủ có chính sách cho vay tiền để làm kho tạm trữ chưa chắc người ta muốn vay, những người ruộng nhiều 70 tấn-100 tấn có thể người ta làm.
Tự tạm trữ nghe thì thấy hay, phấn khởi đấy, đem lại cái lợi cho nông dân nhưng thực tế thì thấy khó. Ở đây làm ruộng manh mún lắm chẳng phải như cánh đồng mẫu lớn đâu, toàn làm riêng lẻ thôi cái khó ở chỗ đó. Để hỗ trợ nông dân thì họ làm bao nhiêu cứ cho vay vốn lãi suất thấp, hoặc khi lúc giá lúa thấp thì nhà nước giãn nợ cho nông dân trong mấy tháng đó không đóng lãi cho ngân hàng. Tôi thấy mấy cái đó nó còn dễ hơn là nông dân tự tạm trữ lúa.”
Theo tôi người nông dân tự làm kho chứa, tự phơi sấy và tự mình tạm trữ thì nó "cầu kỳ" quanh co, lượng lúa của nông dân ít quá, đa số chỉ được 5-7 tấn thành ra làm xong họ phải bán. Tạm trữ số lượng ít thấy khó làm được.
ông Ba một trung nông
Trong hơn 2,5 triệu hộ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 14% là canh tác trên 1 héc-ta đất, thống kê cho thấy trung bình 1 hộ nông dân ở vùng này canh tác diện tích 1,1 ha. Ông Tám một người có 3 héc-ta lúa ở Cần Thơ thì tỏ ra vui mừng khi được tin chính phủ sẽ giúp đỡ để nông dân tự tạm trữ lúa, nhưng ông lại nói rằng sẽ chỉ tạm trữ lúa đông xuân còn hè thu, thu đông theo kinh nghiệm của ông giá lúa không chênh lệch nhiều dù có trữ lại. Như thế tạm trữ hay không tạm trữ, quan trọng nhất là đầu ra tiêu thụ và xuất khẩu, điều này hoàn toàn không tùy thuộc nông dân. Ông Tám phát biểu:
“Nông dân làm lúa đã có kinh nghiệm nếu phơi bán trong vòng 1 tháng, 2 tháng thì khác, còn nếu phơi trữ 5-6 tháng trở lên thì phơi cũng chất lượng lắm hoặc là sấy, sấy bây giờ khỏi nói rồi, sấy để giống chất lượng đạt lắm. Chi phí chở tới lò sấy rồi chở về cũng không quá 100đ/kg lúa, nếu trữ lại mà giá lên được 1.000đ/kg thì nông dân phấn khởi lắm, nếu được vay lãi suất 0% thì còn gì sung sướng bằng nông dân mừng lắm.
Phải kiểm soát chặt chẽ từ trên xuống dưới thì mới có thể làm được. Nhưng sợ một số thành phần
tiêu cực thì cũng khó. Vì ai thấy đồng tiền cũng sáng mắt ra, lãi suất 0% nữa nông dân rất là cần. Nhưng mà “nó” biết nông dân cần nó sẽ thế này thế kia, phải làm thủ tục với nó thành thử ra để cho khả thi phải quản lý chặt từ trên xuống dưới.”
Ở góc độ chuyên môn, TS Phạm Văn Tấn chuyên gia công nghệ sau thu hoạch hiện làm việc ở các tỉnh phía Nam nhận định: đề xuất nông dân tự tạm trữ lúa tại nhà không khả thi, xét về phương diện kỹ thuật, kinh tế và quản lý chất lượng. Lượng lúa ít, đầu tư phương tiện tốn kém, cách phơi sấy đúng cách đòi hỏi kiến thức.
“ Nếu người nông dân làm chủ được hạt lúa khô của họ thì họ có thể bán được giá cao hơn so với hiện nay sau khi thu họach bán ngay tại ruộng. Dù giá cao giá thấp gì tại thời điểm đó cũng phải bán, tại vì người nông dân không có phương tiện để tồn trữ. Muốn tồn trữ tại nhà người nông dân phải có máy sấy trong vụ lúa hè thu mùa mưa.”
đề xuất nông dân tự tạm trữ lúa tại nhà không khả thi, xét về phương diện kỹ thuật, kinh tế và quản lý chất lượng. Lượng lúa ít, đầu tư phương tiện tốn kém, cách phơi sấy đúng cách đòi hỏi kiến thức
TS Phạm Văn Tấn
Tạm trữ lúa thay vì tạm trữ gạo
Ở chiến lược đường dài, khi nông dân sản xuất tập trung theo hình thức hợp tác xã, sản xuất theo hợp đồng hay cánh đồng mẫu lớn, việc tạm trữ lúa gạo với sự hỗ trợ của chính phủ về vốn không lãi suất có thể mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, hiện nay tổng sản lượng và diện tích trồng lúa theo hợp đồng vẫn còn là những con số rất khiêm tốn so với mức 7 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm.
Chúng tôi khá ngạc nhiên khi một nông dân ở Kiên Giang cho rằng, mấu chốt của vấn đề là chính phủ chỉ đạo mua gạo tạm trữ chứ không phải mua lúa và việc này tạo ra trung gian xén hết tiền lời của nông dân. Ông nói:
“Trước đây chỉ nói mua gạo tạm trữ chứ có bao giờ mua lúa tạm trữ đâu. Để giá lúa có thể được cao, không đặt vấn đề ép giá, chỉ khi chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp trực tiếp mua lúa để tạm trữ thì nó mới có lợi cho
người nông dân. Chứ mua gạo tạm trữ thì lúa qua tay thương lái đến nhà may xay xát rồi mới đến tay nhà xuất khẩu. Tạm trữ qua quá nhiều trung gian thành ra lúa của nông dân bị ép giá. Nếu tạm trữ là mua lúa tạm trữ, nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp thì mới được chứ bán qua thương lái người trung gian thì bị ép giá nên giá lúa vẫn thấp. Doanh nghiệp mua lúa tạm trữ có thể thuê thương lái chở lúa mướn, ấn định một ký lợi nhuận là bao nhiêu. Thương lái trở thành người chở thuê cho các doanh nghiệp thì người nông dân mới không bị ép giá. Thương lái họ sẽ chấp nhận làm, vì một ghe lúa cả trăm tấn, thí dụ trước đây lời 100đ/kg thì bây giờ chở thuê được 50đ/kg thôi, nhưng anh có thể chở nhiều chuyến lại không cần lo vốn. Nếu làm vậy thương lái sẽ đi làm thuê cho các doanh nghiệp.”
Để giá lúa có thể được cao, không đặt vấn đề ép giá, chỉ khi chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp trực tiếp mua lúa để tạm trữ thì nó mới có lợi cho người nông dân.
một nông dân
Trên thực tế ở mô hình cánh đồng mẫu lớn, thương lái trung gian hay còn gọi là hàng xáo đã trở thành những người cung cấp dịch vụ chở lúa mà nông dân trực tiếp bán cho doanh nghiệp. Ông Đoàn Ngọc Phả, phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang nhận định:
“Thí dụ giữa Công ty Bảo vệ Thực vật và nông dân, công ty có hợp đồng nhận lúa tươi tại đồng, nông dân kéo lúa ra chỗ sát mé lộ tức là chỗ có thể đem xuống ghe. Công ty thuê những người vận chuyển, những ghe này trước đây họ rong ruỗi đi mua lúa có khi hai ba ngày mới đầy một ghe, cho nên chi phí riêng của họ cũng lớn mà chi phí xã hội cũng lớn. Bây giờ công ty hợp đồng tại cánh đồng nào đó anh đến đó chở lúa cho chúng tôi, tiền công tính theo cây số. Như vậy đội ngũ này (thương lái) sẽ dần dần chuyển qua chở lúa cho doanh nghiệp, ghe chở lúa từ cánh đồng tới nhà máy để người ta đem lên sấy và nhập kho. Thành ra họ (thương lái) cũng tham gia vào chuỗi nhưng bằng hình thức chở thuê, việc này tránh được trường hợp chạy chiếc ghe 30-40 tấn đi rong ruỗi mua trôi nổi, có khi mua không được phải tốn kém chi phí tiền ăn, tiền xăng dầu, như vậy khâu trung gian này tăng chi phí xã hội. Còn nếu họ tham gia khâu vận chuyển thì lợi ích xã hội tăng lên và lợi ích cá nhân được đảm bảo hơn.”
Từ nhiều năm nay, mỗi khi thu hoạch rộ để tránh tình trạng lúa rớt giá khó tiêu thụ, chính phủ quyết định cho thực hiện kế hoạch mua tạm trữ và thường ấn định là “qui gạo”. Thí dụ “mua tạm trữ 1 triệu tấn qui gạo” với giá lúa bảo đảm nông dân có lãi 30%. Mua gạo chứ không phải mua lúa là một điều mà thoạt nghe rất bình thường, nhưng bên trong lại là một sự khác biệt rất lớn. Các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe ý kiến nông dân về vấn đề mua lúa tạm trữ thay vì gạo, việc trữ lúa thay vì gạo có thể là một chương mới trong cuộc cách mạng lúa gạo ở Việt Nam.
Theo dòng thời sự:
- Tìm giải pháp thay thế mua tạm trữ gạo
- Tại sao nông dân sợ hãi "mua tạm trữ"
- Đề xuất giúp nông dân tự tạm trữ lúa
- Nỗi khổ nông dân: lúa nhiều nhưng giá thấp
- Những câu hỏi từ Đồng Bằng Sông Cửu Long
- Nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi
- Đồng bằng Cửu Long: bấp bênh giá lúa
- 20 năm nữa nông dân trồng lúa mới khá
- Lúa gạo bất ổn cả sản xuất lẫn đầu ra
- Lại tái diễn được mùa rớt giá
- Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao
- Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?