Khi Hội Nông dân là công cụ của Đảng

0:00 / 0:00

Vào lúc nông nghiệp khủng hoảng nghiêm trọng vì bế tắc thị trường tiêu thụ, Hội Nông dân Việt Nam họp Đại hội Toàn quốc từ ngày 1 tới 3 tháng 7 ở Hà Nội với các khẩu hiệu hoành tráng “Đoàn kết-Đổi mới-Chủ động-Hội nhập-Phát triển bền vững.”

Vẫn là một tổ chức chính trị

Hội Nông dân Việt Nam đã có lịch sử 83 năm và nay sau nhiều lần đổi tên, nó vẫn không thoát ra khỏi những cái áo ban đầu là một tổ chức chính trị được thành lập để hậu thuẫn cho phong trào cộng sản và sau này là Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Liệu tổ chức được cho là có 10 triệu hội viên đó, ngày nay có thực lòng trên dưới ủng hộ Đảng và Nhà nước hay không. Đây là một câu hỏi khó trả lời. Đối với những người nông dân bình thường, canh tác, chăn nuôi, thả cá, nuôi tôm là những vấn đề thiết thân cho cuộc sống và cuộc sống này đang bị đe dọa vì nông nghiệp khủng hoảng. Một điều được chính các giới chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhìn nhận.

Nông dân nghĩ gì về Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức mà tên gọi rõ ràng mang tính cách đại diện cho họ.

Ông Trần Hai một nông dân ở miền Trung nói với chúng tôi là Hội Nông dân không thể hiện sự đồng hành với nông dân. Ông nói:

“Thực tế ở xã cũng có Hội nông dân nhưng cũng xin nói rõ ràng cụ thể, chẳng qua Hội Nông dân mang tính cách chính trị, tính cách hình thức. Còn thực tế làm sao cho người nông dân xóa được đói giảm được nghèo, tất cả mọi thứ đó nhà nông tự bươn chải, tự đi trên con thuyền của mình, chứ cũng chẳng có ai hỗ trợ để cho con thuyền đó lướt sóng vươn ra biển khơi hết…chẳng thấy Hội Nông dân ở đâu.”

Hội Nông dân là cơ cấu bên Đảng ủy, hồi nào tới giờ cái đó được Nhà nước chỉ định… còn bầu thì anh biết chỉ có Hội đồng Nhân dân. <br/> -Một nông dân

Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi đóng góp chủ yếu về gạo và thủy sản xuất khẩu với kim ngạch nhiều tỷ USD hàng năm, nông dân ở đây khi nói về tổ chức Hội đại diện cho giai cấp của mình cũng tỏ ra kém vui. Ông Tám, một nông dân làm lúa ở Cần Thơ phát biểu:

“Hội Nông dân gắn cho họ trách nhiệm phải lo cho nông dân, nhưng họ lo đâu đâu không à. Lo cho nông dân thì phải lo từ chi phí đầu vào cho tới đầu ra, từ đó mới đánh giá được thu nhập của nông dân là bao nhiêu phần trăm…chỉ nói khoác không được gì hết, còn nông dân thì chết thằng nào thằng đó chịu. Hơn nữa bên ngân hàng, đúng ra Hội Nông dân phải can thiệp bên ngân hàng giúp đỡ cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi trong lúc khó khăn…đàng này không làm được gì hết, chỉ là đặt ra cái chức danh ngồi đó chơi, sơi nước lãnh lương hưởng bổng lộc Nhà nước, làm việc quá vô tình…nông dân bức xúc.”

Có lẽ những người nông dân mà chúng tôi tiếp xúc trông chờ cây đũa thần từ Hội Nông dân để bảo vệ cuộc sống cho họ. Nhưng họ có vẻ không nhìn thấy sự khác biệt, giữa một Hội nông dân độc lập mà lãnh đạo các cấp do chính họ bầu ra và một Hội nông dân mà giới chức điều hành là các công chức, đảng viên được bổ nhiệm.

Một nông dân miền Đông Nam bộ hiểu rõ điều này, nhưng chỉ trả lời chúng tôi hết sức vắn tắt:

“Hội Nông dân là cơ cấu bên Đảng ủy, hồi nào tới giờ cái đó được Nhà nước chỉ định… còn bầu thì anh biết chỉ có Hội đồng Nhân dân, hay bầu đại biểu Quốc hội thì người dân bầu, chứ Hội Nông dân nói chung cái đó cơ cấu bên Nhà nước.”

Với cách nhìn sâu rộng hơn, ông Nguyễn Vịnh, một nông dân trồng cà phê và cũng là nhà tư vấn cho nông dân Tây nguyên nhận định là, khi nào luật pháp cho phép nông dân tự lập hội thì vấn đề bảo vệ quyền lợi của nông dân mới hiện thực. Thí dụ khi có Hiệp hội nông dân trồng lúa có tiếng nói mạnh, thì sẽ là đối trọng với các doanh nghiệp, giá cả khi ấy sẽ là thỏa thuận chứ không phải bị áp đặt từ một phía. Ông Nguyễn Vịnh tiếp lời:

“Hội Nông dân Việt Nam là một tổ chức chính trị mang tính xã hội rộng rãi chứ không phải một hiệp hội sản xuất. Cái đó khác nhau về bản chất, Hội Nông dân họ làm nhiệm vụ chính trị …tổ chức quần chúng ủng hộ chính quyền trong việc xây dựng xã hội thôi, còn sản xuất ngành nghề thì họ không lo nổi. Hội Nông dân bàn chuyện chung về phong trào sản xuất, còn đi vào chuyên ngành ví dụ Hiệp hội cà phê, Hiệp hội sản xuất tiêu, làm gì có nông dân nào là hội viên. Tất cả các hiệp hội nói chính xác là hiệp hội của những doanh nghiệp ngành nghề đó.”

Nông dân bị đối xử bất công

Một người đang chăn bò tại tỉnh Gia Lai hôm 12 tháng 3 năm 2013.
Một người đang chăn bò tại tỉnh Gia Lai hôm 12 tháng 3 năm 2013. (AFP PHOTO / HOANG DINH Nam)

Nếu như Hội Nông dân Việt Nam là một công cụ của Đảng và Nhà nước, thì với tư cách 10 triệu hội viên đại diện cho 70% dân số và 50% lực lượng lao động xã hội trực tiếp sản xuất nông lâm ngư nghiệp, giai cấp nông dân đang bị đối xử bất công.

Ngày 2/7, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội Nông dân Việt Nam diễn ra ở Hà Nội, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn có bài tham luận trước 1.200 đại biểu nông dân, TS Sơn nói rằng nông dân phải có cơ hội được chia sẻ mọi lợi ích. Ông kêu gọi chính quyền cần phải đổi mới nhận thức, coi trọng xây dựng, phát triển giai cấp nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp, nông thôn phải được phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dường như trong vai trò nhà nghiên cứu chính sách và chiến lược, TS Đặng Kim Sơn muốn dóng một tiếng chuông cảnh tỉnh cho chế độ mà ông đang phục vụ. Một tuần trước khi Đại hội Nông dân Toàn quốc diễn ra, ngày 26/6 trên báo Saigon Tiếp Thị Online, TS Đặng Kim Sơn đã gởi đi một thông điệp thật rõ ràng: “Nông dân, nông thôn bị lấy đi quá lớn so với được trả lại.”

Trong tư liệu của chúng tôi, TS Đặng Kim Sơn từ lâu đã báo động về khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày một rộng thêm. Ông nói:

Nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp của người nông dân, với mức độ hy sinh của người nông dân, cũng như những thành tích mà nông nghiệp đem lại. <br/> -TS Đặng Kim Sơn

“…Phải nói là cái mà nông dân được hưởng, nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp của người nông dân, với mức độ phấn đấu hy sinh của người nông dân, cũng như những thành tích mà nông nghiệp đem lại. Đầu tư công cho nông nghiệp là thấp, đầu tư của toàn xã hội cho nông nghiệp là thấp. Mức tăng trường của nông dân về đời sống tuy cao nhưng chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng của đời sống của người dân ở đô thị…thu nhập trung bình của cư dân nông thôn chỉ bằng một nửa so với thu nhập trung bình của cư dân thành thị… rõ ràng là người Việt Nam không hài lòng với mức chênh lệch này…”

Theo những gì TS Đặng Kim Sơn nhận định trên SGTT Online, phần hy sinh to lớn của nông dân bị bỏ quên, giá lúa gạo, nông sản rẻ thê thảm, trong khi nông dân thiệt hại thì lại giúp cho rổ hàng hóa khả quan lên, lạm phát giảm đi. Lạm phát giảm nên Chính phủ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ. Hy sinh của nông nghiệp để bù đắp cho nợ xấu ngân hàng, khó khăn của doanh nghiệp.

Trả lời chúng tôi cùng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội nhận định, mấy tháng đầu năm nay lạm phát tiếp tục xuống thấp, đó là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có thể làm cho Việt Nam thấy đấy là đã có những tiến bộ nhất định. Nhưng sự thật lại khác, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh:

"Cái vui lạm phát thấp thì nó lại bị trả giá bằng nỗi buồn của người nông dân là không tiêu thụ được sản phẩm. Và do sản phẩm lương thực thực phẩm có mức giá rất thấp mà vẫn khó tiêu thụ cho nên nó làm cho lạm phát xuống thấp. Như vậy có thể nói nỗi vui một chút về cải thiện kinh tế vĩ mô thì nó trả giá bằng nỗi buồn của một lực lượng đông đảo nông dân như vậy, bằng sự hy sinh của nông dân như vậy. Thực sự tôi rất lo lắng vì thị trường trong nước những năm gần đây, đặc biệt hai năm gần đây đã xuống rất nhiều về sức mua. Phải nói là sức của các nhà đầu tư trong nước cũng như của người dân đã kiệt quệ đi rất nhiều, túi tiền của họ vơi đi rất nhiều, cũng do yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô lạm phát cao. Cho nên ai cũng phải thắt lưng buộc bụng và khả năng tiêu thụ giảm đi rất đáng kể. Điều đó lại đánh vào người nông dân, người ta không bán được sản phẩm và thu nhập không được bao nhiêu."

Theo bà Phạm Chi Lan, thị trường nông thôn đáng lẽ ra là một thị trường rộng lớn có thể tiêu thụ được nhiều sản phẩm khác nhau trong đó có cả sản phẩm nông nghiệp. Bây giờ với tình hình khó khăn như vậy thì một lực lượng nông dân rất đông đảo khoảng 50 triệu người thì cũng không trở thành thị trường được cho chính sản phẩm của mình, cũng như các sản phẩm khác trong xã hội.

Ở Thái Lan, đảng chính trị nào dựa vào lá phiếu của nông dân để thắng cử, đều áp dụng chính sách đặc biệt với nông dân. Điển hình là chính sách ký gởi lúa gạo thời ông Thaksin những năm đầu thập kỷ 2.000. Tương tự hiện nay, chính phủ Yingluck đã áp dụng cơ chế mua lúa cao hơn giá thị trường 50%, tăng thu nhập cho nông dân, bất chấp phản đối của hiệp hội xuất khẩu gạo.

Nếu nông dân Việt Nam là công cụ của Đảng và Nhà nước, thì lúa gạo họ làm ra có thể xem là vũ khí chính trị. Tuy vậy Việt Nam theo chế độ một đảng cai trị toàn dân, nông dân không thể bỏ phiếu cho một đảng nào khác. Vũ khí chính trị lúa gạo không thể giúp người nông dân Việt Nam được nhiều quyền lợi hơn. Người vận dụng vũ khí chính trị này là Đảng và Nhà nước chứ không phải nông dân.