Nhiều Nông dân Nam Định không đồng ý giao đất

Tình hình thu hồi đất của nông dân tại ba xã ở Nam Định mà chính quyền địa phương nói để làm khu công nghiệp tiếp tục âm ỉ nóng. Tin cho biết còn chừng một phần chín các hộ nằm trong diện bị giải tỏa không đồng ý giao đất.

Túc trực đề phòng

Vào những ngày cuối năm dù thời tiết lạnh giá và phải lo kiếm tiền để chuẩn bị cho những ngày Tết sắp đến, thế nhưng đại diện của chừng 100 hộ dân còn lại tại ba xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái, thuyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định phải túc trực để phòng việc cơ quan chức năng hoặc công nhân Khu công nghiệp Bảo Minh dùng phương tiện cơ giới để lấp đi phần đất còn lại mà dân chưa đồng ý giao.

Một người trong số những nguời có mặt ‘giữ đất’ vào chiều ngày 24 tại đó cho biết:

“Họ đổ đất sát nhà mình, nếu không tập trung đông người giữ họ sẽ đưa máy gạt đến làm chừng 15 phút là mất nhà, mất đất. Hiện chúng tôi đang ngồi đông để đề phòng sợ họ làm vào ban đêm. Chúng tôi sợ nhân dịp Chúa Giáng Sinh, dân lo đi lễ họ sẽ làm.”

Bồi thường bất công

vu_ban_nam_dinh_250.jpg
Công an, bộ đội cưỡng chế đất của người dân thuộc 3 xã: Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái - huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định hồi năm 2010. Courtesy nuvuongcongly.

Nguyên nhân mà 100 hộ trong tổng số gần 900 hộ tại ba xã vừa nói tại huyện Vụ Bản không đồng ý giao đất để làm khu công nghiệp Bảo Minh trước hết vì chuyện bồi thường mà người dân cho là bất công. Vì theo tìm hiểu của họ thì sau khi thu hồi đất của dân, khu công nghiệp đã bán lại cho đơn vị đầu tư với giá mà theo họ cao gấp cả trăm lần giá đền bù:

“Họ vây tường xung quanh, bên trong đường còn làm nham nhở; nhưng đất bán cho lâm nghiệp, lâm sản 5,1 héc ta với giá 305 tỷ. Chúng tôi chia ra chừng 6 triệu một mét vuông mà họ trả cho chúng tôi chỉ chừngb 60 ngàn/mét vuông thôi.”

Người dân cũng bức xúc vì lời hứa của ông Nguyễn Văn Tuấn khi còn trong cương vị phó chủ tịch tỉnh đưa ra là có thể trả lại đất ruộng cho dân. Thế nhưng nay khi đã yên vị trong chức chủ tịch thì ông Nguyễn Văn Tuấn không còn giữ lời hứa đó nữa và tránh không tiếp dân:

“Trước đây ông Nguyễn Văn Tuấn khi còn là phó chủ tịch tỉnh, nay là chủ tịch tỉnh, hồi ngày 24 tháng 9 năm 2008 có về gặp trực tiếp dân. Lúc đó ông có nói 32 ngàn đồng một mét vuông, trả thêm 10 ngàn nữa tổng cộng 42 ngàn đồng/mét vuông. Nếu nhất trí thì bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thi công, nếu không nhất trí thì chuẩn bị tiền trả lại nhà đầu tư, và nhà đầu tư trả lại ruộng. Lúc đó ông nói như thế nhưng khi lên chức chủ tịch, ông ấy xoay ngược 180 độ.”

Hôm ngày thứ tư 21 tháng 12 vừa qua, gần 200 người dân tại ba xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái tập trung để kỷ niệm một năm chính quyền sử dụng bạo lực để cưỡng chế họ. Dù vụ việc diễn ra trong trật tự, nhưng cơ quan chức năng đã dùng biện pháp trấn dẹp cuộc tuần hành đó sau nửa giờ diễn ra.

Họ vây tường xung quanh, bên trong đường còn làm nham nhở; nhưng đất bán cho lâm nghiệp, lâm sản 5,1 héc ta với giá 305 tỷ. Chúng tôi chia ra chừng 6 triệu một mét vuông mà họ trả cho chúng tôi chỉ chừngb 60 ngàn/mét vuông thôi.

Một người dân Nam Định

Suốt những ngày qua, nhiều người dân địa phương cho biết họ bị theo dõi và áp đảo bởi những thành phần mà theo họ là nhân viên công lực giả dạng:

“Những người đi biểu tình mà ‘biết ăn, biết nói’ bị theo dõi. Có những trường hợp đóng giả vào tận nhà tìm hiểu để tìm cách khống chế. Có mấy người bị yêu cầu bỏ những khẩu hiệu ví dụ như ‘Chính phủ ơi, công lý ở đâu cứu dân với’, ‘Kỷ niệm 1 năm ngay tại đây dân bị cưỡng chế vì không bán ruộng rẻ’, ‘Trả lại ruộng cho dân’, ‘Giải phóng mặt bằng bằng dùi cui, roi điện’. Dân bị tìm hiểu, theo dõi những khẩu hiệu đó ở đâu…”

Chúng tôi cố liên lạc với cơ quan công an địa phương để hỏi về những thông tin mà người dân đưa ra như vừa nêu; thế nhưng mọi nỗ lực đều bất thành.

Nhiều người dân bị mất đất tại ba xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái cho biết do không còn phương tiện sản xuất, lâu nay số tiền bồi thường nhỏ nhoi cũng vơi dần, họ trở thành những người làm thuê thời vụ, cuộc sống trở nên khó khăn nhất là vào thời điểm cuối năm, gần Tết hiện nay:

“Cuộc sống ở đây, chủ yếu sống về nông nghiệp mà tiền đền bù rẻ mạt chừng 20 triệu một sào nên ăn đong vài năm nay cũng hết. Có gia đình cải tạo được chút nhà cửa, có nhà mua xe cho con đi học, tiền học… Hiện nay đi làm thuê hết, có người đi phu hồ, làm thuê, có người đêm đi bắt cá.. Hộ nghèo ở đây giờ tăng lên.”

Tình trạng nông dân bị lấy đất ở ba xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định không phải cá biệt tại Việt Nam. Nhiều trường hợp ở các địa phương khác cũng tương tự và nạn nhân phải tốn bao công sức, thời gian để khiếu kiện từ cấp địa phương lên đến cấp trung ương. Thế nhưng các cấp đùn đẩy cho nhau không ai giải quyết. Mất mát lớn vẫn thuộc về người nông dân có đất rơi vào khu qui hoạch. Từ chỗ có đất ruộng để sinh kế ngày qua ngày, họ trở nên lưu dân trên chính mảnh đất từng bao đời nuôi sống cha ông, bản thân và con cháu họ.

Theo dòng thời sự: