Xuất khẩu gạo thắng lớn, nông dân thua

Các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi vì lượng gạo xuất khẩu lớn giá cao. Câu hỏi đặt ra là nông dân trồng lúa thu nhập ra sao, chưa kể vụ thu đông bị thiệt hại vì lũ đồng bằng sông Cửu Long.

0:00 / 0:00

Bán lúa giá thấp

Từ ngày 7/10/2011 chính phủ Thái Lan thực hiện cam kết mua lúa của nông dân với giá 15.000 baht/tấn tức tăng 50%, giá này tương đương 10.000đ/kg lúa theo tiền Việt Nam, mức giá làm kinh ngạc người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long. Hơn một tuần trước thời điểm 7/10, giá gạo xuất khẩu trên thị trường Đông Nam Á cũng đã tăng khá cao, cụ thể doanh nghiệp Thái Lan chào giá gạo trắng 100% B khoảng 630-660 USD/tấn so với mức 595 USD một tuần trước. Gạo 5% tấm của Việt Nam cũng tăng khoảng 20USD lên 570 USD/tấn.

034_1626386-250.jpg
Nông dân ĐBSCL đập lúa vụ Hè-Thu. AFP photo (Nông dân ĐBSCL đập lúa vụ Hè-Thu. AFP photo)

Chuyện doanh nghiệp xuất khẩu gạo bán được với giá cao hơn nhưng nông dân có bán được giá lúa cao tương ứng lại là câu chuyện khác. Hè Thu vụ lúa lớn thứ hai trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất với sản lượng 9 triệu tấn lúa. Một người trồng lúa vùng Tứ Giác Long Xuyên phát biểu:

“Nếu như gạo đã lên giá thì trong dân cũng không còn, có ai còn nhiều lúa đâu. Thường là vậy, khi sắp hết lúa thì giá gạo tăng giá lúa tăng. Thời điểm tôi bán lúa ướt giá 6.100đ-6.200đ/kg, vừa rồi có một số người thu hoạch thật muộn, họ mới bán chỉ được 5.500đ-5.600đ/kg thôi.”

Nếu như gạo đã lên giá thì trong dân cũng không còn, có ai còn nhiều lúa đâu. Thường là vậy, khi sắp hết lúa thì giá gạo tăng giá lúa tăng.

Một nông dân vùng Tứ Giác Long Xuyên

Không thể phủ nhận tác động giá gạo Thái Lan đã giúp thị trường lúa gạo Việt Nam nhộn nhịp hơn, chưa có năm nào vụ Hè Thu ở đồng bằng sông Cửu Long lại được giá như vậy, trước đây lúa Hè Thu luôn khó bán hoặc bị ép giá vì thu hoạch trong mùa mưa chất lượng thấp. Người nông dân nói chuyện lời lỗ thực tế của mình:

“Tính trong ba tuần lễ, giá lúa lên xuống nhưng vẫn nằm ở mức cao, theo tôi thấy lợi nhuận từ 50% tới 60%. Lý do lợi nhuận cao là vì vụ rồi mình mua phân bón lúc giá còn rẻ. Hiện tại giá phân bón lên gần gấp rưỡi hồi đầu vụ Hè Thu lúc tôi mua, giá phân đạm Phú Mỹ bây giờ đến 13.000đ/kg tức hơn 600.000đ một bao 50Kg, còn phân DAP lúc trước tôi mua 600.000đ/ bao bây giờ gần một triệu rồi. Trước mắt vụ Đông Xuân tới rất khó khăn nếu giá lúa ướt 5.500đ-6.000đ/kg mà giá phân như vậy thì lợi nhuận sẽ không được bằng vụ Hè Thu này.”

Đê vỡ trắng tay

9-250.jpg
Một đoạn đê bao ở ĐBSCL bị sạt lở. Photo courtesy of khoahoc.vn

Ngày 27/9 Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn dự báo sản lượng lúa của Việt Nam trọn năm 2011 đạt kỷ lục 42 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2010 do tăng diện tích trồng lúa, đặc biệt tăng gần 3% diện tích lúa vụ ba trên toàn quốc. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh vỡ đê bao hàng loạt ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi người dân được khuyến khích làm lúa vụ ba ngay trong mùa lũ bên trong những vùng đê bao khép kín.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long đưa ra một nhận định chung về sản xuất lúa ở khu vực này:

“Hiện nay vụ Hè Thu đã hoàn thành rất thắng lợi, giá tương đối cao ở mức 6.000đ-7.000đ/kg lúa, bà con nông dân rất phấn khởi, còn vụ Thu Đông dự kiến năm nay 500.000 hec-ta, một số nơi đang thu hoạch, đúng ra một số nơi ở Đồng Tháp An Giang, làm vụ Hè Thu người ta thu hoạch sớm để tránh lũ đầu vụ, nhưng do chủ quan vụ rồi nước thấp và giá lúa tương đối cao cho nên bà con một số nơi cố làm, chứ thực chất từ trước tới nay những vùng đó không làm vụ Thu Đông.”

Nếu có thiệt hại thêm một số nữa thì thực ra cũng không ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu về sản lượng lương thực của tỉnh Đồng Tháp, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và thu nhập của người nông dân.

Ông Dương Nghĩa Quốc

An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long có diện tích lúa vụ ba Thu Đông khá lớn và được sản xuất bên trong các đê bao khép kín. Do 10 năm không có lũ cao, nên hệ thống đê bao không được gia cố và đã xảy ra vỡ đê hàng loạt trong những ngày cuối tháng 9. An Giang có 130.000 héc ta lúa Thu Đông và mới chỉ thu hoạch 3.000 héc-ta, nhưng ông Đỗ Vũ Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang nói với Thời Báo Kinh Tế Saigon rằng, trong tình huống xấu nhất cả vụ Thu Đông mất trắng thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến an ninh lương thực của tỉnh.

Tỉnh Đồng Tháp đỡ hơn vì với diện tích Thu Đông 100.000 héc ta thì đã thu hoạch 75.000 hécta còn lại 25.000 héc-ta. Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Đồng Tháp phát biểu với chúng tôi:

“Mực nước đang dâng cao, hiện nay trên tinh thần quyết tâm bảo vệ diện tích lúa còn lại. Nếu có thiệt hại thêm một số nữa thì thực ra cũng không ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu về sản lượng lương thực của tỉnh Đồng Tháp, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và thu nhập của người nông dân.”

Gần đây, hãng thông tấn Reuters trích lời giới thương nhân nói rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể không bị ảnh hưởng bởi thiệt hại vụ Thu Đông là vụ thứ ba ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó vụ này sản lượng nhỏ và dành cho tiêu dùng trong nước.

vo-de-250.jpg
Người dân và chính quyền đang gia cố một đoạn đê bao ở ĐBSCL bị sạt lở. Photo courtesy of khoahoc.vn.

Cuối tháng 9, VFA Hiệp hội Lương thực Việt Nam nói rằng đang tồn kho 1,5 triệu tấn gạo, cộng với 800.000 ngàn tấn gạo hàng hóa dự kiến của vụ Thu Đông và vụ mùa, như thế có đủ gạo đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong quí IV và tồn kho gối đầu năm sau. Việt Nam dự kiến xuất khẩu 7,3 triệu tấn gạo trong năm 2011, mức cao nhất từ trước tới nay và đến 30/9 đã giao hàng gần 5 triệu 900 ngàn tấn, như vậy trong quí IV chỉ còn xuất thêm khoảng 1,4 triệu tấn.

Gạo đã tồn kho, giá xuất khẩu tăng cao các doanh nghiệp hưởng phần chênh lệch lớn, còn nông dân đã bán lúa cũng được một ít lợi nhuận nhất định. Đáng thương là những người làm lúa Thu Đông trong đê bao khép kín ở đồng bằng sông Cửu Long, vì dù có mất trắng thì chỉ có họ là nạn nhân chứ an ninh lương thực và kế hoạch xuất khẩu của Việt Nam chẳng bị ảnh hưởng gì.

Theo dòng thời sự: